L.T.S (VNTB) Diễn văn trong lễ trao bằng tốt nghiệp lần thứ 26 của Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen - TS Bùi Trân Phượng, đã gây bất ngờ đối với nhiều người bởi nội dung nhấn mạnh "giá trị cốt lõi mà trường Hoa Sen theo đuổi từ 1991 tới nay, đã gần một phần tư thế kỷ. Đó là tư duy không vì lợi nhuận và mối đe dọa từ Trung Quốc."
Trong vấn đề "đe dọa từ Trung Quốc", diễn văn đã đề cập đến giàn khoan HD-981, hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá thường niên mà Trung Quốc áp đặt đơn phương lên vùng tranh chấp Biển Đông.
Và theo đó,TS. Bùi Trân Phượng đã nhấn mạnh: "Tôi thiết tha mong các anh chị với tư cách công dân Việt Nam phải suy tư, phải có quan điểm cá nhân về tình hình này, theo dõi những diễn biến tiếp theo và có hành động phù hợp. Cho dù sau này các anh chị có chọn cho mình một công việc hay sự nghiệp tương lai gì đi nữa, các anh chị sẽ luôn nghĩ đến đồng bào ruột thịt và vận mệnh của đất nước."
Đây là lần đầu tiên, vấn đề Trung Quốc xuất hiện trực diện trong bài diễn văn tốt nghiệp đại học, nơi những cử nhân - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước chính thức bước ra trường đời.
Được biết, TS. Bùi Trân Phượng - người viết diễn văn này trước đó đã đạt được giải thưởng "Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục" của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (29/3/2013) vì những hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua góp phần đổi mới giáo dục Đại học và Cao đẳng tại Việt Nam.
Ban biên tập Việt Nam Thời Báo trân trọng giới thiệu toàn văn đến bạn đọc.
Kinh thưa quý bà, quý ông, quý đồng nghiệp, quý phụ huynh và các anh chị tân khoa của Trường đại học Hoa Sen,
Trước tiên, tôi nhiệt liệt chúc mừng 535 anh chị tân khoa, những người chủ của buổi lễ hôm nay.
Tôi rất vui mừng được biết trong Lễ tốt nghiệp lần thứ 26 này, có 66 tân
khoa tốt nghiệp loại xuất sắc và loại giỏi, những tân khoa đang ngồi
hàng ghế vinh dự. Chúng ta hãy dành cho tất cả các tân khoa một tràng
pháo tay thật nồng nhiệt.
Cám ơn quý vị.
Các bạn Tân khoa của Đại học Hoa Sen thân mến,
Các anh chị sắp bước ra khỏi hội trường này để khởi nghiệp trong thời
điểm đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê năm nay của trường,
cứ 100 tân khoa đang ngồi đây, trong hội trường này, có 80 bạn đã tìm
được việc làm và sẽ quay lại làm việc vào thứ hai.
Trong thông điệp gởi đến các tân khoa ngày hôm nay, tôi muốn nói đôi lời
về hai vấn đề dường như không mấy liên quan. Tuy không liên quan với
nhau, nhưng cả hai vấn đề này đều nóng bỏng, thiết thân đối với sứ mạng
giáo dục và những giá trị cốt lõi mà trường Hoa Sen theo đuổi từ 1991
tới nay, đã gần một phần tư thế kỷ. Đó là tư duy không vì lợi nhuận và
mối đe dọa từ Trung Quốc.
Đầu tiên, tôi xin giải thích ý nghĩa của ‘không vì lợi nhuận’. Ở góc độ
pháp lý, một tổ chức phi lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận (cũng có thể
dịch bằng ‘bất vụ lợi’ hay ‘vô vị lợi’) sử dụng lợi nhuận hoặc còn gọi
là chênh lệch thu chi của mình để đạt được mục tiêu đề ra thay vì phân
phối lại cho nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu dưới dạng cổ tức hay lợi nhuận
kinh doanh. Quyết định hoạt động không vì lợi nhuận không có nghĩa là tổ
chức đó không quan tâm tìm lợi nhuận từ những hoạt động hay dịch vụ của
mình. Mỗi quốc gia có luật giới hạn mức độ mà một tổ chức không vì lợi
nhuận được sử dụng phần chênh lệch thu chi để chi trả cho người góp vốn.
Tại Việt Nam, luật giáo dục đại học 2012 và nghị định liên quan có quy
định trường đại học không vì lợi nhuận phải tuân thủ mức trần cổ tức để
dành phần lớn lợi nhuận tái đầu tư vào giáo dục. Đó cũng là điều mà Đại
học Hoa Sen đã thực hiện từ ngày đầu thành lập trường, đang thực hiện và
sẽ tiếp tục thực hiện ngày càng tốt hơn trong tương lai.
TS. Bùi Trân Phượng trong lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh vào năm 2013. |
Tư duy không vì lợi nhuận là khái niệm khác. Trong quá trình học tập,
các anh chị từng nghe đến tinh thần khởi nghiệp, hay sự năng nổ cần
thiết để đi vào cuộc sống thực tế. Các anh chị đã học các kĩ năng để
tăng cường lợi thế cá nhân trong cạnh tranh việc làm tốt và vị thế xã
hội. Tư duy không vì lợi nhuận là tư duy nhìn nhận thế giới xung quanh
ta không phải chỉ bao gồm khách hàng, đối thủ cạnh tranh, đồng minh, nhà
cung ứng, giám đốc và nhân viên, cấp trên và cấp dưới hay lobby chính
trị. Mà xã hội còn bao gồm những người có năng lực khác nhau và cùng
nhau kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Nói cách khác, tư duy không vì
lợi nhuận là ý thức cộng đồng hay ý thức trách nhiệm công dân, là động
cơ khiến ta góp tiền cho một tổ chức từ thiện, giúp người già băng qua
đường, khi lái xe biết nhường đường cho người đi bộ, hay làm việc cho
một tổ chức không vì lợi nhuận như Trung tâm Khuyết tật và phát triển
DRD chẳng hạn. Các anh chị có thể hỏi có phải phục vụ cộng đồng tám
tiếng một ngày và năm ngày một tuần là điều tốt nhất cho các anh chị
không. Câu trả lời của tôi là không nhất thiết. Đã từng và sẽ tiếp tục
có một số cựu sinh viên Hoa Sen chọn lựa như vậy. Nhiều anh chị khác vẫn
làm việc cho một doanh nghiệp bình thường; đồng thời không quên đóng
góp kiến thức, thời gian và tiền bạc để giúp đỡ kể cả những người không
phải thân thuộc. Quan trọng nhất là anh chị vừa phải có tư duy, năng lực
cần thiết để thành công trên thương trường, đồng thời phải có tư duy,
năng lực, thói quen, thậm chí là nhu cầu, khát vọng từ sâu thẳm trái tim
mình đóng góp xây dựng xã hội.
Liên quan đến các bạn tân khoa và Đại học Hoa Sen, tôi mong muốn các bạn
sẽ luôn dõi theo sự phát triển của nhà trường và góp phần đảm bảo rằng
Hoa Sen sẽ tiếp tục tái đầu tư hầu hết, tiến đến là toàn bộ chênh lệch
thu chi vào hoạt động giáo dục và phục vụ cộng đồng. Tôi mong các anh
chị sẽ làm tiếp những gì mà các anh chị đã làm, đó là tham gia đặt ra
những câu hỏi, kể cả chất vấn Ban Giám hiệu về hiệu quả sử dụng học phí
và sự giữ gìn, phát triển các giá trị cốt lõi đã làm nên uy tín, hình
ảnh nhà trường. Và tôi cũng mong, giống như nhiều cựu giảng viên, nhân
viên và cựu sinh viên các lớp trước, các tân khoa ngồi đây sẽ tiếp tục
giữ quan hệ tích cực và đóng góp, ảnh hưởng đến tương lai nhà trường.
Các tân khoa Đại học Hoa Sen thân mến!
Một năm trước, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển
thuộc địa phận Việt Nam và đe dọa sẽ quay trở lại. Nay Trung Quốc đang
củng cố vị trí trên những rạn san hô tại Biển Đông mà họ có được bằng
việc đánh chiếm của Việt Nam. Trung Quốc thậm chí bây giờ đã mang thiết
bị quân sự đặt ở các cấu trúc xây dựng trên các rạn san hô. Những hoạt
động này của Trung Quốc làm xáo trộn giao thông hàng hải bình thường và
hoạt động đánh bắt cá của ngư dân. Đồng thời chúng cũng rõ ràng đưa Việt
Nam vào tình trạng nguy hiểm. Tôi không lặp lại những điều mà mọi người
đã đọc trên các phương tiện truyền thông. Trong tuần này đã có thêm ngư
dân bị giết hại và nhiều người bị thương. Tôi thiết tha mong các anh
chị với tư cách công dân Việt Nam phải suy tư, phải có quan điểm cá nhân
về tình hình này, theo dõi những diễn biến tiếp theo và có hành động
phù hợp. Cho dù sau này các anh chị có chọn cho mình một công việc hay
sự nghiệp tương lai gì đi nữa, các anh chị sẽ luôn nghĩ đến đồng bào
ruột thịt và vận mệnh của đất nước. Các anh chị sẽ luôn thành tâm làm
điều gì đó cho quê hương.
Cuối cùng, các anh chị nhớ chạy xe cẩn thận, đề phòng phụ gia độc hại
của Trung Quốc trong thực phẩm Việt Nam. Hãy luôn thể hiện mình là một
người Việt Nam có học, sống tử tế, làm việc đàng hoàng và cư xử nhân ái.
Thay mặt đội ngũ sư phạm nhà trường, tôi xin vinh danh sự thành công của
các anh chị và chúc các anh chị mọi điều tốt đẹp nhất trên đường đời.
TS. Bùi Trân Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét