Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Cách mạng Pháp 1789


Tác giả Nghiêm Xuân Hồng(1920-2000)


Cuộc cách mạng 1789 tại Pháp là cuộc cách mạng lớn lao đầu tiên trong thời cận đại đã gây nhiều âm hưởng tại các nước khác. Do cuộc biến chuyển đó, tới ngày nay, dân tộc Pháp vẫn được giữ cương vị một dân tộc tiền tiến để cổ xuý những khẩu hiệu tự do, bình đẳng, cùng các nhân quyền khác. Do những âm thanh vang dội liên tiếp, nên không mấy nước Âu-Á là không có những sách vở nghiên cứu về cuộc cách mạnh 1789. Tới nay, hầu hết những người đọc sách đều có những ý niệm ít nhấl là khái quát về cuộc cách mạng Pháp, về hoàn cảnh xã hội Pháp thời đó, cùng những nguyên nhân đã phôi thai ra cách mạng. Bởi thế, mục tiêu của chương này chỉ cốt nhằm vào nghiên cứu diễn trình biện chứng của cuộc cách mạng 1789, tìm điểm sự va chạm của những lực lượng tương khắc, những đợt tiến hay lùi, để có thể soi sáng ít nhiều cho sự đặt định những phương châm của một quan niệm hành động... Trên phương diện diễn trình biện chứng, sự nghiên cứu cuộc cách mạng 1789 có thể đem lại nhiều lợi ích hơn cả. Vì trái với những cuộc cách mạng gần đây (cách mạng Quốc xã Đức hoặc cách mạng vô sản tại Nga sô và Trung Quốc) vốn có sẵn những kế hoạch cùng phương châm hành động phác định từ trước, cuộc cách mạng Pháp 1789, mặc dầu được chuẩn bị trong gần một thế kỷ bởi những trào lưu tư tưởng tự do và bình đẳng, nhưng tới khi lâm sự, vẫn là một cuộc cách mạng mà các nhà lãnh đạo đã tùy cơ ứng biến. 


Cho tới những ngày đầu tháng 5-1789, khi các Quốc dân đại biểu được vua Louis XVI triệu nhóm, vẫn không có một lãnh tụ nào nghĩ tới chuyện đạp đổ đế chế để thiết lập nền cộng hòa. Ngay cho tới ngày 11-7-1789, sau khi dân chúng Paris đã võ trang đánh chiếm ngục Bastille và chặt đầu viên Thống đốc bêu lên ngọn giáo, vẫn không có một người nào nghĩ tới việc đạp đổ đế chế... Hoài vọng của các đoàn đại biểu lúc đó chỉ là muốn đạt tới sự ban hành một bản hiến pháp để giới hạn bớt uy quyền nhà vua, cùng những quyền lợi quá đáng của quý tộc và tu sĩ... Nhưng một khi đã mở màn, cuộc xung đột ngày càng trở nên gay go. Đứng trước thái độ ngoan cố của những đẳng cấp ưu đãi, trước thái độ vừa nhu nhược vừa muốn âm mưu của nhà vua, các tầng lớp dân chúng đã ngày càng đi tới những biện pháp quyết liệt hoặc quá khích để kết thúc bằng thời kỳ khủng bố kinh hồn trong năm 1793! Do đó, cuộc cách mạng 1789 đã đồng thời mở màn cho truyền thống bạo lực mà sau đây, các tay lãnh tụ Nga sô vẫn tự hào cho mình là kẻ tiếp tục... Về mặt khác, cuộc cách mạng 1789 đã được thực hiện bởi nhiều tầng lớp xã hội khác biệt, nên các khuynh hướng đã nhiều phen va chạm khốc liệt, làm phôi thai một thứ chiến tranh giai cấp. Và ở mỗi giai đoạn, các tầng lớp xã hội đã xuất hiện lần lần! Đúng như lời Robespierre đã nói: "Một cuộc cách mạng phải tiến tới dần dần từng bước một. Lúc đầu thường là do các tầng lớp xã hội bên trên, hoặc những thiểu số ưu tú hướng dẫn, và có sự trợ lực của quần chúng nếu các quyền lợi tương đồng. Tỷ dụ như trong cuộc cách mạng của chúng ta, những tầng lớp quý tộc, tu sĩ, tư sản, các pháp đình, đã khua chiêng gióng trống đầu tiên. Sau đó, dân chúng mới xuất hiện...” Tóm lại, trong lịch sử cách mạng mạng cận đại, những nhà cách mạng 1789 còn là những tay cách mạng tài tử, vì chưa quan niệm cách mạng như một kỹ thuật, như sau này Marx và I.énine đã chủ trương.

A. Nguyên nhân



Trước khi trình bày diễn trình biện chứng của cuộc cách mạng 1789, cần nhận định vài điều về những nguyên nhân cách mạng. Cũng như những cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng 1789 có những nguyên nhân phức tạp. Trước hết, cần phải kể tới những mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội, mâu thuẫn giữa các thế hệ, mâu thuẫn giữa các chủng tộc, vì những mâu thuẫn này thường là nguyên nhân cố định của cách mạng. Về các tầng lớp xã hội, chúng ta đều biết rằng nước Pháp, vào thời trung cổ, vốn là một nước phong kiến, sau được thống nhất dưới quyền một nhà vua trung ương. Bị suy vi bởi những cuộc chiến tranh liên tiếp, cùng như bị nghèo nàn bởi một cuộc sống tiêu xài huy hoắc, các quý tộc đã dần dần phải giải phóng những dân cày nô lệ, hoặc họ phải chuộc tự do bằng một món tiền. Những nô lệ được giải phỏng đã dần dần tụ tập tại những nơi thị trấn để khuếch trương các công việc buôn bán và kinh doanh. Những thế kỷ XVI-XVII-XVIII, với sự khám phá châu Mỹ cùng các đất đai xa xăm ở Á châu, đã chứng kiến một Âu châu phồn thịnh khác thường về kỹ thuật hàng hải, về buôn bán và kinh doanh. Do đó, những lớp người thị trấn đã trở thành giàu có. Đã có tiền, họ bắt đầu cho con cái ăn học, nên tầng lớp tư sản đô thị là tầng lớp có học thức và tiền bạc hơn hết. Họ dần dần trở thành những chủ nơ của quý tộc và của cả nhà vua. Tới thế kỷ XVIII, nhiều sử gia đã tính toán và thấy rằng mỗi năm, nhà vua phải trả cho các chủ nợ tư sản một số tiền lời bằng một phần mười số huê lợi các ruộng đất trong nước. Cho nên, trong thời tiền cách mạng, nếu quý tộc và tu sĩ thường nắm được chủ quyền trong nước về mặt luật pháp, thì tầng lớp tư sản thị trấn lại nắm được chủ quyền về tài chính và kinh tế. Tuy nhiên, mặc dầu có tiền nong, học thức, tầng lớp tư sản vẫn bị đè nén bởi quý tộc và tu sĩ. Có nhiều chức vụ trong xã hội mà lớp tư sản không có quyền tham dự hoặc đảm nhiệm, tỷ dụ như chức vụ tại các pháp đình. Trong quân đội cũng vậy, người dân thường không bao giờ được đóng sĩ quan. Ngoài ra, mặc dầu nắm giữ mậu dịch và kinh doanh, sự tự do buôn bán và làm nghề của tầng lớp tư sản vẫn luôn luôn bị lớp quý tộc làm ngáng trở. Do đó, đã xảy ra những mâu thuẫn giữa tư sản đô thị (tầng lớp đương tiến tới) và những tầng lớp quý tộc và tu sĩ. Ngay cho đến những tầng lớp được ưu đãi, trong mỗi tầng lớp không phải là không tiềm ẩn những mâu thuẫn. Tỷ dụ như trong tầng lớp tu sĩ, không phải bất cứ ngưòi nào khoác áo nhà tu đều có thể sống cuộc đời vương giả. Thực ra, trong toàn cõi nước Pháp, chỉ có chừng mấy chục vị Giám mục hoặc Hồng y giáo chủ là có thể sống một cuộc đời xa hoa mà thôi. Tại địa phận Strasbourg, Hồng y De Rohan mỗi năm thu tới số huê lợi chừng 400.000 đồng bảng, tức là một món liền rất lớn ở thời đó. Nhưng ở dưới những Giám mục cùng Hồng y, có hàng ngàn vị linh mục tại các làng xã. Những vị này thường sống nghèo khổ không hơn bọn nông phu là mấy, và họ quả là thứ vô sản của Giáo hội. Họ đã chất chứa sẵn trong tâm khảm những căm hờn bất mãn! Năm 1789, linh mục coi địa phận Marolles đã viết: "Chúng la, bọn tu sĩ nghèo nàn sống giữa bọn con chiên đói rách, số phận chúng ta thực không hơn gì những hòn đá dùng để xây cất những căn nhà thờ cũ nát của chúng ta. Đã thế, chúng ta còn phải chịu sự áp bức của bề trên nữa! Đã có lần, một kẻ trong chúng ta chỉ chặt một khúc cây trong rừng làm chiếc gậy chống đi đường, mà kẻ đó cũng bị các bề trên lôi ra trước toà án để xét xử"... Thảm hại hơn nữa là nhiều khi, trong lúc đi đường, chợt bắt gặp chiếc xe song mã hay tứ mã của một vị Giám mục hay Hồng y nào đó, linh mục chỉ còn đủ thì giờ cúi gập người chào rồi nhảy tót vào bụi rậm bên đường để tránh những vết bùn văng tung toé bởi bánh xe... Do những căm hờn bất mãn đó, nên về sau, khi xảy ra cách mạng, ta sẽ thấy phái linh mục nghèo nàn dần dần tách ra khỏi khối các vị Giám mục và Hồng y để đứng sát cánh với thứ dân đòi thay đổi chế độ cũ!



Tu sĩ đã vậy, nhưng quý tộc còn tệ hại hơn. Truyền thống cố hữu buộc người quý tộc không được làm việc gì bằng chân tay hoặc trí não để mưu sinh hết. Trước kia, họ còn có nhiệm vụ chinh chiến để lo liệu toan tính. Nhưng tới khi phái phong kiến đã lùi bước trước quyền hành của nhà vua trung ương, phái quý tộc không còn công việc gì khác là tập trung tại kinh thành, bao vây và xu nịnh nhà vua để mong thâu lượm những ân huệ này khác. Đời sống của họ chỉ là một cuộc sống trống rỗng, nhưng sống trên nhung lụa và ngựa xe. Nay ăn tiệc ở chốn kinh thành, mai kéo nhau về nghỉ mát ở nơi thôn dã, lại thêm cờ bạc quanh năm, nợ nần ngày càng ngập cổ. Không mấy tay quý tộc là không nợ, và phần lớn quý tộc đều sống bám vào những ân huệ của nhà vua. Tỷ dụ như vào năm 1779, nữ hầu tước Polignac đã xin được của Hoàng hậu 100.000 đồng bảng để trả nợ, kèm thêm 800.000 đồng bảng để làm của hồi môn cho con gái. Về phía nhà vua, những chi phí của triều đình cũng khủng khiếp. Triều đình của vua Louis XVI gồm một văn phòng có 4.000 người tùy thuộc, và một võ phòng gồm 9.000 người. Ngoài ra, có 2.000 người khác phục vụ cho những ông hoàng bà chúa. Do đó, tới 1788, trong khi ngân khố chỉ thu vào 503.000.000 đồng bảng, sự chi tiêu lại lên tới 629.000.000. Cũng vì sự thiếu hụt ngân quỹ này, mà tới tháng 5-1789, vua Louis XVI đã bắt buộc phải triệu tập Quốc dân Đại hội để trù tính lại ngành thuế má. Nhưng Quốc dân Đại hội đã chuyển thành một giai đoạn mở màn cho cuộc cách mạng!



Ngoài những tầng lớp quý tộc, tu sĩ và tư sản đô thị, còn có tầng lớp dân cày. Lúc đó, nước Pháp có một dân số chừng 21.000.000 người, nhưng 18.000.000 là nông phu. Nông dân cùng với tư sản đô thị đều bị coi là tầng lớp thứ dân. Tuy nhiên, ngay đối với tầng lớp tư sản đô thị, người nông phu cũng đã từng phải chịu những bóc lột đè nén. Tỷ dụ như những nông phu làm nghề thủ công, thường phải nhận lãnh công việc của những chủ nhân ông tư sản đô thị, và thường phải lãnh với một giá rẻ mạt. Còn như đối với quý tộc và tu sĩ, lẽ dĩ nhiên là người nông dân phải chịu bao nhiêu thứ bóc lột rồi. Muốn xay lúa mì, cũng phái thuế, muốn nướng bánh cũng phải thuế, muốn hái nho làm rượu cũng phải thuế, muốn qua cầu qua đò cũng phải thuế, muốn tới chợ cũng phải thuế, muốn cho con bò ăn cỏ tại cánh đồng cỏ cũng phải thuế, cất một ngòi nhà cũng phải thuế! Nếu chim chóc hoặc muông thú của quý tộc tới phá hại mùa màng, các nông dân không được quyền săn giết, chỉ được đánh trống mõ đuổi đi mà thôi. Chó săn không được nuôi, và nếu nuôi chó, phải đeo một cái xích thật nặng vào cổ, và có giây buộc dắt theo người... Xưa kia, dưới thời thịnh trị phong kiến, khi các vị công hầu còn cầm gươm cầm súng xông pha chiến trận đề che chở cho bọn dân cày nô lệ thì người nông phu còn vuốt bụng cam chịu những thuế má đó. Nhưng tới thời đế chế tập quyền, người nông phu đã đóng thuế cho vua rồi, không lẽ còn phải nai lưng đóng thuế cho chúa? Do đó, họ dần dần nhận thấy những quyền hành của chúa là vô lý và phôi thai những hoài vọng giải phóng...



Kèm theo với những mâu thuẫn về tầng lớp, nước Pháp thời đó còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn về chủng tộc. Mirabeau từng nói rằng nước Pháp lúc đó chỉ là một sự "tập hợp hỗn độn của nhiều nước, nhiều chủng tộc". Trải qua mấy trăm năm đế chế tập quyền, nhà vua vẫn chưa đồng nhất hóa được những đất đai của mình. Những tỉnh như Provence, Béarn, Bretagne, Alsace và France-Comte, Dauphiné, tức là những đất đai sát nhập về sau, phần lớn đều còn giữ nhiều địa phương tính trên tập quán và luật pháp. Người dân sống trên những đất đai đó vẫn cho rằng đối với họ, nhà vua trung ương không phải là vua mà cũng chỉ là một thứ công-hầu-bá-tử mà thôi. Nhiều địa phận tại xứ Alsace, mặc dầu sát nhập Pháp, vẫn còn nằm dưới quyền cai trị của một số những ông hoàng người Phổ. Tương tự như đế quốc La Mã xưa kia, vua nước Pháp cũng chia những đất đai thuộc quyền thành hai hạng: thứ đất đai sát nhập từ lâu được hưởng một chính sách thuế khóa nhẹ, còn những đất đai mới lại chịu nặng thuế hơn. Tuy nhiên, uy quyền của nhà vua cũng chưa phổ biến được trực tiếp. Vì mỗi xứ cũng có những hội đồng hàng xứ, cùng những pháp đình (do quý tộc và tu sĩ nắm giữ) quy định các luật pháp. Một đạo luật về thuế ban hành bởi nhà vua, muốn được thi hành, cần có sự chuẩn nhận của pháp đình hoặc hội đồng hàng xứ. Cho nên, sự xung đột giữa các cơ quan đó và uy quyền nhà vua là điều thường thấy. Dưới thời Louis XV, nhà vua có lần dùng uy lực giải tán hết các pháp đình. Nhưng vua Louis XVI đã phạm điều lỗi lầm là phục hồi lại các pháp đình. Từ đó trở đi, lại có xung đột. Và các pháp đình, nhất là pháp đình thành Paris, đã đóng vai trò quan trọng trong sự mào đầu cho cách mạng... Trong các xứ, có xứ Bretagne đã đóng một vai trò tích cực trong cuộc cách mạng. Hội quán những người Bretons là một trung tâm phiến động, đã hoạt động rất hăng hái trong những năm tiền cách mạng, đặt liên lạc trên nhiều xứ, ấn hành các tài liệu tuyên truyền để lưu thông khắp cõi. Hội quán đó sau được đổi thành Hội những người Lập hiến, sau lại đổi thành hội quán những người Jacobins. Nhiều người cách mạng như Robespierre, Danton đều lui tới hội quán ấy. Đó là một thứ diễn đàn thu hẹp so với Quốc dân Đại hội, nhưng tại đó đã phôi thai những ý kiến rất quyết liệt và quá khích...



Thêm nữa, những chủng tộc trú ngụ trên nhiều xứ đều nói những thổ ngữ khác biệt. Ngoài ra, Pháp lúc đó, còn có nhiều người ngoại quốc tới trú ngụ. Tương tự như người Do Thái đối với những cuộc cách mạng gần đây, thiểu số ngoại kiều này đã đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc cách mạng. Họ thường là những chủ ngân hàng hoặc kinh doanh lớn, hoặc những tay phiêu lưu quốc tế muốn lợi dụng tình trạng đục nước béo cò. Có một số ít thực sự yêu chuộng tự do bình đẳng, nhưng đa số là gián điệp của các nước Phổ, Anh, Thuỵ Sĩ, do muốn làm suy vi nền đế chế hùng mạnh của nước Pháp thời đó. Ánh hưởng của họ cũng khá mạnh mẽ, vì tới tháng 5-1790, trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Paris, trong số 223 đắc cử tại 48 khu, có tới 31 người ngoại quốc. Trong những ngoại kiều nổi danh trong cuộc cách mạng, cần kê mấy tên sau đây: Clootz, Pachc, Clavière, Lazonski, Proli...



Đồng thời với những mâu thuẫn trên đây, cần kể thêm những mâu thuẫn giữa các thế hệ già trẻ. Thế kỷ thứ XVIII tại Pháp là một thế kỷ làm ăn phồn thịnh. Do sự làm ăn phồn thịnh, sự sinh sản cũng tăng gia. Hơn nữa, theo luật lệ, những người dân đã lập gia đình được miễn dịch khỏng bị bắt lính. Do đó, những thanh niên thôn quê thường lấy vợ sớm, và sanh con đẻ cái đầy rẫy. Vì thế, phái thanh niên chiếm một tỉ lệ đông đúc trong dân số. Tâm lý thông thường của phái trẻ là dễ đòi hỏi những thay đổi, dễ chuyển sang cách mạng. Người càng đông bao nhiêu, thanh niên càng nhận thấy khó khăn trong việc tiến thân chiếm chỗ. Họ dễ trở thành bất đắc chí, nuôi bất mãn và tham vọng. Các truyền thống cố hữu ngày càng mất giá trị đối với họ, và uy tín của khoa học chiếm dần chỗ của tôn giáo. Giới thanh niên quả là một thửa đất cày bừa sẵn để cho các tư tưởng gia cách mạng cùng văn nghệ sĩ tiền phong gieo rắc những mầm tự do và bình đẳng. Sự kiện mâu thuẫn thế hệ không phải riêng gì cho cuộc cách mạng Pháp. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều cuộc cách mạng khác tại Đức hay tại Nga sô, vì những cách mạng này cũng xảy ra trong những thời kỳ có sự tăng gia sinh sản, và có một phái trẻ hăng hái và nhiều tham vọng.



Song song với những nguyên nhân trên đây, cũng phải kể tới nhiều nguyên nhân khác. Tỷ dụ như sự phôi thai những trào lưu tư tưởng tự do và bình đẳng trong suốt thế kỷ XVIII. Những văn hào tiên phong là: Montesquieu, Diderot. Voltaire, nhất là Rousseau. Lúc đó. uy danh của Rousseau thực là lừng lẩy. Xuất thân là một tên đầy tớ, bị đuổi vì tội ăn cắp, sang sống chung với một người đàn bà nhà quê vừa làm đầy tớ, vừa làm nhân tình, nhưng sách của Rousseau đã khiến tên tuổi ông lẫy lừng khắp nước. Phái trẻ coi Rousseau như một vị thần, và ngay đến phe quý tộc, nhất là các bà ngự trị trong các phòng khách văn chương, cũng không ngớt bàn luận ca ngợi những ý kiến của ông. Million Philipon (sau này lấy ông Rolland giữ chức bộ trưởng nội vụ) nhiều lần tới xin yết kiến Rousseau mà vẫn không được tiếp. Trong lúc thiếu thời, lãnh tụ Robespierre cũng tôn thờ Rousseau đến nỗi nhiều lần, mỗi khi Rousseau đi chơi trong khu rừng con, Robespierre len lén theo sau để ngó trộm ông... Trong thời kỳ ấy, điều đặc biệt là tầng lớp quý tộc cũng hết sức tôn sùng những tay văn hào đã ra công đào mồ để chôn lớp quý tộc. Ngay đến kịch sĩ Beaumarchais cũng dược phái quý tộc hết sức tán thưởng. Lúc diễn vở "Le Mariage de Figaro", khi đến đến đoạn chỉ trích quý tộc: "Bởi vì ông là một ông lớn quý tộc, nên ông vội tưởng ông là một đại thiên tài. Chức tước, tiền của, địa vị, ngựa xe, tất cả những cái đó đã khiến ông hãnh diện! Nhưng quả thực, ông đã làm gì để xứng đáng với các thứ tốt đẹp đó? Ông chỉ làm có một chuyện là lọt trong lòng mẹ ra mà thôi!", các nhà quý tộc, và nhất là các bà, đều nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng... Bởi thế, sự thành công của cách mạng một phần là do thái độ nhẹ dạ và mải vui của tầng lớp quý tộc.



Ngoài ra, mỗi cuộc cách mạng còn có những nguyên nhân đặc biệt khác nữa. Tỷ dụ như những biến cố thuận tiện. Mùa đông năm 1788 là một mùa đông hết sức giá lạnh, kèm thêm với sự mất mùa. Dân chúng, nhất là đám dân nghèo Paris, đã bị rét lại đói, nên dễ bị khích động. Còn có những biến cố không hay khác: tỷ dụ như trong buổi lễ lên ngôi của vua Louis XVI, hàng vạn dân chúng đi xem lễ, do sự kém tổ chức trật tự, đã bị xô đẩy bởi xe cộ, nhiều người bị đè chết... Cũng cần ghi thêm rằng nhiều khi, một cuộc cách mạng xảy ra ở nước khác cũng trở thành nguyên nhân làm phôi thai cách mạng ở nước này: tỷ dụ như cuộc chiến tranh giành độc lập ở Mỹ (trong đó La Fayette tình ngnvện đi tham dự) đã trở thành một gương sáng cho dân chúng Pháp noi theo... Sau rốt, trong mỗi cuộc cách mạng thường còn có những duyên cớ giao động bất ngờ: tỷ dụ như cái chết của một nhân vật quan trọng có thể làm thay đổi thế cờ. Trong cuộc cách mạng Pháp 1789, nếu hầu tước Mirabeau không bị sớm chết vì quá ư sắc dục, có lẽ ngai vàng của Louis XVI chưa chắc đã sụp đổ nhanh như thế!



B. Những trung tâm phiến động



Sau những nguyên nhân phác lược trên đây, và để soi sáng vào tiến trình biện chứng của cuộc cách mạng, cần nhắc tới những trung tâm phiến động thời đó. Thoạt đầu tiên, chỉ có hai trung tâm phiến động. Trung tâm thứ nhất là trụ sở của phái đảng quận công D'Orléans, và trung tâm thứ hai là trụ sở của phe đại tư bản chủ nợ của nhà vua. Phe chủ nợ của nhà vua, thực ra, chỉ sợ nhà nước vỡ nợ, nên nhiều khi đã hoạt động để được can thiệp vào những quyết định của nhà vua, tỷ dụ như quyết định giữ lại Bộ trưởng tài chánh Necker, vì họ cho rằng chỉ có Nccker mới có tài chèo lái tránh nổi sự vỡ nợ. Nên trên phương diện cách mạng, phe đại tư bản chủ nợ cũng không được mấy hoạt động tích cực. Trái lại, phe đảng của quận công D'Orlèans đã tham dự nhiều trong công tác cách mạng. Vốn là người hoàng tộc, lại giầu có nhất nước Pháp, giữ một tước vị cao trong hội Tam Điểm, Quận công D'Orlèans đã nẩy ra tham vọng muốn lật đổ Louis XVI để chiếm ngai vàng. Quận công đã chịu tốn nhiều công của để nuôi dưỡng một tình trạng không ổn định và gây một phe đối lập chống Louis XVI. Ông bỏ tiền tổ chức các cuộc biểu tình, cho người gây nhiều vụ hỏa hoạn trong thành Paris, gửi cộng tác viên đi khắp các xứ gây phong trào chống nhà vua. Tổ chức vơ vét thực phẩm để làm đói khổ dân chúng, ấn hành truyền đơn sách vở lưu hành khắp cõi để khích động dân chúng. Rốt cuộc, bị tràn lấn bởi cao trào cách mạng, Louis XVI bị sụp đổ, nhưng quận công cũng không chiếm được ngai vàng! Quận công Philippe d'Orléans đành đổi danh thành Philippe Égalité đóng vai một dân biểu trong Quốc dân Đại hội, để rốt cuộc phải lên đoạn đầu đài. Tuy nhiên, phải nhận rằng Philippe Égalité là một tay cừ khôi, không sờn lòng trước cái chết. Khi bước lên đoạn đầu đài, ông không nói một câu, chỉ giục tên đao phủ: "Anh làm nhanh lên cho xong chuyện!".



Nhưng trong lúc khởi đầu cách mạng, phe đảng D'Orléans là một trung tâm phiến động bậc nhất... Được ít lâu sau, một trung tâm thứ ba xuất hiện: đó là Hội những người Bretons, sau đổi thành "Hội quán người Jacobins". Lúc bấy giờ, các lãnh tụ Bretons là những phần tử am hiểu kỹ thuật công tác hơn cả. Công tác trong các hội nghị cũng như công tác khuấy động trên hè phố, và tuyên truyền trong thôn quê. Nhiều lãnh tụ lừng danh sau này cùng gia nhập hội đó. Và từ màn đầu cho đến màn chót cách mạng, "Hội quán người Jacobins" vẫn đóng vai trò quyết định... Trung tâm phiến động thứ tư là chi nhánh của hội Tam Điểm, một hội bí mật, phôi thai từ thời Trung Cổ, có khuynh hướng chống Giáo Hội La Mã và chủ trương cách mạng. Trong cuộc cách mạng 1789, cũng như trong cuộc cách mạng Nga sô, hội Tam Điểm đều có nhúng tay, Năm 1789, hội viên Tam Điểm tại Pháp thường gồm một số quý tộc và đại tư bản người Pháp hoặc người ngoại quốc. Dần dần về sau, nhiều lãnh tụ cách mạng đều là hội viên Tam Điểm: Mirabeau, La Fayette, Danton, Pétion, Brissot, Sieves. Ngoài ra, hội Tam Điểm còn có nhiều hội viên đóng hạ sĩ quan trọng quân dội. Do đó, về mặt công tác thực tiễn, hội Tam Điểm đã đóng một vai trò quan trọng trong cách mạng Pháp... Cách một thời gian, một trung tâm phiến động thứ năm xuất hiện tại tòa Đô sảnh Paris. Sau khi Quốc dân Đại biểu nhóm họp, dân chúng Paris đã nổi dậy, rồi bầu những tay lãnh tụ cực tả vào hội đồng thành phố. Hội đồng đó sau được mệnh danh là Paris Công xã. Được tín nhiệm của phần lớn dân chúng Paris, Paris Công xã đã đóng một vai trò hết sức hệ trọng trong diễn trình cách mạng, và nhiều khi Paris Công xã đã dùng dân chúng võ trang đế uy hiếp Quốc hội. Do đó, đã xảy ra nhiều vụ xung đột giữa lực lượng dân chúng võ trang Paris cùng những đoàn đại biểu hoặc lực lượng các tỉnh. Paris Công xã sẽ trở thành lực lượng then chốt của lãnh tụ Robespierre... Sau cùng, cũng phải kể tới trung tâm phiến động thứ sáu: đó là hai vùng ngoại châu thành Saint-Antoine và Saint-Marceau, gồm toàn dân thợ, lúc nào cũng sẵn sàng mang búa và giáo mác để biểu tình võ trang trên hè phố.



C. Diễn trình cách mạng



Diễn trình biện chứng của cuộc cách mạng 1789 mở màn do một quyết định của vua Louis XVI: quyết định triệu tập Quốc dân Đại biểu vào tháng 5-1789. Từ nhiều năm trước, ngân khố nhà vua luôn luôn trống rỗng, số thu mỗi năm thường kém số chi chừng hơn 100.000.000 đồng bảng.



Nhà vua đã thay đổi nhiều lần bộ trưởng tài chánh, nhưng vẫn không ai tìm được giải pháp. Muốn đặt thêm thuế má, nhà vua thường vấp phải sự phản kháng của quý tộc, tu sĩ, nhất là vấp phải sự phản kháng của Pháp đình thành Paris. Cực chẳng đã, Louis XVI đành phải quyết định triệu tập Quốc dân Đại biểu. Nhà vua cũng tưởng rằng việc triệu tập sẽ chỉ nhằm thay đổi thuế khóa, đầu có ngờ rằng nó sẽ mở màn cho cuộc cách mạng làm sụp đổ ngai vàng Pháp!



Về phía dân chúng, những tin đồn về sự triệu nhóm Quốc dân Đại biểu đã gây nhiều giao động sôi nổi. Niềm hy vọng lớn lao đã thổi qua tâm trí những tầng lớp thứ dân. Nhất là cuối 1788. nạn đói rét ít nhiều đã khiến dân chúng mòn mỏi trông chờ sự thay đổi. Tuy nhiên, cần nhắc rằng lúc đó, không có một người dân Pháp nào có ý nghĩ muốn đạp đổ đế chế và xây dựng nền cộng hòa. Vả lại, vua Louis XVI, tuy nhu nhược và đôi khi mưu tính quanh quẩn, nhưng có bản chất hiền từ, nên dân chúng vẫn có lòng mến vua. Vừa hay tin triệu nhóm Quốc dân Đại biểu, toàn quốc đã sôi nổi. Trong khắp nước, lập tức thấy tung ra hàng trăm, hàng ngàn những sách bàn luận về những dự án Quốc dân Đại biểu. Mỗi tầng lớp xă hội được đề cử một số đại biểu. Nhưng vấn đề đặt ra là mỗi tầng lớp sẽ cử bao nhiều đại biểu, và một khi nhóm họp, việc bỏ thăm sẽ làm theo đơn vị giai cấp, hay sẽ bỏ thăm theo đầu người? Nếu bỏ thăm theo giai cấp, thì tu sĩ vã quý tộc sẽ có hai thăm, và thứ dân chỉ có một lá thăm. Trong những vụ thảo luận sôi nổi này, nhiều lãnh tụ đã bẳl đầu nổi danh: Robespierre (luật sư vùng Arras), Camille Desmoulins (luậl sư và viết báo), Sieves (tu sĩ)...



Tới lúc bầu cử những đại biểu, liền thấy bộc lộ rõ rệt những mâu thuẫn trong hai tầng lớp quý tộc và tu sĩ. Tầng lớp quý tộc được bầu 270 đại biểu. Trong số này, có chừng 90 người (như La Fayette) có khuynh hướng cải lương thiên về quan điểm của lớp thứ dân. Trong tầng lớp tu sĩ, nhiều mục sư đã chua chát trách móc và đôi khi chống đối kịch liệt với các hàng Giám mục và Hồng y. Có kẻ liều lĩnh đã dám gọi các Đức Hồng y bằng ông, không kêu là tướng công như xưa nữa. Rốt cuộc, có 18 vị đại biểu là Giám mục và Hồng y, trong khi 218 mục sư được bầu. Tầng lớp thứ dân được bầu 700 người. Vì lớp nông dân và thợ thuyền còn ít học thức và chưa biết tranh luận, nên phần lớn đại biểu đều là những tay trí thức thành thị. Trong số 700 người, có chừng 400 làm luật sư, thẩm phán, chưởng khế, bác sĩ, thương gia... Cả đến hầu tước Mirabeau (vì quả ăn chơi trụy lạc đã bị tầng lớp quý tộc gạt bỏ) cũng ứng cử trong tầng lớp thứ dân và được bầu làm đại biểu...



1) Quốc dân Đại hội



Lúc đó triều đình ngự tại Điện Versailles cách Paris ít dặm đường. Ngày 1-5-1789, hơn 1.200 đại biểu tới điện Versailles vào đứng họp trong một phòng lớn gọi là phòng hội trường để ra mắt nhà vua. Đại biểu quý tộc mặc áo nhung lụa thêu kim tuyến, đại biểu Giám mục và Hồng y mặc áo tím hoặc đỏ, các mục sự mặc áo đen, còn các đại biểu thứ dân cũng mặc áo đen nốt... Buổi họp đầu tiên đã mang lại thất vọng ngơ ngác cho nhiều người. Bài diễn văn của vua Louis XVI chỉ đề cập tới những điểm khái quát, và tuy tỏ ý thương dân yêu nước, vẫn nhắc tới uy quyền do thiên mệnh của nhà vua. Ngoài ra, không có nói gì hết tới những việc cải tổ mong muốn. Sau nhà vua, bộ trưởng tài chánh Necker đọc bản phúc trình rất dài về ngân khố. Toàn con số là con số! Quốc dân Đại biểu đứng nghe từ 8 giờ sáng tới 1 giờ chiều. Bấy giờ, nhiều người mới hiểu rằng mục đich của sự triệu tập Đại hội chỉ là thuế má. Tuy nhiên, trong ngày đầu, cũng chưa có chuyện gì xảy ra... Tới ngày 6-5, sự chia rẽ bắt đầu. Ngày đó, lại phòng nghị trường, chỉ còn thấy có đại biểu thứ dân đến họp. Không thấy quý tộc và tu sĩ, vì các đại biểu này tính chuyện họp riêng. Phần lớn đại biểu thứ dân đều ngơ ngác, không biết xử trí ra sao. Nhưng trong số này, lại có hai đại biểu lạc ngũ: hầu tước Mirabeau và tu sĩ Sieyès. Mirabeau là người đầu tiên đã nhìn thấy những chia rẽ nội bộ của phe tu sĩ và quý tộc. Vóc người cao lớn hùng mạnh, nét mặt xấu xí nhưng đôi mắt sáng quắc, Mirabeau liền đăng đàn khích lệ các đại biểu thứ dân. Rồi Sieyès đã thốt ra một khẩu hiệu quyết định: "Các đại biểu thứ dân có thể thay mặt cho toàn thể quốc dân". Sau cùng, ông đề nghị: nếu các đại biểu quý tộc và tu sĩ khòng chịu tới họp chung, các đại biểu thứ dân vẫn nhóm họp để quyết định mọi việc, vì có đủ thẩm quyền...



Cuộc giằng co thế lực kéo dài hơn một tháng trời. Trong khi đó, vua Louis XVI nhiều khi lẩn mặt, hoặc tiếp kiến riêng những đại biểu quý tộc, tu sĩ. Tới ngày 13-6, thứ dân vẫn họp một mình, các ghế của tu sĩ và quý tộc vẫn bỏ trống. Bỗng nhiên, ở cửa phòng hội nghị, chợt thấy xuất hiện 3 đại biểu mục sư ăn mặc lếch thếch. Các đại biểu thứ dân vỗ tay chào đón hai mục sư đã rời hàng ngũ sang với thứ dân. Tới ngày 16-6, Sieyès đề nghị lấy danh nghĩa chính thức là Quốc hội của toàn dân, và tự gán cho Quốc hội một thẩm quyền trọn vẹn.



2) Quốc hội lập hiến



Tới ngày 20-6, vua Louis XVI phản ứng bằng cách đóng cửa phòng hội trường không cho họp. Sáng hôm đó, trời mưa tầm tã, đoàn đại biểu thứ dân đành phải kéo nhau đi ngoài phố đế tìm chỗ họp, lếch thếch như một bọn Do Thái lang thang, theo sau có một số đông dân chúng. Tìm mãi được một căn nhà lớn, thường dùng làm chỗ đánh cầu cho các vị quý tộc. Quốc hội liền vô đó họp. Tới ngày 22-6, nhà vua lại sai người đóng cửa phòng đánh cầu. Đại biểu thứ dân lại lang thang một lần nữa, tới họp tại nhà thờ Saint-Louis. Họp đển buổi trưa, bỗng nhiên cửa nhà thờ mở rộng: 148 đại biểu tu sĩ, dẫn đầu bởi một vị Tổng Giám mục, đã vào nhà thờ họp chung với thứ dân. Quốc hội đã thắng một trận lớn đầu tiên.



Cực chẳng đã, tới ngày 23-6, nhà vua đành phải mở lại cửa phòng hội trường cho các đại biểu tới họp ở điện Versailles. Quý tộc và tu sĩ cũng tới. Vua cũng tới, nhưng lần này với rất nhiều vệ binh. Khi kết thúc bài diễn văn, Louis XVI nói: "Trẫm ra lệnh cho các đại biểu phải phân tán lập tức, để sáng ngày mai tới họp riêng từng tầng lớp một đề bàn công việc". Sau lệnh đó, kèn trống nổi lên và nhà vua bãi triều. Quý tộc và phần lớn tu sĩ ra theo gót nhà vua. Riêng có thứ dân và một số tu sĩ vẫn đứng lại trong phòng họp. Ông hầu tước phụ trách việc khánh tiết của nhà vua, tới yêu cầu ông Chủ tịch Quốc hội cho giải tán. Mirabeau liền hầm hầm trả lời: "Ông hãy về nói cho những người gửi ông tới đây biết rằng chúng tôi đến đây họp là do ý chí của toàn dân, và chỉ có thể lấy lưỡi lê mới đuổi chứng tôi ra khỏi nơi này mà thôi!". Tiếp theo. Sieyes cũng đăng đàn hô hào: "Thưa quý đại biểu, các ông tới đây hôm nay để tiếp tục việc hôm qua. Xin bắt đầu cuộc thảo luận". Rồi Quốc hội lập tức quyết nghị rằng những đại biểu có tính cách bất khả xâm phạm. Rồi ngày 24-6, thêm một số đại biểu tu sĩ tới gia nhập. Ngày 25- 6, 47 đại biểu quý tộc cũng gia nhập. Đối với nhà vua, Quốc hội lại thắng một keo lớn thứ hai nữa.



Trong thời gian đó, dân chúng ngày càng đói kém và tình trạng dần trở thành hỗn loạn. Tại các tỉnh, khi nhận đượv thư từ của các đại biểu, dân chúng cũng bắt đầu xôn xao. Tại Paris, các chứng khoán đều sụt giá. Ngân hàng đóng cửa. Vua Louis XVI cho gọi thêm 20.000 quân về điện Versailles, phần lớn là người ngoại quốc. Quốc hội cũng đâm hoảng sợ. Tin đồn rằng Hoàng đế nước Áo, anh vợ của Louis XVI, sẽ gửi thêm quân tới, và Quốc hội sẽ bị giải tán, còn các đại biểu sẽ bị giết. Cứ tối đến, nhiều đại biểu không dám ngủ nhà. Đứng trước sự đe dọa của sức mạnh, Quốc hội lâm vào một tình thế khó giải quyết. Nhưng dân chúng thành Paris đã nổi dậy giải nguy cho Quốc hội.



Dân chúng Paris vốn đã xôn xao vì đói rét và các tin đồn. Quận công d'Orléans cùng các nhà đại tư bản lại vung tiền lôi kéo được đoàn vệ quân của thành Paris. Đồng thời, họ cũng tổ chức được những đoàn tự vệ trong 18 khu phố. Paris lúc đó thật hết sức sôi nổi. Dân chúng biểu tình khiêng bức tượng của quận công d'Orléans. Các rạp hát đều đóng cửa, các biểu ngữ giăng đầy đường, và không nơi công viên nào là không có người diễn thuyết. Trong một cuộc diễn thuyết, Camille Desmoulins đã đột nhiên tung khẩu hiệu: "Dân chúng hãy tự võ trang". Khẩu hiệu ấy trong chốc lát đã lan tràn thành phố, những đám đông đã tự động phá cửa những tiệm bán khí giới để cướp súng, cùng đánh cướp những kho khí giới khác. Tới ngày 14-7-1789, dân chúng Paris đã nổi loạn cướp nhà ngục Bastille.



Thực ra. lúc đánh cướp ngục Bastille, dân chúng Paris không có ý định đạp đố đế chế, vì trong lúc tấn công, họ còn hô khẩu hiệu: "Vua vạn tuế!". Họ cũng không có ý định giải phóng những tù nhân chính trị, vì trong ngục lúc đó, phần lớn chỉ lá những con nợ bị tù. Nguyên nhân của cuộc đánh phá chỉ là cốt chiếm kho vũ khí của nhà ngục. Dân chúng Paris có phái một phái đoàn tới yêu cầu viên thống đốc coi ngục phải giao khí giới. Cuộc điều đình kéo dài trong mấy tiếng đồng hồ, và viên thống đốc mời phái đoàn dùng cơm. Trong khi đó, dân chúng võ trang đứng đợi bên ngoài. Thấy bặt tin, dân chúng xao động, có mấy người sốt tiết nhẩy xuống hào lội qua lên bờ, lấy búa chặt giây xích để hạ cổng nhà ngục. Một vài phát súng nổ lẻ tẻ. Trên chòi cao, viên thống đốc quan sát tình thế. Không biết ông có ra hiệu bắn hay không, song những lính giữ ngục đã nổ một loạt súng. Trong đám dân chúng, nhiều người bị thương hoặc chết. Máu xung lên, họ ào ào mở cuộc tấn công. Đoàn Vệ quân thành Paris tới tiếp viện cho dân chúng, đem cả súng thần công tới. Đạn thần công phá vỡ cổng nhà ngục. Dân chúng ào vào chém giết, chặt đầu viên thống đốc bêu lên ngọn giáo cắm cửa ngục. Suốt đêm hôm đó, dân chúng Paris đốt lửa, nhẩy nhót xung quanh những chiến lợi phẩm cùng đầu lâu người. Từ đó, dân chúng Paris đã được tổ chức gần thành một lực lượng thống nhất dưới quyền của Paris Công xã. La Fayette được cử làm chỉ huy trưởng đoàn Vệ quân cùng những Tự vệ thành Paris.



Sau khi ngục Bastille thất thủ, nhiều người trong hoàng tộc đã bỏ vua Louis XVI để xuất ngoại. Bị cô lập trong điện Versailles, Louis XVI đành chịu đầu hàng. Ngày 15-7, Vua ra mắt Quốc hội chính thức báo tin rằng sẽ giải tán những quân đội tập trung gần điện Versailles. Ngày 17-7, vua ngự giá tới Paris, đến nhà Đô Chánh, bắt tay viên Thị trưởng thành Paris, và chấp nhận lá cờ cách mạng gồm ba mầu, xanh đỏ là màu của Paris, còn mầu trắng tượng trưng cho nhà vua.



Noi theo gương Paris, các tỉnh cũng võ trang dấy loạn. Dân chúng các tỉnh, nhất là tầng lớp tư sản đô thị, cũng bỏ tiền tổ chức những đoàn tự vệ, chiếm đóng các công sở. Tại các vùng quê, tình trạng hỗn loạn bắt đầu. Nhiều nơi, những toán nông dân nổi lên chia ruộng. Nhiều toán khác đánh cướp những kho lúa hoặc những đoàn xe chở lúa. Cướp bóc nổi lên như ong. Cứ chiều đến, tại các làng, trống mõ đều nổi dậy. Các cầu cống đều đóng cửa, tai nơi cổng làng, dân chúng đặt chướng ngại vật để ngăn ngừa kẻ gian phi.



Lúc đó, phần lớn quý tộc đã xuất ngoại, chỉ còn lại một số quý tộc ít ruộng đất, hoặc có khuynh hướng cấp tiến. Nhận thấy tình trạng đã tiến tới mực độ bất khả vãn hồi nên trong đêm 1-8-1789, các quý tộc trong Quốc hội đã đồng thanh tuyên bố huỷ bỏ những ưu quyền của mình. Ọuốc hội đã bỏ thăm chấp nhận sự hủy bỏ các quyền phong kiến. Trong những ngày tiếp theo, Quốc hội mở cuộc thảo luận về hiến pháp. Họ chấp nhận nguyên tắc chủ quyền của Quốc dân. Đồng thời, noi theo Montesquieu và Rousseau, họ chấp nhận sự phân quyền (lập pháp, hành chánh, tư pháp) cũng như chấp nhận những quyền tự do căn bản của cá nhân. Tuy nhiên, vua Louis XVI vẫn chần chờ không chịu chuẩn phê những đạo sắc lệnh biểu quyết sau ngày 1-8. Trong khi thảo luận hiến pháp, những chia rẽ chính kiến đã dần dần xuất hiện tại Quốc hội. Một số đại biểu tỏ ý ngại những hành động quá khích do dân chúng mới gây nên, đã trở lại muốn bênh vực cho chế độ cũ. Một thiểu số khác lại chủ trương quá khích hơn, tỷ dụ như Danion. Các báo chi Paris nhất là tờ "Bạn Dân" của Marat, luôn luôn khích động dân chúng và hô hào những biện pháp quá khích. Trong lúc đó. mặc dầu có lời hứa giải tán quân đội, vua Louis XVI vẫn gọi thêm quân về Versailles. Trong một bữa tiệc khao quân, vua và hoàng hậu đã đích thân tới chào mừng binh sĩ. Và khi nâng cốc, một số quan quân đã giựt lá cờ tam tài vứt xuống đất. Những tin đó khiến dân chúng Paris công phẫn. Tờ "Bạn Dân" thừa dịp đổ thêm dầu vào lửa. Ngày 6-10-1789, tại hội quán Jacobins, Danton lên diễn đàn yêu cầu Paris Công xã ra lệnh cho La Fayette mang đoàn Vệ quân tới điện Versailles đòi nhà vua phải giải tán quân đội. Dân chúng lại tụ họp biểu tình, phần lớn là đàn bà, đến 7, 8 ngàn người. Một số đàn ông đánh phấn, mặc váy, di theo đám binh lính. Vì được lệnh của Paris Công xã, La Fayette cũng mang đoàn vệ quân đi theo. Khi trời sập tối, mưa đổ xuống, đám biểu tình tới điện Versailles. Đứng trước đám dân chúng phẫn nộ, Louis XVI, một lần nữa lại nhượng bộ. Nhà vua bằng lòng chuẩn phê những đạo sắc lệnh do Quốc hội quyết định sau ngày 1-8. Nhưng lần này, đám biểu tình làm dữ hơn, nhất định bắt nhà vua phải rời điện Versailles để trở về Paris. Cực chẳng đã, nhà vua đành đem gia quyến và quần thần lên xe ngựa lũ lượt trở về Paris. Theo sau là đám dân chúng vẫn còn hô khẩu hiệu: "Nhà Vua vạn tuế!". Ngày 6-10 lại đánh dấu một bước thắng lợi thứ hai của dân chúng. Từ đó trở đi, cho đến khi ngai vàng bị sụp đổ, nhà vua cùng triều đình đã phải ngụ lại điện Tuileries ở Paris. Quốc hội cũng trở về Paris, đặt trụ sở tại một căn nhà gần điện Tuileries. Lâu đài Versailles chỉ còn là một nơi vắng vẻ, chứa đựng những hình ảnh dĩ vãng mà thôi! (còn tiếp)


Nghiêm Xuân Hồng

(Trích trong: Cách Mạng và Hành Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét