Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

10030 - Nhận Định Và Đánh Giá Về Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ 4 - Tiếp theo và hết)





Nội Dung Của Lệnh

Về mặt nội dung, lệnh của Tổng Thống Thiệu gồm 2 phần: 1) Bỏ Pleiku-Kontum, rút toàn bộ quân chủ lực của Quân Ðoàn II về vùng duyên hải; và 2) Tổ chức lại lực lượng để phản công tái chiếm Ban Mê Thuột.  Quân Ðoàn II chỉ thực hiện được phần 1 của lệnh này; phần 2 của lệnh này không bao giờ được thực hiện vì, trên thực tế, sau cuộc triệt thoái, Quân Ðoàn II không còn hiện hữu nữa.  Lệnh của Tổng Thống Thiệu, như đã nói ở trên, là: “rút nhanh, gọn để bảo toàn sự bất ngờ,” nhưng hoàn toàn không có nói gì hết về khung thời gian, như vậy có thể được xem như giao toàn quyền cho Tướng Phú quyết định về khía cạnh này.  Và Tướng Phú, trong cuộc họp với các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II của ông vào đêm 14-3-1975, đã quyết định bắt đầu ngay cuộc triệt thoái vào sáng ngày 16-2-1975, nghĩa là chỉ sau có 1 ngày chuẩn bị (15-3-1975) mà thôi, nghĩa là, trên thực tế, có thể xem như là không có chuẩn bị gì cả, một điều gần như không có thể nào tưởng tượng được cho một cuộc hành quân ở cấp quân đoàn. Một điều cũng không bình thường là ngay cả lệnh hành quân trên giấy tờ mà lẽ ra Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn phải gửi cho các đơn vị trực thuộc Quân Ðoàn cũng không có luôn.

Tính Khả Thi Của Lệnh

Về tính khả thi của lệnh này, được Tổng Thống Thiệu đưa ra trong một bối cảnh chính trị – quân sự hết sức nghiêm trọng, có rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét và đánh giá một cách đầy đủ và khách quan.  Trước hết là cái cách thức ra lệnh của Tổng Thống Thiệu: khi ông cảm thấy không thuyết phục được Tướng Phú về chủ trương rút bỏ Vùng II của ông (vì Tướng Phú xin được cùng toàn quân ở lại tử thủ), ông đã sử dụng đến cả hạ sách là hăm dọa cách chức và bỏ tù Tướng Phú.83 Như người viết đã trình bày bên trên, lệnh triệt thoái này gồm 2 phần: 1) rút lực lượng chủ lực của Quân Ðoàn II ra khỏi Pleiku-Kontum, và 2) tổ chức lại lực lượng để phản công tái chiếm Ban Mê Thuột.  Như vậy, phần 2 chính là mục tiêu để biện minh cho Phần 1 chỉ là phương tiện. Lý luận này hoàn toàn không có cơ sở vững chắc.  Ban Mê Thuột đã mất và Quân Ðoàn II, với lực lượng sẵn có (và sẽ không có thêm bất cứ lực lượng Tổng Trừ Bị nào được tăng viện nữa cả), đã không thể phản công tái chiếm, thì làm thế nào, cũng với lực lượng đó (chắc chắn sẽ bị giảm thiểu rất nhiều sau cuộc triệt thoái) lại có thể phản công chiếm lại được Ban Mê Thuột.  Ðó là mới chỉ xét sự việc thuần túy về mặt lực lượng mà thôi.  Còn về mặt tinh thần chiến đấu của binh sĩ thì sao ?  Chắc chắn sẽ bị sút giảm trầm trọng sau khi QLVNCH đã thua 2 trận lớn, đã mất luôn 2 tỉnh và cả một Quân Ðoàn phải rút lui. Tổng Thống Thiệu có thể đã nghĩ rằng rút bỏ Pleiku-Kontum thì Quân Ðoàn II sẽ không còn phải trải quân bảo vệ các vùng đó nữa, vậy có thể tập trung nhiều quân hơn để tấn công Ban Mê Thuột.  Nếu quả thật ông đã suy nghĩ như vậy thì ông đã quên là Bắc Việt cũng sẽ không cần các sư đoàn của họ bao vây Pleiku và Kontum nữa, mà sẽ tập trung chúng lại để bảo vệ Ban Mê Thuột.  Ngoài ra, về phương diện tinh thần binh sĩ, thì quân Bắc Việt chắc chắn sẽ cao hơn tinh thần của binh sĩ QLVNCH rất nhiều vì họ đang liên tiếp chiến thắng và đã khiến cho QLVNCH phải triệt thoái cả một Quân Ðoàn, một điều chưa từng xảy ra trong suốt cuộc chiến tranh gần 20 năm.  Chuyện phản công tái chiếm Ban Mê Thuột, mục tiêu của lệnh triệt thoái này, rõ ràng là một chuyện không tưởng.  Câu hỏi cần có lời giải đáp là có thể nào Tổng Thống Thiệu là một vị tướng lãnh cao cấp, có nhiều kinh nghiệm, và là một người luôn luôn làm việc có tính toán cẩn thận, lại có thể suy nghĩ nông nổi như vậy hay không?  Câu trả lời của người viết bài này là: KHÔNG.  Tổng Thống Thiệu chỉ dùng nó làm cái cớ để thực hiện việc cắt bỏ Vùng II mà ông đã quyết định tại cuộc họp ngày 11-3-1975 tại Dinh Ðộc Lập với các Tướng Khiêm, Viên và Quang.   Suy nghĩ thêm một chút nữa chúng ta cũng thấy rằng ông không đề cập gì cả đến chuyện tái chiếm Pleiku- Kontum, nghĩa là nếu có phản công thì chỉ là để chiếm lại Ban Mê Thuột mà thôi, không phải để chiếm lại Vùng II.  Tóm lại mức độ khả thi của lệnh này là rất đáng nghi ngờ.

Cách Thi Hành Lệnh

Về cách thức thực hiện lệnh này thì có thể tóm tắt trong một câu: không được chuẩn bị chu đáo, nếu không muốn nói là không có chuẩn bị gì cả.  Ðây là một lỗi lầm lớn, rất lớn của Tướng Phú. Dù cho lệnh của Tổng Thống Thiệu là phải thực hiện cho nhanh, ông cũng không thể và không nên thực hiện quá nhanh như vậy.  Chắc chắn ông phải biết rằng dân chúng trong Vùng II, đặc biệt là tại Pleiku, nơi đóng Bộ Tư Lệnh của Quân Ðoàn II, sẽ biết về việc triệt thoái này, và họ sẽ đi theo.  Như vậy, ông không thể chỉ quan tâm đến khía cạnh quân lính và quân trang, quân dụng mà phải tính trước cả yếu tố dân chúng, mà là dân chúng bị hoảng hốt, kinh hoàng trước việc lui binh vĩ đại, vô tiền khoáng hậu này.  Ngoài ra, một số việc làm của Tướng Phú trong thời gian này cũng cần phải được đánh giá.  Việc thứ nhứt là việc ông đòi hỏi, gần như là một điều kiện để đánh đổi cho việc ông phải thi hành cái lệnh vô cùng khó khăn này, Tổng Thống Thiệu phải đồng ý thăng cấp Chuẩn Tướng cho Ðại Tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân Vùng II.  Tình hình quân sự lúc bấy giờ hoàn toàn không phù hợp cho việc thăng cấp trong quân đội; QLVNCH đang thua trận nặng nề chứ có phải đang chiến thắng oanh liệt gì đâu.  Thứ hai, chỉ thăng cấp cho 1 vị đại tá là ông Tất mà thôi (với lý do gì cũng không thấy nói rõ, nhưng chắc chắn không phải do hành động gì phi thường tại mặt trận lúc bấy giờ) làm sao không tạo ra sự dèm pha (ông Tất là bạn thân của ông Phú từ nhiều năm) và bất mãn của các vị đại tá khác trong Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn, trong lúc đang cần sự đồng thuận và cộng tác tích cực giữa các sĩ quan cao cấp của Quân Ðoàn trong cuộc hành quân hết sức quan trọng này.  Việc thứ ba là Tướng Phú gần như không có mặt trong cuộc triệt thoái này. Sáng ngày 15-3, ông và một số sĩ quan trong bộ tham mưu của ông bay về Nha Trang với lý do là để thiết lập bản doanh mới cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn.  Cũng trong ngày 15-3 này, Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Phụ Tá Hành Quân của Tướng Phú, bay về Tuy Hòa để chuẩn bị việc cơ sở cho việc tiếp đón đoàn quân triệt thoái. Việc chỉ huy tổng quát cuộc triệt thoái này được ông giao cho Tướng Tất.84 Ðây có thể là động cơ chính của Tướng Phú trong việc hết sức cố gắng xin Tổng Thống Thiệu thăng cấp Chuẩn Tướng cho bằng được cho Ðại Tá Tất.  Theo kế hoạch, chỉ có Sư Ðoàn 6 Không Quân sẽ tự lo liệu để di chuyển toàn bộ lực lượng về căn cứ không quân Phan Rang, tất cả các lực lượng còn lại của Quân Ðoàn II sẽ đi chung với nhau, mỗi ngày sẽ có một đoàn 200-250 xe sẽ rời Pleiku với binh sĩ và chiến cụ.  Toàn bộ các lực lượng chủ lực của Quân Ðoàn II hiện diện trong vùng Pleiku-Kontum lúc đó gồm:
  • 1 tiểu đoàn thuộc Trung Ðoàn 44, Sư Ðoàn 23 Bộ Binh
  • 6 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân: 4, 7, 21, 22, 24 và 25
  • Thiết Ðoàn 21 Chiến Xa M.48 (thuộc Lữ Ðoàn 2 Kỵ Binh)
  • 2 tiểu đoàn pháo 155 ly Howitzer
  • 1 tiểu đoàn pháo 175 ly tầm xa
  • Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu
  • Liên Ðoàn 231 Yểm Trợ Tiếp Vận

Theo kế hoạch mà Tướng Phú đã đề nghị tại cuộc họp ở Cam Ranh ngày 14-3 và đã được Tổng Thống Thiệu và các tướng lãnh hiện diện đồng chấp thuận, Liên TỈnh Lộ 7B (LTL-7B), con đường (tách ra từ Quốc Lộ14 là quốc lộ nối liền Pleiku với Ban Mê Thuột) từ Ngả Ba Mỹ Thạch đi về hướng Ðông Nam đến Tuy Hòa, đã được chọn để rút quân.  Lý do là vì cả 2 quốc lộ huyết mạch nối liền cao nguyên với duyên hải là Quốc Lộ 19 (nối liền Pleiku với Qui Nhơn) và Quốc Lộ 21 (nối liền Ban Mê Thuột với Ninh Hòa) đều đã bị các đơn vị quân Bắc Việt đóng chốt và cắt đứt.  LTL-7B là một con đường trải đá, dài 182 km, ít được sử dụng vì hư hại nhiều, gần như bỏ hoang, gồm 3 đoạn như sau:
  • từ ngã ba Mỹ Thạch đến Cheo Reo: 84 km, đường tốt
  • từ Cheo Reo đến Củng Sơn: 48 km, qua đèo Tuna (cách Cheo Reo khoảng 4 km về phía Nam, ngày nay gọi là đèo Tô Na), qua cầu Sông Ba (thời Pháp thuộc gọi là cầu Le Bac, sông Ba ở khúc này rất rộng nên cầu nầy dài đến 600 m nhưng đã bị sập từ lâu, và sau cùng phải qua cầu Cà Lúi (một sông nhánh của sông Ba) trước khi đến Củng Sơn
  • từ Củng Sơn đến Tuy Hòa: 50 km, đoạn đường này đã bị quân Đồng minh Ðại Hàn gài rất nhiều mìn trước năm 1973.

Nói chung LTL-7B không phải là một trục lộ giao thông tốt cho cuộc rút quân, nhưng nó là con đường duy nhứt còn lại và có thể tạo ra yếu tố bất ngờ cần thiết cho cuộc rút quân.

Lịch trình rút quân được sắp xếp như sau:
  • Ngày 16-3: Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu đi tiền tiêu, mở đường và sửa chửa cầu đường nếu cần; Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân đi theo để yểm trợ cho Công Binh; cùng đi trong đợt đầu tiên này là một số đơn vị tiếp vận, quân cụ di chuyển trên khoảng 200 quân xa, cùng với một số đơn vị pháo binh, và một chi đoàn thiết giáp M-48 thuộc thiết đoàn 21 đi theo để bảo vệ đoàn xe
  • Ngày 17-3: các đơn vị còn lại của tiếp vận, pháo binh, và quân y, di chuyển trên khoảng 250 quân xa, với một chi đoàn thiết giáp M-48 đi theo để bảo vệ đoàn xe
  • Ngày 18-3: các đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II, một vài đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, các đơn vị Quân Cảnh, Tiểu đoàn thuộc Trung Ðoàn 44 của Sư Ðoàn 23, và một đơn vị thiết giáp đi theo bảo vệ đoàn xe cũng gồm khoảng 250 quân xa
  • Ngày 19-3: các Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân còn lại và các đơn vị thiết giáp cuối cùng đi tập hậu để chận địch quân truy kích

Bản đồ Liên TỈnh Lộ 7B

Ngày đầu tiên của cuộc rút quân diễn ra suông sẻ, tốt đẹp, đúng kế hoạch vì dân chúng cũng như các đơn vị quân Bắc Việt phe chưa hay biết về cuộc triệt thoái.  Nhưng vào cuối ngày thì dân chúng Pleiku đã biết chuyện và họ lũ lượt kéo nhau chạy theo đoàn quân di tản.  Cũng trong buổi chiều ngày hôm đó, Tướng Văn Tiến Dũng của Bắc Việt cũng đã biết tin về cuộc triệt thoái của Quân Ðoàn II, và ông ra lệnh cho Tư Lệnh Sư Ðoàn 320 phải cấp tốc truy kích đoàn quân đang triệt thoái trên LTL-7B. 

Ngày hôm sau, 17-3, dân chúng bắt đầu nhập vào đoàn quân triệt thoái bằng đủ tất cả những phương tiện di chuyển mà họ có, kể cả một số rất đông đi bộ, tất cả khiến cho đoàn quân không thể di chuyển nhanh được.   

Một cảnh của đoàn quân triệt thoái trên LTL-7B
Ngày 18-3, đoàn quân đến được Cheo Reo và ngừng lại vì Công Binh chưa làm kịp cầu bắc qua sông Ba ở phía Nam Cheo Reo.Cũng trong ngày này, trước tình hình cuộc triệt thoái có vẻ thuận lợi với yếu tố bất ngờ, “tướng Phú thay đổi ý kiến. Ông ra lệnh ngưng cuộc lui binh và thay vào đó là lệnh lập tuyến phòng thủ tại Hậu-Bổn.”85 Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn II dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm đặt ngay tại một trường học trong thị trấn Hậu Bổn (Cheo Reo).  Nhưng ngay tối hôm đó, các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 320 của Bắc Việt đã bắt kịp đoàn quân triệt thoái tại Cheo Reo và bắt đầu tấn công bằng tất cả hỏa lực mà họ có, gây thiệt hại rất nặng cho đoàn quân triệt thoái và dân chúng đi theo, rất nhiều quân xa bốc cháy, nhiều trọng pháo và thiết giáp bị phá hủy, xe cộ và xác người ngổn ngang trên tỉnh lộ và trong thị trấn.  Liên Ðoàn 23 BÐQ được lệnh tiến chiếm đèo Ban Bleik ở phía tây Thị Trấn Cheo Reo để chặn đứng sức tấn công của quân Bắc Việt, kéo dài thời gian để giúp cho Công Binh có thể làm xong được cầu bắt qua sông Ba.

Ngày 19-3, trận kịch chiến vẫn tiếp tục tại Cheo Reo giữa các liên đoàn BÐQ và các đơn vị của Sư Ðoàn 320 Bắc Việt đang truy kích. Trong ngày này, một số đơn vị Ðịa Phương Quân người Thượng đã nổi loạn, bỏ hàng ngũ, cướp phá, gây hỗn loạn trong đoàn quân dân triệt thoái. Trong lúc trận chiến đang diễn ra ác liệt, một phi tuần phản lực cơ A-37 của Không Quân VNCH lại oanh tạc lầm vào quân bạn, gây thiệt hại rất nặng cho một một tiểu đoàn của Liên Ðoàn 7 BÐQ, và làm cho tình hình trong đoàn quân triệt thoái càng thêm hỗn loạn; mệnh lệnh và kỷ luật gần như không còn nữa.  Một số cấp chỉ huy của các thiết đoàn cũng như của các tiểu đoàn BÐQ có nhiệm vụ yểm trợ đoàn quân triệt thoái không còn chỉ huy được các đơn vị của họ nữa.  Trước tình hình rối loạn, không còn kiểm soát được nữa tại Hậu Bổn, Tướng Phú lại một lần nữa thay đổi ý kiến, ra lệnh bỏ tuyến phòng thủ ở Hậu Bổn, và tiếp tục lui quân về Tuy Hòa.  Ông “… cho trực thăng tới bốc Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn đưa về Tuy Hòa, riêng Tướng Cẩm là người ở lại sau cùng nên chính trực thăng của tôi [tôi = Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất) bốc ông.” 86 Kể từ lúc này trở đi, không còn một vị tướng lãnh nào trong đoàn quân triệt thoái nữa hết, việc chỉ huy thống nhứt hoàn toàn không còn nữa, đoàn quân như rắn mất đầu, binh sĩ cảm thấy bị bỏ rơi, các cấp chỉ huy và các đơn vị mạnh ai nấy lo. Trong thời gian đó, Không Quân VNCH được lệnh ném bom phá hủy tất cả các chiến cụ nặng, không để chúng lọt vào tay địch quân. Sáng ngày 20-3, đoàn quân triệt thoái cố gắng phá vòng vây của các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 320 Bắc Việt, thoát ra khỏi Hậu Bổn để tiến về phía Củng Sơn, nhưng mới được khoảng nửa đường thì bị chận lại vì Phú Túc đã bị quân Cộng sản chiếm.  Liên Ðoàn 7 BÐQ được lệnh tiến lên, tấn công dũng mãnh và chiến thắng, chiếm lại được Phú Túc trong cùng ngày. Ngày hôm sau, 21-3, đoàn quân tiếp tục tiến về Củng Sơn, mặc dù vẫn tiếp tục bị địch quân truy kích. Trên đường đi, sau khi ra khỏi Phú Túc, tình hình mất kỷ luật bên trong đoàn quân triệt thoái càng lúc càng tệ hơn, binh sĩ nhiều đơn vị tranh nhau, kể cả bắn nhau, để vượt lên trước.“… Súng bắt đầu nổ từ một phe, bạo lực lan nhanh như lửa cháy đồng, trong chốc lát nó bao trùm đoàn xe, súng nổ khắp nơi, người ta bắn để cướp đường giành đi trước…Bấy giờ súng không nổ phát một, ngưới ta bắn hàng tràng đại liên, không bắn chỉ thiên, mà bắn xả trên đầu…” 87 Ðoàn xe sau cùng cũng đến được bờ sông Ba. Lúc đó Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu vẫn làm chưa xong cầu.  Cầu phao đã được đưa từ Nha Trang lên Tuy Hòa nhưng sau đó không đưa được bằng đường bộ từ Tuy Hòa về Củng Sơn vì các chốt chận của quân Cộng sản.  Sau cùng Không Quân VNCH phải sử dụng đến các trực thăng khổng lồ Chinook CH-47 để đưa từng phần từ Tuy Hòa về Củng Sơn.88  Liên Ðoàn 6 BÐQ, tại phòng tuyến phía Tây Củng Sơn, đã chiến đấu rất ác liệt để chận đứng các cuộc tấn công của Trung Ðoàn 64 của Sư Ðoàn 320 Bằc Việt, nhằm giúp cho Công Binh hoàn thành cầu phao bắt ngang qua Sông Ba. Ngày 22-3, cầu phao làm xong, đoàn xe bắt đầu vượt sông Ba.  Lúc bắt đầu vượt sông, vì tranh nhau qua cầu cho nhanh, một số xe tiến quá nhanh làm sập một đoạn cầu phao, gây thêm một số thương vong.  Công Binh đã nhanh chóng sửa chữa lại đoạn cầu bị sập và đoàn quân triệt thoái qua được sông Ba, sử dụng Tỉnh Lộ 436 để tiến về Tuy Hòa. Các Tiểu Ðoàn 35 và 51, thuộc Liên Ðoàn 6 BÐQ, tiếp tục bám giữ phòng tuyến tại Củng Sơn để bảo vệ phía sau của đoàn quân.  Tiểu Ðoàn 34, thuộc Liên Ðoàn 7 BÐQ, tiến về phía trước, nhổ từng chốt chận của Cộng quân để giúp đoàn dân quân triệt thoái tiến về Tuy Hòa. Ngày 27-3, vào lúc 9 giờ tối, những chiếc quân xa đầu tiên của đoàn quân triệt thoái về đến Tuy Hòa.

Hậu Quả Của Lệnh

Về mặt hậu quả, cuộc triệt thoái này là bước đầu của tiến trình sụp đổ nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của VNCH: nếu tính từ ngày 16-3-1975, ngày khởi đầu của cuộc lui quân, cho đến ngày 30-4-1975, ngày Ðại Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống cuối cùng của VNCH đầu hàng quân Bắc Việt tại Dinh Ðộc Lập, thời gian chỉ có 44 ngày.  

Hậu quả đầu tiên và trực tiếp của cuộc triệt thoái vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của QLVNCH này là việc Quân Ðoàn II đã bị xóa sổ, và điều này có nghĩa là VNCH đã mất đi ¼ lực lượng quân sự trong vòng chỉ có hơn 10 ngày.“Khoảng 60 ngàn quân chủ lực khi về đến Tuy Hòa chỉ còn lại khoảng 20 ngàn. Năm liên đoàn BÐQ với quân số khoảng 7 ngàn chỉ còn lại 900 người. Lữ Ðoàn 2 Kỵ Binh với hơn 100 thiết-xa các loại chỉ còn đúng 13 thiết-vận-xa M-113.”89 Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, tổng kết thiệt hại của Quân Ðoàn II trong tác phẩm của ông viết bằng Anh ngữ, The Final collapse, như sau: “At least 75 percent of II Corps combat strength, to include the 23d Infantry Division as well as Ranger, armor, artillery, engineer, and signal units, had been tragically expended within ten days.” 90 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ít nhứt 75 phần trăm lực lượng chiến đấu của Quân Ðoàn II, bao gồm các đơn vị của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh cũng như Biệt Ðộng Quân, thiết giáp, pháo binh, công binh, và truyền tin, đã bị tiêu diệt một cách bi thảm trong vòng mười ngày”).  Về phương diện lãnh thổ, Quân Ðoàn II đã mất gần hết các tỉnh thuộc vùng Cao Nguyên, đó là các tỉnh Pleiku, Kontum, Darlac, và Phú Bổn, với các tỉnh còn lại là Lâm Ðồng, Tuyên Ðức và toàn bộ các tỉnh ở vùng Duyên Hải đang bị đe dọa rất nặng nề.

Các hậu quả dây chuyền tiếp theo là việc QLVNCH phải rút lui khỏi tất cả những vùng lãnh thổ của Quân Ðoàn I và II bị áp lực nặng nề của các sư đoàn quân Bắc Việt.  Trong thời gian này một số chỉ huy cao cấp của Quân Ðoàn II như Chuần Tướng Trần Văn Cẩm, Tư Lệnh Tiền Phương, và Ðại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng, đã bị địch quân bắt làm tù binh.  Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Ðoàn I phải rút bỏ Huế và Ðà Nẵng. Lần lượt tất cả lãnh thổ của hai quân khu này đều lọt vào tay địch.  Quân Ðoàn III phải thiết lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương tại Phan Rang, nhưng chẳng bao lâu, phòng tuyến này cũng tan vỡ vào ngày 15-4-1975, và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh, và Chuần Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Ðoàn 6 Không Quân (từ Pleiku di chuyển về) cũng đã bị địch quân bắt làm tù binh.  Bắc Việt tập trung tất cả 5 sư đoàn tấn công Xuân Lộc nhưng bị Sư Ðoàn 18 của Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo chận đứng lại.  Phe Cộng sản quyết định bỏ Xuân Lộc tiến thẳng về Sài Gòn và VNCH đã đầu hàng vào trưa ngày 30-4-1975.

Kết luận cho mục Quân Sự: Tuy có đầy đủ điều kiện để có thể đảm nhận vai trò Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH, Tổng Thống Thiệu đã hoàn toàn sai lầm khi quyết định cắt bỏ Vùng II, đưa đến hậu quả vô cùng tai hại là sự sụp đổ quá nhanh chóng của VNCH vào ngày 30-4-1975.  Ðiểm F. 

Trong Lãnh Vực Kinh Tế – Xã Hội
Về phương diện kinh tế, trong khoảng thời gian 1965-1975,bề ngoài, VNCH có vẻ phát triển về mọi mặt.  Ðời sống của dân chúng đô thị có nhiều tiện nghi hơn (máy giặt, máy truyền hình, vv,); ở nông thôn, phương thức canh tác có nhiều cải tiến (sử dụng cơ giới, phân bón, thuốc trừ sâu, lúa Thần Nông, vv); hệ thống giao thông vận tải được cải thiện và phát triển rất mạnh (số xa lộ và phi trường được xây dựng thêm rất nhiều);một số kỹ nghệ mới hình thành, và vào những năm cuối có thêm triển vọng khai thác dầu hỏa ở thềm lục địa; và khu vực tam đẳng (dịch vụ) cũng phát triển rất mạnh.

Sự thật thì nền kinh tế này hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ. Sau đây là mức viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho VNCH trong thời gian 1965-1975: 91
  • 1965:    290,3 triệu MK
  • 1966:    793,9   -      -
  • 1967:    666,6   -      -
  • 1968:    651,1   -      -
  • 1969:    560,5   -      -
  • 1970:    655,4   -      -
  • 1971:    778,0   -      -
  • 1972:    587,7   -      -
  • 1973:    531,2   -      -
  • 1974:    657,4   -      -
  • 1975:    240.9   -      -

VNCH không phải là quốc gia duy nhứt nhận viện trợ Mỹ nhưng là quốc gia duy nhứt nhận viện trợ Mỹ trong tình trạng chiến tranh, và phải nói là chiến tranh rất ác liệt với mức độ tàn phá rất lớn.  Mặc dù có tiềm lực kinh tế khá tốt, và với viện trợ Mỹ lớn lao, VNCH là quốc gia duy nhứt (trong nhóm 4 nước bị đe dọa quân sự từ bên ngoài nhận được viện trợ kinh tế lớn lao của Hoa Kỳ gồm Do Thái, Ðại Hàn, Ðài Loan, Việt Nam) đã phải đương đầu với quá nhiều khó khăn lớn lao do chiến tranh gây ra và vì vậy đã không thể thành công trong việc phát triển kinh tế.  Tuy nhiên, sự thất bại trong việc phát triển kinh tế tại VNCH không phải hoàn toàn chỉ do yếu tố khách quan là tình trạng chiến tranh, mà còn do một yếu tố chủ quan rất quan trọng nữa: đó là không có sự tha thiết và quyết tâm cao của cấp lãnh đạo của VNCH trong việc phát triển kinh tế.  Ðiều này có thể giải thích được: 1) Các nhà lãnh đạo của VNCH trong giai đoạn này đều là quân nhân, họ chú trọng nhiều hơn vào lãnh vực quân sự; 2) Họ lại hoàn toàn không có đủ kiến thức để có thể hiểu và nắm vững được vấn đề phát triển kinh tế.  Trong thời gian này, giới lãnh đạo của VNCH cũng đã từng áp dụng nhiều biện pháp kinh tế quan trọng (phá giá tiền Ðồng của VN, tăng lương quân nhân công chức, tổ chức hệ thống phân phối lương thực và nhu yếu phẩm, luật Người Cày Có Ruộng, vv) nhưng nhìn chung tất cả chỉ là những biện pháp vá víu và VNCH hoàn toàn không có một kế hoạch phát triển kinh tế chủ đạo đúng nghĩa.  Một trong những chỉ số chính về phát triển kinh tế mà giới lãnh đạo VNCH hoàn toàn không quan tâm đến là: mức tiết kiệm trong nước. 

Biểu đồ Tỷ lệ Tiết Kiệm Trên GNP của Việt Nam 
So với Do Thái, Ðại Hàn và Ðài Loan và Các Nước Châu Mỹ La Tinh 92

Biểu đồ này cho thấy rõ là trong khoảng thời gian 1965-1973, tỷ lệ Mức Tiết Kiệm Trong Nước (Domestic Saving Ratio) trên Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GNP = Gross National Product) của VNCH phần lớn là điểm âm, trong khi các nước kia, nhất là hai nước Ðại Hàn và Ðài Loan đều tăng rất nhanh:
  • Ðại Hàn: từ dưới 10% của GNP (1965) tăng lên trên 20% của GNP (1973)
  • Ðài Loan: từ 20% của GNP (1965) tăng lên trên 30% của GNP (1973)

Có thể có 2 lý do chính cho mức tiết kiệm âm này.  Thứ nhứt là vì cấp lãnh đạo của VNCH, như vừa nói bên trên, đã không quan tâm đúng mức đến chuyện này, và vì vậy đã không có một chính sách nhằm khuyến khích việc tiết kiệm.  Thứ hai, vì vật giá gia tăng cùng với nạn lạm phát phi mã, đồng lương không đủ sống, chuyện tiết kiệm của dân chúng, dù cho nếu có sự khuyến khích của chính phủ, chắc cũng khó có thể thực hiện được.  

Cho đến đầu năm 1965, mức lạm phát tại VNCH là vào khoảng 4% một năm. Hoa Kỳ chính thức đưa quân bộ chiến vào Miền Nam vào ngày 8-3-1965 với 2 Tiểu đoàn TQLC đổ bộ vào Ðà Nẵng.  Sáu tháng sau đó vật giá đã gia tăng 20% tại Miền Nam và tiếp tục gia tăng không ngừng.  Ngoài ra VNCH còn ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng trong cán cân ngoại thương: trị giá nhập cảng gấp 10 lần trị giá xuất cảng.  Tháng 7-1966, Chính phủ VNCH bắt buộc phải phá giá tiền Ðồng VN (ÐVN), từ 1 MK = 72 ÐVN xuống mức 1MK = 118 ÐVN.  Việc phá giá tiền ÐVN này hoàn toàn không ngăn chận được vật giá tiếp tục leo thang.  Sau đây là mức gia tăng khủng khiếp của chỉ số về giá cả đối với nhân dân lao động (working-class price index) trong khoảng thời gian 1965-1974 (so với chỉ số gốc là 100 của năm 1962):93
  • 1965: 128.4
  • 1966:    208.6
  • 1967:    299.4
  • 1968:    380.0
  • 1969:    463.1
  • 1970:    633.5
  • 1971:    749.3
  • 1972:    938.3
  • 1973: 1.355.5
  • 1974: 2.004.5

Do mức lạm phát này, giá chợ đen của đồng đô la Mỹ (USD) luôn luôn cao hơn giá chính thức rất nhiều.  Từ năm 1972 trở đi, chính phủ VNCH đành phải chấp nhận “thả nổi” giá chính thức luôn.  Sau đây là bảng liệt kê giá chính thức và giá chợ đen tiền USD tại VNCH trong thời gian 1967-1974: 94

Giá chính thức Giá chợ đen
  • 1967: 118 164
  • 1968: 118 189
  • 1969: 118 229
  • 1970: 118 393
  • 1971: 118 388
  • 1972: 356 439
  • 1973: 494 531
  • 1974: 633 641

Sau khi Hoa Kỳ đưa quân bộ chiến vào Miền Nam, cường độ chiến tranh gia tăng ác liệt, sản xuất nông nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng, và lần đầu tiên trong lịch sử, từ năm 1965, VNCH phải nhập cảng gạo để cung ứng cho nhu cầu của dân chúng. Năm 1967, số gạo nhập cảng, phần lớn là từ Hoa Kỳ, lên đến 770.000 tấn.95  Việc nhập cảng gạo này vẫn tiếp tục mãi cho đến cuối cuộc chiến.

Sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết vào ngày 27-1-1973, tiên liệu viện trợ Mỹ sẽ giảm đi, chính phủ VNCH đã đưa ra một kế hoạch phát triển 4 năm nhằm tiến tới độc lập về kinh tế.  Kế hoạch này gồm 4 chương trình chính yếu: 1) Tái thiết hạ tầng kinh tế và xã hội; 2) Tái lập sản xuất nông nghiệp; 3) Khuyến khích đầu tư; và 4) Cải thiện xuất cảng.96 Kế hoạch phát triển kinh tế này rất đúng hướng và đáng khen nhưng đã quá chậm vì VNCH không còn thời gian nữa.  Các chương trình này đều chỉ mới thực hiện được có một năm (1974) và còn đang dở dang thì VNCH đã thất trận vào cuối tháng 4 sau cuộc Tổng Tấn Công Mùa Xuân năm 1975 của phe Cộng sản.

Về phương diện xã hội, VNCH cũng đối diện với nhiều thay đổi, xáo trộn lớn lao.  Với cường độ gia tăng ác liệt của cuộc chiến, càng ngày càng có thêm nhiều người rời bỏ nông thôn ra thành thị sinh sống.  Ngoài ra, trong thời gian xảy ra các cuộc tổng tấn công của phe Cộng sản, như các năm Mậu Thân 1968, hay Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, con số người tỵ nạn đổ về các thành phố có thể lên đến hàng trăm ngàn trong một thời gian rất ngắn.  Sự hiện diện của mấy trăm ngàn quân Mỹ và các nước Ðồng Minh vừa gây ra chuyện vật giá gia tăng và nạn lạm phát phi mã, đồng thời cũng tạo ra nhiều vấn đề xã hội trầm trọng.  Các tệ nạn xã hội như mãi dâm, xì ke, ma túy tăng lên rất nhiều, một phần lớn tập trung chung quanh các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Ðời sống của những người làm công ăn lương, có lợi tức thấp và cố định như các giới quân nhân, công nhân, viên chức chính phủ trở nên vô cùng khó khăn.  Ngược lại những người làm việc trong các cơ quan, công ty của Mỹ, hay cung cấp dịch vụ cho quân đội Mỹ thì có lương cao hơn rất nhiều và làm giàu rất nhanh chóng. Thứ tự xếp hạng các tầng lớp trong xã hội truyền thống của Việt Nam đã bị đảo lộn hoàn toàn.

Trong điều kiện kinh tế – xã hội nhiều khó khăn như vừa kể trên, chính phủ VNCH đã có những cố gắng áp dụng một số biện pháp để đối phó, thí dụ như tăng lương cho quân nhân công chức, kiểm soát giá cả, cải thiện hệ thống tiếp tế lương thực cho các đô thị, đặc biệt là sau cuộc Tổng Tấn Công năm Mậu Thân (1968) của phe Cộng sản.  Kế Hoạch Phát Triển Kinh Tế Hậu Chiến, hoàn thành do sự hợp tác của hai chính phủ Việt-Mỹ, dưới sự chỉ đạo của hai Giáo sư David E. Lilienthal và Vũ Quốc Thúc, thực hiện trong năm 1967, được chính phủ VNCH duyệt và chấp thuận ngay trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ I (1967-1971) của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.  Một số khuyến cáo trong kế hoạch đã được mang ra áp dụng trong năm 1970 để chuẩn bị cho chương trình hậu chiến (nhưng đáng tiếc, chương trình phát triển kinh tế hậu chiến này đã không bao giờ xảy ra như chúng ta đã biết).97 Ngoài ra cũng phải kể đến một cố gắng đáng kể của Tổng Thống Thiệu trong việc cải thiện số phận của người nông dân: đó là Luật Người Cày Có Ruộng (NCCR).  Ðạo luật NCCR được Quốc Hội chung quyết thông qua ngày 16-3-1970 và được Tổng Thống Thiệu ký ban hành tại Cần Thơ ngày 26-3-1970.98  Luật NCCR “có những quy định chính như sau:
  • Hủy bỏ quy chế tá điền;
  • Phân chia công điền, công thổ;
  • Giới hạn mỗi điền chủ chỉ được canh tác một diện tích không quá 15 mẫu; trên số đó là phải bán cho chính phủ để tái phát cho nông dân;
  • Ưu tiên dành cho người trực tiếp canh tác đất đai truất hữu;
  • Ðền bù cho chủ đất thật nhanh và phải chăng: 20% bằng tiền mặt; 80% bằng công khố phiếu với 10% lãi suất trong 8 năm (có thể dùng để chuyển nhượng, thế chấp vay ngân hàng, cầm cố).” 99

Ðến cuối năm 1973, chương trình NCCR đã cấp 1.193.376 mẫu đất cho 953.370 gia đình nông dân.100 Nếu tính theo con số trung bình là 4 người cho mỗi gia đình, chương trình NCCR đã hữu sản hóa cho khoảng gần 4 triệu người trên tổng số dân gần 20 triệu (19.954.000dân vào năm 1973 101), tức là 1/5 hay 20% dân số VNCH.  Ðây là một thành quả rất đáng kể trong một quốc gia đang gặp những nặng nề do chiến tranh gây ra.

Một thành quả nữa về phương diện xã hội cần được nêu ra đây là sự phát triển rất đáng kể của hệ thống giáo dục, như chúng ta có thể thấy trong bảng thống kê sau đây: 

Thống Kê Giáo Dục VNCH 1960-1970

Từ 1970 trở đi, hệ thống giáo dục của VNCH vẫn tiếp tục phát triển rất mạnh và đến năm học 1973-1974, số lượng người đi học đã tăng lên như sau:102
  • Tiểu học:      3.101.560   học sinh
  • Trung học:    1.091.779   học sinh
  • Ðại học:           101.454   sinh viên

Ðến năm 1975, tổng số sinh viên các trường cao đẳng và đại học đã lên đến 150.000 với tổng số viện đại học là 14 gồm:
  • Công lập:     4 (Sài Gòn, Thủ Ðức, Cần Thơ, và Huế)
  • Cộng đồng:  3 (Tiền Giang, Duyên Hải, và Quảng-Ðà)
  • Tư lập:          7 (Vạn Hạnh, Phương Nam, Ðà Lạt, Minh Ðức, Cao Ðài,
  • Hòa Hảo, và Cửu Long)      

Ðiều đáng buồn là từ sau 1965, khi bắt đầu có sự hiện diện của các quân đội đồng minh trên lãnh thổ VNCH, nạn lạm phát tiền tệ và vật giá gia tăng cùng với những tệ nạn xã hội tràn lan, các tầng lớp và giá trị xã hội cổ truyền bị đảo lộn, đời sống của giới giáo chức, đặc biệt là giáo viên tiểu học, bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mức báo động.  Trong cuốn sách “Các vấn đề giáo dục,” do nhà xuất bản Trẻ xuất bản tại Sài Gòn năm 1971, ở mục “Hiện trạng nền tiểu học Việt Nam,“ có ghi như sau: “So với những công chức khác cùng ngạch trật, giáo chức [tiểu học] là người nghèo nhứt vì phải chi phí nhiều cho nghề nghiệp, không có phương tiện để gây thêm tài chánh, và vì sĩ diện nên đành sống kham khổ để khỏi hỗ với lương tâm… Nhiều người không đủ can đảm theo đuổi nghiệp giáo nên đã bỏ nghề.  Nhiều người phải tìm việc làm khác ngoài nghề dạy học mới có thể nuôi sống gia đình.  Bi đát hơn, có nhiều giáo chức làm nghề ‘lái xe ôm’ ở đô thành và ở tỉnh… Trong hoàn cảnh hiện tại, giá trị tinh thần nói chung, uy thế của giáo chức nói riêng đã sút giảm nhiều; thiện chí cùng lương tâm của giáo chức cũng phai dần với thời gian…”  103

Kết luận cho mục Kinh Tế – Xã Hội: Nền kinh tế của VNCH, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ.  Mặc dù chính phủ VNCH dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thi hành một số biện pháp nhằm cải thiện tình hình kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân Miền Nam trong thời gian 1965-1975 đã rất khó khăn do vật giá gia tăng và nạn lạm phát phi mã, bên cạnh những tệ nạn xã hội rất trầm trọng.  Ðiểm C

Ðánh Giá Chung:

Nhìn lại tất cả những lãnh vực đã đánh giá thì rõ ràng tất cả đều quan trọng nhưng tầm quan trọng có khác nhau. Ðể có thể thực sự công bằng, người viết nhận thấy cần một hệ thống hệ số áp dụng cho việc cho điểm để làm nổi bật được tầm quan trọng của từng lãnh vực.  Hệ thống hệ số đó như sau:
  • Xây Dựng Chế Ðộ: hệ số 3
  • Quân Sự: hệ số 3
  • Quan Hệ Việt Mỹ: hệ số 2
  • Hòa Ðàm Paris: hệ số 2
  • Nắm Quyền: hệ số 1
  • Kinh Tế – Xã hội: hệ số 1

Tổng kết tất cả các điểm:
  • Xây Dựng Chế Ðộ: F(0)  x 3 = 0
  • Quân Sự: F(0)  x  3  =  0
  • Quan Hệ Việt  Mỹ: C(2)  x  2  = 4
  • Hòa Ðàm Paris: C(2)  x  2  = 4
  • Nắm Quyền: A(4)  x  1  = 4
  • Kinh Tế- Xã Hội: C(2)  x  1  =  2
  • Tỏng cộng: 14
Ðiểm trung bình: 14 / 6 =2,3 (C) Khá

Thay Lời Kết

Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, với vai trò Chủ Tịch UBLÐQG (1965-1967) và Tổng Thống (1967-1975), là người đã lãnh đạo VNCH trong suốt gần 10 năm.  Trong trọn thời gian này, VNCH là một quốc gia đang gặp quá nhiều khó khăn về mọi mặt gây ra bởi một cuộc chiến tranh rất phức tạp, vừa là ngoại xâm vừa là nội chiến, lại mang cả màu sắc ý thức hệ giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản.  VNCH không có khả năng về kinh tế và quân sự để yểm trợ cho một cuộc chiến như vậy nên phải cần đến viện trợ lớn lao của Hoa Kỳ, và vì thế không thể nào hoàn toàn không lệ thuộc vào Hoa Kỳ trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và quân sự.  Trong hoàn cảnh như vậy, Tổng Thống Thiệu không những phải đương đầu với kẻ thù Cộng sản xâm lược, ông còn phải luôn luôn đối phó với người bạn đồng minh Hoa Kỳ, nhứt là từ năm 1968 trở đi, khi họ không còn ảo tưởng về chiến thắng nữa mà chỉ còn muốn rút lui trong danh dự.  Bên cạnh những khó khăn về chính trị và quân sự đó, ông còn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế –xã hội do cuộc chiến đem lại mà chính phủ của ông không có đủ khả năng để giải quyết. Do đó, việc đánh giá công việc làm của ông cần phải được đặt trong bối cảnh đầy khó khăn đó.  Trong bối cảnh đó, và với khả năng giới hạn của ông, người viết bài này nghĩ rằng ông đã có phạm một số sai lầm nghiêm trọng nhưng ông cũng đã có cố gắng hết sức của mình để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo của ông.  Việc quyết định rút bỏ Vùng II vào tháng 3-1975 của ông, trực tiếp đưa đến sự thất trận và đầu hàng của VNCH vào ngày 30-4-1975, là một lỗi lầm quân sự rất lớn của ông nhưng rõ ràng cũng cần phải được hiểu rõ trong bối cảnh “phủi tay” của Chính phủ Mỹ vào đầu năm 1975 đó. Xét như một cá nhân, ông là một người có tác phong làm việc nghiêm chỉnh, có tính toán cẩn thận, có khả năng và bản lãnh chính trị khá tốt, có kiên nhẩn và có quyết tâm cao. Xét chung trên tất cả các lãnh vực chính trị, quân sự, và kinh tế – xã hội như một nhà lãnh đạo của VNCH, ông chỉ là một vị Tổng Thống khá, không giỏi nhưng cũng không phải là quá tệ.  Xét riêng trên 2 lãnh vực thực thi Hiến Pháp 1967 và bảo vệ đất nước chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng sản, Tổng Thống Thiệu đã thất bại hoàn toàn với hậu quả bi thảm là đưa VNCH đến chổ bị xóa tên trên bản đồ thế giới.  Lịch sử sẽ phán xét công và tội của ông sau này.


Chú thích :
83. Ðỗ Sơn, sđd, tr. 98 và 122.
84. Vấn đề ai là người được Tướng Phú giao cho nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ cuộc triêt thoái của Quân Ðoàn II cho đến nay vẫn còn được tranh cãi, lý do chánh là vì hoàn toàn không có lệnh hành quân trên giấy tờ.  Tuy nhiên, trừ trường hợp cuốn sách của tác giả Ðỗ Sơn, tất cả các tài liệu, đặc biệt là 2 tác phẩm viết bằng Anh ngữ do Trung Tâm Quân Sử của Lục Quân Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History) xuất bản, The Final collapse của Ðại Tướng Cao Văn Viên (năm 1983), và Vietnam: from cease-fire to capitulation của Ðại Tá Hoa Kỳ William E. Le Gro (năm 1981), đều ghi rằng Tướng Phú đã chỉ định Tướng Tất chỉ huy tất cả các lực lượng trong cuộc triệt thoái này.  Hai cuốn sách Anh ngữ này có mức độ khả tín cao.
85. Nguyễn Ðức Phương, sđd, tr. 735.
86. Ðỗ Sơn, sđd, tr. 132.
87. Hoàng Khởi Phong, Ngày N+…. Sách điện tử trực tuyến tại địa chỉ Internet như sau: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1663&rb=08, Phần 1, Pleiku-Tuy Hòa, Ðoạn Ngày N+2, 12 giờ trưa.
88. Cao Văn Viên, The Final collapse.  Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1985.  Tr. 92.  Nguyên văn Anh ngữ như sau: “A pontoon bridge had been brought to Tuy Hoa from Nha Trang, but it was impossible to move the bridge to Cung Son by road because of several enemy blocking positions.  Finally, the bridge was carried to Cung Son piece by piece by CH-47 helicopters.”
89. Nguyễn Ðức Phương, sđd, tr. 738.
90. Cao Văn Viên, sđd, tr. 95.
91. Dacy, Douglas C.  Foreign aid, war, and economic development: South Vietnam, 1955-1975.  Cambridge, U.K.: Cambridge University Press, 1986, Trích từ bảng Table 10.2, tr. 200.
92. Dacy, Douglas C., sđd,tr. 259.
93. Dacy, sđd, trích từ bảng Table 7.1, tr. 134-135.
94. Dacy, sđd, trích từ bảng Table 9.5, tr. 190.
95. Dacy, sđd, tr. 82.
96. Nguyễn Anh Tuấn.  South Vietnam: trial and experience: a challenge for development.  Athens, Ohio: Ohio University Center for International Studies, Center for Southeast Asian Studies, 1987.  Tr. 184.
97. The Post-war development of the Republic of Vietnam: policies and programs / Joint Development Group (Saigon), Development and Resources Corporation (New York); foreword by David E. Lilenthal.  New York: Praeger, 1970.   Tr. xiii-xiv.
98. Luật Người Cày Có Ruộng của ai ban hành? ý nghĩa?,tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20090515073832AAxABlS
99. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu, tr. 475-476.
100. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu, sđd, tr. 477.
101. Dacy, sđd, trích từ bảng Table A4.1, tr. 99.
102. Trần Văn Chánh, Giáo dục Miền Nam Việt Nam (1954-1975): trên con đường xây dựng và phát triển, in trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115), 2014, tr. 41, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/viewFile/18251/16519.
103. Trần Văn Chánh, sđd, tr. 27

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét