Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Ngả mũ với ông Phùng Quang Thanh


Ngô Nhân Dụng
 

Trong cuốn Đèn Cù, nhà văn Trần Đĩnh kể lần đầu từ Hà Nội vào Sài Gòn ông chứng kiến một cảnh khiến ông suy nghĩ: Một đám tang đi qua, một thanh niên đứng bên đường dừng chân lại, bỏ mũ, cúi đầu. Lâu lắm Trần Đĩnh mới được thấy cảnh đó, dấu hiệu của một xã hội biết giáo dục trẻ em.

Trước năm 1954 trẻ em ở Hà Nội vẫn được dậy cử chỉ đó: Dừng chân, ngả mũ, để tỏ lòng kính trọng thi hài người đã chết. Vì vậy, khi viết về chuyện Tướng Phùng Quang Thanh đã chết hay chưa chết, đang gây dư luận sôi nổi, tôi xin theo lời các thầy giáo, huynh trưởng dạy mình từ thuở bé. Xin bỏ mũ trước. Nếu ông đã qua đời tôi cũng không thất lễ.

Trước khi nghe tin ông Phùng Quang Thanh tạ thế, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhận xét trên Người Việt rằng những tin tức trong vụ ông đi chữa bệnh quá nhiều mâu thuẫn. Báo chí nhà nước Việt Nam đăng hình Tướng Phùng Quang Thanh chụp với bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, nhưng không loan tin tướng Thanh nói chuyện gì, ông làm gì ở Pháp. Phạm Chí Dũng nhận xét trong cả tháng qua, “Trên báo Nhân Dân và đặc biệt Quân Đội Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, người ta không thể tìm ra dấu vết hiện diện của viên tướng bốn sao.” Và, “Cùng với sự thay đổi đồng loạt hai cấp tướng tư lệnh và chính ủy của Bộ Tư Lệnh Quân Khu Thủ Đô vào đầu Tháng Bảy, 2015, tức chỉ ít ngày sau khi tướng Phùng Quang Thanh - người chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp khối đơn vị vài chục ngàn quân này - bị MIA.” MIA nói về các quân nhân mất tích, không tìm thấy xác.


Ngày Chủ Nhật, 19 Tháng Bảy, hãng thông tấn Đức Deutsche Presse-Agentur (DPA) loan tin ông Thanh đã qua đời tại bệnh viện Georges Pompidou vào tối hôm đó; họ dựa vào một nguồn tin của một nhân viên Bộ Quốc Phòng. Ngày hôm sau, Trung Tướng Võ Văn Tuấn, phó Tổng Tham Mưu Trưởng nói với các báo trong nước rằng tin này sai. Tướng Võ Văn Tuấn xác định, “...tôi gọi điện thoại cho đại tướng Phùng Quang Thanh vào chiều 19 tháng 7. Đại tướng nói chuyện nghe giọng rất thoải mái...” Hôm sau, hãng DPA làm tin mới, cho biết chính quyền Việt Nam đã cải chính rằng Tướng Phùng Quang Thanh còn sống. Nhưng hãng thông tấn này không viết một lời nào phủ nhận tin đã viết hôm trước. Bản DPA tin mới còn nói thêm rằng họ nhận được tin ông qua đời “từ bệnh viện,” để người đọc thấy chắc chắn hơn.

Tướng Võ Văn Tuấn dùng các báo nhà nước để cải chính bản tin của DPA. Nhưng tại sao không cải chính một cách mạnh mẽ, rõ ràng hơn? Tin ông bộ trưởng Quốc Phòng một nước còn sống hay đã chết là một tin khá quan trọng. Nếu sai, đáng lẽ chính Bộ Quốc Phòng phải cải chính, trong một cuộc họp báo; ít nhất cũng làm một bản thông cáo chính thức. Báo trong nước chỉ thuật lời Tướng Võ Văn Tuấn mà không kèm theo một bài phỏng vấn đầy đủ để được nghe ông trả lời rất nhiều thắc mắc trong dư luận cả tháng nay. Đúng như nhà báo Phạm Chí Dũng kết luận, đây là một “Thất bại của hệ thống tuyên giáo đảng.” Cả Đảng Cộng Sản bị mất mặt vì lúng túng ném ra những thông tin chậm trễ, mơ hồ, trái nghịch, chỉ trong câu chuyện một người “mất tích” không biết chết hay sống.

Nhưng “hệ thống tuyên giáo đảng” bị tội oan. Cảnh “tang gia bối rối” diễn ra do nhiều nguyên nhân phức tạp, ngoài khả năng của các ông bà tuyên giáo. Người sống bên ngoài cũng thấy trong vụ này tất cả Đảng Cộng Sản đang lúng túng, có thể nói cả nhóm lãnh đạo đang “kẹt cứng.” Chắc họ không biết phải “xử lý tình huống” cách nào, cho nên đành lộ cảnh tang gia bối rối, mất mặt cũng đành chịu.

Guồng máy tuyên truyền của đảng phơi bày tình trạng lúng túng này. Mạng Infonet và báo Một Thế Giới cho biết Tướng Võ Văn Tuấn đã “khẳng định” rằng hãng tin DPA đã “xin đính chính.” DPA không hề đính chính; cho nên, hoặc ông Võ Văn Tuấn nói dối, hoặc có người ra lệnh các báo trên nói dối. Thông tấn xã của nhà nước còn trâng tráo hơn, viết một điều hoàn toàn sai sự thật, “DPA đã cải chính về sức khỏe Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh.”

Các thủ đoạn che đậy, gian dối, “cả vú lấp miệng em” trên đây đã tập huấn lâu đời. Thói quen nói láo đã thấm vào xương tủy Đảng Cộng Sản từ thời còn làm báo in thạch bản ở trong hang. Nhưng đem dùng thủ đoạn đó trong thời đại Internet, năm 2015, chỉ khiến người ta khinh. Bởi vì nếu Đảng Cộng Sản muốn chứng tỏ ông Phùng Quang Thanh còn sống thì họ chỉ cần trưng ra một tấm hình ông đang cầm trên tay tờ báo Le Monde xuất bản ngày 19 hay 20 Tháng Bảy - dù ông đủ sức khỏe đọc được báo hay không! Giản dị hơn nữa, là nhờ vợ con ông lên tiếng cải chính với hãng DPA - mà theo tin của nhà nước thì gia đình ông đã qua Paris săn sóc ông từ tháng trước. Tại sao cả gia đình không ai nói một câu nào khi cả nước bàn tán không biết chồng, cha của họ đã chết hay chưa? Họ đâu phải người rưng nước lã?

Không ai trong Đảng Cộng Sản cải chính theo cách giản dị này. Lý do vì nó nằm ngoài khả năng cả đám người cầm quyền. Họ không thể làm gì được. Hoặc vì ông Thanh đã qua đời rồi. Hoặc vì gia đình ông không cộng tác. Hoặc cả hai.

Nhưng nếu Tướng Phùng Quang Thanh thật đã mãn phần thì tại sao guồng máy Đảng Cộng Sản lại phải lúng túng che đậy, để người dân coi càng khinh, càng ghét như vậy?

Người ngoài không biết đủ các tin tức trong đảng của họ với nhau, cho nên chúng ta chỉ có thể suy diễn, dựa trên các sự kiện được tiết lộ.

Một điều ai cũng biết là trong cuộc tranh giành quyền lực chuẩn bị đại hội đảng sang năm, họ đang đấu đá nhau tận mạng. Riêng ông Phùng Quang Thanh và người con, một đại tá chủ tịch nhiều công ty, đã bị lôi lên mạng phơi bày đủ các trò lạm quyền, tham nhũng làm giàu. Ông Thanh cũng bị gắn cho nhãn hiệu một người “thân Trung Quốc.”

Ở Việt Nam, muốn chửi ai thì cứ bảo người đó theo đuôi Trung Cộng. Nhưng chúng ta biết rằng chẳng ai trong Đảng Cộng Sản dám cưỡng lại Trung Cộng. Toàn thể Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị Trung Cộng thao túng từ Hội Nghị Thành Đô 1992 đến giờ; không ai có thể ngoi lên ghế lãnh đạo nếu cưỡng lại. Nước Việt Nam bị Trung Cộng lấn áp đủ mặt: kinh tế, quốc phòng, chính trị, ngoại giao. Nguyễn Tấn Dũng mới lên chức thủ tướng đã dâng cho Trung Cộng món quà Bô Xít. Trương Tấn Sang qua Tàu ký thỏa ước hợp tác đủ trăm ngành không thiếu thứ gì. Từ khi Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng thì hầu hết các món thầu lớn đều lọt vào tay các công ty Trung Cộng, đường sá, phi trường, hầm mỏ tới điện lực. Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh chưa ai lập được những công trạng đáng khen thưởng như vậy.

Tất cả Đảng Cộng Sản Việt Nam “thân Trung Quốc,” không anh nào thoát được, nếu muốn sống. Họ tranh giành nhau các chức quyền trong đảng; nhưng không thể bước ra ngoài vòng giới hạn Bắc Kinh vẽ ra. Nằm trong cái giọ đó, các con cua tha hồ chen chân đạp lên nhau. Lâu lâu có anh được phép nói những lời bất kính với thiên triều cho dân chúng xì hơi. Không sao, miễn khi làm việc anh cứ làm theo ý các cố vấn. Lâu lâu có anh lại nói một lời nịnh bợ, vì cả Bộ Chính Trị đang lo bị thiên triều “hiểu lầm.” Trò phân biệt hai phe, “thân Trung Quốc” và “chống Trung Quốc” là một ảo tưởng bày ra để ru ngủ dân chúng. Nhiều người cũng thích được ru ngủ, vì nghe sướng tai hơn sự thật. Họ có thể tự an ủi rằng trên đầu mình không phải chỉ toàn những thằng bán nước ngồi.

Vì vậy, các vụ đánh Phùng Quang Thanh trên mạng gần đây hoàn toàn do tranh giành quyền lực ở bên trong đảng với nhau. Nếu ông Thanh qua đời vì bệnh nan y thì cuộc giành giựt này vẫn tiếp tục, chắc còn gay go hơn. Bởi vì một người chết đi để lại nhiều thứ mà những người còn sống sẽ được dịp chia nhau. Nhiều đám tang từng bị trì hoãn, chỉ vì họ không biết chia chác di sản ra sao. Xác Tề Hoàn Công để thối trong cung, vì ba ngàn năm trước bên Tàu chưa có phòng lạnh.

Trong số di sản ông Thanh để lại, nếu ông qua đời, có các chức vụ ông đã giữ và tài sản ông nắm trong tay. Những người còn sống chưa “nhất trí” được với nhau sẽ chia chác ra sao. Tướng Phùng Quang Thanh rất nhiều quyền, Bộ Chính Trị, quân ủy, chính phủ; ông còn được coi là người giàu nhất nước Việt Nam, chỉ thua Nguyễn Tấn Dũng. Ông ký giấy mua các thứ vũ khí, máy bay, chiến hạm, tầu ngầm, vân vân. Công nghệ quốc phòng Nga nổi tiếng là bao giờ cũng hậu tạ các khách hàng. Ông giành toàn quyền sử dụng đất đai của quân đội hay được quân đội trưng dụng, rộng bát ngát khắp nước và nằm trên nhiều địa điểm kinh tế “chiến lược.” Nhiều khu đã được thương mại hóa hay biến thành cư xá sang trọng, con trai ông thường trúng thầu. Những tài sản này trị giá nhiều tỷ Mỹ kim, còn tiếp tục sinh lợi hàng thế kỷ nữa, chưa biết ai sẽ hưởng.

Trong các xã hội bình thường có luật pháp thì gia đình ông Phùng Quang Thanh sẽ được hưởng gia tài của ông. Nhưng xã hội Việt Nam không bình thường, từ cách tạo dựng tài sản, thủ đắc cho tới sử dụng tài sản. Đây có thể là một lý do khiến gia đình ông, nhất là những người đang ở Paris bên cạnh ông, trong mấy ngày qua không cộng tác với bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản. Họ chưa biết Đảng Cộng Sản sẽ chia cho họ thế nào khi ông Phùng Quang Thanh ra đi, hay đã qua đời rồi. Đảng Cộng Sản cũng chưa trả lời dứt khoát được, vì ngay việc phân chia giữa họ với nhau cũng chưa ngã ngũ. Việc chia nhau di sản quyền và tiền ông Phùng Quang Thanh để lại cũng liên quan đến tất cả những cuộc mặc cả khác, trước khi đảng họp đại hội năm tới. Dù sao, khi nào được tin ông Phùng Quang Thanh qua đời chúng tôi sẽ ngả mũ lần nữa, cầu nguyện và mừng ông thoát được cõi ta bà đại hội này.


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=210655&zoneid=7#.VbEgqMr2zCY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét