Nhiều đại biểu quốc hội Việt Nam đề nghị chưa thông qua luật về đặc khu
kinh tế
Nhiều người ở Việt Nam gần một tuần
nay lên tiếng kêu gọi quốc hội cân nhắc thêm, đừng vội thông qua luật về đặc
khu kinh tế, trong đó có điều khoản giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài tới gần
1 thế kỷ. Đã có người cảnh báo một điều luật
như vậy có thể dẫn đến nguy cơ Vân Đồn, một đảo của Việt Nam gần Trung Quốc, bị
biến thành một Crimea thứ hai.
Các ý kiến đó của nhiều thành phần
nhân dân đã nổi lên sau hai phiên thảo luận của quốc hội hôm 23 và 28/5 về dự
luật do chính phủ trình, có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc
biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Chính phủ Việt Nam dự định lập 3
đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên
Giang ở miền nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh
tế.
Báo chí trong nước dẫn lại thông
tin từ chính phủ cho hay dự luật đặc khu chứa đựng các chính sách đặc biệt về
nhiều ưu đãi thuế, thủ tục hành chính thông thoáng và cho thuê đất dài hạn hơn.
Một số quan chức chính phủ nói với
quốc hội và báo chí rằng việc lập 3 đặc khu là một bước “thử nghiệm” các thể chế,
chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư
nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh
doanh sòng bạc (casino).
Giới hoạch định chính sách bày tỏ
hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó
tạo “tác động lan tỏa, tích cực” tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam
nói chung, theo các báo.
Tại quốc hội, điều khoản về giao
đất 99 năm trong dự luật đặc khu đã gây nhiều lo lắng cho các đại biểu.
Các đại biểu Dương Trung Quốc, Trần
Hoàng Ngân, Trương Trọng Nghĩa, và Lê Thu Hà được báo chí trích lời đưa ra quan
điểm rằng không nên cho thuê đất đến gần 1 thế kỷ, thậm chí nên bỏ điều khoản
này ra khỏi dự luật.
Ông Dương Trung Quốc lưu ý đến yếu
tố địa chính trị của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, và cảnh báo “không cẩn thận
nó sẽ là nơi để [Trung Quốc] di dân thôi”, theo tin đăng trên VTC News và báo Đất
Việt.
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhìn từ trên cao
Tuy các đặc khu kinh tế với ưu
đãi về đất đai không phải là một mô hình mới, với thực tế là đã nhiều nước trên
thế giới thực hiện các đại dự án kiểu như vậy, song tính nhạy cảm về vấn đề này
ở Việt Nam có phần nguyên nhân ở những nghi ngại của người Việt về những động
thái của Trung Quốc trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Tiến sĩ Trần Công Trục,
nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, giải thích với VOA:
“Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng
rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở
thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá
trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ,
đặc biệt trên Biển Đông”.
Sau khi các ý kiến của các đại biểu
quốc hội được báo chí đăng tải, trong nhiều ngày liên tiếp, đông đảo dư luận Việt
Nam, bao gồm các thành phần đa dạng như các nhà báo kỳ cựu, giảng viên đại học,
quan chức về hưu và các nhà hoạt động, cũng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội phản
đối dự thảo về giao đất lâu gấp rưỡi thời hạn theo luật hiện hành.
Trong một bài đăng trên Facebook
cá nhân được nhiều người chia sẻ, cũng như được trang mạng có tên Báo Tiếng Dân
đăng lại, tiến sĩ Võ Trí Hảo nói ông quan ngại nhất về nguy cơ đối với Vân Đồn
do đảo này có “giá trị quốc phòng” đối với Trung Quốc.
Vị tiến sĩ nhắc lại đặc điểm của
hòn đảo là “cận kề Trung Quốc, có lịch sử sinh sống của người Trung Quốc trước
năm 1979”, thời điểm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trở nên thù địch do nổ ra cuộc
chiến biên giới giữa hai nước.
Dẫn lại cảnh báo của đại biểu quốc
hội về khả năng người Trung Quốc lợi dụng đặc khu kinh tế Việt Nam để di dân,
ông Hảo khái quát về một viễn cảnh đáng lo ngại là những di dân có thể “tạo bất
ổn chính trị, kiếm cớ biểu quyết ly khai” rồi “xin gia nhập Trung Quốc” theo kịch
bản Crimea.
Bán đảo Crimea từng thuộc về
Ukraine, nhưng bị Nga sáp nhập năm 2014 với lý do đa số kiều dân Nga trên bán đảo
bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp tách ra khỏi Ukraine và
mong muốn được Nga bảo vệ lợi ích.
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính
phủ Trần Công Trục nhìn nhận đây là một nguy cơ, vì vậy chính sách về Vân Đồn
phải tính đến các biện pháp ngăn ngừa:
“Vân Đồn gần Trung Quốc cho nên vấn
đề an ninh quốc phòng là vấn đề đặt ra. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm
nghiên cứu, đề ra các phương án để giảm thiểu tối đa những nguy cơ mà trong thực
tiễn quốc tế đã từng xảy ra. Thậm chí là anh có những hạn chế đối với những đối
tượng cảm thấy rằng nó có nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền đất nước”.
Mặc dù xuất hiện nhiều ý kiến
trong quốc hội lẫn ngoài xã hội bày tỏ không ủng hộ, song theo bản tin hôm 28/5
của báo mạng VNExpress, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn đề nghị
“cho phép giữ nguyên quy định 99 năm” về cho thuê đất ở các đặc khu.
Dự kiến quốc hội sẽ biểu quyết về
dự luật đặc khu kinh tế vào ngày 15/6 tới đây.
Thông tin từ Bộ Tài chính Việt
Nam được báo chí dẫn lại cho hay nếu dự luật được thông qua, 3 đặc khu sẽ cần số
vốn đầu tư lên đến gần 1,6 triệu tỉ đồng, tương đương gần 69 tỉ đôla, trong đó
vốn ngân sách chiếm từ 50-59%, tùy từng đặc khu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét