Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

6032 - Hiệp sĩ Tây – Hiệp sĩ Ta


"Người nhện" Mamoudou Gassama một em bé tại Pháp (trái); hiện trường nơi 'hiệp sĩ đường phố' bị đâm chết ở Sài Gòn đêm 13-5-2018.

Ngày 26/5 vừa qua, một câu chuyện đã được dư luận và báo chí Pháp quan tâm. Việc của Mamoudou Gassama.
Anh Mamoudou đang đi trên đường phố Paris thì thấy một em bé đang đeo toòng teng ngoài ban công tầng 4, em đang được một người hàng xóm giữ cho khỏi rớt. Anh ta đã vội leo lên và cứu được em bé trong tiếng hoan hô của mọi người. Ai cũng ca ngợi lòng dũng cảm, và cuộc đời anh đã thực sự thay đổi. Vốn là một thanh niên da đen gốc Mali đang sống trong tình trạng bất hợp pháp, trong những ngày tới anh sẽ được hợp thức hóa và nhiều nơi hứa giúp việc làm. Anh Mamadou được mọi ưu ái đặt cho cái tên là Spiderman, tức Người Nhện.
Tại Sàigòn trước đó 2 tuần, phát giác ra kẻ gian đang ăn trộm xe máy, một số “hiệp sĩ đường phố” đã truy đuổi, những tên trộm hung hãn quay lại rút hung khí ra sát hại 3 người trong số họ. Vụ việc xảy ra ngay trung tâm đông người và chỉ cách trụ sở công an phường vài chục mét.
Hai sự việc không hoàn toàn giống nhau, nhưng có điểm chung là chính người dân tham gia vào việc chung của xã hội là giúp đỡ người đang gặp khó khăn, nhưng một đàng kết thúc gọi là “có hậu”, ngược lại đàng kia kết thúc trong bi thảm và đánh dấu nhiều điều “độc nhất vô nhị” trên thế giới.
Trước tiên, không ai phủ nhận tinh thần hy sinh và dũng cảm của các hiệp sĩ. Rất đông người dân đã đến viếng tang và tiễn đưa họ. Điều chúng tôi muốn nêu ra ở đâu là sự khác biệt giữa một thể chế vẫn mệnh danh là ưu việt và bên kia “kém ưu việt” hơn, và tôi cũng chỉ giới hạn trong chuyện cướp giật đường phố.
Điều ai cũng nhận ra rằng, hình thức hiệp sĩ không thể tồn tại được một cách chính danh như một lực lượng an ninh. Việc này là của cảnh sát, công an. Các hình thức hiệp sĩ chỉ có thể hành động một cách đột xuất và dĩ nhiên là không được vũ trang. Vậy mà Tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc công an (CA) Sàigòn đã nói: “Các nhóm (hiệp sĩ) phải được quy hoạch để ổn định lâu dài.” Ôi trời, lực lượng CA xấp xỉ 800 ngàn cộng thêm lực lượng dân phòng, tất cả được chỉ huy bởi hơn 200 ông tướng để đâu? Cũng trong buổi họp báo này, Tướng Minh đã phát biểu một câu đi vào lịch sử: “Chừng nào chúng ta tiến lên chủ nghĩa cộng sản thì mới nghĩ tới chuyện loại trừ tội phạm được.” Nghe lo quá, vì theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì, “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” Chưa hết! trước đó Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng phán: “Cho rằng cần trang bị áo giáp cho các hiệp sĩ.” Ôi trời, hết ý. “Công an VN giỏi nhất thế giới” đi đâu hết rồi?!
Ngay trên tờ VNExpress, tờ báo mạng đông độc giả hàng đầu cũng cho đăng tải các ý kiến của các ngoại kiều sinh sống tại VN, các việt kiều về thăm quê nhà, ai ai cũng ngạc nhiên với mô hình “hiệp sĩ tay không bắt cướp” chỉ hiện hữu ở VN. Nói chung dư luận đặt câu hỏi rất lớn về hiệu năng của lực lượng công an.
Sự việc hiệp sĩ này khẳng định lại một điều rằng tình trạng an ninh càng lúc càng tệ, gần đây nhất là một nhân viên lãnh sự Nga tại Sàigòn bị giật bóp ngay trước cổng Tổng lãnh sự. Trước đó không lâu, hình ảnh bà du khách Ai Cập bị giật bóp ngồi khóc trên đường phố Sàigòn lan truyền đầy trên mạng. Nạn cướp giật ở Sàigòn đã được nêu trong báo cáo năm của Hội đồng Tư vấn an ninh nước ngoài (OSAC) thuộc Cục An ninh Ngoại giao Mỹ với nhiều quan ngại. Khi còn ở VN, tôi muốn độn thổ khi thấy bảng thông báo của Tổng lãnh sự Pháp cảnh giác công dân của họ khi đi du lịch VN. Dĩ nhiên, cảnh này ở đâu cũng có, nhưng ở VN càng lúc càng nhiều.
Tuy nhiên cái điều khác biệt lớn nhất là cung cách đối xử của chính phủ Pháp đối với anh Mamoudou Gassama. Ngay sau khi cứu được em bé, Bộ trưởng nội vụ, Thị trưởng Paris đã hết lòng ca ngợi và hai ngày sau anh được Tổng thống Macron tiếp đón ngay trong điện Élysée. 24 tiếng đồng hồ sau đó, đang từ một người sống bất hợp pháp, Mamoudou được nhận thẻ cư trú và tiến trình nhập tịch Pháp sẽ được xúc tiến nhanh chóng trước khi trở thành thành viên của đội lính chữa lửa Pháp. Nếu chúng ta biết rằng một doanh nhân VN đã bỏ ra 200 ngàn euros chỉ để “mua” quốc tịch Malta, thì đãi ngộ của chính quyền dành cho “Spiderman” quả là rất nhiều.
(Viết đến đây tôi chợt nghĩ, cách đây đúng 1 năm, nhà nước VN đã ngang nhiên tước quốc tịch VN của tôi mà không nêu lý do. Giá mà tôi có dịp thể hiện tài “người nhện” ở VN, biết đâu tôi được trả lại quốc tịch mẹ đẻ của mình).
Tôi không biết nhà nước VN có giúp đỡ gia đình hai hiệp sĩ quá cố không chứ ngay cả trên báo chí lề phải chẳng thấy nói năng gì. Có chăng là sự đóng góp của người dân. Còn chính quyền Đồng Nai và Đoàn Thanh niên cộng sản có đến truy tặng bằng khen và huy chương “vì tuổi trẻ dũng cảm” cho gia đình anh Nguyễn Hoàng Nam.
Nhắc đến ông Nguyễn Thiện Nhân, tôi còn nhớ hồi ông ấy làm xếp của mình (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), ông ta nổi tiếng với câu ví von “ngồi nhầm lớp”, ý chỉ sự bất cập trong công tác sư phạm. Bây giờ tôi thấy trong nước mình cái gì cũng nhầm cả. Bộ (Giáo) dục thì dậy nhầm, Bộ Y thì thuốc nhầm, Nông nghiệp thì thuốc trừ sâu. Bây giờ Bộ Công an cũng khoán việc “vì an ninh tổ quốc” cho hiệp sĩ đường phố. Nhưng cái lo ngại hơn cả là Bộ Quốc phòng khoán việc bảo vệ tổ quốc cho ngư dân.
Vụ Spiderman coi như kết thúc một cách tốt đẹp, tuyệt đại đa số người dân và các xu hướng chính trị Pháp đều hoan hỉ đón nhận một anh hùng trong khi cái chết của các hiệp sĩ đường phố lại chấm dứt không được êm ả và ngược lại, lại đặt ra nhiều uẩn khúc.
Cái khác nhau giữa hai chế độ “ưu việt” và “giãy chết” là chỗ đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét