Nguyễn Văn Bông
PHỤ BẢN 1: HIẾN PHÁP
CỦA HIỆP CHÚNG QUỐC NGÀY 4-3-1789
MỞ ĐẦU
Chúng tôi, nhân dân
Hiệp Chúng Quốc, với mục đích thực hiện một sự liên hiệp chặt chẽ hơn, thiết lập
công lý, duy trì an ninh nội bộ, trù liệu cho công cuộc phòng thủ chung, phát
triển sự thịnh vượng toàn diện, và bảo đảm cho chúng tôi và cho hậu thế của
chúng tôi các điều ích lợi của sự tự do, quyết định và thiết lập Hiến pháp này
cho Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu.
ĐIỀU I
Khoản 1. Mọi quyền
hành Lập pháp do bản Hiến pháp này chấp thuận, sẽ trao cho một Quốc hội của Hiệp
Chúng Quốc, gồm có một Thượng Nghị viện và một Hạ Nghị viện.
Khoản 2. Hạ Nghị viện
sẽ gồm có những nhân viên do dân chúng các Tiểu bang tuyển lựa, hai năm một lần,
và các cử tri tại mỗi Tiểu bang sẽ phải có đủ các điều kiện bắt buộc như đối với
các cử tri bầu cử đại diện vào viện có nhiều nhân viên nhất của ngành Lập pháp
của Tiểu bang.
Không một người nào sẽ
được làm Hạ nghị sĩ (dân biểu) nếu chưa tới hai mươi lăm tuổi, nếu chưa làm
công dân Hiệp Chúng Quốc được bảy năm, và nếu khi được bầu; không cư trú tại Tiểu
bang đã tuyển lựa mình.
Số Hạ nghị sĩ và thuế
trực thâu sẽ được phân phối giữa các Tiểu bang có thể gồm trong Liên bang,
tương đối với dân số của mỗi Tiểu bang; dân số sẽ được quyết định bằng cách
thêm vào tổng số những người tự do, gồm cả những người phục vụ công quyền với
những niên hạn nhất định, và ba phần năm mọi hạng người khác, ngoại trừ những
người Da Đỏ không phải nộp thuế. Việc kiểm tra dân số sẽ được thi hành trong
vòng ba năm sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Hiệp Chúng Quốc, và sau đấy, cứ mười
năm một lần, theo cách thức mà Quốc hội sẽ quy định bằng một đạo luật. Cứ ba
mươi ngàn người thì lại có một Hạ nghị sĩ, và cho tới khi lần kiểm tra đầu tiên
đã được thi hành, Tiểu bang New Hampshire sẽ có quyền có ba hạ nghị sĩ, Tiểu
bang Massachusetts tám, Tiểu bang Rhode Island và các đồn điền Providence một,
Tiểu bang Connecticut năm, Tiểu bang New York sáu, Tiểu bang New Jersey bốn, Tiểu
bang Pennsylvania tám, Tiểu bang Delaware một, Tiểu bang Maryland sáu, Tiểu
bang Virginia mười, Tiểu bang North Carolina năm, Tiểu bang South Carolina năm,
và Tiểu bang Georgia ba.
Khi khuyết ghế hạ nghị
tại một Tiểu bang thì cơ quan hành chính của Tiểu bang này sẽ ban hành những sắc
lệnh định đoạt thể thức cuộc bầu cử để điền vào ghế khuyết đó.
Hạ Nghị viện sẽ có
quyền lựa chọn Chủ tịch và các nhân viên khác của Viện; và có quyền cáo tội
nhân viên chính quyền lạm dụng công quyền.
Khoản 3. Thượng Nghị
viện Hiệp Chúng Quốc sẽ gồm có hai Thượng nghị sĩ (nguyên lão Nghị viện) thuộc
mỗi Tiểu bang, do Quốc hội Lập pháp của mỗi Tiểu bang tuyển lựa, nhiệm kỳ là
sáu năm, và mỗi Thượng nghị sĩ sẽ có quyền có một phiếu.
Ngay sau khi Thượng
Nghị viện nhóm họp lần đầu tiên, các Thượng nghị sĩ sẽ được phân chia thành ba
hạng. Ghế Thượng nghị sĩ thuộc lớp thứ nhất sẽ khuyết vào năm thứ hai, lớp thứ
hai vào cuối năm thứ tư, và lớp thứ ba vào cuối năm thứ sáu, sao cho cứ hai năm
một lần, một phần ba tổng số Thượng nghị sĩ lại được tuyển lựa; và nếu có những
ghế khuyết, hoặc vì từ chức, hoặc vì một lí do khác, trong khi Quốc hội Lập
pháp của một Tiểu bang nghỉ họp, thì cơ quan hành chính của Tiểu bang đó sẽ có
quyền bổ nhiệm tạm thời một người vào ghế khuyết cho tới khi Quốc hội của Tiểu
bang nhóm họp và quyết định điền vào ghế khuyết đó.
Không một người nào sẽ
được làm Thượng nghị sĩ nếu chưa đến ba mươi tuổi, nếu chưa làm công dân của Hiệp
Chúng Quốc được chín năm, và nếu khi được bầu lại, lại không cư trú tại Tiểu
bang đã tuyển lựa mình.
Phó Tổng thống Hiệp
Chúng Quốc sẽ là Chủ tịch Thượng Nghị viện, nhưng không có quyền bỏ phiếu, trừ
phi trong trường hợp số phiếu thuận và số phiếu chống ngang nhau trong một cuộc
biểu quyết.
Thượng Nghị viện sẽ
có quyền lựa chọn lựa các nhân viên khác của Viện, và một vị quyền Chủ tịch khi
Phó Tổng thống vắng mặt, hoặc khi Phó Tổng thống đảm nhận nhiệm vụ của Tổng thống
Hiệp Chúng Quốc.
Thượng Nghị viện có độc
quyền xét xử các vụ án nhân viên chính quyền lạm dụng công quyền. Khi Thượng
Nghị viện nhóm họp để xem xét các vụ án này, các Thượng nghị sĩ phải tuyên thệ.
Trong trường hợp Tổng thống bị xử án, Chánh án của Tối cao Pháp viện Hiệp Chúng
Quốc sẽ chủ tọa và không một người nào sẽ bị kết án nếu không có sự đồng ý của
hai phần ba các thượng nghị sĩ có mặt.
Kết quả cuộc thẩm định
trong các vụ án lạm dụng công quyền, sẽ không thể vượt quá sự cách chức bị cáo
và sự truất quyền bị cáo đảm nhận mọi chức vụ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi lộc,
trong chính phủ của Hiệp Chúng Quốc; nhưng tuy vậy bị cáo vẫn có thể bị truy tố,
xét xử, kết án và trừng phạt, theo luật pháp.
Khoản 4. Thời gian, địa
điểm và thể thức tuyển cử các Thượng nghị sĩ và các Hạ nghị sĩ sẽ được định đoạt
tại mỗi Tiểu bang do Quốc hội Lập pháp của Tiểu bang đó. Nhưng Quốc hội Liên
bang có quyền, bất luận lúc nào, và bằng một đạo luật quy định hoặc sửa đổi những
luật lệ tuyển cử của Tiểu bang trừ khoản định đoạt địa điểm tuyển lựa Thượng
nghị sĩ.
Quốc hội sẽ phải nhóm
họp ít nhất mỗi năm một tuần, và phiên nhóm đầu tiên sẽ vào ngày thứ hai đầu
tiên trong tháng Chạp, ngoại trừ trường hợp Quốc hội sẽ quyết định bằng một đạo
luật chọn lựa một ngày khác.
Khoản 5. Mỗi viện sẽ
có quyền định đoạt về các cuộc bầu cử của mình, về kết quả của các cuộc bầu cử
đó và về các điều kiện cần thiết của các nghị sĩ; và đa số trong mỗi viện sẽ có
quyền thành lập một ủy ban để tiến hành công việc; nhưng một thiểu số trong mỗi
viện có quyền trì hoãn các phiên nhóm và có quyền bắt buộc các nghị sĩ khiếm diện
tới họp, theo luật lệ hoạt động và theo quy luật trừng phạt do mỗi Viện định đoạt.
Mỗi viện sẽ có quyền
thiết lập luật lệ nội quy trừng phạt các nhân viên về những hành động thiếu kỉ
luật, và với sự thỏa thuận của hai phần ba nhân viên, khai trừ một nhân viên của
Viện.
Mỗi viện sẽ có quyền
giữ một quyển sổ ghi hoạt động của viện, và thỉnh thoảng lại công bố các điều
ghi, ngoại trừ những đoạn mà viện xét cần phải giữ bí mật; và những phiếu thuận
và những phiếu chống của các nhân viên của một viện về bất cứ một vấn đề nào,
khi một phần năm nhân viên có mặt của mỗi viện yêu cầu, sẽ được ghi vào trong
quyển sổ hoạt động của viện.
Trong khóa nhóm của
Quốc hội, không một viện nào sẽ được quyền, ngoại trừ trường hợp có sự thỏa thuận
của mỗi viện nọ, nghỉ họp quá ba hôm, và cũng không có quyền rời nơi họp tới một
địa điểm khác với địa điểm nhóm họp của hai viện.
Khoản 6. Các Thượng
nghị sĩ và Hạ nghị sĩ sẽ có một quyền hưởng một khoản trợ cấp được quy định do
một đạo luật và được thanh toán do Ngân khố của Hiệp Chúng Quốc. Họ có quyền
trong mọi trường hợp, ngoại trừ trường hợp phản bội, trọng tội hoặc phá rối an
ninh, hưởng đặc quyền không bị bắt giam trong khi dự khóa họp của viện, trong
khi tới viện họp và khi ở viện về. Về các bài diễn văn và các cuộc thảo luận tại
mỗi viện các nghị sĩ có quyền không bị chất vấn tại bất cứ một nơi nào khác.
Không một Thượng nghị
sĩ nào hoặc một Hạ nghị sĩ nào trong suốt nhiệm kì của mình, có quyền được bổ
nhiệm giữ một chức vụ hành chính nào thuộc thẩm quyền Hiệp Chúng Quốc sẽ được
thành lập sau này, và có một số lương bổng sẽ được tăng gia trong nhiệm kì đó;
và không một người nào đã giữ bất cứ một chức vụ nào trong chính phủ Hiệp Chúng
Quốc có quyền được là một nhân viên của bất cứ viện nào trong hai viện, trong
khi hãy còn giữ chức vụ trong chính phủ.
Khoản 7. Tất cả các dự
án luật tăng lợi tức sẽ do Hạ Nghị viện khởi xướng. Nhưng Thượng Nghị viện sẽ
có quyền đề nghị hoặc chấp thuận những điều sửa đổi trong các dự án luật này,
cũng như về các dự án luật khác.
Tất cả các dự án luật
đã được Hạ Nghị viện và Thượng Nghị viện thông qua, trước khi được ban hành
thành một đạo luật, sẽ phải được đệ trình lên Tổng thống Hiệp Chúng Quốc. Nếu Tổng
thống tán thành dự luật, Tổng thống sẽ kí vào dự luật đó; nếu không, Tổng thống
sẽ gởi trả lại, với các bác luận của Tổng thống, cho viện đã khởi xướng dự luật
đó. Viện này sẽ ghi tường tận bác luận trong sổ hoạt động của viện, và xem xét
lại dự án luật. Nếu sau khi đã xem xét lại, dự án luật này được hai phần ba của
viện tán thành, thì dự luật này sẽ được chuyển đạt cùng với các điều bác luận,
tới viện thứ hai. Viện này sẽ xem xét lại, và nếu hai phần ba viện này cũng tán
thành thì dự luật sẽ trở thành một đạo luật. Trong trường hợp nào cuộc biểu quyết
của mỗi viện sẽ được định đoạt tùy theo các phiếu thuận và các phiếu chống, và
tin những nghị sĩ biểu quyết thuận hoặc chống dự luật sẽ được ghi trong cuốn sổ
hoạt động của mỗi viện. Những dự luật mà Tổng thống không gởi trả lại trong kỳ
hạn mười ngày (không kể ngày Chủ Nhật) sau ngày dự luật được đệ trình lên Tổng
thống sẽ trở thành một đạo luật, coi như là Tổng thống đã phê chuẩn dự luật đó
rồi, ngoại trừ trường hợp vì Quốc hội nghỉ nhóm nên Tổng thống không gởi trả dự
luật cho Quốc hội được, và trong trường hợp đó, dự luật sẽ không trở thành một
đạo luật được.
Những mệnh lệnh, quyết
định hoặc biểu quyết cần phải có sự chấp thuận của Thượng Nghị viện và Hạ Nghị
viện (ngoại trừ trường hợp Quốc hội nghỉ họp) sẽ được đệ trình lên Tổng thống,
và trước khi có hiệu lực, phải được Tổng thống chấp thuận, hoặc nếu bị Tổng thống
không chấp thuận, cần phải có sự chấp thuận lần thứ hai của Thượng Nghị viện và
Hạ Nghị viện với đa số hai phần ba của mỗi viện, theo đúng luật lệ và các quy định
hạn chế đã được định đoạt trong trường hợp các dự luật.
Khoản 8. Quốc hội sẽ
có quyền lập và thu thuế để thanh toán các công nợ và trù liệu công cuộc phòng
thủ chung và nền thịnh vượng toàn diện của Hiệp Chúng Quốc: nhưng mọi thứ thuế
sẽ phải đồng nhất trên khắp lãnh thổ Hiệp Chúng Quốc;
Mượn tiền tín dụng của
Hiệp Chúng Quốc;
Quy định nền thương mại
với ngoại quốc, giữa các Tiểu bang, và các bộ lạc da đỏ;
Thiết lập một quy tắc
đồng nhất về việc nhập tịch và những đạo luật đồng nhất về vấn đề phá sản trên
khắp lãnh thổ Hiệp Chúng Quốc;
Đúc tiền, quy định
giá tiền trong nước và ngoại quốc, và quy định bản vị đo lường;
Quy định sự trừng phạt
những người làm giả tín dụng và tiền của Hiệp Chúng Quốc;
Thiết lập những trạm
bưu điện và các đường bưu điện;
Phát triển sự tiến bộ
về khoa học và nghệ thuật hữu ích, bằng cách bảo đảm trong những thời gian có hạn
định quyền trước tác của các văn sĩ và quyền phát minh của các nhà phát minh;
Thiết lập những tòa
án cấp dưới ngoài Tối cao Pháp viện;
Xác định và trừng phạt
những hành động cướp bóc và độc ác phạm trên mặt biển cả, và những hành động
xâm phạm tới luật pháp quốc tế;
Tuyên chiến, chuẩn cấp
các giấy phép tịch thâu và trưng dụng để trừng phạt địch và quy định các thể thức
chiếm đoạt tài sản trên bộ và trên mặt biển;
Thiết lập và cung cấp
quân đội, nhưng không một ngân phí nào về khoản này sẽ có thể được sử dụng qua
một thời hạn là hai năm;
Thiết lập và duy trì
một Hải Quân;
Quy định luật lệ quản
trị và chế định các lực lượng lục và hải quân;
Trù liệu các việc triệu
tập dân quân của Tiểu bang để thi hành luật pháp của Liên bang, áp đảo các cuộc
dấy loạn và đẩy lui các cuộc xâm lăng;
Trù liệu sự tổ chức,
võ trang, duy trì kỉ luật các đạo dân quân của các Tiểu bang, và quản trị các đạo
quân của các Tiểu bang, khi các đạo quân này được sử dụng dưới thẩm quyền của
Liên bang Hiệp Chúng Quốc, trong khi vẫn dành cho các Tiểu bang quyền bổ nhiệm
sĩ quan, và quyền huấn luyện dân quân của mỗi Tiểu bang theo kỉ luật mà Quốc hội
đã định đoạt;
Thi hành độc quyền Lập
pháp trong tất cả mọi trường hợp tại một khu vực (không được rộng hơn (nguyên
văn: “rộng lớn”) mười dặm vuông) mà các Tiểu bang sẽ phải thỏa thuận nhượng lại
cho chính phủ Liên bang, và sau khi được Quốc hội Liên bang chấp thuận khu này
sẽ trở thành địa điểm của chính phủ Liên bang Hiệp Chúng Quốc; và thi hành quyền
lực Liên bang tại tất cả những nơi mà chính phủ Liên bang sẽ mua được với sự thỏa
thuận của Quốc hội của Tiểu bang, để xây cất các thành trì, kho, xưởng chế tạo
vũ khí, xưởng đóng thuyền, và các công thự cần thiết khác. Và làm ra mọi đạo luật
cần thiết để thi hành các quyền lực ghi trên và mọi quyền lực khác mà Hiến pháp
này trao cho chính phủ Hiệp Chúng Quốc hoặc một bộ máy nào, một nhân viên nào của
chính phủ.
Khoản 9. Nếu một
trong các Tiểu bang hiện tại xét có thể chấp thuận cho những người nào được di
trú hoặc nhập cảng, thì Quốc hội sẽ không thể cấm đoán sự di trú hoặc sự nhập cảng
ấy trước năm một ngàn tám trăm lẻ tám, nhưng một thứ thuế không quá mười Mỹ kim
mỗi người sẽ có thể được đánh vào sự nhập cảng đó.
Đặc quyền được xét xử
công minh theo sắc lệnh Habeas Corpus sẽ không thể bị truất, ngoại trừ trường hợp
phiến loạn hoặc xâm lăng khi nền an ninh công cộng bắt buộc hành động như vậy.
Không một đạo luật
nào tổn hại tới quyền tự do của dân và không một đạo luật hồi tố nào sẽ có thể
được ban hành.
Không có thứ thuế
thân nào, cũng như không có thứ thuế trực thâu nào khác sẽ được thu, nếu không
phải là cân xứng với sự kiểm tra dân số kể trên trong điều này.
Không một thứ thuế
nào sẽ được đánh về các mặt hàng hóa xuất cảng của bất cứ một Tiểu bang nào.
Không một sự thiên vị
nào sẽ được chấp thuận, bằng một quy tắc thương mại hoặc thu thuế, cho những hải
cảng của một Tiểu bang này để lợi hơn hải cảng của Tiểu bang nọ: và không một
thương thuyền nào đi từ hải cảng của một Tiểu bang khác lại phải trả thuế tại
đây.
Không có một số tiền
nào sẽ được lấy ra tại Ngân khố nếu không phải chiếu theo kinh phí đã được một
đạo luật chuẩn y; và một bản kê khai và một sổ kế toán thường xuyên về mọi khoản
thu và chi thuộc công quỹ sẽ thỉnh thoảng lại phải đem công bố.
Không một tước vị nào
sẽ được Hiệp Chúng Quốc phong tặng và không một người nào đảm nhận một chức vụ
có lợi tức hoặc tín nhiệm của Hiệp Chúng Quốc có thể, nếu không có sự thỏa thuận
của Quốc hội, nhận tặng vật, lương bổng, chức vị hoặc tước vị của Hoàng đế,
Thân vương hoặc chính phủ của ngoại quốc.
Khoản 10. Không một
Tiểu bang nào sẽ có quyền kí kết một hiệp ước, gia nhập một liên minh hoặc một
liên hiệp; cấp phát các giấy phép trưng dụng tài sản địch; đúc tiền; phát hành
tín dụng; lưu hành tiền tệ nếu không phải trên bản vị vàng và bạc; ban hành một
đạo luật tổn hại tới dân quyền, một đạo luật tổn hại tới các khế ước, hoặc tặng
phong tước vị.
Không một Tiểu bang
nào có quyền, nếu không có sự thỏa thuận của Quốc hội, thu thế về các sự nhập cảng
hoặc xuất cảng, ngoài những thứ thuế tối cần thiết cho sự thi hành các đạo luật
thanh tra của mình; và số thu nhập về mọi thứ thuế mà một Tiểu bang đánh vào
các sự nhập cảng hoặc xuất cảng, sẽ phải thuộc quyền sử dụng của Ngân khố Hiệp
Chúng Quốc; và mọi đạo luật về sự đánh thuế sẽ phải đệ trình cho Quốc hội tái
thẩm và kiểm soát.
Không một Tiểu bang
nào sẽ có quyền, nếu không có sự thỏa thuận của Quốc hội, đánh thuế tàu, duy
trì quân đội hoặc chiến hạm trong thời bình, kí kết các hiệp ước hoặc các minh
ước với một Tiểu bang khác, hoặc một ngoại quốc, hoặc tham chiến; ngoại trừ trường
hợp thực sự bị xâm chiếm, hoặc lâm vào một nguy cơ cấp bách không thể trì hoãn
được.
ĐIỀU II
Khoản 1. Quyền Hành
pháp sẽ được trao cho một vị Tổng thống Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu. Nhiệm kì của Tổng
thống sẽ là bốn năm. Tổng thống và Phó Tổng thống, mà nhiệm kì cũng là bốn năm,
sẽ được bầu cử theo thể thức sau đây:
Một Tiểu bang sẽ đề cử,
theo thể thức mà cơ quan Lập pháp của Tiểu bang đó quy định, một số cử tri
ngang với Tổng số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ mà Tiểu bang đó được quyền ủy
nhiệm tại Quốc hội Liên bang; nhưng không một Thượng nghị sĩ nào, hoặc Hạ nghị
sĩ nào, hoặc bất cứ một người nào đảm nhận một chức vụ có lợi tức hoặc tín nhiệm
của Hiệp Chúng Quốc, sẽ có quyền được chọn làm cử tri. Các cử tri sẽ hội họp tại
Tiểu bang của mình và đầu phiếu cho hai người, mà ít nhất một trong hai người sẽ
không cư trú tại Tiểu bang của mình. Các cử tri sẽ làm một bản kê về tất cả những
người được đầu phiếu và số phiếu của từng người. Các cử tri sẽ kí vào bản kê
đó, nhận thực, rồi chuyển đạt, sau khi đã niêm phong, lên chính phủ Hiệp Chúng
Quốc, gởi cho Chủ tịch Thượng Nghị viện. Chủ tịch Thượng Nghị viện, trước mặt
Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện, sẽ mở mọi văn kiện nói trên và bấy giờ số phiếu
sẽ được kiểm điểm. Người nào được số phiếu nhiều nhất sẽ là Tổng thống, nếu số
phiếu đó hơn đa số phiếu của các cử tri; và nếu quá một người có đa số, và có
được số phiếu bằng nhau, thì Hạ Nghị viện sẽ bỏ phiếu để lựa chọn một trong hai
người làm Tổng thống; nếu không một người nào được đa số cần thiết, thì Hạ Nghị
viện sẽ lựa chọn trong số năm người được nhiều phiếu nhất, và bỏ phiếu cho một
người làm Tổng thống. Nhưng khi lựa chọn Tổng thống, số phiếu bầu sẽ tính theo
từng Tiểu bang, mỗi nhóm đại diện của một Tiểu bang chỉ có một phiếu. Một ủy
ban sẽ được thành lập, gồm có đại diện của hai phần ba các Tiểu bang, và phải
có một đa số của tất cả các Tiểu bang thì cuộc lựa chọn mới có giá trị. Trong trường
hợp nào cũng vậy, sau khi đã lựa chọn xong Tổng thống, người được số phiếu nhiều
nhất của các cử tri sẽ được bầu làm Phó Tổng thống. Nhưng nếu có hai hoặc nhiều
người có một số phiếu ngang nhau thì Thượng Nghị viện sẽ bỏ phiếu để chọn lựa
Phó Tổng thống trong số người đó.
Quốc hội định đoạt thời
gian chọn lựa các cử tri, và ngày mà các cử tri bỏ phiếu, ngày đó sẽ phải cùng
là một ngày trên khắp lãnh thổ Hiệp Chúng Quốc.
Không một người nào sẽ
có quyền được bầu là Tổng thống, nếu không phải là một công dân sinh đẻ trên đất
Mỹ, hoặc đã là một công dân Hiệp Chúng Quốc khi dự án Hiến pháp này được chấp
thuận; nếu chưa tới ba mươi lăm tuổi và nếu chưa cư trú trên lãnh thổ Hiệp
Chúng Quốc trên mười bốn năm.
Trong trường hợp Tổng
thống bị cách chức hoặc tạ thế, từ chức, hoặc bất lực thi hành quyền lực và nhiệm
vụ của chức vụ mình, thì quyền lực và nhiệm vụ Tổng thống sẽ được giao phó cho
Phó Tổng thống. Quốc hội sẽ có quyền, bằng một đạo luật bổ khuyết vào trường hợp
cách thức, tạ thế, từ chức hay bất lực, của cả Tổng thống và Phó Tổng thống, bằng
cách đề cử một công chức đảm nhận chức vụ Tổng thống, và công chức này sẽ thi
hành chức vụ này cho tới khi Tổng thống hoặc Phó Tổng thống hết bất lực, hoặc
khi đã bầu cử được một tân Tổng thống.
Tổng thống sẽ có quyền
hưởng, theo kỳ hạn nhất định, một trợ cấp lương bổng không tăng và cũng không
giảm suốt trong nhiệm kì của ông, và ông sẽ không có quyền nhận, trong nhiệm kì
đó, bất cứ một lương bổng nào khác của Hiệp Chúng Quốc hoặc của bất cứ Tiểu
bang nào.
Trước khi nhậm chức,
Tổng thống sẽ phải tuyên thệ như sau:
“Tôi long trọng tuyên
thệ (hoặc cam quyết) rằng tôi sẽ trung thành thi hành nhiệm vụ của Tổng thống
Hiệp Chúng Quốc, và bằng tất cả khả năng của tôi, tôi sẽ duy trì, bảo vệ và
bênh vực Hiến pháp Hiệp Chúng Quốc”
Khoản 2. Tổng thống sẽ
là Tổng Tư lệnh Lục quân và Hải quân Hiệp Chúng Quốc và dân quân của các Tiểu
bang, khi các dân quân của các Tiểu bang được triệu tập để phục vụ Hiệp Chúng
Quốc. Tổng thống có quyền hỏi ý kiến, bằng các bảng văn kiện, của các nhân viên
quan trọng trong các bộ hành chính, về các vấn đề có liên can tới nhiệm vụ của
họ, và có quyền tuyên án và ân xá những tội chống Hiệp Chúng Quốc trừ trường hợp
lạm dụng công quyền.
Tổng thống sẽ có quyền,
theo ý kiến và với sự thỏa thuận của Thượng Nghị viện, kí kết các hiệp ước, với
điều kiện là được hai phần ba các thượng nghị sĩ có mặt chấp thuận. Tổng thống
sẽ có quyền đề cử và, theo ý kiến và với sự chấp thuận của Thượng Nghị viện, bổ
nhiệm các đại sứ, các sứ thần và các lãnh sự, các vị chánh án Tối cao Pháp viện,
và mọi công chức khác của Hiệp Chúng Quốc mà sự bổ nhiệm không được trù định
trong Hiến pháp này theo một thể thức khác, và sự bổ nhiệm này sẽ được quy định
bằng một đạo luật. Nhưng Quốc hội sẽ có quyền, khi xét hợp thời, giao phó cho một
mình Tổng thống, cho các tòa án, hoặc cho các Bộ trưởng, quyền bổ nhiệm một số
công chức hạ cấp.
Tổng thống sẽ có quyền
điền vào các chỗ khuyết có thể xảy ra trong khi Thượng Nghị viện nghỉ họp, bằng
cách cấp những ủy nhiệm trạng sẽ hết hạn vào cuối khóa họp tới của Thượng Nghị
viện.
Khoản 3. Tổng thống
thỉnh thoảng sẽ thông tri cho Quốc hội biết về tình trạng của Liên bang, và sẽ
đề nghị để Quốc hội xem xét những biện pháp mà Tổng thống xét thấy cần thiết và
thích hợp. Tổng thống sẽ có quyền, trong những trường hợp bất thường triệu tập
cả hai viện, hoặc một trong hai viện, và trong trường hợp bất đồng ý kiến về việc
nghỉ khóa họp, Tổng thống sẽ có quyền bãi khóa họp của Quốc hội trong thời gian
mà Tổng thống xét là thích hợp. Tổng thống sẽ tiếp kiến các đại sứ và các sứ thần
khác. Tổng thống sẽ có quyền chuẩn bị các phương tiện để cho luật pháp được triệt
để thi hành, và ủy phó chức vụ cho mọi công chức của Hiệp Chúng Quốc.
Khoản 4. Tổng thống,
Phó Tổng thống và tất cả các nhân viên chính quyền Hiệp Chúng Quốc sẽ bị cách
chức nếu bị kết tội lạm dụng công quyền, hoặc kết tội phản quốc, nhận hối lộ,
hoặc phạm những trọng tội khác.
ĐIỀU III
Khoản 1. Quyền Tư
pháp Hiệp Chúng Quốc sẽ được trao cho một Tối cao Pháp viện và cho những pháp
viện hạ cấp nào mà Quốc hội sẽ có thể, đôi khi quyết định và thiết lập. Các
pháp quan của Tối cao Pháp viện và của những Pháp viện hạ cấp sẽ giữ chức vụ của
mình vĩnh viễn nếu lúc nào cũng có một hành vi chính đáng. Và sẽ có quyền hưởng
trong những kỳ hạn nhất định, một trợ cấp sẽ không bao giờ sụt giảm suốt trong
thời kỳ tại chức.
Khoản 2. Quyền Tư
pháp sẽ có một phạm vi hiệu lực bao gồm tất cả các vụ, trên phương diện luật
pháp và công lí theo bản Hiến pháp này ở trong phạm vi luật pháp của Hiệp Chúng
Quốc, và những hiệp ước được kí kết hoặc sẽ được kí kết do thẩm quyền Hiệp
Chúng Quốc: tất cả các vụ liên can tới các đại sứ, các sứ thần và các lãnh sự;
tất cả các vụ thuộc thẩm quyền luật pháp hàng hải và hải quân; những vụ tranh
chấp giữa hai hay nhiều Tiểu bang; giữa công dân của các Tiểu bang; giữa công
dân cùng một Tiểu bang tranh giành đất đai mà nhiều Tiểu bang có quyền cấp
phát: và giữa một Tiểu bang hoặc công dân của một Tiểu bang với một ngoại bang
hoặc công dân và thần dân của một ngoại bang.
Trong tất cả các vụ
liên can tới các đại sứ, các sứ thần và các lãnh tụ, và trong những vụ mà một
Tiểu bang là một phe dự phần, Tối cao Pháp viện sẽ có quyền tài phán sơ thẩm.
Trong tất cả các vụ ngoài các vụ ghi trên đây, Tối cao Pháp viện sẽ có quyền
tài phán thượng thẩm, về pháp lí cũng như về thực tế, trừ những ngoại lệ nào và
những luật lệ nào mà Quốc hội sẽ thiết lập.
Mọi vụ trọng tội ngoại
trừ những vụ lạm dụng công quyền, sẽ được xét xử bằng thể thức một bồi thẩm
đoàn. Và những vụ đó sẽ được xét xử tại Tiểu bang mà trọng tội đã xảy ra, và
khi các tội không xảy ra tại bất cứ một Tiểu bang nào, vụ án sẽ được xét xử tại
một hoặc những nơi nào mà Quốc hội sẽ định đoạt bằng một đạo luật.
Khoản 3. Sẽ chỉ coi
là phản bội đối với Hiệp Chúng Quốc, mọi hành động tuyên chiến với Hiệp Chúng
Quốc hoặc mọi hành động liên minh với địch phương của Hiệp Chúng Quốc, bằng
cách viện trợ cho địch phương hoặc ủy lạo địch phương. Không một người nào sẽ bị
kết tội phản bội, nếu không phải là do sự tố cáo của hai chứng nhân cùng chứng
kiến một hành động công khai đó, hoặc do chính bị cáo thú nhận trong một phiên
tòa án họp công khai.
Quốc hội sẽ có quyền
xác định hình phạt phản bội, nhưng một phán quyết đưa tới sự hành hình, hoặc tịch
thu tài sản vì tội trạng ấy, chỉ thi hành trong trường hợp tội nhân hãy còn sống.
ĐIỀU IV
Khoản 1. Sự hoàn toàn
tín nhiệm và tín dụng sẽ được thừa nhận tại mỗi Tiểu bang đối với các công văn,
sổ sách và thủ tục tố tụng của mọi Tiểu bang khác. Và Quốc hội sẽ có quyền, bằng
những đạo luật thông thường, quy định thể thức do đó những công văn, sổ sách,
và thủ tục tố tụng sẽ được chứng thực và có đủ hiệu lực.
Khoản 2. Công dân của
mỗi Tiểu bang sẽ được hưởng mọi ưu quyền và các quyền tự do bất khả xâm phạm của
công dân tất cả các Tiểu bang khác.
Một người tại bất cứ
một Tiểu bang nào mà bị cáo buộc tội phản bội hoặc một trọng tội khác, trốn
tránh công lí bằng sự đào tẩu và bị tìm thấy tại một Tiểu bang khác, sẽ bị, khi
có sự yêu cầu của chánh quyền Hành pháp của Tiểu bang mà bị cáo đã bỏ trốn, áp
giải sang Tiểu bang có thẩm quyền xét xử về vụ án đó.
Một người bị câu thúc
trong một công việc hoặc công tác tại một Tiểu bang, theo các đạo luật hiện
hành tại Tiểu bang này, khi trốn sang một Tiểu bang khác, sẽ không được miễn dịch
đối với công việc hoặc công tác đó, nhờ ở những đạo luật của Tiểu bang sau, và
sẽ phải bị giao trả, theo sự yêu cầu của đương sự có thẩm quyền về công việc hoặc
công tác đó.
Khoản 3. Những Tiểu
bang mới có thể được Quốc hội chấp thuận cho gia nhập Liên bang: nhưng không một
Tiểu bang mới nào sẽ được thành lập hoặc xây dựng trên lãnh thổ thuộc phạm vị
luật pháp của một Tiểu bang khác, mà cũng không một Tiểu bang nào được thành lập
bằng sự liên kết của hai hoặc nhiều Tiểu bang hoặc nhiều phần Tiểu bang, nếu
không có sự thỏa thuận của cơ quan Lập pháp của các Tiểu bang có liên quan,
cũng như của Quốc hội Liên bang.
Quốc hội Liên bang sẽ
có quyền sử dụng hoặc quyền làm mọi đạo luật và quy pháp cần thiết liên can tới
các lãnh thổ hoặc các tài sản khác thuộc quyền sở hữu của Hiệp Chúng Quốc và
không một điều khoản nào của bản Hiến pháp này sẽ được giải thích một cách có tổn
hại tới những yêu sách của Hiệp Chúng Quốc hoặc của bất cứ một Tiểu bang nào.
Khoản 4. Hiệp Chúng
Quốc sẽ đảm bảo mỗi Tiểu bang trong Liên bang một chính thể cộng hòa, và sẽ bảo
vệ mỗi Tiểu bang để chống xâm lăng; và theo lời yêu cầu của cơ quan Lập pháp hoặc
cơ quan Hành pháp (khi cơ quan Lập pháp không thể nhóm họp được) để chống lại mọi
bạo động nội bộ.
ĐIỀU V
Quốc hội, khi hai phần
ba Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện (nguyên văn: “Thượng Nghị viện”) xét là cần
thiết, sẽ đề nghị các tu chính án cho bản Hiến pháp này, hoặc theo lời yêu cầu
của các cơ quan Lập pháp của hai phần ba các Tiểu bang, sẽ triệu tập một Hội
nghị để đề nghị các tu chính án đó. Trong trường hợp nào cũng vậy, các tu chính
án đó sẽ có hiệu lực về mọi phương diện, như là một phần của Hiến pháp này, khi
đã được phê chuẩn bởi các cơ quan Lập pháp của ba phần tư các Tiểu bang, hoặc bởi
các hội nghị của ba phần tư các Tiểu bang, tùy theo thể thức phê chuẩn do Quốc
hội đề nghị. Nhưng không một tu chính án nào sẽ được chấp thuận trước năm một
ngàn tám trăm lẻ tám nếu có ảnh hưởng thay đổi đoạn 1 và đoạn 4 của Khoản 9
trong Điều 1. Và không một Tiểu bang nào, nếu không có sự thỏa thuận của Tiểu
bang ấy, lại bị tước quyền bình đẳng đầu phiếu tại Thượng Nghị viện.
ĐIỀU VI
Tất cả các món nợ và
giao ước kí kết trước khi Hiến pháp này được thừa nhận, sẽ cũng vẫn có giá trị
đối với Hiệp Chúng Quốc thành lập theo Hiến pháp này, cũng như dưới chế độ Liên
hiệp cũ.
Hiến pháp này, cũng
như các đạo luật của Hiệp Chúng Quốc sẽ được thảo ra căn cứ vào Hiến pháp này,
và các hiệp ước đã hoặc sẽ được kí kết, dưới quyền lực của Hiệp Chúng Quốc, sẽ
là pháp luật tối cao của quốc gia; và tất cả các vị chánh án tại tất cả các Tiểu
bang sẽ phải tuân theo luật pháp tối cao này; dù Hiến pháp hoặc luật pháp của bất
cứ một Tiểu bang nào trái ngược lại cũng vậy.
Các Thượng nghị sĩ và
các Hạ nghị sĩ, và nhân viên của các cơ quan Lập pháp của các Tiểu bang, và tất
cả các nhân viên ngành Hành pháp và ngành Tư pháp của chính phủ Liên bang lẫn
chính phủ Tiểu bang, sẽ phải cam kết bằng lời tuyên thệ hoặc cam quyết, bênh vực
Hiến pháp này, nhưng không có một điều kiện tôn giáo nào sẽ được coi là một điều
kiện bắt buộc hợp cách để được bổ nhiệm vào bất cứ một chức vụ hoặc công vụ
trong chính quyền của Hiệp Chúng Quốc.
ĐIỀU VII
Sự phê chuẩn do các hội
nghị Tiểu bang của chín Tiểu bang sẽ được coi là hợp cách để thành lập Hiến
pháp này giữa các Tiểu bang đã phê chuẩn Hiến pháp này.
__________
CÁC TU CHÍNH ÁN
Những điều khoản phụ
thêm và tu chính cho bản Hiến pháp của Hoa Kỳ do Quốc hội đề nghị và được các
cơ quan Lập pháp của nhiều Tiểu bang phê chuẩn theo đúng điều thứ năm của Hiến
pháp nguyên thủy.
ĐIỀU I
Quốc hội sẽ không thảo
một đạo luật nào để thiết lập một tôn giáo hoặc để cấm đoán tự do tôn giáo; để
hạn chế tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí; hoặc để hạn chế quyền của dân chúng
được hội họp ôn hòa và đưa lên chính phủ các điều thỉnh cầu bày tỏ những nỗi bất
bình của họ.
ĐIỀU II
Vì lẽ một đội Dân
quân tổ chức hẳn hòi xét ra cần thiết cho nền an ninh của quốc gia tự do, nên
quyền giữ và mang khí giới của dân chúng sẽ không bị vi phạm.
ĐIỀU III
Không một quân nhân
nào, trong thời bình, được cư trú trong một nhà mà không có sự thỏa thuận của
gia chủ; và ngay cả trong thời chiến, nếu không phải là theo thể thức do pháp
luật quy định.
ĐIỀU IV
Quyền lợi của các
công dân được bảo đảm về bản thân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản, khỏi mọi sự
khám xét và tịch thâu vô lí, sẽ không bị vi phạm, và sẽ không có trát khám nhà
nào được cấp nếu không phải có lí do chắc chắn, căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự
xác nhận, cần nhất trát đó phải tả rõ nơi và chốn phải khám xét và chỉ rõ người
hay vật phải bắt giữ.
ĐIỀU V
Không một người nào bị
buộc phải trả lời về một trọng tội hoặc một tội xấu xa khác, nếu không có cáo tội
trạng (presentment) hay tố cáo trạng (indictment) do một đại bồi thẩm đoàn đưa
ra, trừ những trường hợp xẩy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong dân quân,
đang hiện dịch trong thời kỳ chiến tranh hoặc trong thời kỳ báo động. Không một
người nào sẽ bị xử hai lần về một tội trạng hoặc bị bắt buộc phải tự làm chứng
cho chính mình trong một vụ hình sự. Không được phạm đến sinh mạng, tự do và tư
hữu tài sản của một ai mà không có thủ tục pháp lí thông thường. Không một tài
sản nào sẽ bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường xứng đáng.
ĐIỀU VI
Trong vụ truy tố hình
sự, bị cáo sẽ có quyền được xử nhanh chóng và công khai bởi một bồi thẩm đoàn
vô tư của Tiểu bang và khu vực, mà tại đấy tội trạng đã xảy ra – khu vực đã được
pháp luật chỉ định trước – và có quyền được biết về tính chất của lí do và tội
trạng; được đối chất với chứng tá buộc tội; được đòi hỏi bằng các phương pháp,
sự có mặt của các chứng tá gỡ tội và được trạng sư biện hộ.
ĐIỀU VII
Trong vụ án về luật
phổ thông mà giá trị của vụ tranh chấp quá hai mươi Mỹ kim, quyền được xử bằng
bồi thẩm đoàn sẽ được tôn trọng; và không một vụ nào, đã được bồi thẩm đoàn xử,
lại được xem xét một lần nữa tại một pháp đình khác của Hiệp Chúng Quốc, một
cách khác hơn là chiếu theo điều khoản của luật phổ thông.
ĐIỀU VIII
Sẽ không được bắt buộc
những món tiền bảo chứng và món tiền phạt quá lạm, cũng như sẽ không được sử dụng
những hình phạt dã man và khác thường.
ĐIỀU IX
Việc liệt kê một số
quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hoặc làm giảm giá một số quyền
khác của người dân.
ĐIỀU X
Các quyền lực mà Hiến
pháp không hủy cho Hiệp Chúng Quốc nhưng cũng không ngăn cấm đối với các Tiểu
bang, hoặc cho dân chúng.
ĐIỀU XI
Quyền hành Tư pháp của
Liên bang Hoa Kỳ sẽ không được giải thích để áp dụng cho bất cứ một vụ tố tụng
nào về luật pháp hay công lí nào mà các công dân của một Tiểu bang khác hoặc
công dân của bất cứ ngoại bang nào khác khởi tố hoặc truy tố chống lại một Tiểu
bang của Hoa Kỳ.
ĐIỀU XII
Các cử tri sẽ nhóm họp
tại Tiểu bang của họ và bỏ phiếu bầu Tổng thống, mà ít nhất một trong hai người
này không phải là một công dân cùng một Tiểu bang với họ; họ sẽ đề trên lá phiếu
tên người được bầu làm Tổng thống và trên những lá phiếu khác tên người được bầu
làm Phó Tổng thống, và họ sẽ làm hai bản danh sách riêng biệt gại tất cả những
người được bầu làm Tổng thống và tất cả những người được bầu làm Phó Tổng thống,
và tất cả số phiếu dành cho mỗi người, họ sẽ kí và chứng nhận những bản danh
sách này, rồi niêm phong rồi chuyển lên trụ sở của chính phủ Hoa Kỳ, để gửi cho
Chủ tịch Thượng Nghị viện, Chủ tịch Thượng Nghị viện, trước sự hiện diện của
Thượng và Hạ Nghị viện, sẽ mở tất cả những bản chứng nhận và đếm số phiếu người
nào có nhiều phiếu nhất về chức vụ Tổng thống, sẽ được đắc cử Tổng thống, nếu số
đó là đa số của toàn thể tổng số cử tri được đề cử; và nếu không có người nào có
đa số như vậy, thì trong những người có số phiếu cao nhất nhưng không quá ba
người được bầu vào chức vụ Tổng thống, Hạ Nghị viện sẽ tức khắc chọn lựa bằng
cách bỏ phiếu một người làm Tổng thống. Tuy nhiên trong khi chọn Tổng thống, số
thăm sẽ tính theo Tiểu bang, đại diện của mỗi Tiểu bang sẽ được một thăm, một ủy
ban sẽ được thành lập để lo việc này gồm một hay nhiều nhân viên của hai phần
ba tổng số các Tiểu bang, và một đa số của tất cả các Tiểu bang sẽ cần thiết
cho việc lựa chọn. Nếu Hạ Nghị viện không chọn được một vị Tổng thống vào lúc
quyền hành chọn lựa được giao phó cho họ, trước ngày mồng bốn tháng Ba kế tiếp,
thì vị Phó Tổng thống sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống giống như trường hợp Tổng
thống từ trần hay bất lực mà Hiến pháp đã quy định. Người nào có nhiều phiếu nhất
về chức vụ phó Tổng thống sẽ được đắc cử Phó Tổng thống, nếu số phiếu đó là đa
số của tổng số các cử tri được đề cử, nếu không có người nào được đa số, thì
trong hai người được nhiều phiếu nhất trong danh sách, Thượng Nghị viện sẽ chọn
một người làm Phó Tổng thống, một ủy ban sẽ được thành lập để lo việc này gồm
hai phần ba tổng số các Thượng-nghị sĩ, và một đa số của tổng số là điều cần
thiết cho việc chọn lựa. Tuy nhiên, không một người nào một khi không đủ điều
kiện hợp hiến để đảm nhận chức vụ Tổng thống lại được chọn làm Phó Tổng thống
Hoa Kỳ.
ĐIỀU XIII
1) Không một chế độ
nô lệ hay tôi tớ ép buộc nào sẽ được tồn tại ở Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào thuộc
thẩm quyền của Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ, ngoại trừ
sự trừng phạt một tội phạm mà tội nhân bị buộc đích đáng.
2) Quốc hội sẽ có quyền
ban hành luật lệ thích ứng để buộc thi hành điều này.
ĐIỀU XIV
1) Tất cả những người
sinh đẻ hay nhập tịch ở Hoa Kỳ, lệ thuộc vào quyền tài phán của quốc gia này, đều
là công dân của Hoa Kỳ và của Tiểu bang mà họ cư trú. Không một Tiểu bang nào
được ban hành hay buộc thi hành một luật lệ nhằm rút bớt các đặc quyền hay miễn
dịch của các công dân Hoa Kỳ, không một Tiểu bang nào được tước đoạt quyền sinh
sống, sống tự do, hay tài sản của một người nào mà không theo thể thức luật
pháp thích đáng, hay từ chối sự bảo vệ đồng đều về mặt luật pháp đối với một
người nào thuộc thẩm quyền tài phán của Tiểu bang này.
2) Các vị đại diện sẽ
được phân phối trong các Tiểu bang tùy theo dân số của họ, tính theo tổng số
người trong mỗi Tiểu bang, ngoại trừ những người da đỏ không bị đánh thuế. Tuy
nhiên khi quyền bầu cử trong một cuộc tuyển cử nào để chọn lựa các cử tri bầu Tổng
thống và Phó Tổng thống của Hoa Kỳ, các dân biểu tại Quốc hội, các nhân viên
ngành Hành pháp và Tư pháp của Tiểu bang hay các nhân viên của cơ quan Lập pháp
của Tiểu bang này, bị chối bỏ đối với những nam công dân nào của Tiểu bang đó
đã được hai mươi mốt tuổi và là công dân Hoa Kỳ, hoặc quyền này bị rút bớt bằng
cách nào khác ngoại trừ trường hợp tham gia vào một cuộc phiến loạn hay những
trọng tội khác, thì căn bản của sự đại diện ở Tiểu bang này sẽ bị giảm bớt theo
tỉ lệ mà số nam công dân nói trên ảnh hưởng tới tổng số các nam công dân hai
mươi mốt tuổi trong Tiểu bang đó.
3) Không một người
nào được làm Thượng hay Hạ nghị sĩ tại Quốc hội, hay cử tri bầu Tổng thống và
Phó Tổng thống, hay giữ một chức vụ dân sự hay quân sự nào trong lãnh thổ Hoa Kỳ
hay lãnh thổ của một Tiểu bang, và trước đó đã tuyên thệ ủng hộ bản Hiến pháp
Hoa Kỳ với tư cách một nghị sĩ tại Quốc hội, hay một công chức của Hoa Kỳ hay một
nhân viên của cơ quan Lập pháp Tiểu bang, hay một nhân viên ngành Hành pháp hoặc
Tư pháp của Tiểu bang mà lại được tham gia vào một cuộc bạo động hay phiến loạn
chống lại Hoa Kỳ hay các Tiểu bang, hay trợ giúp và an ủi các địch thủ của Hoa
Kỳ hay các Tiểu bang. Tuy nhiên với số thăm hai phần ba của mỗi viện, Quốc hội
có thể bãi bỏ sự nghiêm cấm nói trên.
4) Hiệu lực của số nợ
công cộng của Hoa Kỳ do luật pháp cho phép, kể cả món nợ cần thiết để trả các
phụ cấp và tiền thưởng cho các công tác dẹp bạo động và phiến loạn, sẽ không bị
chất vấn. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng như các Tiểu bang sẽ không được nhận lãnh hay
thanh toán một món nợ trái-khoản nào chi-phí để giúp cuộc bạo động hay phiến loạn
chống lại Hoa Kỳ hay một sự khiếu nại nào về việc tổn thất hay giải phóng của một
người nô lệ nào; và tất cả những món nợ, trái khoản hay khiếu nại nói trên đều
được coi như bất hợp pháp và vô giá trị.
5) Quốc hội sẽ có quyền
tăng cường điều này bằng những luật thích nghi.
ĐIỀU XV
1) Quyền bầu phiếu của
các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị Hoa Kỳ hay một Tiểu bang nào chối bỏ hay hạn chế
vì lí do chủng tộc, màu da hay những điều kiện tôi đòi trước đây.
2) Quốc hội sẽ có quyền
buộc thi hành điều này bằng các đạo luật thích ứng.
ĐIỀU XVI
1) Thượng Nghị viện
Hoa Kỳ sẽ gồm có hai Thượng nghị sĩ của mỗi Tiểu bang, do dân chúng Tiểu bang
này bầu cử để nhậm chức trong sáu năm; và mỗi Thượng nghị sĩ sẽ được một thăm.
Các cử tri của mỗi Tiểu bang sẽ phải có đủ điều kiện cần thiết dành cho các cử
tri của ngành đông đảo nhất của các cơ quan Lập pháp Tiểu bang.
2) Khi có chỗ khuyết
trong số đại diện của một Tiểu bang tại Thượng Nghị viện, cơ quan Hành pháp của
Tiểu bang ấy sẽ ban hành lệnh bầu cử để điền vào các chỗ khuyết: Miễn là cơ
quan Lập pháp của một Tiểu bang có thể ủy quyền (nguyên văn: “hủy quyền”) cho
cơ quan Hành pháp của Tiểu bang tạm thời đề cử người thay thế cho đến khi bầu
được vào chỗ khuyết, theo đúng luật lệ sẵn có.
3) Tu chính án này sẽ
không được (nguyên văn: “sẽ được”) giải thích để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử
hay nhiệm kì của bất kỳ Thượng nghị sĩ nào được lựa chọn trước khi tu chính án
trở thành hiệu lực như một phần của Hiến pháp.
ĐIỀU XVII
1) Một năm sau khi
phê chuẩn điều này, sự chế tạo, bán hay chuyên chở các loại rượu để uống trong
phạm vi, nhập cảng các thứ ấy ra khỏi Hoa Kỳ đều bị cấm hẳn.
2) Quốc hội và các Tiểu
bang sẽ có quyền như nhau trong việc thi hành điều này bằng những luật lệ thích
hợp.
3) Điều này sẽ không
có hiệu lực nếu không được các cơ quan Lập pháp của các Tiểu bang phê chuẩn như
một tu chính án cho bản Hiến pháp, như đã được quy định trong Hiến pháp, trong
vòng bảy năm kể từ ngày Quốc hội chuyển điều này đến các Tiểu bang.
ĐIỀU XVIII
1) Quyền bầu phiếu của
các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị Hoa Kỳ hay một Tiểu bang nào phủ nhận hay hạn
chế vì lí do nam nữ.
2) Quốc hội sẽ có quyền
buộc thi hành điều này bằng luật lệ thích ứng.
ĐIỀU XIV
1) Nhiệm kì của Tổng
thống và Phó Tổng thống sẽ chấm dứt đúng trưa ngày 20 tháng Giêng, và các nhiệm
kì của các Thượng và Hạ nghị sĩ chấm dứt vào đúng trưa ngày mồng 3 tháng Giêng,
của các năm mà các nhiệm kì ấy sẽ chấm dứt như là điều này chưa được phê chuẩn;
và các nhiệm kì của những người kế vị cũng sẽ bắt đầu từ lúc đó.
2) Quốc hội sẽ nhóm họp
ít nhất mỗi năm một lần, và kỳ họp sẽ bắt đầu vào đúng trưa ngày mồng 3 tháng
Giêng, trừ khi Quốc hội sẽ ban hành luật để ấn định một ngày khác.
3) Vào thời gian được
ấn định để khởi đầu nhiệm kì của Tổng thống, nếu vị Tổng thống đắc cử từ trần,
Phó Tổng thống đắc cử sẽ trở thành Tổng thống. Nếu không chọn được một vị Tổng
thống trước thời gian ấn định để khởi đầu nhiệm kì của Tổng thống, hay nếu vị Tổng
thống đắc cử không đủ tư cách, thì vị Phó Tổng thống đắc cử sẽ đảm nhiệm chức vụ
quyền Tổng thống cho đến khi có được một vị Tổng thống có đủ tư cách; và Quốc hội
sẽ ban hành luật lệ để đáp ứng trường hợp trong đó cả vị Tổng thống và Phó Tổng
thống đắc cử đều không đủ tư cách, bằng cách tuyên bố ai sẽ đảm nhiệm chức vụ
quyền Tổng thống, hay thể thức để chọn một người để đảm nhiệm chức vụ đó và người
này sẽ đảm nhiệm một cách thích đáng cho đến khi có được một Tổng thống hay Phó
Tổng thống có đủ tư cách.
4) Quốc hội có thể
ban hành luật để đáp ứng với trường hợp từ trần của bất kỳ một người nào mà Hạ
Nghị viện có thể chọn làm Tổng thống khi quyền chọn lựa được giao phó cho viện,
và với trường hợp từ trần của bất kỳ một người nào mà Thượng Nghị viện có thể
chọn làm Phó Tổng thống khi quyền chọn lựa được giao phó cho viện.
5) Khoản 1 và 2 sẽ có
hiệu lực kể từ ngày 15 tháng mười, sau khi điều này được phê chuẩn.
6) Điều này sẽ vô hiệu
nếu không được các cơ quan Lập pháp của ba phần tư các Tiểu bang phê chuẩn như
một tu chính án của bản Hiến pháp trong vòng bảy năm, kể từ ngày chuyển điều
này đến các Tiểu bang.
ĐIỀU XX
1) Tu chính án thứ mười tám của bản Hiến pháp
Hoa Kỳ được bãi bỏ từ đây.
2) Việc chuyên chở
hay nhập cảng các thứ rượu mạnh vào bất cứ Tiểu bang, lãnh thổ hay thuộc địa của
Hoa Kỳ để cung cấp hay sử dụng ở trong đó mà vi phạm vào luật lệ địa phương ấy,
đều bị cấm hẳn.
3) Điều này sẽ vô hiệu
nếu không được các đại hội của các Tiểu bang phê chuẩn như một tu chính án của
bản Hiến pháp, như đã được quy định trong Hiến pháp, trong vòng bảy năm kể từ
ngày Quốc hội chuyển điều tu chính này đến các Tiểu bang.
ĐIỀU XXI
1) Không một người
nào được bầu làm Tổng thống quá hai lần và không một người nào đã làm Tổng thống,
hoặc đã đảm nhiệm chức vụ quyền Tổng thống quá hai năm của một nhiệm kì mà một
người khác được bầu làm Tổng thống, lại được bầu vào chức vụ Tổng thống quá một
lần. Tuy nhiên điều này sẽ không áp dụng đối với người nào làm Tổng thống khi
điều này được Quốc hội đề nghị, và sẽ không cản trở người nào có thể giữ chức vụ
Tổng thống hay quyền Tổng thống – trong khi thời gian mà Điều luật này có hiệu
lực – làm Tổng thống hay quyền Tổng thống suốt thời gian còn lại của nhiệm kì ấy.
2) Điều luật này sẽ
vô hiệu nếu không được các cơ quan Lập pháp của ba phần tư các Tiểu bang phê
chuẩn như một tu chính án của Hiến pháp trong vòng bảy năm kể từ ngày Quốc hội
chuyển điều này đến các Tiểu bang.
ĐIỀU XXII
1) Quận được dùng làm
thủ phủ của chính phủ Hoa Kỳ sẽ quy định theo đường lối mà Quốc hội chỉ định.
Một số những cử tri của
Tổng thống và Phó Tổng thống ngang với tổng số của Thượng và Hạ nghị sĩ trong
Quốc hội mà Quận được quyền có nếu là một Tiểu bang, nhưng không trong một trường
hợp nào số cử tri đó được nhiều quá con số của một Tiểu bang ít dân số nhất: số
cử tri này, sẽ được phụ thêm vào số cử tri đã được các Tiểu bang quyết định
nhưng họ sẽ được coi như là những cử tri như một Tiểu bang chỉ định cho cuộc bầu
cử Tổng thống và Phó Tống thống và họ phải quy tụ ở Quận và thi hành những thủ
tục và nhiệm vụ như đã ghi ở điều XX của bản Tu chính Án.
2) Quốc hội có quyền
tăng cường hiệu lực điều khoản này bằng những luật pháp thích nghi.
ĐIỀU XXIII
Quyền của công dân
Hoa Kỳ để đầu phiếu trong bất cứ một cuộc bầu cử sơ bộ nào hoặc cuộc bầu cử nào
khác để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc để bầu Thượng nghị sĩ hoặc Hạ
nghị sĩ vào Quốc hội sẽ không được từ khước hoặc hạn chế bởi chính phủ Hoa Kỳ
hoặc bởi bất cứ Tiểu bang nào đối với một người mà vì lí do người đó không đóng
tiền thuế thân hoặc loại thuế khác.[1]
(Còn 1 kì)
Nguồn: Nguyễn Văn
Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử
do pro&contra thực hiện.
[1] Cho đến thời điểm
hiện nay (năm 2013) Hiến pháp Mỹ đã có thêm ba (3) tu chính án nữa, thành tổng
cộng là 27 tu chính án. (p&c)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét