Trụ sở hãng dầu khí Rosneft tại Nga. AFP
Giữa tháng 5/2018, Công ty dầu
khí của Nga là Rosneft lên tiếng lo ngại về sự đe dọa của Trung Quốc, vì công
ty này đang thăm dò dầu khí với Việt Nam nhưng tại một vị trí mà Trung Quốc bao
gồm vào tuyên bố chủ quyền đơn phương của mình trên Biển Đông.
Trước đó, cũng rơi vào một trường
hợp tương tự, Công ty dầu khí Tây Ban Nha là Repsol phải rút đi. Sau đây là phân tích của Giáo sư
Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ về vấn đề này.
Kính Hòa: Đã hơn một tuần sau khi
Rosneft lo lắng về sự đe dọa của Trung Quốc, không thấy có chuyện rút giàn
khoan như Repsol. Có thể là sự hậu thuẫn của nhà nước Nga có sức mạnh hơn
chăng?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Đúng là
Rosneft có hậu thuẩn của nhà nước Nga, nhưng chính phủ Nga chưa có tuyên bố gì
về việc nầy. Rosneft cũng chưa lên tiếng, vì dẫu Rosneft có muốn rút giàn khoan
đi nữa thì khó có thể tự mình làm được nếu không được chính phủ Nga và chính phủ
Việt Nam đồng ý.
Có nhiều lý do, nhưng một trong
những lý do chính là đã có ký kết giữa chính phủ Nga và chính phủ Việt Nam về
việc hai bên bảo vệ những công ty dầu khí Nga hoạt động trong lãnh hải của Việt
Nam. Chính Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên
bố như thế vào ngày 4 tháng tư năm 2015.
Hai vị thủ tướng nầy cũng đã đồng ý và tuyên bố rằng những tranh chấp ở
Biển Đông phải được giải quyết một cách hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật quốc
tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Sau đó thì phán
quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) vào
tháng 7 năm 2016 nêu rõ rằng Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và luật pháp ở
Biển Đông cho nên đường lưỡi bò của Trung Quốc là phi pháp. Nay nếu Rosneft có
muốn rút giàn khoan ra khỏi khu vực trong thêm lục địa của Việt Nam trước sự đe
doạ của Trung Quốc thì chính phủ Nga và chính phủ Việt Nam khó có thể bằng lòng
vì để cho Rosneft làm như thế thì khác gì chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc
và gián tiếp phủ nhận UNCLOS, phán quyết của PCA và hiệp định giữa Việt Nam và
Nga về bảo vệ các công ty dầu khí của Nga như đã đề cập đến ở trên.
Thêm vào đó thì chính phủ Nga gần
đây lại muốn có mặt ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nói chung, và khu vực
Đông Nam Á, nói riêng. Ở toàn bộ khu vực nầy nước thân nhất với Nga từ trước đến
nay là Việt Nam. Nếu vì lợi ích thương mại hay chiến lược với Trung Quốc gần
đây mà Nga để cho Rosneft rút giàn khoan trước sự đe doạ của Trung Quốc thì Nga
không những làm mất tin tưởng đối với Việt Nam mà cũng làm mất cơ hội cho việc
cải thiện bang giao với các nước khác trong khu vực.
Riêng về Rosneft thì đây là công
ty dầu khí lớn nhất thế giới, cho nên có quan hệ với rất nhiều hãng dầu trên thế
giới, ví dụ như British Petroleum có 19.75% cổ phần của Rosneft, cũng như có cơ
sở khai thác dầu ở nhiều nước trên thế giới. Riêng trong nước Nga thì Rosneft sản
xuất hơn 40% tổng lượng dầu, khoảng 4,200 nghìn thùng/barrels mỗi ngày. Năm
2013 Rosneft sản xuất khoảng 40 tỷ mét khối khí, và là công ty sản xuất khí lớn
thứ 3 ở Nga. Ở Việt Nam đầu tư của Rosneft là khoảng 1,3 tỷ Mỹ kim ở vùng Nam
Côn Sơn vào cuối năm 2013 và năm 2014 sản xuất gần 4 tỷ mét khối khí và 880
nghìn thùng dầu. Nhưng vì vấn đề Ukraine nên Mỹ và các nước EU đã cấm vận một số
công ty dầu của Nga, trong đó có Rosneft, là không được vay nợ bằng Mỹ kim qua
thị trường chứng khoán của Mỹ hay mua trái phiếu của Mỹ. Để có vốn sản xuất
Rosneft năm 2013 đã bắt đầu ký hợp đồng bán dầu lấy tiền trước khoảng 60 đến 70
tỷ Mỹ kim cho Trung Quốc. Có thể vì lý do nầy mà Trung Quốc đe doạ việc Rosneft
khoan dầu ở Việt Nam để bắt bí Rosneft cũng như để nắn gân Nga trong giai đoạn
Nga đang lấn cấn với Mỹ.
Nhưng đánh giá của tôi thì chính
phủ Nga sẽ im lặng làm như không có gì. Trong khi đó thì Trung Quốc sẽ không
dám quyết liệt đối với Rosneft nếu Việt Nam lên tiếng mạnh và cảnh báo với dư
luận quốc tế.
Kính Hòa: Từ phân tích này thì có
thể đặt câu hỏi là liệu VN có thể dùng nước Nga như một sự răn đe và cân bằng với
Trung Quốc ơ Biển Đông ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Việt Nam
không thể dùng nước Nga để răn đe hay cân bằng Trung Quốc ở Biển Đông vì, nếu
Nga có muốn đi nữa, thì cũng “nước xa, lửa gần.” Nhưng Việt Nam có thể làm cho
Nga không thể ngã về phía Trung Quốc bằng cách công khai và cương quyết dựa vào
luật pháp và quan hệ quốc tế, trong đó có Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc và các nước
trong khối ASEAN.
Kính Hòa: Vừa qua có đại biểu quốc
hội VN nói rằng kinh tế VN không phụ thuộc vào dầu thô. Điều này đúng không?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Tôi không
hiểu các ông đại biểu Quốc hội Việt Nam nầy lấy số thống kê ở đâu, hay tính
toán như thế nào, mà nói rằng kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào dầu thô.
Hàng năm sản xuất dầu ở Việt Nam trị giá bằng 20% GDP (tổng thu nhập quốc gia)
và khoảng 30% toàn bộ ngân sách của chính phủ. Theo số liệu của Tổng Cục Thống
Kê thì năm 2014 khi Công ty dầu quốc gia
ngoài khơi của Trung Quốc (Chinese National Offshore Oil Corp., CNOOC) đem giàn
khoan đến khu vực đảo Tri Tôn thì Việt Nam sản xuất gần 16 triệu tấn. Đến năm
2017, vì bất ổn ở Biển Đông, sản xuất ở Việt Nam tụt xuống còn 13,567 triệu tấn,
và đã gây khó khăn cho nền kinh tế cũng như đã bắt buộc chính phủ tăng giá xăng
và thuế xăng. Do đó, Việt Nam cần phải hợp tác với các công ty dầu nước ngoài,
trong đó có Rosneft, để bảo đảm việc sản xuất dầu hầu bảo vệ an ninh cho nền
kinh tế và cho xã hội.
Riêng về khí cuối năm 2016 Công ty Dầu Khí Việt Nam đã sản
xuất hơn 100 tỷ mét khối khí. Khí đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất điện ở
Việt Nam vì 30% điện lực ở Việt Nam là do dùng khí đốt. Trong khi đó thì khí
cũng dùng trong việc chế tạo 70% tổng số phân bón sử dụng trong nước. Chỉ nói
riêng về khí đốt thì việc sản xuất điện lực và phân bón đã góp phần không nhỏ
cho nền kinh tế Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét