Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

4437 - Những giới hạn trong sự can dự với Triều Tiên

Văn Cường


Trong suốt chiến dịch tranh cử vào ghế tổng thống mới của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in đã hứa hẹn phục hồi chính sách ánh dương can dự với Triều Tiên. Dù tổng thống Hàn Quốc có cơ hội để thực hiện chính sách này hay không, chính sách Ánh dương vẫn tồn tại những hạn chế và đó là điều mà Hàn Quốc và cả Mỹ cần khắc phục.
Washington đã quan sát sự nổi lên của Moon Jae-in với sự quan ngại vào mùa Xuân 2017. Trong suốt chiến dịch tranh cử vào ghế tổng thống mới của Hàn Quốc, ông đã hứa hẹn phục hồi chính sách ánh dương can dự với Triều Tiên, đã được các cựu tổng thống có tư tưởng tự do là Kim Dae-jung (1998-2003) và Roh Moo-hyun (2003-2004, 2004-2008) ủng hộ mạnh mẽ. Ông Moon Jae-in cũng hứa phục hồi sự hợp tác kinh tế với Triều Tiên, mà đã bị Tổng thống Park Geun-hye bị kết tội cắt đứt vào đầu năm 2016 sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa. Moon Jae-in đã làm nhiều người ngạc nhiên bằng phát biểu: “Tôi sẽ cân nhắc đến thăm Bình Nhưỡng đầu tiên trước Washington nếu được bầu làm tổng thống”, một tuyên bố rất gây tranh cãi, xét Liên minh Mỹ-Hàn. Nếu Seoul chuyển sang can dự, nước này có thể làm xói mòn chiến lược của Mỹ, làm giảm áp lực mà Washington áp dụng chống lại các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Trong chiến dịch tranh cử, Moon Jae-in thậm chí còn chỉ trích việc Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa (Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối - THAAD) ở phía Nam bán đảo Triều Tiên, gọi hành động đó là “rất đáng tiếc”. Trong những tháng sau khi đắc cử vào ngày 9/5/2017, Tổng thống Moon Jae-in chắc chắn đã tiết chế giọng điệu trong chiến dịch tranh cử của ông: Washington là điểm dừng chân đầu tiên cho chuyến thăm chính thức của ông; cuộc triển khai THAAD đầu tiên đã hoàn tất vào đầu tháng 9/2017; và ông đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt quốc tế mạnh mẽ hơn chống lại các cuộc phóng tên lửa và thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Liệu Tổng thống Moon Jae-in có xa rời khỏi những hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử của ông là phục hồi chính sách ánh dương với Bình Nhưỡng hay không? Hay ông vẫn đang tìm kiếm cơ hội để thông qua và theo đuổi chính sách đó?
Bài viết này kêu gọi thận trọng trước sự can dự tiềm năng của Seoul đối với Bình Nhưỡng bằng cách xem xét các chính sách Triều Tiên từ năm 1998 đến năm 2008, trong thời gian chính sách ánh dương của Hàn Quốc dưới thời các vị tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Trước hết, các tuyên bố của tác giả là các chính sách can dự của hai chính quyền tự do ở Seoul đã không tạo ra những thay đổi có ý nghĩa trong công việc chính trị trong nước và chính sách đối ngoại của Triều Tiên; và, thứ hai, các chính sách này dựa trên những giả định mong manh và đã bị xử lý sai. Lời hứa giả dối về chính sách can dự không hẳn gây ngạc nhiên, vì các giả định cơ bản của nó vi phạm các phát hiện và sự hiểu biết tích lũy từ các học thuyết có từ lâu về các mối quan hệ quốc tế dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sự can dự và viện trợ. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không tự động và nhất thiết xoa dịu các đối tác tương tác, và tự thân nó không biến thành sự hòa giải hoặc hội nhập chính trị. Hơn nữa, sự can dự ít thành công hơn khi nó được khởi xướng bởi một cường quốc nhỏ. Cuối cùng, viện trợ kinh tế bị lãng phí khi nước nhận nó thiếu các thể chế tiếp nhận ở trong nước và một thành tích về các chiến lược phát triển hợp lý. Bài viết này kết luận bằng những đề xuất chính sách cho cả Seoul lẫn Washington.
Sự trỗi dậy của chính sách ánh dương ở Seoul
Khi Tổng thống Kim Dae-jung đắc cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 2/1998, ông đã thực hiện tầm nhìn của riêng ông về sự cùng tồn tại hòa bình và thống nhất từng bước giữa hai miền Triều Tiên. Sáng kiến hòa bình của ông được biết đến như là chính sách ánh dương, lấy tên từ câu chuyện ngụ ngôn của Aesop, trong đó mặt trời và gió tranh giành nhau cởi áo khoác của một người đàn ông (ông ta cởi bỏ áo khoác vì ánh nắng ấm áp hơn là cơn gió mạnh). Tổng thống Kim Dae-jung kiên định tin tưởng rằng để giảm căng thẳng trên bán đảo này và đem lại những thay đổi trong cách hành xử ở Triều Tiên, nhiệm vụ đầu tiên nên là thuyết phục chế độ này rằng môi trường bên ngoài của nó là ôn hòa.
Vì mục đích này, Tổng thống Kim Dae-jung đã tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức rằng Hàn Quốc không có ý làm tổn hại hoặc sáp nhập Triều Tiên. Trong hai năm đầu nhiệm kỳ của Kim Dae-jung, Triều Tiên đã thử thách cam kết này bằng cách cho tàu ngầm xâm nhập vào biển Đông Hải và hỏa kích vào một tàu hải quân Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Mặc dù những hành động khiêu khích bằng quân sự như vậy, Tổng thống Kim Dae-jung vẫn kiên định theo đuổi một mối quan hệ nồng ấm với Bình Nhưỡng, duy trì các chuyến tàu chở gạo và phân bón đến Triều Tiên và ủng hộ các dự án kinh doanh của tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc tại Triều Tiên, bao gồm cả du lịch Triều Tiên-Hàn Quốc ở núi Kumgang. Chính sách ánh dương của Tổng thống Kim Dae-jung đã nhận được sự ủng hộ chính thức từ Washington. Chẳng hạn, một đánh giá chính sách Mỹ của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ William Perry và được Tổng thống Bill Clinton khi đó bảo trợ phù hợp với triết lý ánh dương của Kim Dae-jung, đề nghị bình thường hóa quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và nới lỏng những sự trừng phạt để đổi lấy việc loại bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Việc Tổng thống Kim Dae-jung kiên nhẫn và kiên trì theo đuổi chính sách ánh dương cuối cùng đã có kết quả. Hãy đưa ra một số ví dụ đáng chú ý: các tàu du lịch chở khách du lịch Hàn Quốc đi tới núi Kumgang vào tháng 11/1998, các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên lần đầu tiên trong lịch sử đã gặp nhau vào tháng 6/2000, vài trăm gia đình bị chia cắt kể từ thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1953 đã đoàn tụ vào tháng 8/2000, và các chính phủ hai miền Triều Tiên đã đồng ý thành lập một khu liên hợp công nghiệp ở Kaesong kết hợp vốn của Hàn Quốc và lực lượng lao động của Triều Tiên chỉ cách biên giới một vài dặm về phía Bắc.
Vị tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc, Roh Moo-hyun, tiếp tục theo tinh thần chính sách ánh dương của Kim. Tuy nhiên, những điều kiện kém thuận lợi hơn đã gây khó khăn cho chính sách can dự của ông. Seoul đã mất đi sự ủng hộ can dự từ Washington. Chính quyền mới của George W. Bush hầu như không tin tưởng vào Triều Tiên. Ông đã đi tới mức cho rằng Triều Tiên là một phần của “trục ma quỷ” bên cạnh Iran và Iraq trong Thông điệp liên bang năm 2002. Nhiều tháng trước khi Tổng thống Roh lên cầm quyền, Triều Tiên đã thừa nhận chương trình làm giàu urani bí mật sử dụng cho các vũ khí hạt nhân của mình, đe dọa sẽ chấm dứt việc tạm ngừng các cuộc thử tên lửa đạn đạo và đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Vào tháng 8/2003, một nỗ lực ngoại giao đa phương giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên mới giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ và hai miền Triều Tiên, được gọi là Cuộc đàm phán 6 bên, đã bắt đầu tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đạt được một đột phá đáng kể nào.
Tuy vậy, Tổng thống Roh Moo-hyun đã tăng cường quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng. Khu liên hợp công nghiệp ở Kaesong mở cửa vào tháng 12/2004 và đã bắt đầu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm. Hơn nữa, trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông đã liên tục phản đối các chính sách theo đường lối cứng rắn của George W. Bush trong việc đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và nhấn mạnh vào việc giải quyết các cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại. Trong một số trường hợp, Seoul sẵn sàng làm người phản biện nhân danh Bình Nhưỡng, điều gây hại cho mối quan hệ đối tác an ninh gần gũi giữa Mỹ và Hàn Quốc trong hàng thập kỷ. Bình luận của ông Roh Moo-hyun trong chuyến thăm Los Angeles vào mùa Thu năm 2004 rằng việc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân là một tiến trình hành động hợp lý về mặt tự vệ là một ví dụ thích đáng. Roh Moo-hyun cũng nỗ lực thúc đẩy chính sách can dự của người tiền nhiệm của ông bằng cách khởi xướng các cuộc hội đàm chính trị và quân sự vượt ra ngoài sự hợp tác kinh tế đang phát triển nhanh. Tuyên bố Hòa bình ngày 4/10/2007 do Kim Jong-il và Roh Moo-hyun ký kết trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai cho thấy họ đã đồng ý thành lập một khu vực hợp tác kinh tế khác ở phía Bắc giới tuyến và mở các cuộc hội đàm quân sự cấp cao để hỗ trợ tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Ngày nay, chính sách Triều Tiên của Tổng thống Moon Jea-in đã ủng hộ cả những sự trừng phạt lẫn các cuộc đối thoại. Ông ủng hộ những sự trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng, chừng nào chúng nhằm mục đích đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Ông cũng sẵn sàng theo đuổi các cuộc đối thoại và các dự án liên Triều trong những hoàn cảnh thích hợp hoặc phản ứng lại một sự thay đổi trong thái độ của Triều Tiên. Moon Jea-in đã nhấn mạnh rằng có sự chồng chéo đáng kể giữa cách tiếp cận của ông và chiến lược “trước tiên là áp lực tối đa, sau là can dự” của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, những sự kiện chính trong những tháng đầu cầm quyền của ông Moon Jea-in mang lại bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Moon Jea-in tìm cách đưa Seoul quay trở lại thời đại ánh dương.
Tại một buổi họp báo vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2017, Moon đã cho biết về chính sách Triều Tiên trong chiến dịch tranh cử. Chính sách của ông bao gồm khởi động lại các cuộc đàm phán 6 bên, tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên, và một kế hoạch ấn định chính sách liên Triều qua luật pháp mà có thể được cả Quốc hội Hàn Quốc lẫn Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên thông qua. Theo lời của ông, “kế thừa chính sách ánh dương và chính sách can dự đối với Triều Tiên, chúng ta sẽ thúc đẩy về chiến lược Triều Tiên hướng tới thay đổi”.
Năm tháng cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Moon Jea-in có đầy đủ các dấu hiệu cho thấy Seoul đang theo đuổi sự can dự với Bình Nhưỡng. Trước hết, thông qua những lời phát biểu của ông tại lễ khai mạc Diễn đàn hòa bình và thịnh vượng ở Jeju vào ngày 1/6/2017, ông đã khẳng định cam kết của ông thuyết phục và gây áp lực buộc Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại. Ông cũng bày tỏ quan điểm của ông về việc giúp đỡ Triều Tiên lặp lại thành công về kinh tế của Hàn Quốc và cuối cùng tạo ra một cộng đồng kinh tế trên bán đảo này. Thứ hai, vào tháng 5/2017, Bộ Thống nhất đã nới lỏng các hạn chế chặt chẽ của chính phủ trước đây đối với các tổ chức và công dân Hàn Quốc đi đến Triều Tiên và làm việc với người Triều Tiên. Thứ ba, khi trở lại từ hội nghị thượng đỉnh với Trump vào tháng 6/2017, ông đã tuyên bố rằng “Washington cho phép Seoul làm người cầm lái trong các vấn đề liên Triều". Vào tháng 7/2017, ông đã chính thức đề xuất bắt đầu đàm phán với Triều Tiên về các vấn đề quân sự và sự đoàn tụ của các gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên bất chấp cuộc thử tên lửa của Bình Nhưỡng vào ngày 4/7/2017. Tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh của Moon Moon Jea-in và Trump tuyên bố rằng Tổng thống Trump ủng hộ “vai trò lãnh đạo của Seoul trong việc thúc đẩy một môi trường cho thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tuyên bố này cũng nhấn mạnh rằng “cánh cửa đối thoại với Triều Tiên vẫn để mở trong những hoàn cảnh thích hợp”. Thứ tư, trong chuyến đi đến hội nghị G-20 ở Berlin vào tháng 7/2017, Tổng thống Moon Jea-in đã cam kết rằng Seoul sẽ không theo đuổi sự sụp đổ của Bình Nhưỡng hoặc sự thống nhất theo kiểu Đức và một lần nữa cho thấy sự sẵn sàng khôi phục các dự án kinh tế chung giữa hai miền Triều Tiên. Và vào ngày 21/9/2017, Seoul đã quyết định cung cấp cho Bình Nhưỡng 800 triệu USD thông qua Chương trình Lương thực thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Đó là sự đảo ngược quyết định của cựu Tổng thống Park Geun-hye vào đầu năm 2016 ngừng tất cả các kiểu viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng.
Những kết quả và kiểm tra thực tế
Những người đề xuất can dự đã lên án sự cai trị bảo thủ kéo dài 9 năm ở Seoul với lý do nó dẫn đến giai đoạn tồi tệ nhất trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Quảng bá mạnh mẽ chính sách can dự, họ tuyên bố rằng trong suốt thời kỳ ánh dương, những trao đổi về kinh tế và xã hội đã mở rộng, các nhà lãnh đạo của hai nước đã đồng ý thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm bớt căng thẳng về chính trị và quân sự, và Triều Tiên đã không kích động Hàn Quốc về mặt quân sự bằng bất cứ hành xử nghiêm trọng nào sau mùa Hè 2002. Nói một cách đơn giản, họ lập luận rằng sự can dự có tác dụng trong quá khứ và nó sẽ lại có tác dụng. Tuy nhiên, phần này xem xét kỹ lưỡng tuyên bố “quay trở lại thời kỳ ánh dương” lạc quan này.
Trong giai đoạn ánh dương 1998-2007, khối lượng trao đổi kinh tế liên Triều tăng hơn gấp 8 lần. Sau khi khu công nghiệp Kaesong bắt đầu hoạt động, cho tới năm 2007 sản lượng của nó tăng gấp hơn 12 lần, từ 1,4 tỷ USD lên tới 18,5 tỷ USD, và số lượng công nhân Triều Tiên tăng gấp 4 trong cùng thời gian. Viện trợ nhân đạo cũng tăng lên. Viện trợ chính phủ và dân sự từ Hàn Quốc dành cho Triều Tiên tăng gấp 10 lần trong thời các chính quyền Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Các tương tác xã hội lớn hơn đã diễn ra sau đó khi những trao đổi kinh tế tăng mạnh. Mặc dù sự tương tác là mang tính một chiều, vì người Hàn Quốc chiếm đa số người đi qua lại biên giới, số người đi qua biên giới hàng năm tăng từ 26.534 người vào năm 2004 lên 159.214 người vào năm 2007, con số này không tính khách du lịch đi đến Kaesong và núi Kumgang.
Về mặt chính trị, các quan chức của Triều Tiên và Hàn Quốc đã gặp nhau thường xuyên hơn trước. Các hội nghị thượng đỉnh vào năm 2000 và 2007 đã góp phần mở ra các kênh liên lạc chính trị giữa hai đối thủ cũ. Trong suốt thời kỳ ánh dương, các cuộc hội thảo đã diễn ra về các vấn đề khác nhau, từ chính trị, kinh tế đến xã hội và văn hóa. Các quan chức quân đội cũng đã gặp mặt để thảo luận các biện pháp làm giảm căng thẳng. Hơn nữa, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên đã giúp Kim Jong-il tiếp đón Madeleine Albright, Ngoại trưởng Mỹ khi đó đến thăm, và gửi cố vấn quân sự là cánh tay phải của ông, Phó Nguyên soái Jo Myong-rok, làm phái viên đến gặp Tổng thống Clinton. Một cuộc hội nghị đột phá khác đã diễn ra giữa Kim Jong-il và Thủ tướng Nhật Bản Koizumi khi đó vào năm 2002. Đối với những người ủng hộ can dự, những sự kiện này đã tạo ra bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Triều Tiên đã “ra khỏi cái vỏ của mình”, tìm kiếm một mối quan hệ mới với các nước mà trước đây nước này đã phỉ báng.
Vào tháng 7/2002, Triều Tiên đã tuyên bố các cải cách kinh tế theo kiểu tư bản chủ nghĩa đáng kể nhất trong lịch sử của họ. Những cải cách này bao gồm một hệ thống giá cả do các lực lượng thị trường quyết định, sự phân quyền các quyết định kinh tế cho các đơn vị sản xuất địa phương, và sự mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Donald Gregg, cựu Đại sứ Mỹ tại Seoul, đã tuyên bố rằng những cải cách này chứng minh tư duy cải cách nhạy bén của nhà lãnh đạo Triều Tiên và mong muốn của CHDCND Triều Tiên cạnh tranh với mô hình tư bản chủ nghĩa do nhà nước lãnh đạo của Hàn Quốc dưới thời Park Chung-hee.
Cuối cùng, những người đề xuất chỉ ra hòa bình tương đối trên bán đảo Triều Tiên như một ưu điểm của chính sách này. Hai nhà nước đã không chĩa súng vào nhau trong hơn 7 năm sau tháng 6/2002. Sự thù địch lại bắt đầu vào tháng 11/2009 – theo những người đề xuất chính sách ánh dương, chỉ khi Tổng thống bảo thủ Lee Myung-bak trở lại chính sách cứng rắn gợi nhớ lại thời Chiến tranh Lạnh, thì mới hủy bỏ các thỏa thuận có được trong các hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Bài viết này xem xét kỹ lưỡng những nhận định tích cực của những người ủng hộ can dự. Thứ nhất, những sự tương tác kinh tế và xã hội quả thực đã mở rộng đáng kể trong thời kỳ ánh dương. Tuy nhiên, cũng cần có một số lời nói thận trọng. Những điều kiện trao đổi kinh tế là có lợi cho Triều Tiên. Ví dụ, tiền lương các công ty Hàn Quốc trả cho lực lượng lao động ở khu công nghiệp Kaesong đến tay Chính phủ Triều Tiên, mà sau đó trả cho từng cá nhân người lao động. Theo ông Hong Yong-pyo, Bộ trưởng Thống nhất mới nhất dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye, nhờ sự sắp xếp này, Chính phủ Triều Tiên đã có thêm hơn 100 triệu USD tín dụng nước ngoài hàng năm. Cơ chế tương tự cũng được áp dụng cho du lịch ở núi Kumgang. Do sự thiếu hụt tín dụng nước ngoài bởi sự tiếp cận hạn chế với các thị trường nước ngoài và việc thiếu nguồn thu do tình trạng đình trệ kinh tế, việc tham gia các hoạt động kinh tế sinh lợi như vậy với một số ít điều kiện kèm theo là điều dễ hiểu đối với Triều Tiên.
Hơn nữa, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa mục tiêu với biện pháp. Mục tiêu cuối cùng của chính sách ánh dương là để giúp Bình Nhưỡng tiến hành các cải cách trong nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế ảm đạm của nước này, để xoa dịu giới lãnh đạo của Triều Tiên bằng cách cho nước này thấy những lợi ích của trao đổi kinh tế và để mang lại sự hòa giải chính trị giữa hai miền Triều Tiên. Theo cách đó, một sự thay thế tiêu biểu hơn cho việc xác định thành công hay thất bại của chính sách ánh dương sẽ là xem xem liệu nó có mang lại bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào trong chính sách trong nước của Triều Tiên hay những thay đổi đáng kể trong các chính sách đối ngoại hiếu chiến của nước này hay không. Trong hai khía cạnh này, chính sách ánh dương đã không hoàn thành được những lời hứa của nó.
Trên thực tế, các kế hoạch cải cách kinh tế vào tháng 7/2002 đã tạo ra thay vì giải quyết các vấn đề. Việc dỡ bỏ kiểm soát giá cả ở Triều Tiên đã dẫn tới lạm phát tăng vọt. Ví dụ, sau các cuộc cải cách, giá gạo đã tăng ít nhất 550%. Bình Nhưỡng phải giải quyết áp lực lạm phát này bằng tăng sản xuất hoặc tăng nhập khẩu. Do lựa chọn sản xuất gia tăng không khả thi nên tăng trưởng nhập khẩu phần lớn được tài trợ bởi các dòng viện trợ từ Seoul và Bắc Kinh. Những cải cách này cuối cùng đã thất bại, và Triều Tiên đã trở thành một nước hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ. Thật thất vọng, Triều Tiên vẫn hài lòng với việc phụ thuộc nặng nề vào viện trợ, mà không có bất cứ ý chí nghiêm túc nào tự đứng trên đôi chân của mình. 
Sự hoài nghi như vậy là cần thiết khi đánh giá các sửa đổi được cho là trong hành vi chính sách đối ngoại của Triều Tiên. Tuyên bố của những người ủng hộ chính sách ánh dương rằng sự can dự góp phần vào hòa bình tương đối giữa hai miền Triều Tiên phần nào được phóng đại. Trước hết, vẫn có lý do chính đáng để tin rằng việc thiếu sự khiêu khích quân sự chống lại Seoul là kết quả của tính toán chiến lược vì lợi nhuận gây lầm lẫn của Bình Nhưỡng hơn là được chính sách ánh dương làm tan băng. Nền kinh tế Triều Tiên gần như sụp đổ và đói nghèo, không có dấu hiệu nào nhận được viện trợ nước ngoài vào giữa những năm 1990. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên không có lý do gì để từ chối lời đề nghị hào phóng từ Hàn Quốc về viện trợ và đồng tiền mạnh vào năm 1998. Đổi lại, họ đã mời Kim Dae-jung đến Bình Nhưỡng vào năm 2000 và tạm thời kiềm chế sự thù địch. Tuy nhiên, họ tiếp tục thúc đẩy các chương trình vũ khí của họ đằng sau hậu trường. Việc này gần đây đã được chứng tỏ bởi bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Vào năm 2001, khi tôi dừng chân ở Triều Tiên trên đường đến Nhật Bản, Kim Jong-il đã nói với tôi rằng họ có một quả bom hạt nhân... Seoul nằm trong tầm bắn của các hệ thống pháo tiêu chuẩn của họ tại thời điểm đó”. Việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân bất chấp chính sách ánh dương nồng ấm là một biểu hiện mạnh mẽ của sự hiếu chiến liên tục và sự không thích hợp của chính sách ánh dương của Hàn Quốc.
Một số chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên lập luận rằng những tham vọng của Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa nhấn mạnh mối quan ngại về sự sống còn của nước này do hậu quả của sự thấp kém ngày càng tăng và không thể thay đổi được so với kẻ thù của họ ở phía Nam và các đồng minh của Seoul. Nhưng Triều Tiên vẫn tiếp tục các chương trình hạt nhân ngay cả sau khi Mỹ đã hai lần hứa hẹn không xâm lược: Hiệp ước khung tại Geneva vào tháng 10/1994, mà đã kết thúc cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đầu tiên và Tuyên bố chung trong cuộc đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh vào tháng 9/2005. Hiệp ước khung đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ mang lại sự đảm bảo chính thức cho CHDCND Triều Tiên chống lại sự đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ. Tuyên bố chung đã đi xa hơn điều này, quy định rằng Mỹ không có ý định xâm lược CHDCND Triều Tiên bằng các vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường. Đây là cả hai ví dụ về cái được gọi là sự bảo đảm an toàn tiêu cực. Triều Tiên đã đạt được những gì mình muốn. Nhưng trong một năm sau Tuyên bố chung, Bình Nhưỡng đã thực hiện cuộc thử hạt nhân đầu tiên. Tất cả các bằng chứng cho thấy khát vọng không lay chuyển của Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân.
Các giả định mong manh và sự quản lý sai
Các chính sách can dự của hai vị tổng thống có tư tưởng tự do ở Seoul không thể thực hiện được những gì họ đã hứa, không xoa dịu ban lãnh đạo của Triều Tiên hoặc mang lại một sự thay đổi có ý nghĩa trong chính trị trong nước và chính sách đối ngoại. Lời hứa hẹn giả dối về sự can dự hẳn không gây ngạc nhiên. Các chính sách can dự dưới thời Tổng thống Kim Dae-jong và Roh Moo-hyun dựa trên các giả định mong manh và bị xử lý sai, bỏ sót những điều kiện nghiêm trọng đã cản trở việc thực hiện chúng thành công.
Những giới hạn của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế
Các chính sách can dự của Seoul nhằm mục đích đặt nền tảng cho sự cùng tồn tại hòa bình, và cuối cùng là sự hội nhập chính trị của hai miền Triều Tiên thông qua một sự theo đuổi kiên nhẫn và mở rộng dần dần trao đổi kinh tế và xã hội. Về khía cạnh này, các chính sách có nhiều điểm tương đồng với các cách tiếp cận mang tính chức năng và chức năng mới với sự hội nhập chính trị. David Mitrany, nhà tiên phong của lý thuyết chức năng về hội nhập chính trị, từng viết rằng sự hợp tác giữa và trong số các quốc gia về một vấn đề nhỏ vượt ra ngoài các biên giới quốc gia có thể mang lại một thời điểm thích hợp cho một bước tiến lớn tích cực hướng tới hình thành một cộng đồng chính trị. Chủ quyền và chủ nghĩa dân tộc là những trở ngại cho hội nhập chính trị. Do đó, lý thuyết chức năng đề xuất một tiến trình hợp lý bắt đầu một công việc ít khó khăn hơn trước khi giải quyết những công việc khó khăn hơn, và chuyển sự tập trung từ các vấn đề chính trị bị chia rẽ sang các vấn đề xã hội trong đó lợi ích của các quốc gia được liên kết rõ ràng.
Quan điểm của Mitrany rằng những sự tương tác kinh tế và xã hội có thể phát triển thành những sự tương tác chính trị theo thời gian đã được Ernest Haas chỉnh sửa và cải tiến. Học thuyết của ông, được biết đến như là lý thuyết chức năng mới, nhấn mạnh hơn là tránh vai trò của chính trị trong tiến trình hội nhập. Theo Haas, tác động lan tỏa từ các vấn đề xã hội chỉ diễn ra nếu bên tham gia chính trị mong muốn chấp nhận các bài học hội nhập đã học được trong một bối cảnh trước tình hình mới. Chính sách ánh dương của Seoul đối với Bình Nhưỡng quả thực phù hợp với các phương pháp tiếp cận chức năng và chức năng mới. Những diễn giải các chính sách của Triều Tiên mà Moon Chung-in, người đã phục vụ cả dưới thời Kim Dae-jung cũng như Roh Moo-hyun và hiện nay phục vụ dưới thời Tổng thống Moon Jae-in với tư cách là một cố vấn chính sách đối ngoại chủ chốt đưa ra khẳng định điểm này. Theo ông, những khó khăn chính của chính sách ánh dương là học thuyết nhị nguyên linh hoạt, được xác định theo một số cách: 1) “các nhiệm vụ dễ trước, các nhiệm vụ khó sau”; 2) “kinh tế trước, chính trị sau”; 3) “các tổ chức phi chính phủ trước, chính phủ sau”; 4) “cho trước, nhận sau”.
Luận điểm cho rằng hợp tác trong các lĩnh vực phi chính trị sẽ góp phần vào sự hòa giải và hội nhập chính trị dựa trên giả định rằng hợp tác kinh tế sẽ đưa các nhà nước vào một chu kỳ tiến đến sự thịnh vượng lớn hơn và các mối quan hệ hòa bình hơn. Tuy nhiên, một nhóm học giả khác từ lâu đã chỉ ra những thiếu sót của những hứa hẹn lạc quan như vậy về các mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia. Trong thời kỳ chuyển tiếp, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế không ngăn chặn được xung đột, vì việc dễ bị tổn hại và sự phụ thuộc tăng lên tương ứng, và các quốc gia có những quan ngại về những lợi ích thu được từ trao đổi kinh tế sẽ được phân phối và sử dụng như thế nào trong tương lai. 
Cuộc tranh luận kéo dài đã thúc đẩy nghiên cứu sâu rộng điều tra các điều kiện mà theo đó, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và chính trị được cải thiện giữa các nhà nước. Chẳng hạn, các nhà khoa học chính trị Edward Mansfield thuộc Đại học Pennsylvania và Jon Pevehouse thuộc Đại học Wisconsin đã đề xuất rằng tác động điều tiết của thương mại phụ thuộc vào sự hiện diện của các thể chế thương mại khu vực. Cả hai giáo sư Erik Gartzke và Michael Mousseau đã một cách riêng rẽ chỉ ra rằng việc làm giảm tác động của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tùy thuộc vào mức độ phát triển tư bản chủ nghĩa. Gartzke thuộc Đại học California, San Diego, tuyên bố rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế làm giảm những tranh chấp quân sự hóa giữa các nước tư bản tiên tiến vì họ có chung lợi ích trong việc duy trì ổn định dòng chảy tài chính và thương mại. Từ một góc độ có phần khác, Mousseau thuộc Đại học Central Florida cho rằng hoạt động kinh tế tập trung vào giao dịch của các nước phát triển được hỗ trợ bởi các hệ thống luật pháp hiệu quả thúc đẩy hòa bình. Các giáo sư Christopher Gelpi thuộc Đại học bang Ohio và Joseph Grieco thuộc Đại học Duke cũng khẳng định rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã làm giảm các tác động chỉ trong các chế độ dân chủ. Tại sao như vậy? Để tồn tại trong các chế độ dân chủ, các nhà lãnh đạo phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nơi tất cả các cư dân đều có quyền bỏ phiếu ngang bằng. Do đó, các nhà lãnh đạo dân chủ phải mang lại những thành công chính sách rộng hơn mà phần lớn các cử tri của họ được hưởng. Tăng trưởng kinh tế là một kiểu thành công chính sách đó. Do đó, các mối quan hệ kinh tế đối ngoại như thương mại và đầu tư là rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo chính trị trong các chế độ dân chủ. Ngược lại, các nhà lãnh đạo độc đoán đối đầu với các động lực chính trị khác nhau. Việc họ có thể giữ địa vị của họ hay không và trong bao lâu dựa vào khả năng của họ duy trì các liên minh trung thành của họ được thỏa mãn bằng việc cung cấp hàng hóa cá nhân. Chừng nào họ có thể nuôi dưỡng những người ủng hộ trung thành của họ, họ ít nhạy cảm hơn với những chi phí cơ hội của các mối quan hệ kinh tế đối ngoại bị gián đoạn và do đó ít bị kiềm chế hơn trong việc gây ra các cuộc khủng hoảng và xung đột. Trong một bài nghiên cứu chuyên đề gần đây, giáo sư Dale Copeland thuộc Đại học Virginia đề xuất rằng điều quan trọng là những mong đợi về thương mại trong tương lai. Khi một quốc gia mong đợi thương mại đôi bên cùng có lợi tiếp tục, nó có xu hướng ủng hộ duy trì hoặc mở rộng thương mại. Mặt khác, khi không thể biết trước xu hướng thương mại trong tương lai, nó có thể chấp nhận việc tự lực cánh sinh.
Những phát hiện này từ những nghiên cứu nổi bật về tác động của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cho thấy rằng có rất ít cơ hội để thúc đẩy triển vọng về một sự hòa giải liên Triều. Bán đảo Triều Tiên thiếu các thể chế thương mại khu vực và trong khi Hàn Quốc có mức độ phát triển tư bản chủ nghĩa cao, Triều Tiên thì không được vậy. Và nước này đã trải qua những thay đổi chính sách lớn từ Seoul và Washington dân chủ, phụ thuộc vào ai là người cầm quyền và chính đảng nào sẽ kiểm soát cơ quan lập pháp. Mâu thuẫn từ các chế độ dân chủ này làm sự mong đợi vào những trao đổi về kinh tế trong tương lai nhanh chóng phai nhạt dần.
Những hạn chế của sự can dự cường quốc nhỏ
Một giới hạn quan trọng nữa trong chính sách ánh dương của Hàn Quốc là do kết quả của thực tế là nước này là một cường quốc nhỏ trong chính trị khu vực và thế giới. Do đó, mức độ mà theo đó nước này tạo ra và theo đuổi một kết quả phù hợp với ý chí của chính nước này bị hạn chế bởi các lực lượng mang tính cấu trúc lớn hơn như các khả năng và những ưu tiên của các nước lớn. Chính sách Triều Tiên của Hàn Quốc sẽ lấy được đà khi nó phù hợp với chính sách của Mỹ, trong khi không gian hành động của nước này bị thu hẹp khi Mỹ bất đồng với kế hoạch của Hàn Quốc. Trở ngại mà chính sách ánh dương đương đầu trong thời chính quyền George W.Bush chứng tỏ những sáng kiến của chính người Hàn Quốc vấp phải những thất bại như thế nào khi chúng đi ngược lại những ưu tiên của Mỹ.
Hơn nữa, với tư cách là một cường quốc nhỏ, Hàn Quốc không phải là mục tiêu quan ngại hàng đầu của Bình Nhưỡng mà chính Mỹ mới là mục tiêu. Với khả năng quân sự vượt trội và quan điểm thù địch về Bình Nhưỡng, Mỹ là mối đe dọa hàng đầu đối với chế độ Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên do Mỹ lãnh đạo được coi là những nỗ lực của đế quốc nhằm khiến đất nước này không được phòng vệ và nghèo đói. Bình Nhưỡng khăng khăng rằng vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa là lựa chọn cuối cùng còn lại của họ để ngăn cản Mỹ tiến hành các cuộc tấn công. Và theo quan điểm của nước này, Hàn Quốc chỉ đơn giản là một con rối của đế quốc Mỹ. Sự can dự của Hàn Quốc không thể tiết chế đáng kể hành xử của Triều Tiên mà không có một sự thay đổi cơ bản trong chính sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng.
Ảnh hưởng có giới hạn của viện trợ: chỉ có thể là người nhận
Viện trợ kinh tế hào phóng là một phần không thể thiếu của sự can dự về kinh tế với Triều Tiên. Theo thống kê của chính phủ, viện trợ của Hàn Quốc cho Triều Tiên lên đến 3 tỷ USD tiền mặt và 4 tỷ USD hàng hóa trong suốt thập kỷ ánh dương. Những người chỉ trích chính sách ánh dương quan ngại rằng tiền mặt và hàng hóa được cho một cách hào phóng mà không có những ràng buộc kèm theo để ngăn chặn việc sử dụng sai có thể dễ dàng được chuyển sang phát triển vũ khí hạt nhân và củng cố sự cai trị của gia đình Kim bằng cách làm giàu cho những người ủng hộ trung thành của nó. Kịch bản ác mộng của họ đã thành hiện thực với lần thử vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Tất nhiên, rất khó để chứng minh rằng tiền từ Seoul đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ sự can dự của Mỹ với các nhà nước bất hảo cũng sẽ kết luận rằng Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã tảng lờ các biện pháp bảo vệ cơ bản của các chính sách can dự. Chẳng hạn, theo Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại, và Meghan O'Sullivan, giáo sư tại Trường John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, viện trợ kinh tế mà gần như không có kiểm soát sẽ làm tăng nguồn cung ngoại hối của một mục tiêu bất hảo, giải phóng các quỹ dự trữ khác cho phép họ tiến hành các hoạt động không mong muốn. Viện trợ, đặc biệt là dưới hình thức hàng hóa vật chất và tiền mặt, đã có một khả năng hạn chế giúp thay đổi các hành xử của nhà nước mục tiêu.
Các nghiên cứu hiện tại về mối quan hệ giữa các nước nhận viện trợ và tăng trưởng kinh tế cho thấy những sai lầm trong các giả định và sự quản lý của chính sách ánh dương. Viện trợ kinh tế có tạo ra một kết quả tích cực ở một quốc gia mục tiêu hay không phụ thuộc vào chất lượng của các thể chế trong nước của nhà nước mục tiêu và thành tích của các chính sách phát triển thực dụng. Triều Tiên không có chất lượng quản lý cũng như không có thành tích về các chiến lược phát triển hợp lý cho viện trợ kinh tế để khởi động tăng trưởng. Các thể chế trong nước của họ đã cản trở hơn là khuyến khích tăng trưởng kinh tế, do chúng được tạo ra để phục vụ mục tiêu chính trị củng cố sự cai trị của triều đại Kim hơn là các mục tiêu kinh tế gia tăng của cải toàn xã hội. Có thể kể đến một số ví dụ: hệ tư tưởng juche (tự lực cánh sinh), và chính sách songun (quân sự trước tiên) đã có trong nhiều thập kỷ trước ưu tiên việc phân bổ các nguồn lực cho quân đội, làm cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp có giá trị gia tăng; chính phủ luôn luôn nỗ lực triệt tận gốc các lực lượng thị trường. Trong những điều kiện này, niềm tin rằng viện trợ kinh tế sẽ giúp các nhà lãnh đạo dự tính thực hiện các cải cách kinh tế cho tăng trưởng, chưa nói gì đến hòa giải chính trị, đã và đang quá duy tâm.
Những tác động
Vị tổng thống mới ở Seoul chắc chắn sẽ tìm cách can dự với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông phải học hỏi từ những sai lầm của sự theo đuổi can dự một cách mù quáng của những người tiền nhiệm theo tư tưởng tự do của ông trong một thập kỷ. Chính sách ánh dương đã mang lại một sự hòa giải liên Triều ngắn ngủi, nhưng tình trạng bớt căng thẳng đã nhanh chóng biến mất. Đây không phải là một điều bất ngờ, vì chính sách này dựa trên những giả định mong manh và bị quản lý sai. Thứ nhất, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không phải lúc nào cũng làm giảm nhẹ các hành vi chính sách đối ngoại của các đối tác. Và các điều kiện này cho phép sự phụ thuộc lẫn nhau hoạt động như một cách bình ổn không tồn tại, hoặc tồn tại một cách yếu ớt, trên bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, sự can dự hoạt động tốt nhất khi chính sách này có sự hỗ trợ từ các quốc gia hùng mạnh quan tâm đến chế độ bị can dự. Để chính sách ánh dương có tác dụng, việc có được sự ủng hộ từ Mỹ đã và đang là không thể thiếu được. Cuối cùng, viện trợ hào phóng cho Triều Tiên cũng không truyền cảm hứng cho Bình Nhưỡng thực hiện các cải cách kinh tế cũng như không làm giảm bớt quyết tâm của nước này. Viện trợ được cung cấp dưới dạng tiền mặt và hàng hóa với rất ít sự giám sát về phân phối. Và viện trợ kinh tế được hướng đến một nước không có các thể chế thân thiện với tăng trưởng hoặc thành tích về các chính sách phát triển trong quá khứ.
Bài viết này chứa đựng những gợi ý đúng mức đối với tương lai tiềm năng của chính sách can dự của Seoul đối với Bình Nhưỡng. Chính quyền của Moon Jea-in nên hiểu rằng những nền tảng cho chính sách ánh dương yếu hơn so với chúng có vẻ. Thậm chí ngoài tất cả các mối quan ngại được nêu ra, Triều Tiên năm 2017 rất khác so với năm 2000. CHDCND Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Do tất cả sự chú ý mà Kim Jong-un nhận được từ Washington là do các chương trình vũ khí của mình, ông không có khả năng đáp lại bất kỳ lời đề nghị ngoại giao nào từ Tổng thống Moon Jae-in. Ông không có lợi ích trong việc can dự hoặc đàm phán với Seoul.
Thứ hai, việc khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều có thể làm giảm những sự trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên. Như một phản ứng đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, cộng đồng quốc tế đã tăng cường các biện pháp trừng phạt được tạo ra nhằm cắt giảm dòng tiền mạnh đến tay giới lãnh đạo Triều Tiên. Việc bắt đầu lại các dự án kinh tế với Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến sự phản đối, hoặc ít nhất là sự quan ngại từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Để đáp lại quyết định của Seoul trong tháng 9/2017 tiếp tục lại viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị Tổng thống Moon Jae-in cân nhắc thời điểm viện trợ. Tương tự như vậy, Katina Adams, người phát ngôn của Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, đã đáp lại với sự lo lắng, nói rằng “đây là một quyết định của Hàn Quốc... Tuy nhiên, chúng tôi thúc giục các nước thực hiện thêm các bước để áp đặt áp lực tối đa lên CHDCND Triều Tiên bao gồm cắt giảm các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao của họ”.
Với sự phát triển nhanh chóng của các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng và sự trở lại của vị tổng thống thiên tả ở Seoul, những người đề xướng chính sách ánh dương kêu gọi một chuyển biến táo bạo hơn sang can dự với Triều Tiên. Chẳng hạn, Jong-kun Choi, giáo sư thuộc Đại học Yonsei, Seoul, Hàn Quốc, và hiện nay là một nhân viên chính sách đối ngoại cho văn phòng của Tổng thống Moon Jae-in, khẳng định rằng sự can dự với Bình Nhưỡng là lựa chọn duy nhất còn lại cho Seoul và Washington. Theo ông, các biện pháp trừng phạt đã không thể đập tan quyết tâm của Triều Tiên trở thành một nhà nước vũ khí hạt nhân và, hơn nữa, Washington không có công cụ để thâm nhập vào tư duy chiến lược của Kim Jong-un vì thiếu kênh liên lạc.
Tuy nhiên, Chính quyền Moon Jae-in tốt hơn nên được cố vấn liên kết với cách tiếp cận “gây áp lực tối đa trước tiên” của Chính quyền Trump. Bất cứ tiếng nói nào từ Seoul về việc bắt đầu lại sự tương tác kinh tế với Bình Nhưỡng có thể bị nhìn nhận là tạo ra những rạn nứt trong các cơ chế trừng phạt quốc tế. Chính quyền Moon Jae-in sẽ không muốn làm xói mòn liên minh Mỹ-Hàn, mà là một nhân tố cốt yếu trong việc bảo vệ mình khỏi những sự thù địch của Triều Tiên. Hơn nữa, Tổng thống Moon Jae-in nên đáp lại những nghi ngại của người Hàn Quốc về chính sách can dự. Các cuộc thăm dò gần đây của Gallup Hàn Quốc đã cho thấy khoảng 60% người Hàn Quốc đã kiên quyết phản đối việc nối lại viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, chưa nói đến sự can dự về kinh tế sâu sắc hơn, mà không có các động thái phi hạt nhân hóa thực sự của Bình Nhưỡng. Đa số người Hàn Quốc hiểu rằng sự can dự về kinh tế với Triều Tiên trong 2 thập kỷ qua đã thất bại trong việc ngăn cản tham vọng hạt nhân của nước này. Họ hoài nghi rằng Bình Nhưỡng sẽ ra khỏi chiếc vỏ của nước này bằng sự can dự về kinh tế.
Đối với Chính quyền Trump, sự nổi lên của một nhà lãnh đạo ủng hộ can dự ở Seoul chắc chắn là không được hoan nghênh. Chính quyền thiên tả ở Seoul sẽ không đồng quan điểm với Chính quyền Trump về các vấn đề Triều Tiên. Điều đó cho thấy rằng Chính quyền Trump nên khuyến khích người đồng nhiệm của mình ở Seoul tạo ra một mặt trận thống nhất trong việc áp đặt áp lực mạnh mẽ chống lại Bình Nhưỡng. Washington cần làm rõ rằng nước này phản đối sự quay trở lại can dự kiểu ánh dương và sự can dự như vậy sẽ cho Bình Nhưỡng thời gian và các nguồn lực để làm chủ các chương trình vũ khí vốn đã tiên tiến. Tổng thống Trump nên tiếp tục thúc giục Tổng thống Moon Jae-in kiên nhẫn khi tiếp cận với Triều Tiên. Đồng thời, Washington nên tìm cách củng cố sự hợp tác Mỹ-Hàn trong việc đối phó với Triều Tiên, không đối xử với Tổng thống Moon Jae-in như một kẻ phiền toái có tư tưởng tự do làm xói mòn những nỗ lực của nước này phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tổng thống Trump cần phải hiểu rằng những nhận xét bốc đồng từ tài khoản Twitter của ông và những cụm từ trong các bài diễn văn như “phá hủy hoàn toàn” và “bình lặng trước cơn bão” không hữu ích gì. Chúng chỉ làm khuấy động thêm nỗi lo sợ của Seoul về một cuộc xung đột quân sự với Triều Tiên và kích động sự hoài nghi và ác cảm đối với liên minh Mỹ-Hàn. Đó chính xác là những gì Triều Tiên muốn. Tham vấn chặt chẽ của Washington với Seoul về những lựa chọn đối phó với Triều Tiên sẽ góp phần làm xoa dịu những quan ngại của Hàn Quốc về những hành động quân sự đơn phương của Mỹ và sẽ giúp duy trì một liên minh mạnh mẽ chống lại Triều Tiên.
Cho đến nay, quan hệ đối tác giữa Trump và Moon Jae-in có vẻ mạnh mẽ. Trước chuyến thăm của ông tới Seoul vào đầu tháng 11/2017, Tổng thống Trump đã gọi người đồng nhiệm Hàn Quốc của ông là một “quý ông tốt bụng”. Tổng thống Moon Jae-in đã khẳng định ủng hộ sự lãnh đạo của Washington trong việc đối phó với những hành động khiêu khích hạt nhân của Triều Tiên, tuyên bố rằng “hiện nay chúng ta phải tập trung vào những sự trừng phạt và áp lực”. Bất chấp không khí thân thiện sau một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Moon Jae-in và Trump, vẫn còn một số công việc phải làm. Quan trọng nhất là hai nhà lãnh đạo cần phát triển một sự đồng thuận về sự tiến bộ có thể chấp nhận được đối với cả hai trên con đường dài phi hạt nhân hóa Triều Tiên và ổn định bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, họ nên đi đến một thỏa thuận về những gì tạo nên “những bối cảnh thích hợp” để can dự với Triều Tiên. Washington và Seoul nên làm rõ rằng sự can dự nên bắt đầu khi tiến trình dỡ bỏ chương trình hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được của Bình Nhưỡng diễn ra. Đó là cách duy nhất để ngăn sự can dự đối với Triều Tiên không phải chịu những chỉ trích mà những bài viết này đã nêu ra.
Một Triều Tiên không hạt nhân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự can dự về kinh tế bắt đầu và mở rộng. Trước hết, sự phi hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được sẽ làm giảm sự hoài nghi và bi quan về Bình Nhưỡng của các thành phần bảo thủ ở Seoul và Washington. Hàn Quốc và Mỹ sẽ không còn lo sợ Triều Tiên sẽ sử dụng doanh thu thu được từ các tương tác kinh tế vào các chương trình vũ khí đe dọa. Các nhà lãnh đạo tương lai của Seoul và Washington, dù là bảo thủ hay tự do, sẽ có thể tiếp tục giữ nguyên tiến trình can dự.
Thứ hai, sẽ dễ dàng hơn cho Hàn Quốc theo đuổi sự can dự với một Triều Tiên không hạt nhân thay vì một CHDCND Triều Tiên ám ảnh với hạt nhân. Nếu không có mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, Washington hầu như không có lý do để can thiệp vào mối quan hệ liên Triều. Mỹ ít có khả năng kìm hãm nhịp độ can dự của Seoul với Bình Nhưỡng hơn.
Cuối cùng, sự phi hạt nhân hóa sẽ mang lại cho Triều Tiên các cơ hội lớn hơn thực hiện các tương tác và viện trợ kinh tế nước ngoài. Lãnh đạo Triều Tiên cần hiểu rằng các chương trình vũ khí của họ đã đẩy lùi đầu tư và viện trợ nước ngoài. Để nền kinh tế Triều Tiên tồn tại, viện trợ nước ngoài, vốn và công nghệ là không thể thiếu. Tuy nhiên, Triều Tiên đã là một đất nước rất thù địch với quan hệ đối tác kinh tế bền vững với các nước khác. Chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng và những sự trừng phạt quốc tế đơn giản cho thấy bầu không khí kinh doanh bấp bênh đến mức nào ở Triều Tiên.
Sự kết thúc cuộc khủng hoảng hạt nhân sẽ đưa đến nhiều chuyến thăm của người nước ngoài hơn tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở Bình Nhưỡng và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho dòng viện trợ nước ngoài chảy vào Triều Tiên. Không gì có thể là một dấu hiệu lớn hơn cho thấy sự quan tâm thực sự và sự cam kết phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng so với quyết định táo bạo tuyên bố chấm dứt xung đột hạt nhân với thế giới. Seoul và Washington nên kiên định và đoàn kết vì mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Cho đến lúc đó, đã đến lúc gây áp lực.
Inhan Kim là phó giáo sư Khoa Khoa học Chính trị Đại học Colorado, Mỹ. Bài viết được đăng trên Tạp chí Washington Quarterly, số mùa Đông 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét