FB Đỗ Duy Ngọc
Quốc hội, chính phủ, các bộ trưởng và khá nhiều quan chức Việt Nam đang ủng hộ việc cho thuê đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc với thời gian 99 năm. Với tư cách công dân chưa hề phạm pháp, đóng thuế đầy đủ, tôi cực lực phản đối quyết định này.
Trước hết, phải nhắc lại rằng hình thức đặc khu kinh tế đã lỗi thời, ngày nay nó không còn là động lực thúc đẩy kinh tế nữa mà lại mang nhiều nguy hiểm cho chủ quyền của các nước áp dụng hình thức này. Các tập đoàn lớn của các cường quốc kinh tế không còn mặn mòi với các đặc khu của các nước chậm hoặc đang phát triển. Trên thế giới hiện nay, Trung quốc vẫn là nước rất tích cực hình thái này. Bởi mục đích của họ không chỉ thuần tuý kinh tế mà trong đó ngấm ngầm âm mưu chính trị.
Trung quốc đẻ ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD, cho các nước vay hoặc giúp các nước muốn phát triển. Họ cho vay những khoản tiền lớn để các nước xây dựng hạ tầng. Họ thường chọn những nước nằm trong chiến lược, âm mưu của họ. Các nước được cho vay hoặc giúp đỡ sẽ không có khả năng chi trả, biến thành con nợ và từ đó chịu sự chi phối mọi mặt của Trung quốc.
Đó là kiểu gài bẫy bằng tiền mà Trung quốc đang áp dụng. Thủ đoạn của họ là làm cho kẻ mắc nợ trở thành đồng minh của mình hoặc xâm lăng lãnh thổ hoặc xâm lược bằng cách di dân. Khi những cơ sở, công trình xây dựng mà các nước không có khả năng chi trả, họ thuê lại hoạt động và ồ ạt đưa công dân của họ sang. Từ đó lập thành làng, thành khu vực của người Hoa trên lãnh thổ nước khác. Bài học của các nước Phi châu còn rành rành ra đấy.
Sri Lanka cũng là nước đã bị dính vào chiếc bẫy này khi vay Trung Quốc 8 tỷ USD đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và không đủ khả năng trả nợ, đã phải chấp nhận cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota 99 năm. Và Trung quốc đã mang sang hàng nghìn công nhân để hoạt động ở cảng này. Thời gian đầu có thể cảng hoạt động thương mại, nhưng dần dần biến thành một cảng quân sự phục vụ cho chiến tranh cũng là điều có thể xảy ra.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã vạch rõ sự xâm lăng của Trung quốc:”Thế nào gọi là xâm lăng? Đó là khi quốc gia đi kiểm soát một quốc gia khác, điều đó gọi là xâm lăng. Xâm lăng có thể bằng hình thức chiến tranh, nhưng ở đây, người ta dùng tiền. Họ có tiền. Họ có điều kiện để đầu tư, để mua bất động sản, mua đất đai và xây nhiều thành phố cho họ ngay tại Malaysia. Cho nên, những kiểu đầu tư như vậy chính là một cuộc xâm lăng, một kiểu thuộc địa hóa.”
Ngoài việc cho chính phủ các nước vay để phát triển, Trung quốc còn cho một số công ty hoặc dựng lên các tập đoàn do người bản xứ đứng tên, Trung quốc thông qua các ngân hàng của họ cho các công ty, tập đoàn đó vay những khoản tiền lớn để xây dựng những công trình ở những vị trí chiến lược nằm trong âm mưu của họ. Sau đó, đến lúc các tập đoàn không có khả năng thanh toán, họ siết nợ bằng cách thâu tóm các công trình, họ thành công trong bước xâm lăng không tiếng súng. Các tập đoàn của quốc gia đó trở thành cầu nối cho sự xâm lược.
Họ có thể cho vay để xây dựng những dự án chiến lược như cảng biển, sân bay, cầu cống với những món nợ khổng lồ hàng tỷ USD từ Trung Quốc. Đến khi món nợ quá lớn không thanh toán nổi, họ đành phải cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê, và khi đó, Trung quốc trở thành kẻ điều khiển và thống trị các cơ sở có tính chiến lược quốc gia đó.
Trung quốc không chỉ dùng tiền gài bẫy để xâm lăng lãnh thổ của nước khác, họ còn dùng tiền để mua chuộc các nước lá phiếu chính trị khi cần thiết trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế “Bắc Kinh sử dụng các dự án hạ tầng trên Biển Đông để phá vỡ bất kỳ sự phản đối nào đối với tham vọng của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp này. Nhiều khoản nợ được Trung Quốc cấp dưới sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc với mục tiêu được họ khẳng định là giúp các nước phát triển cảng biển, đường sắt và các hạ tầng khác trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Những khoản nợ dưới sáng kiến này cùng với những khoản cho vay phát triển khác của Trung Quốc có hình thức rất khác so với những chương trình trước đây của Mỹ như Kế hoạch Marshall. Kế hoạch Marshall chủ yếu là các khoản vay, còn Trung Quốc cho vay tiền nhưng muốn nhận lại điều gì đó. Và do quan hệ giữa nhà nước với các công ty sở hữu nhà nước của Trung Quốc nên họ có thể nhận lại những thứ không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn mang bản chất chiến lược… như phủ quyết trong ASEAN hoặc một lá phiếu ở Liên hợp quốc.” (Học giả Gabrielle Chefitz)
“Trung Quốc khuyến khích sự phụ thuộc bằng các hợp đồng mập mờ, cho vay kiểu săn mồi và các thỏa thuận tham nhũng; đẩy các nước sa lầy vào nợ nần và hạ thấp chủ quyền, từ bỏ tăng trưởng bền vững và dài hạn”.
Một chiến lược khác nữa của Trung quốc là tham gia vào các khu kinh tế hoặc tham dự các dự án bất động sản. Bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng những khu nhà ở khổng lồ có thể lên đến hàng trăm ngàn người sinh sống. Những căn hộ đó sẽ được người Trung quốc mua và đến ở hợp pháp, cũng là một hình thức di dân. Ở Việt Nam gần đây đã thấy hiện tượng nhiều cá nhân, công ty Trung quốc ồ ạt mua nhà, căn hộ của các dự án bất động sản ở các thành phố lớn Việt Nam, tất cả cũng nằm trong âm mưu này. Ngay tại Sài Gòn, những khu đất đẹp nhất, những vùng có tính chiến lược nhất cũng đã nằm trong tay những tay buôn đất Trung quốc thông qua một doanh nghiệp Việt Nam.
Ở Malaysia đã từng có một dự án đầu tư trị giá $100 tỷ của Trung Quốc để xây lên một thành phố mới trên những đảo nhân tạo thuộc tiểu bang Johor của Malaysia, nằm gần biên giới với Singapore. Mục đích của dự án là tạo ra nơi ở cho 700,000 người, và rất nhiều căn hộ ở đây đang được bán cho người mua Trung Quốc. Tiến sĩ Mahathir Mohamad đã phê phán gay gắt dự án này: “Không quốc gia nào trên thế giới lại muốn có sự di dân ồ ạt như vậy. Người ta chỉ muốn chào đón khách du lịch, chào đón việc đầu tư có hiệu quả cho quốc gia. Nhưng đến đây và sống luôn ở đây thì chúng tôi không chào đón chuyện đó, hay bất cứ quốc gia nào khác cũng thế thôi, tôi tin chắc là vậy. Nếu Anh quốc hay Úc đồng ý nhận 3 triệu người Trung Quốc một lúc, tôi nghĩ người ta sẽ phản đối gay gắt.”
Trở lại bới ba đặc khu đang bàn cãi ở Việt Nam, những nhận định nêu trên cho chúng ta rút ra một bài học để cân nhắc trước khi quá muộn. Chắc chắn một điều, khi các đặc khu này mở cửa, khách hàng đông nhất và nhiệt tình nhất vẫn là Trung quốc, bởi đây nằm trong chiến lược của họ, là tham vọng của họ. Với 1 nghìn tỷ USD của “Một vành đai, một con đường”, họ sẽ chi phối thành công và thực hiện trót lọt những âm mưu của họ.
99 năm, một thế kỷ, ít nhất là ba hay bốn thế hệ sẽ sinh ra trong các đặc khu đó, con số sẽ lên hàng chục triệu cư dân. Thế hệ chúng ta sẽ không còn, con cháu chúng ta sẽ đối phó ra sao với những hiệp ước, những hợp đồng, những cam kết mà cha ông chúng, tức là chúng ta sẽ ký hôm nay. Chúng ta sẽ can tội làm mất nước mà chẳng có cuộc đấu tranh nào. Lịch sử sẽ lên án chúng ta, con cháu sẽ nguyền rủa chúng ta. Hãy dừng lại trước khi quá muộn. Chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc , những thủ đoạn nham hiểm của chúng, những âm mưu thôn tính của chúng đã gài sẵn, chờ con mồi sa bẫy. Chúng ta hãy cảnh giác. Đừng trở thành tội đồ của lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét