Tổng Thống Nam Hàn Park Geun-Hee
(phải) trong chuyến thăm Brazil năm 2015 gặp Tổng Thống Dilma Rousseff. Hiện tại
hai nữ tổng thống này đều đã bị truất phế. (Hình: Antonio Cruz/ Agencia Brasil
via Wikipedia)
Tòa Án Hiến Pháp Nam Hàn hôm Thứ
Sáu tuần trước loan báo quyết định truất phế bà Park Geun-hye khỏi chức vụ tổng
thống.
Tháng Mười năm ngoái, bà Park bị
vướng mắc vào vụ tai tiếng lạm quyền và tham nhũng của người bạn thân cận lâu
năm Choi Soon-sil.
Sau nhiều tuần lễ hàng triệu dân
chúng xuống đường đòi tổng thống từ chức và mở cuộc điều tra, Quốc Hội quyết định
đưa bà ra đàn hặc (hạch tội). Cuối cùng bà Park đề nghị xin từ nhiệm và yêu cầu
Quốc Hội dàn xếp việc chuyển giao quyền hành, nhưng các đảng đối lập không chấp
thuận, cho rằng bà muốn tránh tiến trình đàn hặc.
Ngày 9 Tháng Mười Hai 2016, Quốc
Hội biểu quyết truất hết mọi quyền hành của bà, dù trên danh nghĩa bà vẫn còn
là tổng thống nhưng Thủ Tướng Hwang Kyo-ahn phụ trách tất cả công việc của tổng
thống.
Ngày Thứ Sáu, 10 Tháng Ba năm
2017, 8 thẩm phán Tòa Án Hiến Pháp , tức là Tòa Án Tối Cao, biểu quyết đồng thuận
với kết luận đàn hặc của Quốc Hội. Bà Park Geun-hye chính thức bị loại khỏi chức
vị tổng thống và không còn quyền đặc miễn trong các cuộc điều tra truy tố sau
này.
Quyền Tổng Thống Hwang Kyo-ahn sẽ
lãnh đạo đất nước trong vòng 60 ngày cho tới khi có một tổng thống mới trong cuộc
bầu cử vào Tháng Năm.
Thể thức đàn hặc ở Nam Hàn khác với
Mỹ vì Quốc Hội Nam Hàn chỉ có một viện. Tại Mỹ, Hạ Viện đóng vai trò bồi thẩm
và Thượng Viện đóng vai trò thẩm phán. Trong lịch sử Mỹ chỉ có hai vị tổng thống
bị đàn hặc: năm 1868 Tổng thống thứ 17 Andrew Johnson và năm 1998 Tổng thống thứ
42 Bill Clinton. Cả hai đều bị kết tội ở Hạ Viện nhưng Thượng Viện tha bổng.
Có nhiều người cho rằng Tổng Thống
Donald Trump có thể bị đàn hặc. Lúc này sự chờ đợi ấy là hoang tưởng, việc này
sẽ không thể xảy ra ít nhất là hai năm nữa. Trên nguyên tắc, dù cho ông Trump
có một số vi phạm, nhưng với đảng Cộng Hòa đang nắm đa số ở cả hai viện, đàn hặc
sẽ không đi đến kết quả.
Tại Nam Hàn, đảng của bà Park
Geun-hee thất bại trong cuộc bầu cử ngày 13 Tháng Tư năm 2016, chỉ chiếm được
94 trong 299 ghế Quốc Hội và do đó thất thế khi bà bị đàn hặc. Trước sự chống đối
rộng lớn của quần chúng và quyết định của Quốc Hội, Tòa Án Hiến Pháp đã biểu
quyết chấp nhận 8-0, theo quy định chỉ cần 6 phiếu là đủ giá trị truất phế tổng
thống.
Bà Park Geun-hye (Phác Cận Huệ),
là phụ nữ đầu tiên đắc cử chức vụ lãnh đạo một nước Ðông Á năm 2012, nhưng cũng
là tổng thống Nam Hàn đầu tiên bị truất phế trước khi chấm dứt nhiệm kỳ 5 năm
vào Tháng Hai năm 2018. Bà là trưởng nữ trong ba người con hai gái một trai của
cố Tổng Thống Nam Hàn thứ ba Park Chung-hee (Phác Chánh Hy).
Ông Chung-hee lên nắm chính quyền
năm 1961 bằng một cuộc đảo chính quân sự, và bị ám sát năm 1979, là một nhà
lãnh đạo độc tài nhưng có công phát triển Nam Hàn thành một quốc gia kỹ nghệ
giàu mạnh. Bà vợ của ông bị ám sát năm 1974 và trong 5 năm kế tiếp cô con gái
Park Geun-hee được coi là đệ nhất phu nhân Nam Hàn.
Bà Park Geun-hee, 65 tuổi, chưa
bao giờ lập gia đình, suốt đời hoạt động chính trị. Bà đã là chủ tịch đảng
Saenuri, một đảng trung hữu và dân biểu Quốc Hội từ 1998 đến 2012. Bà đắc cử tổng
thống năm 2012 chiếm 51.5% phiếu cử tri. Nhưng mức tín nhiệm của dân chúng qua 4
năm cầm quyền trồi sụt liên tục, tùy thuộc những sự kiện xảy ra ở Nam Hàn, Bắc
Hàn và ngoại giao quốc tế đặc biệt là Trung Quốc: 40% lúc đầu, lên tới 63% năm
2013, xuống 40% năm 2014, lên trở lại trên 50% giữa năm 2015 rồi rớt xuống 30%
khi đảng của bà thất bại trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Tháng Mười Một năm 2016
khi bà bị đưa ra đàn hặc, mức tín nhiệm bà chỉ có 4% và mức chống đối 93%.
Một trong những nhược điểm của bà
là thiếu trao đổi với truyền thông và quần chúng khi làm tổng thống. Trong hai
năm từ 2013 đến 2015 bà chỉ có 4 lần họp báo trong đó 3 lần chỉ đọc lời phát biểu
không trả lời câu hỏi của các phóng viên. Những lần khác, bà bị tố giác là câu
hỏi và trả lời đã được ấn định trước.
Tổng Thống Park Geun-hee bị dân
chúng chống đối vì nhiều đường lối kinh tế và vấn đề nhân công, đồng thời cũng
có cả chính sách giáo dục quy định các trường trung học chỉ sử dụng sách giáo
khoa về lịch sử do nhà nước ấn hành kể từ năm 2017. Từ Tháng Mười Một năm
ngoái, dân chúng Nam Hàn biểu tình liên tục ở Seoul và các thành phố, xung đột
với cảnh sát, đòi hỏi bà từ chức, có những cuộc biểu tình đông đảo tới nhiều
trăm ngàn người.
Sau khi Tòa Án Hiến Pháp công bố
phán quyết, hàng chục ngàn người tập trung tại một công trường ở Seoul đón mừng
hoan nghênh, trong khi hàng ngàn người ủng hộ bà Park biểu tình chống đối và
xung đột với cảnh sát.
Quyền Tổng Thống Hwang Kyo-ahn
phát biểu trên truyền hình: “Không còn vấn đề đồng ý hay bất đồng ý nữa. Bây giờ
là lúc phải đi tới, chấm dứt xung đột và đối đầu.” Ông ra lệnh cho Bộ Tư Pháp
và cảnh sát phải chuẩn bị tất cả mọi phương cách để đối phó bạo động.
Bà Park vẫn chưa rời khỏi biệt điện
màu xanh, tức là phủ tổng thống, trở về nhà riêng ở khu Nam Seoul và theo lời một
phát ngôn viên phủ tổng thống bà không có dự định đưa ra lời bình luận nào.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn
loan tin đơn giản về việc bà Park Geun-hee bị truất phế. So với các tổng thống
tiền nhiệm, bà là người có chủ trương cứng rắn hơn với Bắc Hàn và đã chấp thuận
cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn tại Nam Hàn, dù cho Trung
Quốc cũng phản đối. Trong giai đoạn 3 tháng kể từ khi bà Park bị Quốc Hội truất
quyền, Bắc Hàn đã phóng 5 hỏa tiễn thử nghiệm trái phép và bị nghi ngờ ám sát
Kim Jong-nam ở Malaysia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ
Mark Toner nói là Mỹ tiếp tục hợp tác với quyền tổng thống và tổng thống tương
lai sẽ được bầu lên trong hai tháng nữa.
Theo lời phát ngôn viên này: “Ðây
là vấn đề nội bộ của Nam Hàn, Mỹ không can dự và hai nước sẽ tiếp tục duy trì
an ninh ổn định tại khu vực.”
Các quan sát viên am hiểu về tình
hình Châu Á cho rằng sau bà Park Geun-hee, Nam Hàn sẽ thay đổi các mối quan hệ
với Trung Quốc và Bắc Hàn. Ứng cử viên Moon Jae-in của đảng Dân Chủ Thống Nhất
hầu như chắc chắn sẽ thắng cử. Trong cuộc bầu cử năm 2012, bà Park Geun-hee thắng
ông Moon Jae-in với tỷ lệ phiếu 51.55%/48.02%.
Ông Moon đã từng tuyên bố muốn tiếp
tục can dự thay vì cô lập Bắc Hàn và có thể đến Bình Nhưỡng để thảo luận với giới
lãnh đạo. Tuy nhiên ông cũng khẳng định sự duy trì liên minh phòng thủ quân sự
với Mỹ và sẵn sàng chấp nhận thỏa hiệp triển khai hỏa tiễn phòng thủ. Theo thỏa
hiệp ký kết năm ngoái, việc này sẽ khởi sự vào mùa Hè nhưng Ngũ Giác Ðài bất ngờ
loan báo các hỏa tiễn đầu tiên đã được đưa đến Nam Hàn hôm Thứ Hai vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét