Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Vụ Khaisilk "treo đầu dê bán thịt chó" & truyện cổ tích "Cái cân thuỷ ngân"

Trần Hồng Phong


Mấy ngày qua dư luận cả nước "rúng động" và đang dõi theo vụ việc Tập đoàn Khaisilk rất nổi tiếng thương hiệu lớn, thì bỗng lòi ra nhiều năm qua đã "treo đầu dê bán thịt chó", lừa dối khách hàng. Cụ thể là mua sản phẩm lụa của Trung Quốc về, cắt bỏ nhãn Trung Quốc, gắn nhãn Việt Nam vào và bán cho khách hàng. Theo lời của ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn, thì hàng Trung Quốc chiếm tới 50% sản phẩm đang kinh doanh tại hệ thống cửa hàng Khaisilk. Dù có lý giải lý luận thế nào, thì cũng không thể chấp nhận được và rõ ràng đây là hành vi lừa đảo, làm giàu bất chính.
 Vụ việc của Khaisilk làm tôi nhớ đến câu chuyện cổ tích "Cái cân thuỷ ngân" của người Việt chúng ta. Nói về chuyện làm giàu gian dối và hậu quả của việc ấy. Xin được chép lại và có vài lời bàn chia sẻ cùng quý vị.

..........

Truyện cổ tích Việt Nam:

Cái cân thủy ngân 

 
 Nhiều người VN đang mắc "bệnh" mê tiền, quyết làm giàu cho dù có đẩy người khác vào chỗ chết (tranh minh hoạ. Nguồn: internet)


Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình.

Không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có, vì buôn bán lọc lừa.

Nhà này sinh ra được hai đứa con mặt mũi khôi ngô, học hành thông thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng phúc. Một hôm hai vợ chồng ngồi bàn với nhau: “Nhà ta bây giờ đã giàu có nhiều, lại được hai đứa con khôn ngoan học giỏi. Bây giờ ta đem phá bỏ cái cân điên đảo kia đi, để dành đức lại cho con về sau”.

Bàn xong hai vợ chồng thuận tình làm lễ sám hối, trên thì cúng Phật, dưới cáo cùng tổ tiên, rồi đem cái cân ra chẻ. Khi chẻ ra, thì thấy trong cái cân có đọng một cục máu đỏ.

Từ đó hai vợ chồng bảo nhau ăn ở tu nhân tích đức, tránh điều dữ, làm điều lành. Nhưng cách đó hai tháng, bỗng một hôm một đứa con lăn ra chết, rồi không bao lâu, đứa con còn lại cũng lăn ra chết nốt. Hai vợ chồng kêu gào khóc lóc thảm thiết, nghĩ rằng mình đã có bụng cải ác vi thiện mà Trời Phật không chứng quả. Rồi hai vợ chồng rầu rĩ khổ sở, cứ ngồi than dài thở vắn, không buồn động đến việc gì nữa.

Một đêm, hai vợ chồng cùng nằm mơ có ông Bụt đến bảo rằng: “Vợ chồng hãy nên lo toan làm ăn tu tỉnh lại, chớ vội ngồi vậy mà trách Trời không có mắt. Trước Trời thấy chúng mày buôn bán lọc lừa, Trời đã sai hai con quỷ xuống đầu thai phá tan cho hết những của phi nghĩa chúng mày chắt bóp nhặt nhạnh bao nhiêu năm nay. May mà chúng mày sớm biết hối hận, cải tà quy chánh, tránh dữ làm lành, Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Chúng mày cứ ăn ở ngay lành rồi Trời lại đền cho hai đứa con khác để ngày sau mà nhờ”.

Hai vợ chồng biết thế, không thương khóc con nữa, lại làm ăn như cũ, và lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm, cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện, phúc đức. Quả nhiên sau lại sinh được hai đứa con trai khác. Hai đứa con hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, rồi sau lớn lên, làm cho cha mẹ được vẻ vang sung sướng trong cảnh già.

.................

Lời bàn của Bình luận án Blog:

1. Việc một người thích tiền, có mục tiêu sống để làm giàu, được hưởng thụ, sung sướng là điều hoàn toàn hợp lý, dễ hiểu, tất yếu. Chẳng ai dám chê trách cả. Mà thậm chí người nào có nhiều tiền, đầu tư xây dựng nhà máy, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, làm giàu cho chính mình và cho đất nước (qua đóng thuế), lại dùng tiền ấy giúp đỡ người nghèo khó  - thì ấy là sự quảng đại, nhân ái và cao thượng. Đáng kính trọng, ngưỡng mộ lắm.

2. Nhưng làm giàu theo kiểu gian dối, móc túi người khác, theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó" thì ấy là hành vi lừa đảo, bất chính, không thể chấp nhận. Xét về mặt pháp luật hình sự, đó là hành vi phạm tội. Xét về mặt đạo đức, ấy là kẻ "vứt đi". Dù có giàu nứt đố đổ vách thì vẫn bị thiên hạ coi khinh. Tối về ngủ phải lấy tay che mặt vì xấu hổ, nhục nhã. Trừ khi đích thị là kẻ vô lương tâm, ngu dốt không còn hiểu rõ đúng sai phải trái. Hoặc đã bị đồng tiền làm cho mê hoặc, lú lẫn mất rồi. Không còn biết đường mà quay lại nữa rồi.

3. Nếu hành vi làm giàu bất chính lừa dối ấy, mà còn làm hại đến sức khoẻ, tính mạng, hay hạnh phúc của người khác, gia đình của người khác, đẩy người khác vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đến chỗ chết -  thì tội ấy càng nặng lắm. Nghiệp chướng lớn lắm. Từ cả trăm, ngàn năm qua, những đúc kết như câu chuyện Cái cân thuỷ ngân, hay câu tục ngữ "gieo hạt nào hái quả ấy" ... chẳng có sai đâu bao giờ.

4. Cuộc đời của mỗi người là hữu hạn, dù mỗi ngày ăn 10 ký sâm nhung loại tốt, chưng 11 ký sừng tê giác loài đã sắp tuyệt chủng, hay uống 12 toa thuốc bổ đắt tiền tính bằng đô, thì có sống được quá 140 tuổi không? Khi lìa trần có mang theo được tiền ấy, tài sản ấy không? Thân mình có đủ "sạch" để đi vào cõi tiên không? Hay là vào địa ngục? Con cái sống bằng đồng tiền "bẩn" của cha mẹ có "vẻ vang" không? Có công bằng với bạn bè đồng lứa không?

5. Than ôi, chúng ta đang sống trong một xã hội mà ngày càng có nhiều người mắc bệnh mê tiền. Và do có tiền bất chính, những kẻ ấy thậm chí đã làm khuynh đảo pháp luật, mua chuộc được những người cầm cân nảy mực nhưng cũng mê tiền. Nếu cả xã hội rơi vào vòng xoáy mê tiền, mà bất chấp tất cả, bất chấp lương tâm, đạo lý, tình nghĩa ... thì sẽ đi về đâu? hậu quả sẽ thế nào?

6. Một đất nước mà việc làm giàu thay vì là những sản phẩm của trí tuệ, công bằng và có trách nhiệm, thì lại dựa trên nền tảng là sự giả dối, nếu lại còn được sự dung dưỡng của pháp luật (do những người thực thi bị "vô hiệu hoá"), thì có thể sẽ đẻ ra những người rất giàu, siêu giàu, nhưng đại đa số người dân là nghèo khó. Điều này cũng tạo nên bất công xã hội, nền kinh tế sẽ mất cân đối, lún sâu vào nợ nần không lối thoát, vì những của cải, giá trị do số đông làm ra đã bị rơi vào túi những kẻ làm giàu lừa đảo, chứ không chia sẻ cho tất cả mọi người, phục vụ cho lợi ích chung của đất nước, cho cả thế hệ mai sau - như lẽ ra phải thế.  

7. Đoạn kết câu chuyện Cái cân thuỷ ngân dù sao cũng đã đưa đến cho người đọc một cái thở phào nhẹ nhõm, trong một kết thúc tốt đẹp. Ấy là lời khuyên của Bụt, dành cho những người đã lỡ mang căn bệnh mê tiền mà làm giàu bất chính.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét