Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Chánh án TQ ca ngợi thành tích bỏ tù luật sư nhân quyền

Giang Thanh-Luật Khoa



Việc trừng phạt thẳng tay một luật sư nhân quyền được Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc coi là “thành tích nổi bật” của ngành toà án nước này trong năm 2016, theo Al Jazeera.

Điều này được ông đề cập đến trong báo cáo thường niên gửi tới Quốc hội đầu tháng 3 vừa qua. Theo đó, luật sư Zhou Shifeng đã bị kết án 7 năm tù vì tội “lật đổ chính quyền” vào tháng 8/2016.



                                Luật sư Zhou Shifeng trong phiên toà. Ảnh: Shanghai Daily.

Công ty luật Fengrui Zhou Shifeng, với hơn 100 nhân viên, được biết đến ở Trung Quốc như một nơi thường tiếp nhận các hồ sơ nhạy cảm về chính trị như vụ án của các nhà bất đồng chính kiến hay tín đồ của các tôn giáo bị cấm.

Một trong những thân chủ nổi tiếng của hãng là nhà hoạt động Ai Weiwei (Ngải Vị Vị). Hãng luật này cũng nhận bào chữa cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục và một vụ án chấn động khác liên quan đến hàng chục nghìn trẻ bị nhiễm độc từ sữa hồi năm 2008.

Theo BBC, công tố viên đã cáo buộc ông Zhou “kích động các luật sư làm nổi bật các vụ án nhạy cảm và thuê người biểu tình quấy rối các cơ quan tư pháp”.

Cáo trạng vụ án cũng nói ông Zhou “đóng vai trò chính trong một nhóm các nhà hoạt động cố ý thao túng công luận và làm tổn hại an ninh quốc gia bằng cách phổ biến các tư tưởng lật đổ”.

Ngoài hình phạt 7 năm tù, vị luật sư 52 tuổi này còn bị tước các quyền chính trị trong 5 năm.

Các nhà hoạt động và các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc thường bị cáo buộc là móc ngoặc với các tổ chức nước ngoài nhằm phá hoại an ninh quốc gia và chống chính quyền. Kể từ giữa năm 2015, có đến hơn 300 luật sư bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và giam cầm.

Ngày 27/2 vừa qua, 11 đại sứ quán ở Trung Quốc, trong đó có Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Canada, Úc và Nhật, đã gửi thư cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị điều tra về việc tra tấn các luật sư và nhà hoạt động nước này.

Trong một báo cáo khác, Chánh án Zhou Qiang cũng ca ngợi chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Xi Jinping (Tập Cận Bình), trong đó tổng số vụ tham nhũng được xét xử tại tòa án Trung Quốc vào năm ngoái tăng khoảng một phần ba so với năm 2015.

Chủ tịch Xi Jinping đã tiến hành một cuộc đàn áp tham nhũng công khai của chính phủ kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, với hơn một triệu các quan chức bị truy cứu trách nhiệm. Chiến dịch này được xem là một cuộc thanh trừng chính trị.

Trong năm 2016, tòa án Trung Quốc đã xét xử 45.000 vụ án tham nhũng liên quan đến 63.000 người, tăng  34.000 trường hợp so với năm 2015.

Cũng trong năm 2016, Toà án Nhân dân Tối cao đã xét xử gần 23.000 vụ án và các tòa án địa phương đã xét xử khoảng 23 triệu vụ, trong đó chỉ có 1.076 bị cáo được tuyên vô tội, theo số liệu được cung cấp bởi Chánh án Zhou.

Ông Zhou Qiang cũng nói rằng Trung Quốc đã tuyên án tử hình “cho một số lượng rất nhỏ của những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” trong 10 năm qua.

Số lượng thực tế các vụ hành quyết ở Trung Quốc là một bí mật nhà nước, tuy nhiên con số được cho là bằng hoặc hơn tất cả các nước khác cộng lại.

Dui Hua – một tổ chức nhân quyền của Mỹ ước tính có khoảng 2.400 người bị tử hình ở Trung Quốc vào năm 2013, bằng một phần mười so với năm 1983. Họ cũng cho rằng số lượng các vụ hành quyết hàng năm vẫn không thay đổi trong năm 2014 và năm 2015.

Trung Quốc thường kết án tử hình trong các trường hợp giết người, hiếp dâm, cướp tài sản và vi phạm về ma túy. Một quyết định năm 2007 bắt buộc tất cả các vụ án tử hình phải được Tòa án nhân dân tối cao xem xét đã giúp làm giảm đáng kể số lượng các án tử hình được tuyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét