Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

6437 - Luật An ninh mạng có vi phạm cam kết WTO?

Đinh Duy


Luật An ninh mạng, như chúng ta biết, bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên Internet cho người Việt Nam phải đặt chi nhánh/văn phòng đại diện cũng như lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam ở Việt Nam. Liệu đây có thể coi là một quy định vi phạm cam kết về gia nhập thị trường và đối xử quốc gia của WTO không? Và nếu vi phạm thì có thể bị kiện không?
Khuôn khổ pháp lý của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), về bản chất, là một bộ các hiệp định thương mại xoá bỏ hoặc hạn chế các rào cản kỹ thuật (thuế quan, điều kiện kinh doanh,…) giữa các quốc gia. Mục đích của các hiệp định thương mại này là hạn chế bảo hộ, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Khó có được câu trả lời là Luật An ninh mạng có vi phạm cam kết WTO hay không, nhưng có thể dự đoán rằng nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các cam kết về thương mại và dịch vụ ở các lĩnh vực liên quan, được quy định trong Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (GATS), một văn kiện của WTO.
Việt Nam đã nhanh chóng viện dẫn một điều khoản đặc biệt của WTO để phòng tránh rủi ro bị kiện: ngoại lệ an ninh.
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đã phát biểu trước Quốc hội rằng các hiệp định cơ bản của WTO và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh. Theo ông, việc ta áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong luật này là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.
Trong phần sau đây, chúng ta sẽ thấy, thông tin mà ông Việt đưa ra trước Quốc hội là chưa đầy đủ, khiến đại biểu và người dân hiểu sai bản chất của vấn đề.
Trước hết cần làm rõ rằng trong khuôn khổ WTO, bên cạnh các ngoại lệ chung, ngoại lệ về an ninh được đưa vào một số hiệp định, cụ thể là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và Hiệp định về mua sắm chính phủ (GPA).
Về bản chất, các điều khoản về ngoại lệ chung và ngoại lệ về an ninh trong một số hiệp định của WTO được xây dựng nhằm mục đích cho phép một thành viên, trong một số điều kiện đặc biệt, có thể ban hành các chính sách trái với pháp luật WTO.
Ngoại lệ an ninh trong GATS được quy định tại Điều XIVbis như sau:

1. Không có quy định nào của Hiệp định này được hiểu là:
(a) đòi hỏi bất kỳ Thành viên nào phải cung cấp thông tin mà việc tiết lộ được coi là trái với các lợi ích an ninh thiết yếu của mình;
(b) ngăn cản bất kỳ Thành viên nào thực hiện bất kỳ hành động nào được coi là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của mình:
(i) liên quan tới việc cung cấp những dịch vụ được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm mục đích, hậu cần cho một cơ sở quân sự; 
(ii) liên quan tới việc tách hoặc làm giàu vật liệu hạt nhân hoặc những vật liệu có chứa hạt nhân;
(iii) thực hiện trong thời kỳ chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp khác trong quan hệ quốc tế; hoặc
(c) ngăn cản bất kỳ Thành viên nào áp dụng bất kỳ hành động nào phù hợp với các nghĩa vụ theo Hiến chương Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế.
2. Hội đồng Thương mại Dịch vụ phải được thông báo đầy đủ nhất trong phạm vi có thể về những biện pháp được áp dụng theo quy định của điểm 1(b) và (c) và về việc chấm dứt các biện pháp đó. [2]

Hãy cùng phân tích từng khoản một.
Ta có thể loại trừ khoản (1)(a) vì nó quy định về việc từ chối cung cấp thông tin cho WTO vì mục đích an ninh, không liên quan gì đến Luật An ninh mạng.
Khoản (1)(b)  cho phép một thành viên WTO ban hành một biện pháp chính sách để bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của mình, ngay cả khi chính sách này trái với các cam kết về thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, khoản này chỉ áp dụng với các trường hợp nhất định, gồm các hoạt động quân sự, hạt nhân, chiến tranh, và tình trạng khẩn cấp.
Luật An ninh mạng Việt Nam rơi vào trường hợp nào trong số các trường hợp kể trên? Rất khó để Việt Nam biện minh được cho bất cứ trường hợp nào.
Riêng khoản (1)(c) liên quan tới các hành động gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, chắc chắn không liên quan tới luật này.
Bản thân các điều khoản này không đưa ra những tiêu chí áp dụng cụ thể. Việc diễn giải các điều khoản ngoại lệ từ trước đến nay chủ yếu thông qua hệ thống án lệ.
Với nhóm các ngoại lệ chung, trong số hàng chục vụ tranh chấp có viện dẫn điều khoản về ngoại lệ chung để biện minh cho các biện pháp chính sách vi phạm pháp luật WTO, chỉ có một vài vụ việc được cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO chấp nhận. Có thể nói, tiêu chuẩn để một biện pháp chính sách được xem là phù hợp với các ngoại lệ chung cực kỳ khắt khe.
Riêng với ngoại lệ về an ninh, cho đến nay số lượng án lệ trong WTO rất hạn chế, chưa đủ để làm rõ cách thức áp dụng ngoại lệ này. Nếu dựa vào nội dung Điều XIVbis GATS, có thể thấy việc áp dụng Luật An ninh mạng của Việt Nam rất khó được biện minh bởi điều khoản này.
Cũng cần lưu ý, vào tháng 10 năm 2017, tại Hội đồng về Thương mại – Dịch vụ của WTO, nhiều thành viên WTO đã phê phán dự luật An ninh mạng của Việt Nam. Đại diện Việt Nam đã từ chối bình luận vì không muốn ảnh hưởng tới công tác thảo luận của Quốc hội, nhưng hứa sẽ xem xét lợi ích của các bên.
Nhìn chung, trong lịch sử GATT/WTO, các thành viên đều rất hạn chế viện dẫn ngoại lệ về an ninh vì nguy cơ xói mòn hệ thống thương mại đa biên.
Gần đây, Tổng Giám đốc WTO cũng bày tỏ quan ngại rằng nếu điều khoản này được diễn giải quá rộng, rất có thể nó sẽ được viện dẫn để biện minh cho Luật An ninh mạng của Trung Quốc. Từ đây, có thể phần nào suy ra WTO không khuyến khích các thành viên áp dụng ngoại lệ an ninh một cách bừa bãi, và vẫn chưa thể khẳng định rằng ngoại lệ này áp dụng được cho hai đạo luật về an ninh mạng của Trung Quốc và Việt Nam.
Như vậy, liên quan tới Luật An ninh mạng của Việt Nam, nếu luật này gây ảnh hưởng tới các cam kết về thương mại dịch vụ khiến Việt Nam bị khởi kiện, khả năng vận dụng ngoại lệ về an ninh của GATS để biện minh vẫn chưa rõ và có thể dự báo là rất thấp.
Trong khi đó, cách thông tin tới công chúng như vị Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã làm dễ dẫn tới sự ngộ nhận rằng việc xây dựng đạo luật này hoàn toàn phù hợp với pháp luật WTO. Chưa kể, hình ảnh của Việt Nam tại WTO chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhất định khi bằng mọi giá thông qua luật này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét