Người già dễ bị quên
tiếng mẹ đẻ nếu họ phải trải qua những sự kiện gây chấn thương tinh thần. Getty
Images
Tôi đang ngồi trong nhà bếp nhà tôi ở London, cố gắng hiểu một tin nhắn của anh trai tôi. Anh ấy sống ở Đức, quê hương chúng tôi. Chúng tôi nói tiếng Đức với nhau, một ngôn ngữ giàu từ ngữ kỳ quặc, nhưng tôi chưa bao giờ từng nghe từ này: 'fremdschamen' ‘ngượng cho người lạ’?
Tôi quá sĩ diện nên không muốn hỏi anh ấy. Tôi biết rồi cuối cùng cũng sẽ hiểu được. Tuy nhiên, hơi thấy đau lòng là sau nhiều năm sống ở nước ngoài, tôi cảm thấy tiếng mẹ đẻ đôi khi như tiếng nước ngoài.
Hầu hết những người di cư lâu dài đều biết nói tiếng mẹ đẻ mà dở ẹc là như thế nào. Quá trình này có vẻ hiển nhiên: càng ở lâu xa quê hương thì ngôn ngữ càng trở nên tồi tệ. Nhưng nó không hẳn đơn giản như vậy.
Thực tế, khoa học về lý do tại sao, khi nào và làm thế nào chúng ta mất ngôn ngữ của mình là việc phức tạp và khác thường. Nó chỉ ra rằng thời gian xa quê lâu thường không phải là quan trọng. Giao lưu với những người nói tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài có thể làm kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ kém đi. Và các yếu tố tình cảm như chấn thương có thể là yếu tố lớn nhất.
Cũng không chỉ là những người di cư lâu dài bị ảnh hưởng, mà ở một mức độ nào đó, bất cứ ai chuyển sang ngôn ngữ thứ hai.
"Phút mà bạn bắt đầu học một ngôn ngữ khác, là hai hệ thống bắt đầu cạnh tranh với nhau," Monika Schmid, một nhà ngôn ngữ học tại Đại học Essex, nói.
Schmid là một nhà nghiên cứu hàng đầu về sự tiêu hao ngôn ngữ, một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển, nó xem xét điều gì khiến chúng ta mất đi tiếng mẹ đẻ. Ở trẻ em, hiện tượng này có phần dễ giải thích hơn vì bộ não của chúng thường linh hoạt và dễ thích ứng hơn. Khoảng trước năm 12 tuổi thì kỹ năng ngôn ngữ của một trẻ tương đối dễ thay đổi. Những nghiên cứu về những con nuôi quốc tế cho thấy thậm chí trẻ chín tuổi có thể quên gần hết ngôn ngữ đầu tiên của chúng nếu chúng rời khỏi đất nước khai sinh của chúng.
Nhưng ở người lớn, ngôn ngữ đầu tiên khó biến mất hoàn toàn, ngoại trừ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.
Ví dụ, Schmid đã phân tích tiếng Đức của những người Đức Do Thái già tị nạn thời chiến ở Anh và Mỹ. Yếu tố chính ảnh hưởng đến kỹ năng ngôn ngữ của họ không phụ thuộc vào việc họ ra nước ngoài được bao lâu hoặc họ rời Đức lúc bao nhiêu tuổi. Nó phụ thuộc vào mức chấn thương mà họ phải trải nghiệm do là nạn nhân của sự bức hại của Đức Quốc Xã. Những người rời Đức trong những ngày đầu của chế độ này, trước khi có sự tan ác tồi tệ nhất, có xu hướng nói tiếng Đức tốt hơn- mặc dù đã ở nước ngoài lâu nhất. Những người còn lại sau này, sau cuộc tàn sát 1938 (Reichskristallnacht), thường nói tiếng Đức rất kém hoặc không nói được.
"Có vẻ như rất rõ ràng đó là kết quả của chấn thương này," Schmid nói. Mặc dù tiếng Đức là ngôn ngữ của thời thơ ấu, quê hương và gia đình, nó cũng là ngôn ngữ của những kỷ niệm đau đớn. Những người tị nạn bị tổn thương nhất đã vùi dập nó đi. Một người trong số họ nói: "Tôi cảm thấy nước Đức đã phản bội tôi. Nước Mỹ là đất nước của tôi, và tiếng Anh là ngôn ngữ của tôi."
Chuyển đổi ngôn ngữ
Sự mất mát ghê gớm này là một ngoại lệ. Ở hầu hết những người di cư, ngôn ngữ mẹ đẻ ít nhiều song hành với ngôn ngữ mới. Mức độ duy trì của ngôn ngữ đầu tiên liên quan đến tài năng bẩm sinh: thường những người giỏi về ngôn ngữ có xu hướng duy trì tốt hơn tiếng mẹ đẻ, bất kể họ xa đất nước quê hương bao lâu.
Nhưng tính lưu loát của tiếng mẹ đẻ cũng liên quan mạnh mẽ đến cách chúng ta xử lý các ngôn ngữ khác nhau trong não. "Sự khác biệt cơ bản giữa một bộ não đơn ngữ và một bộ não song ngữ là khi bạn trở thành song ngữ, bạn phải thêm một loại mô-đun điều khiển để giúp bạn chuyển đổi," Schmid nói.
Bà đưa ra một ví dụ. Khi bà nhìn một vật thể (thí dụ cái bàn) trước mặt, tâm trí bà có thể lựa chọn giữa hai từ, 'desk' tiếng Anh và 'Schreibtisch' tiếng Đức (Schmid là người Đức). Trong một bối cảnh tiếng Anh, não bà chặn từ 'Schreibtisch' và chọn 'desk', và ngược lại. Nếu cơ chế điều khiển này yếu thì người nói có thể phải gắng sức để tìm từ đúng hoặc lại trượt vào ngôn ngữ thứ hai của họ.
Việc giao lưu với những người nói tiếng mẹ đẻ thực tế lại làm việc này tồi tệ hơn, vì có ít động lực để phải gắn bó với một ngôn ngữ nếu người ta biết rằng cả hai ngôn ngữ đều hiểu được. Kết quả thường là một ngôn ngữ lai tạp.
Ở London, một trong những thành phố đa ngôn ngữ nhất trên thế giới, loại lai tạp này rất phổ biến đến nỗi nó gần giống như một phương ngữ đô thị. Hơn 300 ngôn ngữ được nói ở đây, và hơn 20% người London nói một ngôn ngữ chính của họ, ngoài tiếng Anh ra. Ở một cuộc đi dạo ngày Chủ Nhật qua các công viên Bắc London, tôi gặp khoảng một tá những loại tiếng này, từ tiếng Ba Lan đến tiếng Hàn Quốc, các thứ này lẫn vào tiếng Anh ở các mức độ khác nhau.
Nằm dài trên một tấm vải dã ngoại, cặp tình nhân đang trò chuyện bằng tiếng Ý. Đột nhiên, một người giật mình thốt lên: "Em quên đóng 'la finestra' (cửa sổ tiếng Ý)!"
Ở một sân chơi, ba phụ nữ đang cùng ăn quà và nói chuyện bằng tiếng Ả Rập. Một cậu bé chạy đến một người trong số họ, hét lên: "Thằng Abdullah gây gổ với con!" "Nghe đây con..." bà mẹ bắt đầu bằng tiếng Anh, rồi chuyển sang tiếng Ả Rập.
Tất nhiên chuyển đổi không phải là quên. Nhưng Schmid lập luận rằng theo thời gian, sự chuyển đổi đi đi lại lại không chính thức này có thể làm cho bộ não của bạn thấy khó khăn hơn trong việc giữ trong phạm vi một ngôn ngữ khi được yêu cầu: "Bạn thấy như mình trong một vòng xoáy tăng tốc của việc thay đổi ngôn ngữ."
Vấn đề nói
Laura Dominguez, một nhà ngôn ngữ học tại Đại học Southampton, đã tìm thấy một kết quả tương tự khi so sánh hai nhóm người di cư lâu dài: người gốc Tây Ban Nha ở Anh và người Cuba ở Mỹ. Người gốc Tây Ban Nha sống ở các vùng khác nhau ở Anh và đa phần nói tiếng Anh. Người Cuba sống tất cả ở Miami, một thành phố với một cộng đồng lớn người Mỹ Latinh, và lúc nào cũng nói tiếng Tây Ban Nha.
"Hiển nhiên là tất cả những người nói tiếng Tây Ban Nha ở Anh nói, 'Úi, tôi quên nhiều từ.' Đây là điều người ta thường nói với bạn: 'Tôi khó tìm được đúng từ cần thiết, đặc biệt là khi tôi sử dụng vốn từ mà tôi đã học được cho nghề của mình'," Dominguez nói. Là một người Tây Ban Nha đã dành phần lớn cuộc sống nghề nghiệp của mình ở nước ngoài, bà nhận ra cái khó khăn này, và nói với tôi: "Nếu tôi phải nói câu chuyện này bằng tiếng Tây Ban Nha với một người Tây Ban Nha, tôi không nghĩ tôi có thể làm được."
Tuy nhiên, khi bà phân tích sâu hơn việc sử dụng ngôn ngữ của các đối tượng thử nghiệm của mình, bà thấy một sự khác biệt nổi bật. Người Tây Ban Nha bị cô lập đã hoàn toàn bảo tồn được ngữ pháp cơ bản của họ. Nhưng người Cuba, những người thường xuyên sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ, đã mất đi một số đặc điểm đặc biệt của ngôn ngữ gốc. Yếu tố quan trọng không phải do ảnh hưởng của tiếng Anh, mà là các thể loại tiếng Tây Ban Nha khác ở Miami. Nói cách khác, người Cuba đã bắt đầu nói giống nhiều hơn với người Colombia hay người Mexico.
Thực tế, khi Dominguez trở về Tây Ban Nha sau thời gian ở Mỹ (nơi bà có nhiều bạn bè Mexico) thì bạn bè của bà ở quê nhà nói bà bây giờ nói phảng phất tiếng Mexico. Giả thuyết của bà là ngôn ngữ (hoặc phương ngữ) khác mà càng quen thuộc hơn, thì nó càng dễ làm thay đổi ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta.
Bà coi khả năng thích nghi này như một điều đáng mừng, đó là bằng chứng về sự sáng tạo của chúng ta, với tư cách là con người.
"Sự tiêu hao ngôn ngữ không phải là một điều xấu. Nó chỉ là một quá trình tự nhiên," bà nói. "Những người này đã thay đổi ngữ pháp để cho phù hợp với thực tế mới của họ ... Tất cả những gì cho phép chúng ta học ngôn ngữ cũng cho phép chúng ta thực hiện những thay đổi này."
Thật là dễ chịu khi được nhắc nhở rằng trên quan điểm của nhà ngôn ngữ học thì không có gì là tệ hại đối với ngôn ngữ của mình. Và sự tiêu hao ngôn ngữ mẹ đẻ là đảo ngược được, ít nhất là với người lớn: một chuyến về lại đất nước mình thường giải quyết được ngay. Tuy nhiên, với nhiều người, tiếng mẹ đẻ gắn bó với nhân thân sâu xa của ta, với các ký ức và ý thức về bản thân. Đó là lý do tại sao tôi, trong trường hợp này, quyết tâm tìm ra nghĩa từ 'fremdschämen' bí hiểm anh tôi viết, mà không cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Rất vui là tôi đã tìm ra nó khá nhanh. 'Fremdschämen'mô tả cảm giác khi xem ai làm một việc gì gây ra ngượng ngùng xấu hổ khiến ta cũng xấu hổ thay cho họ. Rõ ràng đó là một từ phổ biến và đã được dùng trong nhiều năm. Nó không tới tôi, cũng như biết bao thứ thịnh hành khác ở quê nhà.
Sau 20 năm ở nước ngoài, tôi không nên ngạc nhiên vì điều này. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng có điều gì đó hơi buồn về anh trai tôi đã sử dụng những từ mà tôi không còn hiểu; một gợi ý về sự mất mát, hoặc một khoảng cách không ngờ. Chắc rằng cũng có một từ tiếng Đức để nói điều này. Nhưng tôi cần thêm chút thời gian để nhớ lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét