Ngô Nhân Dụng
Nhiều người cho rằng
bản thỏa hiệp với Iran là một thành tích đối ngoại sẽ đưa ông Obama vào lịch sử,
cũng như quyết định bỏ cấm vận Cuba. Vì đó là những ngã rẽ trong bang giao giữa
Mỹ với hai nước thù nghịch lâu đời.
Nhưng các sử gia sẽ
phán xét ông Obama trong vụ Iran như thế nào còn tùy thuộc một tương lai đầy bất
trắc. Khi chính quyền Nixon ký Hiệp Ước Paris với Cộng Sản Việt Nam năm 1972, họ
đã biết trước miền Nam sẽ thua trận. Chính họ đã quyết định từ trước; trao miền
Nam Việt Nam cho Cộng Sản để Nga, Trung Cộng và Việt Cộng sau đó tha hồ đấu đá
với nhau. Nhưng thỏa ước nguyên tử với Iran không báo trước một tương lai nào
chắc chắn. Nhiều hậu quả thấy ngay lập tức, nhưng trong 10, 15 năm tới rồi việc
thi hành ra sao, không biết. Ông Obama sẽ còn sống để biết lịch sử sẽ cho ông
điểm A, thành công, hay điểm F, thất bại.
Ngay lập tức, kinh tế
Iran dễ thở hơn. Dầu Iran sắp được giải tỏa trong sáu bẩy tháng nữa. Giá dầu
thô trên thế giới giảm ngay 2.3%, xuống 51 đô la một thùng khi bản thỏa hiệp được
công bố. Iran sẽ tung ra 30 triệu thùng dầu đang bỏ không trong kho. Chưa kể số
dầu nằm dưới đất chiếm 10% số dự trữ dầu của thế giới, lớn hàng thứ ba. Iran sẽ
được giải tỏa 100 tỷ đô la, tài sản bị Mỹ phong tỏa khi một số sinh viên chiếm
Sứ Quán Mỹ, giữ 52 con tin trong 444 ngày. Vụ cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Châu
Âu khiến số dầu Iran xuất cảng giảm một nửa từ năm 2011; tổng sản lượng nội địa
năm 2013 giảm bớt 5%. Khi các công ty và ngân hàng Iran hết bị cấm vận, nền
kinh tế sẽ hội nhập vào thị trường thế giới, thế nào cũng tăng trưởng nhanh
chóng.
Ðể đổi lấy những mối
lợi trên, Iran đã phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo. Số máy ly tâm luyện
nguyên tử đang hoạt động hơn 10 ngàn, trong số 19 ngàn có sẵn, sẽ giảm xuống chỉ
còn hơn 6,000 trong 10 năm tới. Chỉ có hơn 5,000 máy đặt tại uranium được dùng
để luyện chất uranium mà tỷ lệ tinh luyện không được quá 3.67% (phải tinh luyện
tới 90% mới có thể chế thành bom), trong thời hạn 15 năm. Các máy đó thuộc thế
hệ cũ IR-1, còn những máy IR-2 mới hơn sẽ bị đặt dưới quyền kiểm soát của ủy hội
nguyên tử Liên Hiệp Quốc AIEA.
Iran sẽ giảm số
10,000 kg uranium đã tinh luyện xuống chỉ còn 300 và trong 15 năm không xây dựng
thêm nhà máy tinh luyện uranium. Trong thời gian đó, cũng không luyện uranium tại
nhà máy đặt ngầm trong núi ở Fordo; hai phần ba số máy ly tâm ở Fordo sẽ phải
rút đi nơi khác. Các thanh tra Liên Hiệp Quốc được tới điều tra tại cả các căn
cứ quân sự.
Bình thường, một nước
có chủ quyền sẽ coi những nhượng bộ như trên là nhục nhã, chỉ phải chấp nhận
sau khi thua trận. Tổng Thống Mỹ Barack Obama đã tránh cho Tổng Thống Iran
Hassan Rouhani một cách giải thích với dân chúng, rằng Iran không “thua Mỹ” mà
thua cả 5 cường quốc nguyên tử trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, gồm cả
Anh, Pháp, và hai nước Nga và Trung Quốc thân thiện, cộng thêm nước Ðức. Nếu chỉ
thương thuyết với Mỹ, mà bộ máy tuyên truyền vẫn gọi là Quỷ Satan, chắc chính
phủ Iran không bao giờ dám nhượng bộ như vậy. Một lý do khiến hai bên phải kéo
dài thời gian mặc cả là phía Mỹ vẫn giữ lệnh cấm vận không bán vũ khí cho Iran
trong ít nhất năm năm tới. Lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei vẫn muốn bãi bỏ ngay
điều này, và được Nga ủng hộ.
Ông Barack Obama sẽ vất
vả thuyết phục Quốc Hội Mỹ ủng hộ bản thỏa hiệp với Iran. Quốc Hội đã biểu quyết
luật bắt buộc phải đưa bản thỏa ước cho Quốc Hội thông qua trong vòng 60 ngày.
Nếu Quốc Hội bác bỏ, mà đa số các đại biểu thuộc đảng Cộng Hòa sẽ bác bỏ, ông
Obama sẽ phải dùng quyền phủ quyết. Khi đó phe phản đối sẽ phải hội đủ hai phần
ba số phiếu mới thắng được tổng thống. Ông Obama hy vọng sẽ được các nghị sĩ đảng
Dân Chủ ủng hộ; ít nhất 34 người trên 100 là đủ hơn một phần ba Thượng Viện. Nếu
ông Obama thắng tại Quốc Hội, những người đang muốn làm ứng cử viên tổng thống
của đảng Cộng Hòa sẽ giành nhau, coi ai là người chống bản thỏa hiệp với Iran mạnh
hơn. Ông Walker đã “đi tiền” trước: Nếu lên làm tổng thống ông sẽ xé bỏ hiệp ước
với Iran! Sang năm, nếu dại dột nhiều vị sẽ đưa vụ này lên thành một đề tài
tranh cử. Họ sẽ phí thời giờ vô ích, vì dân Mỹ thường không quan tâm đến các vấn
đề ngoại giao, trừ khi đang lâm chiến
Phải chờ ít nhất 5
năm nữa ông Obama mới đoán được bản hiệp ước ông Kerry ký là dại hay khôn.
Nhưng các nước vùng Trung Ðông không thể chờ đợi lâu như vậy. Một nước Iran
không bị phong tỏa sẽ thay đổi thế cờ giữa các nước theo phái Sun Ni và theo
phái Shi A trong vùng. Hầu hết các nước trong vùng Vịnh có một số người Shias;
trừ Bahrain là nơi người Shi A chiếm thiểu số nhưng sống dưới quyền một tiểu
vương theo phái Sun Ni.
Iran sẽ có nhiều tiền
hơn để mua súng giúp các lực lượng quân sự và hoặc gửi tiền cho các nhóm chính
trị của người Shi A, ở nước Á Rập khác đang chống chính quyền Sun Ni cai trị họ.
Khi nghe tin bản thỏa ước Mỹ-Iran, Tổng Thống Syria Bashar Assad đã vui mừng
nói rằng từ nay “đồng chí anh em” Iran sẽ giúp cho chế độ của ông ta nhiều hơn.
Nhóm Hezbollah ở Lebanon, nhóm Houthis ở Yemen cũng vui mừng.
Hành động của Iran sẽ
khiến cho các chính phủ Sun Ni trong vùng, do Á Rập Saudi lãnh đạo, phải lo tự
vệ, mà cách tự vệ sau cùng là họ có thể tìm cách chế bom nguyên tử - như Israel
đã làm mặc dù vẫn chối. Bộ trưởng Quốc Phòng Israel mới nhắc nhở mọi người rằng
nước ông không hề ký vào bản thỏa ước với Iran. Ý nói, nếu Israel không tin Mỹ
ngăn cản được Iran làm bom nguyên tử, họ có thể phải tấn công những lò tinh luyện
tại Iran, như họ đã làm ở Iraq và Syria trước đây. Ông Obama có thể xoa dịu phản
ứng của cả Israel và Saudi bằng những thỏa hiệp bán các vũ khí mới nhất mà lâu
nay hai nước này vẫn bị từ chối! Trung Ðông sẽ diễn ra một cuộc chạy đua vũ
trang. Nga và Trung Cộng sẵn sàng bán hỏa tiễn cho Iran. Các nước Á Rập sẽ là
khách hàng của Mỹ và Châu Âu.
Trong năm năm hay 10
năm tới người ta có thể biết các vị giáo sĩ lãnh đạo Iran muốn giải hòa với thế
giới bên ngoài, đặc biệt là với Mỹ hay không. Họ có thể đủ tự tin để bắt đầu giải
hòa với chính các đối thủ trong vùng, trước hết là Á Rập Saudi. Ðể chiếm lòng
tin của khối các nước Sun Ni, Iran có thể buộc Bashar Assad, một tay chân lâu đời,
rời khỏi ngôi tổng thống Syria; như Saudi và các nước khác vẫn yêu cầu. Thay
vào đó, Iran sẽ yêu cầu khối người theo phái Shi A (gọi là nhóm Alawites) chấp
nhận chia nước Syria thành ba vùng, cho các tín đồ Sun Ni, Shia, và Thiên Chúa
Giáo. Tại Yemen, Iran có thể thỏa hiệp với Saudi để cắt đất chia vùng ảnh hưởng
cho nhóm Houthi theo phái Shi A, cho vị tổng thống cũ được trở về. Tại Iraq,
Iran đang đóng vai chủ động đánh quân IS và đã cộng tác với máy bay Mỹ. Hai nước
có thể thỏa hiệp về cách chia vùng ảnh hưởng giữa các tín đồ Sun Ni với Shi A,
để cùng đánh IS.
Iran có thể tiến tới
các thỏa hiệp với khối các tín đồ Sun Ni do Saudi đang đại diện; nếu họ đồng ý
với nhau rằng lực lượng “Quốc Gia Hồi Giáo” IS mới là mối đe dọa lớn nhất cho cả
hai bên; mà tới nay nhóm IS vẫn còn đang lớn lên dần. Hai bên sẽ thăm dò lẫn
nhau từng bước; sau năm năm có thể bắt đầu thấy có tin được nhau hay không. Sau
mười năm có thể thiết lập những quan hệ kinh tế và chính trị để ràng buộc lẫn
nhau trong một hệ thống mà nước nào rút ra sẽ thấy chỉ thiệt chứ không có lợi.
Nhưng muốn vùng Trung
Ðông thực sự sống yên lành để phát triển kinh tế, Iran sẽ phải lùi một bước
quan trọng nhất: Rút lại lời đe dọa muốn tiêu diệt nước Israel; bằng cách nói
này hay cách khác. Ðiều này rất khó, nhưng mười năm trước đây cũng khó tưởng tượng
có ngày các giáo sĩ Iran lại chịu ký hiệp ước ngưng làm bom nguyên tử với “Quỷ
Sa Tăng” là nước Mỹ! Ðể mở đầu, trong năm năm sắp tới Iran có thể tỏ thiện chí
bằng cách cho các nhóm tay chân ở Lebanon và trong dải Gaza bớt các hành động
vũ lực. Ðiều này sẽ hiện ra trên radar của chính phủ Israel, dần dần hai bên
cùng “hạ hỏa” các lời lẽ chống đối nhau.
Trên đây là những viễn
tượng lạc quan, giả thiết rằng giới lãnh đạo Iran chọn con đường thực tế, nghĩ
đến lợi ích của 80 triệu dân, không còn bị “ý thức hệ” trói buộc. Giả thiết đó
có thể 50% đúng, 50% sai. Tổng Thống Obama đang đánh cá rằng chính quyền Iran bắt
đầu chọn thái độ thực tế. Nếu ông đánh cá sai, lịch sử sẽ coi ông là một anh
ngây thơ bị mắc lừa những con cáo già. Trong thời gian tới, các nhà chính trị Cộng
Hòa sẽ nói ngay điều đó với dân Mỹ.
Nếu ông Obama đánh cá
và thua, lịch sử chỉ có thể nhân nhượng với ông khi đặt câu hỏi: Nếu không có bản
thỏa ước vừa ký, cái gì sẽ xẩy ra?
Các cuộc cấm vận sẽ
tiếp tục không biết đến bao giờ. Kinh tế Iran sẽ trì trệ mãi, dù có được Nga và
Trung Quốc hỗ trợ. Nhưng chỉ cấm vận không thôi thì không đủ buộc Iran ngưng chế
bom nguyên tử, ngược lại sẽ thúc đẩy họ thấy phải có bom sớm, làm nhanh hơn.
Cùng lúc đó, họ sẽ giúp các đàn em ở khắp vùng Trung Ðông khuấy động nhiều hơn.
Cứ như vậy, sẽ tới ngày Mỹ và Israel phải tấn công trực tiếp. Nhưng có nước nào
muốn đem quân tới chiếm đóng Iran hay không? Nếu không, sau đó Iran lại tiếp tục
chế bom nguyên tử thì sao? Vì hơn 10,000 máy ly tâm tinh luyện uranium ở Fordo
đặt dưới hầm trong núi hiện nay chưa có thứ bom hay hỏa tiễn nào phá được.
Trong thời Chiến
Tranh Lạnh, hai nước Mỹ và Liên Xô vẫn đặt quan hệ ngoại giao không bao giờ cắt
đứt. Năm 1963, Tổng Thống Kennedy đã ký một thỏa ước giảm bớt cuộc chạy đua vũ
khí chiến lược với Nga. Trong lịch sử, người ta vẫn phải đánh cá, tin rằng nếu
số mình hên thì loài người sẽ tránh được chiến tranh. Có khi cũng nên đánh cá.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét