Ảnh báo Dân Sinh
Bằng vào bầu
không khí “thi đua tố cáo” trên mạng xã hội và cả trên mặt báo nhà nước
từ tuần đầu tháng Ba năm 2017 đến nay, có thể nhận ra hơi thở hầm hập
của hội nghị trung ương 5 đảng CSVN đang đến rất gần để phả rát gáy
chính giới.
Cũng bởi theo cái cách mà một địa phương như Đà Nẵng “chiến đấu” với nhau, thì có vẻ chính giới các nơi đều muốn “ăn thua đủ”.
Do đó, Hội nghị
trung ương 5 sắp tới có thể mang tính “quyết liệt” không kém thua gì so
với Đại hội 12. Chỉ có điều, bối cảnh của Hội nghị trung ương 5 so với
thời điểm kết thúc Đại hội 12 là khác hẳn nhau.
Sau Đại hội 12,
thế “hai hổ” đã bất ngờ trở thành thế cực quyền, và đưa ông Nguyễn Phú
Trọng lên đỉnh cao chưa từng có trong sự nghiệp chính trị của đời ông.
Nay thì trước Hội nghị trung ương 5, vòng hào quang trên đầu ông Trọng
dường như không còn chói lọi nữa. Kể từ vụ Yên Bái “cả ba bị bắn” cho
đến nay, nạn cát cứ quyền lực mà đảng luôn lo sợ lại có chiều hướng tăng
dần và tăng mạnh. Thay vì hình ảnh tập quyền ngay sau đại hội 12, giờ
đây đảng phải đối diện với nguy cơ “đa trung tâm quyền lực”. Chẳng phải
ngẫu nhiên mà từ lâu đã hiện ra “dây Thanh Hóa”, “dây miền Trung”, “dây
Nam Bộ”… , chưa kể đồn đãi “tổng bí thư phải là người Bắc và có lý
luận”.
Trong khi đó,
nền kinh tế và ngân sách ngày càng tuột dốc. Nếu tại thời điểm Đại hội
12 được bắt đầu bởi tán thán “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ
đồng mà không biết chi cho cái gì” của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi
Quang Vinh, thì đến đầu năm 2017, tất cả mọi người đều nghe Thủ tướng
Phúc bật thốt cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Sự thật hiển
nhiên là từ Đại hội 12 đến trước Hội nghị trung ương 5, phía chính phủ
vẫn chưa giải quyết được bất cứ khoản tồn đọng nào – từ nợ xấu đến nợ
công và ngân sách quốc gia, chưa kể phát sinh hàng loạt vấn nạn về môi
trường và xã hội.
Hy vọng lớn
nhất của đảng trước và sau Đại hội 2 là Hiệp định TPP, nhưng đến cuối
năm 2016 thì hiệp định này hầu như tan vỡ. Giờ đây trước thềm Hội nghị
trung ương 5, đảng chỉ còn trông mong vào Hiệp định tự do thương mại
Việt Nam – châu Âu (EVFTA). Nhưng ngay cả hiệp định này cũng chưa hề
được triển khai cho dù đã được ký kết từ cuối năm 2015. Nghe đâu, phía
EU hoàn toàn không hài lòng với “thành tích nhân quyền” của chính thể
Việt Nam. Mà nhân quyền lại là một điều kiện then chốt trong EVFTA.
Và nếu sau Đại
hội 12, chính thể Việt Nam vẫn còn có cơ hội để trả treo với chính quyền
Obama về nhân quyền, thương mại và quân sự, thì giờ đây rất nhiều khả
năng Trump không quan tâm, và cũng chẳng muốn biết Hội nghị trung ương 5
là gì.
Khung cảnh bế
tắc toàn diện như thế lại thường dẫn đến kết quả: bất kể ai là người
chiến thắng tại Hội nghị trung ương 5, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa
đáng kể nào nữa.
Trách nhiệm lớn nhất của người chiến thắng là phải kiếm ra tiền để nuôi đảng, nhưng tình cảnh bây giờ lại quá khó để kiếm tiền…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét