Lễ đón tiếp một vị Hồng y từ Vatican tại Hà Nội, tháng 1/2015. AFP
Một trường cao đẳng do Giáo hội
Công giáo quản lý tên là Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc được chính thức hoạt
động tại tỉnh Đồng Nai. Đây là một trường cao đẳng đào tạo
nhiều ngành nghề đầu tiên do một tôn giáo quản lý tại Việt Nam.
Trong thư trả lời cho đài RFA, Hiệu
trưởng Trường Cao đẳng Hòa bình Xuân Lộc là Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy cho
chúng tôi biết rằng việc cho phép trường cao đẳng Công giáo đầu tiên hoạt động ở
Việt Nam là một bước tiến trong sự đổi mới của đất nước Việt Nam, sau khi chủ
trương xã hội hóa giáo dục được ra đời vào cuối năm 2016.
Tháng 11/2016 Bộ luật giáo dục mới
trong đó có đưa ra chủ trương xã hội hóa giáo dục được Quốc hội Việt Nam thông
qua. Xã hội hóa giáo dục tức là cho phép các tổ chức tư nhân được phép tham gia
vào thành lập các cơ sở giáo dục.
Sự vui mừng
Việc Trường Cao đẳng Hòa Bình
Xuân lộc do Giáo hội Công giáo quản lý được chính thức hoạt động là một tin vui
cho nhiều giáo dân Công giáo Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Viện, một giáo dân
sống tại Sài Gòn cho chúng tôi biết:
“Đối với tôi là một cái tin rất lạ,
một cái tin rất đáng mừng. Bởi vì đây là lần đầu tiên một trường Công giáo mới
chính thức được cho phép hoạt động. Trong cái chính sách gọi là xã hội hóa giáo
dục, một trường tư nhân như vầy thì không phải là mới, nhưng với một trường Công
giáo thì phải nói rằng đó là một bước tiến rõ rệt trong chính sách của nhà nước,
có thể tạm gọi là đột phá.”
Ông Nguyễn Viện nhấn mạnh khía cạnh
trường tư thục Công giáo, vì theo ông người ta vẫn nhìn chủ nghĩa Cộng sản và đạo
Công giáo là hai quan điểm rất xa nhau về con người, và về việc xây dựng một xã
hội, do đó việc một trường Công giáo hoạt động trong lòng một xã hội vẫn do Đảng
Cộng sản cai trị là một điều rất đáng chú ý.
Một nhà giáo, đồng thời cũng là
người Công giáo là Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cũng chia sẻ sự vui mừng đó:
“Tôi thấy là mừng, vì tôi tin rằng nếu Công
giáo làm giáo dục thì trước đến giờ, ở nhiều nơi, họ làm tốt. Tôi biết là giới
Công giáo cũng rất là muốn trở lại hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, và đã có
nhiều sự vận động chính thức cũng như là không chính thức để được hoạt động.”
Việc vận động cho một cơ sở giáo
dục của Giáo hội Công giáo đã trải qua thời gian rất lâu dài.
Trong bức thư của Linh mục Giuse
Nguyễn Văn Uy gửi cho chúng tôi, ông kể rằng việc vận động thành lập một trung
tâm dạy nghề đã bắt đầu từ năm 2004, với sự giúp đỡ của ông Phạm Thế Duyệt, lúc
đó là Chủ tịch Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc, và từng là ủy viên Bộ chính
trị của Đảng Cộng sản.
Giáo phận Xuân Lộc đã được phép
thành lập trường dạy nghề 4 năm sau đó. Và năm 2017 các linh mục ở Xuân Lộc nhận
được giấy phép nâng cấp trường trung cấp dạy nghề lên thành trường cao đẳng.
Vào năm 2014, Đức Tổng Giám mục
Giáo phận Sài Gòn, Phao Lô Bùi Văn Đọc cũng đã từng đề cập đến ý tưởng xây dựng
một đại học Công giáo đầu tiên tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, Đức Cha Nguyễn
Thái Hợp ở Giáo phận Vinh có nói với chúng tôi rằng vào đầu năm 2013, một số
nhân vật cao cấp trong Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho việc thiết lập các cơ sở
giáo dục của Công giáo, nhưng không hiểu vì sao vẫn không được thực hiện.
Bà Vũ Thị Phương Anh nói rằng bà
không biết tại sao lại như thế.
Cho đến nay, chỉ có Trường Cao đẳng
Hòa Bình Xuân Lộc là cơ sở giáo dục cao đẳng và đại học đầu tiên do một tôn
giáo quản lý được chính thức hoạt động.
Sự nghi ngại
Cũng có những sự nghi ngại đối với
thiện chí của Đảng Cộng sản về việc cho phép tôn giáo hoạt động giáo dục:
Linh mục Phan Văn Lợi sống tại Huế
nói với chúng tôi:
“Phải nói đây là một sự cố gắng của
giáo phận Xuân lộc, để nâng đỡ cho học sinh nghèo. Đấy là một công việc bác ái
rất có ý nghĩa. Nhưng điều đó cũng chưa nói lên rằng nhà nước này họ có một sự
cởi mở phóng khoáng về vấn đề giáo dục.”
Một trong những điều tạo nên sự
nghi ngại đó của Linh mục Phan Văn Lợi là việc bắt buộc dạy chủ nghĩa Mác Lê
Nin trong các trường Việt Nam từ Trung cấp trở lên.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy xác
nhận với chúng tôi rằng trong Bộ luật giáo dục hiện hành của Việt Nam, các môn
giáo dục chính trị là bắt buộc trong năm học đầu tiên.
Chủ nghĩa Mác Lê Nin là nền tảng
tư tưởng duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ nghĩa này chủ trương vô thần,
không tin vào các niềm tin tôn giáo, cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân
dân, như ý kiến của một nhà triết học Đức vào các thể kỷ 18-19.
Việc bắt buộc dạy chủ nghĩa Mác
Lê không những đối với các cơ sở giáo dục đa ngành bình thường mà còn cả đối với
các trường hoàn toàn mang tính tôn giáo của các tôn giáo khác nhau.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói với
chúng tôi:
“Bây giờ làm sao được, thông tin
mà tôi trao đổi trực tiếp với một linh mục đang dạy cho học viện Đa Minh, đào tạo
thần học cho chủng sinh, là vẫn phải mời những người của nhà nước đến dạy Mác
Lê Nin.”
Trong chương trình của Học viện
Phật giáo Việt Nam, nơi đào tạo các tăng sư, cũng có môn học về chủ nghĩa Mác
Lê Nin.
Vào cuối năm 2016, người ta cũng
đã từng bàn tán xôn xao về việc phải thi môn Mác Lê Nin để được học thạc sĩ về
Phật giáo tại Học viện Phật giáo này.
Hòa thượng Thích Không Tánh trụ
trì Chùa Liên Trì ở Sài Gòn nói rằng Học viện Phật giáo Việt Nam là một tổ chức
tôn giáo trực thuộc nhà nước thì đương nhiên họ phải giảng dạy và thi tuyển môn
Mác-Lênin.
Linh mục Phan Văn Lợi bình luận về
việc bắt buộc này:
“Đây có thể nói là một chuyện
thâm căn cố đế của những người đang quản lý đất nước. Họ dùng nó để làm gì? Họ
dùng cái đó để nhồi sọ, để cho thấy rằng họ đang nắm được, có quyền trên đầu
óc, tư tưởng của mọi người dân Việt Nam, các học sinh sinh viên, dù rằng họ biết
rằng bây giờ học sinh sinh viên chẳng ai them học cái đó nữa, nhưng họ vẫn bắt
buộc.”
Tuy nhiên nhà văn Nguyễn Viện lại
có góc nhìn lạc quan hơn, sau khi theo dõi sự kiện Trường Cao đẳng Hòa bình
Xuân Lộc của Giáo hội Công giáo được ra đời:
“Bên cạnh chủ nghĩa Mác Lê đó,
thì tại Trường Cao đẳng Hòa bình Xuân lộc mà tôi có tìm hiểu, thì học sinh ở
đây vẫn được giáo dục theo tin thần riêng của người Công giáo. Cụ thể là họ phải
học giáo lý vào những ngày cuối tuần, buổi sáng thì đi dự thánh lễ Mi Sa, buổi
tối thì đọc kinh, chầu thánh thể. Như vậy thì cái tinh thần tôn giáo Công giáo
của trường vẫn được đề cao một cách tuyệt đối.”
Bình luận về chủ trương xã hội
hóa giáo dục của nhà nước Việt Nam, cũng như việc tự do hóa nền kinh tế cách
đây hơn 30 năm, nhà văn Nguyễn Viện nói:
“Ngay tính chất xã hội hóa cũng
có một phần nào đó đa nguyên rồi, ít nhất là đa nguyên về mặt kinh tế, nhưng
còn đa nguyên về tư tưởng thì chưa cho phép. Nhưng với sự xuất hiện của một trường
Công giáo này thì mình có thể nhìn ở một góc độ khác, là đã có sự xuất hiện của
sự đa nguyên về tư tưởng.”
Đa nguyên có nghĩa là chấp nhận
những ý kiến, những nguồn gốc khác nhau trong một xã hội.
Nhà văn Nguyễn Viện cho rằng sự
đa nguyên về kinh tế, về giáo dục, và về chính trị nữa, là những điều cần phải
làm cho tương lai của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét