Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Bảo vệ ngư dân

Phạm Nhật Bình

Tàu đánh cá QNa90152 bị tàu Trung Cộng đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa chiều ngày 26/5/2014.

 
Đường Lưỡi Bò Oan Nghiệt…

Sau cuộc Nam tiến đầy gian khổ dưới thời chúa Nguyễn, đất nước Việt Nam định hình trải dài trên một bờ biển hàng ngàn cây số. Cùng với sự xác lập một quốc gia nhìn ra biển Đông, tuy nhỏ bé nhưng đầy sức sống và những kỳ tích chống ngoại xâm, nông dân và ngư dân từ bao đời nay là hai thành phần đã đóng góp nhiều công sức cho nền kinh tế cũng như quốc phòng đất nước.

Trước đây, ngư dân Việt Nam hoạt động tự do trong ngư trường truyền thống của mình, từ những tỉnh ven biển miền Trung kéo dài đến những vùng biển cực Nam của đất nước. Những hoạt động của vô số ghe tàu đánh cá đủ loại đã đóng góp rất nhiều cho đất nước cũng như mang lại đời sống ấm no cho chính họ.

Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi từ khi Trung Cộng đơn phương đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông. Sự độc chiếm phi pháp, vô bằng chứng của Bắc Kinh khiến bờ biển Việt Nam chỉ còn một mảnh nhỏ hẹp ven bờ, chưa đủ cho những hoạt động cận duyên. Hành động này thực ra chỉ là nối tiếp của một âm mưu thôn tính có từ 1958, khi chính quyền Trung Cộng ra bản tuyên bố về lãnh hải 12 hải lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nó được khuyến khích bởi các cường quốc trên thế giới, và cả các lãnh đạo cộng sản miền Bắc, ngay từ đầu đã tỏ ra thờ ơ trước tham vọng không có gì bí hiểm này.

Sự kiện “đường lưỡi bò” của Trung Cộng đã tác động tiêu cực đến tình hình biển Đông trong suốt nhiều năm, đặc biệt đối với các nước vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tranh chấp chủ quyền biển đảo bắt đầu bùng nổ, nổi bật nhất giữa Trung Cộng với Việt Nam và Philippines. Cho dù là một nước nhỏ sống nép mình phụ thuộc vào một đàn anh “cùng ý thức hệ”, Việt Nam vẫn là quốc gia gánh chịu nhiều thiệt hại mà ngư dân Việt là những nạn nhân trực tiếp nhất.

Dù chỉ ngụy xưng chủ quyền và không được ai thừa nhận, hàng năm Trung Cộng đều ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng 5 đến tháng 8 để theo lời họ, “tăng tiến việc phát triển bền vững của ngành đánh cá trong Biển Đông và bảo vệ các quyền lợi cốt lõi của ngư dân Trung Quốc”. Thật ra lệnh này Trung Cộng đã đưa ra từ năm 1999, trước mắt nhằm khống chế đe dọa ngư dân Việt Nam, biến họ thành những người đánh bắt cá trộm ngay trong vùng biển của mình. Trước hành động ngang ngược này, Hà Nội chỉ phản ứng lấy lệ và phó mặc ngư dân Việt cho tàu hải giám Trung Cộng cướp phá.

Sau năm 1999, một sự kiện đẫm máu được ghi nhận trong ngày 8/1/2005, cho thấy quyết tâm của Trung Cộng trong việc đánh cướp chủ quyền trên biển của lân bang. Hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trong khi đang đánh cá tại vịnh Bắc Bộ, đã bị một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc bao vây và nổ súng tấn công làm chết 9 người, 7 người bị thương và bắt giữ 8 người đưa về Hải Khẩu, Hải Nam. 

Sau đó, hàng chục - thậm chí - hàng trăm vụ cướp phá, bắn giết, bắt giữ ngư dân Việt diễn ra thường xuyên và ngang ngược hơn, phi pháp hơn. Căng thẳng càng tăng cao trong những năm 2012, 2013 và 2014 sau khi Bắc Kinh lại bắt giữ nhiều ngư dân trong vùng biển tranh chấp. 

Cách giải quyết của Hà Nội bao giờ cũng bằng những lời lẽ phản đối chiếu lệ, đầy vẻ nhún nhường của bầy tôi.

Nhất là sau tháng 5/2014 Trung Cộng mang giàn khoan HD 981 đến đặt trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, hoạt động của tàu cá ngư dân Việt càng bị giới hạn phạm vi đánh bắt cá và thường xuyên bị tàu hải giám Trung Cộng khiêu khích, rượt đuổi, phun nước, thậm chí cố tình đâm cho chìm.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ xung đột mà phần thiệt hại bao giờ tàu cá Việt Nam cũng gánh chịu. Ngày 7/1/2015 một tàu ngư chính của Trung Cộng số hiệu 306 uy hiếp, đe dọa và cướp phá toàn bộ ngư cụ, trang thiết bị thông tin liên lạc của tàu cá QNg 96372 của thuyền trưởng Lê Tân, thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn.

Ngày 25/3/2015 trong lúc đang hành nghề trên biển, tàu cá số hiệu BTh96059 của tỉnh Bình Thuận bị hư máy đang trôi giạt trên biển thì bị một tàu Trung Cộng chạy đến đâm chìm cách mũi Vũng Tàu chừng 260 hải lý về phía nam.

Chiều ngày 20/5/2015 tàu cá của ông Trần Văn Quang ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi bị một đoàn tàu phía trước có ghi chữ “China” vây quanh gần khu vực đảo Tri Tôn. Tàu mang số hiệu 264 của Trung Cộng đã ba lần tông vào tàu cá của ông khiến nó suýt lật chìm.

Gần đây nhất, ngày 9/7/2015, tàu đánh cá mang số hiệu QNg90559 của ngư dân Trương Văn Đức huyện Bình Châu, Quảng Ngãi bị tàu Trung Công bất ngờ đâm chìm vào chiều tối cùng ngày tại vùng biển Hoàng Sa.

Hành động hung hăng của Trung Cộng trong một thời gian dài đã gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân Việt. Thái độ của Bắc Kinh cũng không ngoài mục đích thể hiện chủ quyền mà họ ngụy xưng trên biển Đông. Sách lược xuyên suốt của nhà nước Trung Cộng từ Tuyên bố lãnh hải 12 hải lý năm 1958 đến hai cuộc hải chiến năm 1974 và 1988 được diễn tả một cách hàm hồ như một cuộc thu hồi đất đai “phiên thuộc”. 

Và đến thế kỷ này, nó được khai triển không giấu giếm bằng yêu sách “đường lưỡi bò” trong giai đoạn một, và bồi đắp 7 bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo trong giai đoạn hai. Việc gấp rút xây dựng Trường Sa thành những căn cứ quân sự liên hoàn vững chắc có thể hỗ trợ lẫn nhau khi có biến là âm mưu quân sự hóa Biển Đông có tính toán. Điều này cũng không nằm ngoài dự tính khống chế trọn vẹn con đường hàng hải huyết mạch có tính cách sống còn trong tương lai của chính Bắc Kinh.

 Ngư dân Bùi Tấn Đoàn cùng với 12 ngư dân khác trên tàu cá QNg 95193TS bị tàu Trung Cộng tấn công bằng vòi rồng ngày 7/6/2015. (Ảnh: Phước Tín)

Ai Bảo Vệ Ngư Dân

Trong tình hình ấy ai là người đứng ra bảo vệ sinh mạng và quyền lợi chính đáng của ngư dân?
Nói một cách tổng quát, không ai khác ngoài những người trong bộ máy cầm quyền ở Hà Nội là những người có trách nhiệm cao nhất trong việc này. Đó là trách nhiệm không thể chối cãi vì bất cứ lý do gì, bảo vệ ngư dân trước những lực lượng xâm chiếm bất hợp pháp chính là bảo vệ chủ quyền của đất nước trên biển đảo. Không làm được việc đó, đảng Cộng sản tự bôi đen lên vai trò lãnh đạo toàn diện mà họ từng rêu rao để nắm quyền thống trị đất nước.

Xét thực tế trong nhiều năm qua, trước thái độ khinh thường luật pháp quốc tế của Trung Cộng, Hà Nội tỏ ra nhún nhường hết mức. Trong mọi trường hợp Việt Nam “lấy đại cục làm chính” để mặc cho ngư dân tự cứu và đắm chìm trong tai họa cướp bóc, bắn giết khi hành nghề hợp pháp trong vùng biển của cha ông để lại.

Chính phủ có quân đội nhưng quân đội ấy thường xuyên được nhắc nhở phải triệt để trung thành với đảng, bảo vệ đảng, còn trách vụ cao cả bảo vệ nhân dân chỉ là thứ yếu. Quân đội có lực lượng Hải quân với những chiến hạm tối tân nhưng thỉnh thoảng chỉ dùng đi tuần tra chung với chiến hạm Trung Cộng hay chỉ bám bờ khoe vũ khí. 

Năm 2013, Cục Cảnh sát biển trực thuộc Bộ Quốc phòng biến thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trang bị nhiều tàu tuần tra mua mới hay do các nước viện trợ. Nhưng cũng giống như các chiến hạm hải quân, lực lượng này vắng bóng ngay trong những trường hợp ngư dân gặp cảnh khốn cùng do tàu Trung Cộng gây ra. Những cuộc tuần tra hiếm có chỉ thực hiện ven bờ biển nơi tàu Trung Cộng không bao giờ có mặt.

Thậm chí mới đây, những cuộc tuần tra khống trên biển đã bị phanh phui. Theo đó Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã xây dựng một kế hoạch tuần tra kiểm soát bảo vệ vùng biển, giám sát hoạt động nghề cá rất chi tiết. Từ kế hoạch này, trong hai năm 2013 – 2014 đã có tổng cộng 11 cuộc tuần tra giám sát được lập khống trên giấy với tổng số tiền đã thanh toán gần 1,9 tỉ đồng, trong khi các tàu được điều động đi tuần tra vẫn neo đậu trong bờ. Tuy nhiên, những người trong cuộc tiết lộ số lượng sai phạm trên thực tế còn cao hơn nhiều.

Và cứ mỗi lần ngư dân gặp nạn, trước hết có Hội Nghề Cá địa phương rồi đến Hội Nghề Cá Việt Nam ra thông cáo cực lực phản đối Trung Cộng, đòi bồi thường. Sau đó mới đến phát ngôn viên chính phủ giữ vai trò theo thông lệ, trong tinh thần vì đại cục hai nước. Để rồi thỉnh thoảng các lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước lại đưa ra một vài lời phủ dụ nhạt nhẽo, khuyến khích ngư dân hăng say bám biển để khẳng định chủ quyền biển đảo và để mặc họ tay không đối phó Trung Cộng.
Lối bảo vệ ấy của chính phủ thật xứng đáng với câu “đem con bỏ chợ” hay “sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi”… miễn sao giữ trọn tình hòa hiếu với kẻ thù dân tộc.

Nên Chấm Dứt Làm Xiếc

Trong tình hình càng ngày càng căng thẳng ở Biển Đông tiềm ẩn nhưng biến cố bất ngờ, quốc gia nhỏ bé ven bờ tây Thái Bình Dương Philippines ráo riết tìm cơ hội giữ lấy vùng biển của mình bằng khung pháp lý quốc tế và cả sức mạnh quân sự và được toàn dân Phi ủng hộ. Việt Nam ngược lại cho rằng mình đủ khôn ngoan khi chủ trương “không liên kết” như một thứ vũ khí tự vệ. Nhưng lịch sử đã chứng minh trong thời đại ngày nay, chưa có một quốc gia nhỏ yếu nào dùng chiêu bài này mà có thể đứng vững khi bất hạnh lọt vào cảnh trên đe dưới búa.

Thái độ làm xiếc của CSVN trên một sợi dây mong manh khiến Trung Cộng dễ dàng nhìn thấy tử huyệt của Hà Nội. Nên càng ngày Bắc Kinh càng hung hăng lấn tới, bất chấp hạm đội tàu chiến và tàu ngầm mới trang bị cho hải quân Việt Nam còn núp kín trong quân cảng Đà Nẵng.

Sự chần chờ kéo dài thời gian khiến Việt Nam bỏ qua nhiều cơ hội liên kết cần thiết với những lực lượng bên ngoài có cùng lợi ích chiến lược. Cuối cùng đảng CSVN cũng buộc lòng thực hiện chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ mà họ cho là đã cân nhắc suốt ba năm trời!

Nhưng những gì đạt được trong chuyến đi “lịch sử” này không chỉ là vũ khí sát thương, hay TPP, hay gói viện trợ kinh tế còn hứa hẹn mà phải là quyền lợi sống còn lâu dài của dân tộc. Quyền lợi tối thượng ấy phải gắn liền với tôn trọng nhân quyền, vì chỉ khi nào người dân được sống đúng phẩm giá làm người của mình và được bảo vệ hữu hiệu, dân tộc mới trường tồn.

Mặt khác cũng không được quên những công dân yêu nước đã anh dũng lên tiếng, vì muốn bảo vệ chủ quyền đất nước mà bị bắt giữ, tuyên án tù một cách phi pháp. Những tù nhân lương tâm ấy phải được thả ra, xứng đáng được ngưỡng mộ hơn lãnh đạo cao cấp của đảng và chính phủ im thin thít trước hiểm họa mất nước. Hay những kẻ ngồi trong “cơ quan quyền lực cao nhất nước” mà co đấu rụt cổ không ra nổi một nghị quyết về biển Đông trong suốt hai kỳ họp liền!


Hà Nội không còn lý do né tránh trách vụ của mình khi hàng ngày rao giảng về một chế độ do dân và vì dân. Đã đến lúc họ phải biến những điều đó thành hiện thực bằng cách ra lệnh cho các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, các Hải đội biên phòng chấm dứt thái độ mập mờ, tránh né, tiến ra Biển Đông để làm tròn nghĩa vụ bảo vệ người dân.

Trong tình thế cấp bách hiện nay, bảo vệ ngư dân chính là bảo vệ tổ quốc, tiếng gọi tha thiết từ biển Đông. Nếu Hà Nội lại bỏ qua những hành động quyết liệt để đối phó với hiểm họa Bắc Triều, họ sẽ có cơ hội đứng trước sự phán xét gắt gao của lịch sử dân tộc.

Và Hà Nội cũng không thể chối bỏ câu “Hèn với giặc, ác với dân” mà người dân Việt lâu nay dán lên gương mặt lem luốc của đảng. Vì nó quá đúng!


Phạm Nhật Bình

 http://viettan.org/Bao-Ve-Ngu-Dan-Viet-Nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét