Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

6447 - Ngày 15/06/1917: Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Gián điệp

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan
Biên tập: Lê Hồng Hiệp



Vào ngày này năm 1917, khoảng hai tháng sau khi Hoa Kỳ chính thức tham gia Thế chiến I chống lại Đức, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Gián điệp.
Được thực thi chủ yếu bởi A. Mitchell Palmer, Tổng chưởng lý Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson, Đạo luật Gián điệp về cơ bản sẽ tội phạm hóa bất kỳ hành vi nào truyền tải thông tin nhằm can thiệp vào việc thực hiện nỗ lực chiến tranh của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ hoặc tạo điều kiện thành công cho những kẻ thù của đất nước. Bất cứ ai bị kết tội có hành vi như vậy sẽ bị phạt 10.000 USD và 20 năm tù giam.
Đạo luật Gián điệp được củng cố bởi Đạo luật Chống kích động nổi loạn năm sau đó, một bộ luật áp đặt các hình phạt nghiêm khắc tương tự đối với bất kỳ ai bị kết tội đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật ảnh hưởng tới việc thực thi chiến tranh; xúc phạm hoặc sỉ nhục chính phủ, quốc kỳ, Hiến pháp hoặc quân đội Hoa Kỳ; kích động chống lại việc sản xuất vật liệu chiến tranh cần thiết; hoặc ủng hộ, truyền bá hoặc bảo vệ bất kỳ hành vi nào trong số các hành vi này.
Cả hai đạo luật này đều nhằm vào các nhà xã hội chủ nghĩa, hòa bình chủ nghĩa và các nhà hoạt động chống chiến tranh khác trong Thế chiến I và được sử dụng nhằm răn đe trong những năm sau chiến tranh, trong khoảng thời gian được đặc trưng bởi sự sợ hãi đối với ảnh hưởng cộng sản và sự xâm nhập của những người cộng sản vào xã hội Hoa Kỳ được gọi là Làn sóng Tố Cộng (Red Scare) đầu tiên (làn sóng thứ hai diễn ra sau này, trong những năm 1940 và 1950, chủ yếu gắn liền với Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy).
Palmer – vốn từng là một người theo chủ nghĩa hòa bình, đã thay đổi quan điểm về quyền công dân một cách triệt để khi ông đảm nhận chức Tổng Chưởng lý trong thời kỳ Tố Cộng – và cánh tay phải của ông, J. Edgar Hoover, tự do sử dụng các Đạo luật Gián điệp và Chống kích động nổi loạn để bức hại các nhân vật chính trị cánh tả.
Một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất bị bắt giữ trong giai đoạn này, nhà lãnh đạo công nhân Eugene V. Debs, đã bị kết án 10 năm tù vì một bài phát biểu ông đưa ra vào năm 1918 tại Canton, Ohio, chỉ trích Đạo luật Gián điệp. Debs đã kháng án và vụ việc cuối cùng được chuyển lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nơi công nhận bản án kết tội ông. Mặc dù bản án của Debs đã được cắt giảm vào năm 1921 khi Đạo luật Chống nổi loạn bị Quốc hội bãi bỏ, các phần chính của Đạo luật Gián điệp vẫn là một phần của luật pháp Hoa Kỳ cho đến ngày nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét