“Chi 300.000 đồng kích động người dân đi biểu tình thuê” là cách giải thích của giới truyền thông lề phải về động cơ tham gia biểu tình của người dân trong ngày 10-06 vừa qua.
Khi nhìn ngắm dòng người cuồng nhiệt đón các “người hùng” U23 trở về nước sau trận VCK U23 châu Á, tôi đã thầm ước rằng phải chi người dân Việt cũng có thể “tụ tập” đông đảo như thế này để biểu lộ chính kiến, quan điểm, nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề liên quan đến chính cuộc sống và vận mệnh dân tộc của mình.
Và rồi như “cầu được ước thấy”, ngày 10-06-2018 đã trở thành ngày lịch sử đáng nhớ với từng dòng người cuồn cuộn của các tỉnh thành trên khắp đất nước Việt Nam đã đồng loạt biểu tình phản đối luật đặc khu và luật an minh mạng.
Thế nhưng, trên khắp các phương tiện truyền thông lề phải, những người tham gia biểu tình là những người rất “ngây thơ” nên đã bị “kẻ xấu lợi dụng”, tệ hại hơn, họ là những kẻ vì chút tiền nhỏ nhoi sẵn sàng làm “rối loạn trật tự an ninh xã hội”.
Chỉ cần động não một chút, ai cũng dễ dàng nhận ra sự thiếu logic của những thông tin trên. Vì lẽ chẳng ai dại mà nhận 50, 100 hay 300 ngàn để đi biểu tình để rồi có thể bị đánh đập, bắt bớ là điều xảy ra khá phổ biến trong các cuộc biểu tình tại Việt Nam hiện nay. Thử hỏi nếu bị Công An đánh, liệu số tiền ít ỏi đó có đủ để uống thuốc hay bị cầm tù không?
Với mạng lưới an ninh dày đặt và với nghiệp vụ phá án được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu một cách đầy tự hào là “thuộc hàng giỏi nhất thế giới” thì lẽ nào “một số đối tượng lạ mặt” lại dễ dàng “đến các vùng quê thuê và xúi giục người dân tham gia tụ tập, gây rối” hay sao ?
Điều phi lý nhất là nếu người dân đi biểu tình vì bị mua chuộc bằng tiền thì thử hỏi có đảng phái, tổ chức “phản động” nào đủ ngân sách để chi tiền cho biển người biểu tình hầu hết các địa phương trên cả nước như thế không?
Và, cho dù việc “biểu tình thuê” như bài báo đã nêu là có thực đi nữa thì đó chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, không thể vì thế mà phủ nhận toàn bộ hành vi thực thi quyền dân chủ của đại bộ phận người dân được. Vị tổng thống thứ ba của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Thomas Jefferson đã nói: “Khi bất công trở thành pháp luật, chống đối trở thành nhiệm vụ”. Vâng! Khi việc bán nước trở thành luật đặc khu, việc xóa bỏ quyền tự do ngôn luận của người dân trở thành luật an ninh mạng, thì việc người dân đi biểu tình là thi hành nhiệm vụ.
Đó là chưa nói đến việc nếu người dân chỉ chút lợi nhỏ nhoi mà sẵn sàng gây hại cho xã hội, cho đất nước như bài báo đã nêu thì thử hỏi có phải đất nước đến thời mạt vận rồi hay không?
Truyền thông là một trong những hoạt động có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội. Nó có tác dụng giúp con người định hướng suy nghĩ, từ đó sẽ có những hành vi, cách cư xử theo nhận thức, suy nghĩ đã được định hướng. Do vậy, người làm công tác truyền thông có thể được thông cảm cho sự “non kém trong trình độ tác nghiệp” nhưng “non kém” về “đạo đức” thì tuyệt đối là không thể. Bởi lẽ “Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật”. Vì “chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.” *
Nhà thơ Sóng Hồng đã thốt lên cách tự hào rằng: “Mỗi cán bút làm đòn xoay chế độ. Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Chức năng của người cầm bút rất cao quý, đừng đánh đĩ với ngòi bút, hãy dùng nó “làm đòn xoay chế độ” và “phá cường quyền”. Và nếu vì một chút bả lợi danh, vì muốn được yên thân ấm phận mà đành bán đứng lương tâm chức nghiệp, đánh mất chính mình thì kẻ “ viết thuê” có khác gì người “biểu tình thuê”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét