Với một khái niệm về An ninh mạng
không giống ai trên thế giới, ngoài giống đàn anh Tàu cộng: “An ninh mạng là sự
bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” – Với
một Đảng hội mạo danh Quốc hội, gồm những đại (dễ) biểu mà ám ảnh quyền lợi lớn
hơn thao thức phục vụ, tâm địa quỵ lụy đảng lớn hơn ý chí bênh vực dân – Với lối
bỏ phiếu tự cho là văn minh: bấm nút kiểu nặc danh, thành ra hành xử vô trách
nhiệm, sinh ra kết quả đáng nghi ngờ, bày ra âm mưu quá lộ liễu, Luật An ninh mạng
vừa được thông qua hôm 12-6-2018.
Với tầm nhìn sáng suốt, thái độ
thiện chí và ý thức dân chủ, ngay từ tháng 8-2017, một số cơ quan ngoại giao tại
Việt Nam gồm trưởng phái đòan Liên minh Âu châu, đại sứ Mỹ, Úc, Canada và nhiều
nước khác đã gửi thư chung đến Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan ngại vể yêu cầu đặt
cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng VN trên lãnh thổ VN là
trái với cam kết thương mại quốc tế của VN trong tư cách thành viên của Tổ chức
Thương mại Thế giới (WTO). Đến ngày 8-6-2018, đại sứ Hoa Kỳ còn cảnh báo lần nữa:
“Chúng tôi nhận thấy rằng dự thảo luật An ninh mạng (ANM) hiện được trình trước
Quốc hội có thể dẫn đến những trở ngại nghiêm trọng đối với tương lai của ANM
và đổi mới sáng tạo kỹ thuật số của VN, và có thể không nhất quán với các cam kết
thương mại quốc tế của VN. Hoa Kỳ và Canada thúc giục VN hoãn cuộc bỏ phiếu dự
luật này để đảm bảo rằng nó phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”.
Cũng hôm 8-6-2018, Tổ chức Theo
dõi Nhân quyền (HRW) vạch trần rằng nhà cầm quyền VN có bề dày “thành tích” trừng
phạt những tiếng nói bất đồng chính trị và xã hội với lý do bảo vệ an ninh quốc
gia. Dự thảo luật nói trên, thêm một lần nữa, lại trao cho họ quyền hạn rất rộng
để định đoạt những hành vi ngôn luận nào là “trái pháp luật” cần phải kiểm duyệt,
để nhận diện và truy tố người dân vì các hoạt động ôn hòa trên mạng, nhằm mục
đích tối hậu là bảo vệ quyền lực độc tôn của đảng. Nên không phải ngẫu nhiên mà
tác giả của dự thảo này chính là Bộ Công an, thanh gươm và lá chắn của đảng.
Cũng từ ngày 07-06-2018, một “Kiến
nghị không thông qua dự thảo Luật ANM” được gởi tới Quốc hội đã cho thấy rằng
Luật đó tiềm ẩn khả năng vi phạm các dân quyền cơ bản. Chẳng hạn nó xâm phạm
quyền riêng tư và quyền bí mật thư tín, do chỗ nhà cung cấp dịch vụ mạng phải
xác thực thông tin người dùng và cung cấp nó cho cơ quan công an khi có yêu cầu
mà chẳng cần thông qua tòa án, nghĩa là chẳng cần phải chứng minh cá nhân đó có
vi phạm pháp luật hay không. Nó cũng cản trở quyền tự do ngôn luận khi nhà cung
cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải trên mạng nếu thông tin đó bị xác
định là “xấu”, “độc” theo yêu cầu của công an và lưu vết thông tin đó để cung cấp
cho lực lượng này. Đang khi các loại thông tin xấu được liệt kê rất mơ hồ (như
cũng mơ hồ mọi thứ tội danh chính trị tại VN), lại chẳng có quy định hay thủ tục
cụ thể để công dân có cơ hội bảo vệ ý kiến mình cách công bằng và minh bạch. Luật
ANM cũng tước đi quyền sử dụng internet của công dân khi nhà cung cấp dịch vụ mạng
phải ngưng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet cho tổ chức, cá nhân
đăng tải lên mạng một số loại thông tin mà bộ Công an hay bộ Thông tin truyền
thông cho rằng có nội dung xấu theo luật!!! Thế nhưng hơn 60 ngàn chữ ký của
công dân ký vào Kiến nghị trước ngày Luật thông qua đã bi sổ toẹt.
Ngay sau ngày này, chính Cơ quan
Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Đông Nam Á, hôm 14-06 đã mạnh mẽ lên tiếng: Luật
ANM chứa đựng một số điều khoản trái ngược với các cam kết mà VN đã ký trong
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Nó có thể được
sử dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng ở VN. Và như để chứng minh
cho điều này, cơ quan Nhân quyền LHQ nhắc tới các báo cáo về sự đụng độ giữa những
người biểu tình và công an diễn trong các cuộc xuống đường trên toàn quốc hôm
10+11+12/06, chống lại hai dự luật về các Đặc khu kinh tế và ANM, dẫn đến việc
bắt giữ và đánh đập số lượng lớn công dân yêu nước.
Đang khi đó, theo quan niệm của
thế giới văn minh dân chủ, ANM là vấn đề thực hiện những biện pháp bảo vệ các
thông tin, dữ liệu của người dùng mạng, chống những truy cập trái phép hay tấn
công vào các website, blog, tài khoản cá nhân, địa chỉ điện thư, mã số thẻ tín
dụng, thay đổi, phá hủy, đánh cắp thông tin của người khác nhằm mục đích phá hoại
hay lừa đảo/cướp giật tài sản. ANM là hoạt động nhằm phát hiện, ngăn chặn và ứng
phó với các cuộc tấn công vào máy tính của các cơ quan, tổ chức. Chẳng hạn phải
làm sao để thông tin trong các mạng của chính phủ, của các tổ chức công lẫn tư,
các doanh nghiệp, các ngân hàng, đỡ bị tin tặc tấn công, đánh cắp dữ liệu, phá
hoại…. Người ta vẫn không quên vụ tin tặc đã tấn công một số màn hình hiển thị
thông tin chuyến bay tại khu vực làm thủ tục bay của các sân bay quốc tế Tân
Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc vào chiều 29-07-2016. Lúc ấy, các màn hình
của mấy sân bay đó đã bị chèn những hình ảnh và nội dung câu chữ xúc phạm VN và
Philippin, xuyên tạc các nội dung về Đông hải. Hệ thống phát thanh của sân bay
cũng phát đi những thông điệp tương tự. Đồng thời website của Vietnam Airlines
cũng bị hack với 411.000 dữ liệu của hành khách đi máy bay đã bị hacker thu thập
và phát tán. Cuộc tấn công website và hệ thống thông tin sân bay này được đánh
giá là lớn nhất từ trước đến nay vào hệ thống thông tin hàng không của VN.
Thế nhưng, đảng và nhà cầm quyền
VN chẳng mấy quan tâm đến những điều đó, một đã đánh tráo khái niệm… Gọi là
ANM, nhưng cái luật trời đánh vừa thông qua thực ra là để bịt miệng nhân dân…
Đã không làm lợi gì cho đất nước, nó trái lại gây lạc hướng, để cho vấn đề ANM
thực sự của quốc gia có thể lâm vào tình trạng hết sức nguy hiểm. Đây là sự cố
ý hiểu nhầm từ gốc rễ về mặt khái niệm, xảo trá về mặt ngôn từ, xuyên tạc về mặt
nội dung. Tất cả chỉ để củng cố quyền lực cai trị của đảng Cộng sản, và tạo điều
kiện cho lực lượng Công an có thể lạm quyền một cách vô lối, để can thiệp vào đời
sống của người dân, nhân danh ANM.
Nhưng không chỉ có vấn đề quyền lực,
còn có chuyện tiền bạc, lợi lộc nữa, mà bộ Công an sẽ là người được hưởng. Bởi
lẽ khi các công ty như Google, YouTube, Facebook, Yahoo… phải lưu trữ dữ kiện tại
VN, phải đáp ứng mọi yêu cầu của Luật ANM, thì xem như toàn bộ dữ kiện, thông
tin cá nhân của người dùng đã trở thành chủ quyền của Bộ Công an, chứ không phải
là tài sản của VN như Tô Lâm đã nhấn mạnh với Quốc hội hồi tháng 10-2017.
Theo phân tích của nhiều tác giả,
đặc biệt Vũ Đông Hà qua bài “Tâm thư của Bộ trưởng [Tô Lâm] về “cơ hội” của Luật
ANM”, với chủ quyền ấy, công an không chỉ gia tăng khả năng đối đầu với những
phần tử dân chủ phản động như dư luận tập trung lo ngại. Nhưng quan trọng hơn,
đó là cơ hội và là phương tiện cho công an gia tăng quyền lợi, phát huy sự nghiệp
làm giàu, vì có sẵn trong tay toàn bộ dữ liệu để kiểm soát, khống chế, vòi tiền,
đổi chác, chụp bắt cơ hội… với tất cả doanh nghiệp, doanh nhân, cán bộ và ngay
cả những thành phần lãnh đạo cao cấp của đảng.
Ân trong Luật ANM là một núi điều
kiện về cơ chế “xin-cho” áp đặt đối với các chủ thể kinh doanh mạng Internet của
VN và nước ngoài. Mỗi điều kiện là một giấy phép, và ứng với những điều kiện lớn
thì lại đẻ ra hàng đống giấy phép con nằm trong những giấy phép lớn… Chưa kể phần
“hậu kiểm” – tức cơ chế mà Luật ANM cho phép các quan chức công an mạng có quyền
kiểm tra hoạt động của những doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh mạng Internet sau
khi cấp phép, theo cách ‘hành là chính’, để vòi tiền không ngưng nghỉ.
Công an cũng sẽ nắm trọn bộ tất cả
những chiến lược, tính toán, dự trù về kinh doanh, mọi biên bản về lợi nhuận,
các báo cáo nội bộ về tài chánh… được trao đổi qua hệ thống internet bởi các
doanh nghiệp. Với những thông tin có sẵn trong tay, công an sẽ biết rõ đường đi
nước bước, những kế hoạch đấu thầu, những dự tính mua ra bán vào các cổ phần,
những âm mưu trốn thuế, rửa tiền, tài sản thật sự của công ty lẫn cá nhân… và rất
nhiều “chứng cớ” khác để công an dễ dàng gia tăng công tác làm tiền doanh nghiệp.
Bên canh đó, công an có thể biết
rõ mọi hoạt động của các bộ phận ban ngành trong bộ máy cai trị: từ chính phủ
cho đến quốc hội, từ viện kiểm sát đến tòa án, từ địa phương đến trung ương.
Công an cũng sẽ có sẵn trong tay mọi cuộc trò chuyện riêng tư tình ái, gặp gỡ hẹn
hỏ, vận động phe nhóm, mua ghế bán quyền, móc ngoặc lại quả… qua trao đổi trên
internet của các đảng viên, cán bộ địa phương lẫn các thành viên Trung ương đảng
và Bộ Chính trị. Cả cánh quân đội mà từ bao năm qua đã làm giàu cách hợp pháp
hoặc bất chính, nhức mắt ngành công an, nay cũng sẽ không thoát khỏi sự theo
dõi nhờ Luật ANM.
Đối với các công an đặc trách mảng
quần chúng thì tất cả những dữ kiện cá nhân – từ số tài khoản ngân hàng, thẻ
tín dụng, mọi dịch vụ chuyển-gửi tiền trong nước lẫn ra nước ngoài, những dữ kiện
cá nhân, trao đổi riêng tư… cũng sẽ sẵn sàng nằm ngay trước mặt họ để tuỳ nghi
sử dụng vào bất cứ lúc nào, cho bất kỳ mục tiêu gì.
Cứu cánh tối hậu của công an khi
soạn thảo Luật ANM và đã khiến 423 đầu óc bã đậu tại Quốc hội thông qua hôm
12-06 chính là thế: Làm một cuộc cách mạng thời @ cho Bộ, đáp ứng mục tiêu “Cán
bộ giàu, Bộ mạnh”. Với chủ quyền thông tin internet của toàn thể VN nằm trọn
trong tay, công an sẽ trở thành một đối tác thương mại quan trọng nhất của
Trung Quốc. Do đó, ngày Luật ANM có hiệu lực đầu năm tới cũng là ngày công an
chính thức ra mắt trong nội bộ Công ty Khai thác & Buôn bán Thông tin Dữ kiện
VN.
Trước bao hiểm họa khôn lường ấy
do Luật ANM (“Thông tin là quyền và tiền”), người dân Việt muốn sống tự do, muốn
đứng thẳng như một con người với quyền phát biểu rõ những gì mình suy nghĩ đúng
nhờ tự do internet, thì phải nhất quyết đánh gục cái công cụ pháp lý ghê rợn
nói trên, bằng những cuộc biểu tình rộng khắp, đông đảo, liên tục. Chỉ có quyền
lực nhân dân, sức mạnh quần chúng thực thi qua việc xuống đường mới cứu được
chúng ta và con cháu chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét