Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Toàn cảnh chuyến thăm Mỹ của TBT Việt Nam






Fred Brown, cựu Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng hồi trước 1975, nói với BBC:

Tôi nghĩ cái gọi là nhân quyền sẽ vẫn luôn là một phần trong quan hệ của chúng tôi với Việt Nam. Tất cả các vấn đề khác cũng thế. Cách đối xử của chính quyền Việt Nam đối với người dân của chính họ sẽ luôn là chuyện quan trọng không chỉ của chính quyền mà cả Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi cho rằng đó là vì lợi ích của Việt Nam khi họ tận dụng được dân số thông minh, tài năng, được đào tạo tốt ở một số cấp độ. Đó là dân số cần tận dụng và sử dụng theo cách tích cực. Chính quyền cần làm như vậy thay vì ngăn cản họ có thông tin chẳng hạn.


Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ, một cựu tù nhân chính trị, cho rằng việc chính quyền ông Obama “phá lệ”, đón lãnh đạo Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng cho thấy Việt Nam quan trọng đến nhường nào trên bàn cờ chiến lược của Mỹ ở thế kỷ 21 mệnh danh “Xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương”. 


Ông Hà Vũ viết:

"Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ 21 ở Châu Á – Thái Bình Dương về quân sự và chính trị. Chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương để gấp rút ngăn chặn bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc ở biển Đông được Tổng thống Mỹ Obama phát động vào đầu năm 2011 là hoàn toàn đúng đắn, tuy có chậm. Thế nhưng sự thành công của chiến lược quân sự thế kỷ 21 nói trên của Mỹ lại phụ thuộc vào Việt Nam."

Tuy nhiên, "[nếu] không có Việt Nam với tư cách đồng minh quân sự thì dù Mỹ có đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu vào biển Đông bao nhiêu đi chăng nữa thì Mỹ cũng sẽ chỉ là người ngoài cuộc, là khán giả bất đắc dĩ chứng kiến Trung Quốc hoàn tất xâm lăng quần đảo Trường Sa, đồng nhất với thất bại của chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ."

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo tác giả, là nước đi để Hoa Kỳ đạt mục tiêu chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn Việt Nam là 'cánh cửa thoát hiểm' trước tình trạng kinh tế không sáng sủa trong nước. Tuy nhiên, sự thành công hay không của các mục tiêu này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc lãnh đạo hai nước có tạo nên bước ngoặt cho quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam hay không."

TPP và dân chủ hóa Việt Nam

Ông Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương, Honolulu viết riêng cho chúng tôi:

“Một chỉ dấu cho thấy ông Trọng đã quyết định phải thúc đẩy quan hệ với Mỹ để cân bằng Trung Quốc và cũng để hiện đại hoá đất nước là ông cử ông Phạm Quang Nghị, người mà ông từng đề cử “quy hoạch” làm Tổng bí thư khoá tới, đi Mỹ tiền trạm cho ông chỉ mấy ngày sau khi Trung Quốc rút giàn khoan vào tháng 7 năm ngoái.

Ngay trong năm 2014, người ta đã ngầm hiểu rằng quan hệ với Mỹ tuy danh nghĩa là đối tác toàn diện nhưng thực chất đã là đối tác chiến lược.

Điều này khác hẳn với cách đây chỉ khoảng hơn chục năm, quan hệ với Trung Quốc trên danh nghĩa còn chưa gọi là đối tác chiến lược, nhưng phía Việt Nam đã ngầm hiểu là đồng minh chiến lược.

Với những sự ngầm hiểu mới (Trung Quốc là mối đe doạ chiến lược, Mỹ tiến tới là đồng minh chiến lược không chính thức), chính trị trong nước của Việt Nam sẽ có những đổi thay mới. Có thể khẳng định ngay từ bây giờ là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sẽ không bầu một nhân vật bảo thủ, chống phương Tây lên làm Tổng bí thư.

Tuy nhiên, liệu Đại hội có bầu một nhân vật đổi mới, hiện đại hoá lên hay không thì vẫn còn là câu hỏi. Các nhóm chiếm số đông trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện nay không phải là “bảo thủ”, cũng không phải là “đổi mới”, mà là “trung dung” và “trục lợi”. Tuỳ theo diễn biến trong những tháng sắp tới mà Đại hội 12 có thể sẽ bầu một nhân vật hoặc “trung dung” hoặc “trục lợi” hoặc cũng có thể “đổi mới” lên làm Tổng bí thư.

Mặc dầu vậy, với xu thế dài hạn là Việt Nam sẽ phải đương đầu với mối đe doạ chiến lược của một Trung Quốc nhiều tiền lắm mẹo, Việt Nam sẽ không có con đường nào khác là phải đổi mới để sống còn.”

TBT Trọng đi Mỹ: Chuyến đi mở cục diện mới

Tiến sĩ Jonathan London, Đại học Thành thị Hong Kong, nhận xét:

Chuyến đi của TBT sang Mỹ rõ ràng là một sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt Mỹ. Dù gần đây nhiều người đang nhấn mạnh về ý nghĩa biểu tượng của chuyến đi này (vì Ông Trọng là TBT ĐCSVN), nhưng điều quan trọng là mức độ đáng kể những quyền lợi chiến lược của hai nhà nước này đang càng gần nhau hơn qua nhiều hồ sơ cốt yếu, từ thương mại và đầu tư cho đến an ninh khu vực.

Vai trò của cựu TT Bin Clinton, trong quá khứ cho đến hôm nay, cũng không nên coi quá nhẹ. Việc Ông TT (Clinton) đã mời TBT thăm nhà cho thấy đang có những nỗ lực thực sự (nếu không muốn nói “charm offensive” – tạm dịch “tấn công bằng duyên”) để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa các chính khách cấp cao của hai nhà nước.

Dù Việt Nam và Mỹ sẽ có những lãnh đạo mới vào sang năm, rõ ràng những quyền lợi ngấn hạn, trung hạn, và dài hạn của hai nhà nước đang về gần nhau hơn một cách chưa từng thấy. Ngoài TPP và hợp tác an ninh, chúng ta có thể chờ đợi chuyến đi của Ông Trọng sẽ kích thích quá trình mở rộng và làm sâu hơn những quan hệ, cho phép những tiến bộ trong những dự án đang có, cũng như tạo điều kiện cho những sáng kiến mới qua nhiều lĩnh vực khác nhau..

Nếu Ông Trọng và (chính quyền ở) Hà Nội không chỉ hứa mà thực hiện tiến bộ thực sự đối với nhân quyền, các quan hệ giữa hai nước có thể tiến bộ cả hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng ngày nay. Dù ngài TBT thường chưa được xem là một lãnh đạo có tầm nhìn lớn, chúng ta thấy hiện nay cũng có những điều kiện thuận lợi cho một chuyến đi rất thành công. Liệu chuyến đi này sẽ tạo ra những bước phá còn quá sớm để biết.

Luật sư Vũ Đức Khanh gửi cho BBC từ Ottawa, Canada:

“Ở một chừng mực nào đó, cuộc viếng thăm Tòa Bạch Ốc của TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ được ghi nhận như một sự kiện lịch sử vì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo CSVN, một thể chế thù nghịch với Mỹ bước vào Tòa Bạch Ốc, cơ quan quyền lực bậc nhất của Hoa Kỳ và thế giới.

Tuy nhiên, nếu dừng tại đây thì nó chỉ có giá trị mang tính biểu tượng và sẽ chóng bị lãng quên. Nhưng nó sẽ có giá trị nhiều hơn nếu như chuyến công du này thực sự mang lại một luồng sinh khí mới cho Việt Nam thông qua những cam kết cụ thể của hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia.

Hoa Kỳ với cam kết giúp đỡ “Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”. Và TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ nhân danh ĐCSVN cam kết “đổi mới chính trị, tôn trọng nhân quyền” để có thể sát cánh cùng Hoa Kỳ trong công cuộc kiến tạo hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.

Từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên bước vào Tòa Bạch Ốc năm 2005 cho đến nay, hễ mỗi lần có một lãnh đạo cấp cao CSVN đến thăm nơi này thì truyền thông độc quyền nhà nước Việt Nam thường có những bài viết hoài niệm về một nỗi niềm nuối tiếc nào đó cho những cơ hội vàng đã bỏ lỡ trong quan hệ của hai nước kể từ năm 1945.

ĐCSVN có thể quy đổ trách nhiệm đó cho người Mỹ và cho rằng Hoa Kỳ không hiểu người CSVN nhưng lần này thì người CSVN không thể trách là người Mỹ không hiểu họ.

Với tất cả những gì người Mỹ đã làm từ 20 năm qua và đặc biệt trong chuyến bay đưa ông Trọng từ Hà Nội đến Washington để vào Tòa Bạch Ốc, có một cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, người của 20 năm trước đã can đảm mở đường bang giao với Hà Nội giữa muôn vàn khó khăn, đi tháp tùng. Đó không thể là một thông điệp không rõ ràng hơn được về sự quan tâm trân trọng của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam.”

Ông Trọng sẽ thảo luận gì với ông Obama?

Trên mạng xã hội đã xuất hiện những bức ảnh đầu tiên từ chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ. Những bức ảnh này từ Facebook của cô Hoàng Như Thơ, một trong những người ra đón đoàn Việt Nam tại Căn cứ Không quân Andrew ở Maryland, Hoa Kỳ.



21:04 Tin mới nhất

Truyền thông Việt Nam cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đã tới sân bay quân sự Adrew, bang Maryland bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. 

Ra sân bay đón đoàn, về phía Hoa Kỳ có Quyền trợ lý ngoại trưởng - Scot Marciel, Cục trưởng Cục lễ tân - Peter Selfridge, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius.



Trong bài viết riêng trên BBC, Tiến sĩ Zachary Abuza nói:

“Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chưa từng có tới Hoa Kỳ. 

Mặc dù ông Trọng không trực tiếp kiểm soát chính quyền, khả năng đưa ra đường lối của Đảng Cộng sản (ĐCS) là rất lớn.

Ông Trọng là người bị giằng xé giữa quá khứ và tương lai.

Hai mươi năm sau khi quan hệ ngoại giao được tái lập, nhiều người trong ĐCS vẫn nghi ngờ ý định của Hoa Kỳ trong lúc người dân Việt Nam coi quan hệ với Hoa Kỳ là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh.

Dù Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gặp Tổng thống Obama ở Nhà Trắng hồi tháng Bảy năm 2013, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư ĐCS gặp Tổng thống Hoa Kỳ.

Trong nhiều năm qua, trở ngại là vấn đề nghi thức: ông Trọng là lãnh đạo đảng, không phải nguyên thủ quốc gia khiến người ta kêu gọi thống nhất hai vị trí giống như ở Trung Quốc. Nhưng Việt Nam tự hào về lãnh đạo tập thể và đã không thay đổi.

Nhưng hai nước hiểu rằng thắt chặt quan hệ là quá quan trọng và không thể để vấn đề nghi thức cản trở.”

Quan hệ Mỹ - Việt và chuyến thăm của ông Trọng

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định trên trang web BBC:

“Giờ đây, trong khi một Trung Quốc hùng mạnh và hung hãn hơn trên Biển Đông đang là một mối quan ngại chính ở Hà Nội thì Washington cũng đang cảm thấy bất an trước việc Bắc Kinh theo đuổi quyết liệt một vị thế toàn cầu áp đảo hơn, điều theo thời gian chắc chắn sẽ lật đổ vị thế cường quốc dẫn đầu của Hoa Kỳ. 

Do đó, hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam đã được củng cố trong những năm gần đây, với bước đi lớn đầu tiên là bản Ghi nhớ về quan hệ quốc phòng ký năm 2011.

Các chỉ dấu khác của sự xích lại gần nhau giữa hai bên về mặt chiến lược còn có việc Mỹ cam kết năm 2013 sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 triệu đô la để tăng cường năng lực hàng hải và mua các tàu tuần tra, cũng như quyết định của Mỹ vào tháng 10 năm 2014 nhằm dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Đầu tháng này, hai nước cũng đã công bố một bản “Tuyên bố tầm nhìn chung” nhằm củng cố quan hệ quốc phòng và làm cho mối quan hệ “đối tác toàn diện” thêm phần thực chất. Bất chấp những bước tiến này, hợp tác chiến lược song phương hiện tại vẫn còn khiêm tốn, và vẫn còn nhiều dư địa để nâng cấp trong tương lai.

Do đó, có thể nói, các động lực trong tam giác chiến lược Mỹ - Trung – Việt đã bước vào giai đoạn thứ ba trong một chu kỳ vòng tròn. Những năm 1950 và 1960, Việt Nam và Trung Quốc đã hợp tác để chống lại Mỹ.

Đến thời kỳ 1970 và 1980, Trung Quốc chuyển sang cộng tác với Mỹ để kiềm chế Việt Nam. Giờ đây, sóng đã đổi chiều khi Mỹ và Việt Nam đang tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc là đối thủ chung trong tâm trí của mình.”


 http://www.bbc.com/vietnamese/rolling_news/2015/07/150706_toan_canh_chuyen_tham_my_nptrong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét