Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

* 10729 - Công lý đối với họ là không ai làm gì cả...


Khế ước của người dân Lộc Hưng.
Tình cờ vài tháng trước, liên hoan phim Nhật tại Sài Gòn có trình chiếu một bộ phim tựa đề là Yakiniku Dragon (dịch là Xóm Lưu Vong). Phim lấy bối cảnh Nhật Bản năm 1970 với nhiều chuyển mình và xoay quanh một gia đình người Triều Tiên định cư ở Nhật. Nền của câu chuyện là một cuộc tranh chấp đất của xóm những người Nhật gốc Triều đó và chính quyền thành phố. Chính quyền muốn lấy lại đất vì đó được coi là đất công để xây dựng công viên, còn với những người cư ngụ, họ xem đây là đất của họ vì đã an cư suốt bao nhiêu năm rồi. Đỉnh điểm của bộ phim là khi nhân vật người bố bị mất một tay khi tham chiến cho nước Nhật, cầm cây rượt theo nhân viên công vụ và miệng la lớn rằng ông không cần biết đến quy hoạch hay quyết định nào của ai hết, đất nhà ông được mua từ ông Yamada bán đậu tương vào năm 1945. Ông Yamada là ai không ai biết cả, nhưng câu nói làm mình chột dạ.
Hôm nay nhìn lại tờ giấy khế ước nhàu nhĩ mà người dân Lộc Hưng trưng ra làm bằng cho việc "sở hữu" của họ với vườn rau, mình lại nhớ đến cảnh phim đó. Trong tâm trí những người Lộc Hưng, cái đúng cái sai với họ đơn giản lắm. Tờ khế ước làm bằng của chính quyền VNCH cũ chính là tờ giấy chứng minh quyền sở hữu của họ với vườn rau, và vật đổi sao dời ra sao đi nữa, đất vẫn là đất của họ. Đất, không giống các loại tài sản khác, gắn bó máu mủ và keo sơn là như vậy. Chính vì thế mà khi Hoàng Anh Gia Lai ra sức thu mua đất của người Campuchia để trồng cao su, họ vấp phải sự kháng cự của những cụ già thà chết chứ không bỏ đi một tấc đất địa phương. Họ cũng giống nhân vật trong phim, không quan tâm lắm đến quy hoạch hay quyết định nào của ai cả. Công lý đối với họ là không ai làm gì cả.
Những người học luật như mình thường sa vào lối suy nghĩ của luật thực định để xác định xem một người làm đúng hay sai, ai có quyền gì và sai quyền gì. Thật ra mỗi người một việc, nhưng ngay cả chính quyền hay những luật sư cũng cần phải hiểu rằng luật chẳng bao giờ tượng trưng cho công lý cả. Luật là nỗ lực đạt đến công lý. Không ai mô tả hay hơn Thẩm phán huyền thoại của Tối cao Pháp viện Mỹ Oliver Wendel Holmes. Holmes khi đó bị một người thẩm phán trẻ tuổi (và cũng huyền thoại không kém) là Learned Hand nhắc nhở "thưa ngài, xin ngài hãy phụng sự công lý" (Do Justice!). Holmes lập tức đáp lại rằng: "[công lý] đâu phải việc của tôi! Việc của tôi là phụng sự luật pháp"
Công lý là gì thì cũng còn là sự tranh cãi lớn, vì công lý của cá nhân sẽ khác với công lý của xã hội. Nhưng nếu tạm hiểu miễn cưỡng rằng công lý là nói về sự hài hoà, thì có khi công lý sẽ xuất phát từ những thứ phi luật nhất, chẳng hạn như tờ cam kết mà vị chủ tịch Hà Nội đã kí năm nào với dân Đồng Tâm để tháo ngòi nổ cho một khủng hoảng, hoặc đơn giản là sự nhạy cảm lùi ngày cưỡng chế qua sau cái Tết nguyên đán của những người làm chính quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét