Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Không còn là kỷ nguyên lều chõng




Mấy hôm nay trời rất nóng. Đọc các tin về vụ thi tốt nghiệp (kết hợp thi đại học) trên báo chí mà thực sự thương các em. Nào là bị ăn cướp ngay trước khi thi (1), nào là bị ngất vì quá nóng (2), nào là bị đuổi khỏi phòng thi vì mang điện thoại trong người (3). Đau xót hơn, còn nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông và qua đời (riêng tại tỉnh Nam Định đã có 4 trường hợp bị tai nạn, trong đó 3 trường hợp dẫn đến tử vong (4)). Đó là chưa kể câu chuyện hàng chục ngàn “tình nguyện viên” bị đẩy ra đường đứng làm “tường rào” để điều tiết giao thông giữa trời nóng 40 độ (trong khi đó là việc của công an giao thông) (5).


Điều này làm tôi cảm thấy thực sự có cái gì đấy không ổn. Tôi không phải quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Bộ), nên không hiểu được logic của Bộ. Nhưng giờ đã là giữa thập kỷ thứ 2 của thiên niên kỷ mới. Chúng ta đã vượt qua kỷ nguyên “lều chõng” nhiều thế kỷ rồi. Tại sao Bộ vẫn không cải tiến nổi chuyện thi cử, vẫn bắt hàng triệu học sinh PTTH hàng năm khăn gói, lều chõng đi thi? Không lẽ nếu không làm vậy thì không thể hiện được sự tôn nghiêm của hệ thống giáo dục (vốn đầy rẫy vấn đề) của Việt Nam?

Điều này làm tôi tò mò tìm hiểu thử xem một cường quốc giáo dục như Mỹ thì họ làm gì. Câu trả lời khá thú vị:

  1. Thứ nhất là trước đây họ không hề có kỳ thi tốt nghiệp trung học. Gần đây một số tiểu bang đưa ra kỳ thi này để kiểm soát chất lượng tốt hơn, gọi là high school exit examination. Tuy nhiên chỉ có khoảng hơn hai chục tiểu bang là có kỳ thi này. Và kỳ thi này cũng chỉ áp dụng cho học sinh trường công lập.
  2.  Thứ hai là một tiểu bang có kỳ thi exit exam như California (tên gọi tắt của kỳ thi này ở Cali là CAHSEE – Califonia highschool exit examination), học sinh được thi CAHSEE rất nhiều lần. Ngay từ năm lớp 10, học sinh đã có quyền thi 1 lần. Nếu không đậu, năm lớp 11 được thi 2 lần. Nếu vẫn không đậu, lên lớp 12 sẽ được thi thêm 5 lần nữa (6).
  3.  Thứ ba là thời điểm thi không đồng nhất trên toàn tiểu bang. Các quận (district) tự quyết định ngày thi tại quận của mình. Các em học sinh cũng được thi ngay tại trường của mình chứ không cần phải đi đâu cả.
  4.   Học sinh trường tư không cần phải thi kỳ thi này. Các trường tư tự kiểm soát chất lượng đầu ra, nếu đầu ra không tốt thì đằng nào cũng không có học sinh theo học.
  5. Họ cũng không có một kỳ thi đại học kiểu lều chõng. Có một số kỳ thi chuẩn hóa (standardized tests), thí dụ SAT, để giúp các em tăng sức mạnh của bộ hồ sơ khi nộp xin học đại học/cao đẳng. Những em nào chọn thi SAT có thể thi vào bất cứ thời điểm nào.
  6.  Trên thực tế thì các em cũng không cần phải thi SAT mới vào học đại học được. Rất nhiều trường đại học (thí dụ hệ thống đại học cộng đồng) không cần các em nộp điểm SAT.
Tóm lại là câu chuyện rất đơn giản như vậy. Nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn khác. Bộ cho cải cách liên tục (năm nay cũng là một cải cách), nhưng rốt cuộc vẫn chưa đâu vào đâu. Bộ có thể lý giải không bỏ thi tốt nghiệp và thi đại học được vì như thế thì loạn mất (vì Bộ không quản lý nổi chất lượng của các trường do Bộ quản lý). Bộ có thể lý giải khả năng triển khai về logistics kém nên không thể thi làm quá nhiều đợt trong năm. Bộ cũng có thể lý giải đạo đức của học sinh và giám thị kém nên phải tổ chức đồng loạt một thời điểm trên toàn quốc không thì lộ đề mất (vì Bộ không làm nổi ngân hàng đề đủ lớn, đủ fair, để không còn sợ lộ đề, cũng không sợ đề dễ đề khó khi chọn đề ngẫu nhiên từ ngân hàng đề). Bộ cũng có thể lý giải là phải lập các địa điểm thi tập trung chứ không có chuyện học trường nào thi ở trường đó vì giáo viên sẽ châm chước cho học sinh của mình (vẫn là do khả năng quản lý yếu kém)…

Có hàng tỷ lý do để Bộ vẫn làm như Bộ vẫn làm, và Bộ đổi mới theo cách mà Bộ vẫn đổi mới. Thế nhưng thực tế là học sinh PTTH của chúng ta vẫn đang phải tiếp tục là nạn nhân của sự yếu kém của Bộ. Trẻ em của chúng ta là nạn nhân trên quá nhiều mặt:

  1. Phải khăn gói lều chõng đi thi: quá tốn kém, mệt mỏi, cho học sinh và gia đình.
  2.  
  3. Mỗi năm thi có một lần, trượt là (khả năng rất cao sẽ) nghỉ cả năm thất nghiệp (vì hết lớp 12 mới được thi): quá bất công về mặt cơ hội, quá tốn kém về chi phí thời gian do không có cơ hội thi lại sớm.
  4.  
  5. Quá bất lợi và căng thẳng về tâm lý vì mỗi năm mới có một lần được thi, lại phải đi thi ở nơi xa, lạ lẫm, nhịp sống bình thường bị đảo lộn.
  6.  
  7. Quá nóng vì chọn thi vào mùa hè, mùa mà cả nước chỗ nào cũng nóng, và các địa điểm thi thì đều không có điều hòa nhiệt độ (mùa hè được chọn là mùa nghỉ chủ yếu vì lý do thời tiết, nhưng cũng là mùa thi cử thử thách nhất cho học sinh PTTH chuẩn bị ra trường?).
  8.  
  9. Quá nặng nề về hình thức. Các giám thị thường cũng căng thẳng, ít khi thân thiện (riêng câu chuyện trời nóng, mồ hôi nhễ nhại, thân thiện được cũng là việc khó), quy trình rất ngặt nghèo, rồi đến chuyện công an đứng gác đầy hành lang, thêm vụ thanh tra kiểm tra bất thường của lãnh đạo ngành giáo dục đến các địa điểmt thi…).
Và còn nhiều thứ bất công khác nữa. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì con trẻ mới hết là nạn nhân của sự bất lực / kém cỏi của người lớn (mà cụ thể là của những người đứng đầu ngành giáo dục)? Đã nhiều thế kỷ qua đi từ kỷ nguyên lều chõng, nhưng con em chúng ta ngày hôm nay vẫn phải lều chõng đi thi. Có bao nhiêu người nghĩ rằng đó là một sự lạc hậu đáng kinh ngạc?


 http://www.voatiengviet.com/content/khong-con-la-ky-nguyen-leu-chong/2850869.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét