VietTuSaiGon
Tuổi trẻ của con người đi qua rất nhanh, và dường như không có gì đáng nhớ, cho dù thành công và thất bại vẫn cứ diễn ra triền miên, nhưng dường như chưa bao giờ thấy buồn vì điều này, và mọi chuyện trôi đi như nó vốn. Nhưng ở tuổi tứ tuần, ngũ tuần, bất kì một chuyện nhỏ nào cũng đủ làm ta mất ngủ, ăn mất ngon, một câu xúc phạm nhẹ nhàng cũng đủ làm người ta suy nghĩ và đau đầu cả tuần. Có phải vì chúng ta đã đủ chín chắn, đủ suy tư nên đâm ra mọi chuyện trở nên “trầm trọng”?. Không, tôi không nghĩ là vậy, bởi hiện tại, cũng có rất nhiều bạn trẻ không còn trẻ như thế hệ trước, họ có thể cay cú, bực bội vì những chuyện rất ư nhỏ nhặt, cứ như một ông cụ.
Vì sao lại có chuyện thay đổi từ tuổi tác đến thế hệ như vậy? Xin thưa, chúng ta chưa bao giờ nhìn vào tâm thức của con người như một hồ nước. Một hồ nước sạch, không cặn bã thì cho dù chúng ta có khuấy bao nhiêu lần, có tạo sóng cho nó thì nó vẫn cứ trong veo. Ngược lại, một hồ nước chứa nhiều cặn bã thì chỉ cần khuấy động vài cái đã trở nên ngầu đục, tanh hôi. Tâm thức con người cũng vậy, lúc tuổi thơ, rồi tuổi trẻ, chúng ta là một hồ nước trong, qua thời gian, tuổi càng cao, chúng ta tích càng nhiều cặn bã cuộc đời, cho đến một ngày nào đó, chỉ cần một cú tác động nhẹ thì mọi cặn bã nổi lên, mà khoa học gọi là stress hay đại loại là vậy.
Có lẽ vì vậy mà tuổi càng cao, con người càng trở nên nhạy cảm với bất kì chuyện gì và sự khó tính cứ đến hành hạ chúng ta! Thế nhưng tuổi trẻ bây giờ, chúng chưa trải qua thời gian, chưa tích cặn bã cuộc đời, sao chúng cũng “nhạy cảm” và dễ nổi nóng, dễ cuồng sả?
Vấn đề này không đơn giản là qua thời gian nữa mà nó thuộc về thời đại và thế hệ. Và đặc biệt hơn nữa là mọi hành vi có tính máu lạnh, côn đồ hay tàn nhẫn lại trở nên nở rộ từ khi các phong trào dân chủ tại Việt Nam hình thành và nở rộ! Tôi xin nhấn mạnh là tôi không có ý đánh đồng Dân Chủ và sự Bất An Xã Hội trong một cơ chế hoạt động xã hội nào đó có tính tương quan hay nhân quả! Mà vấn đề tôi một nói đến ở đây chính là tội lỗi của chúng ta, của những người hiểu biết.
Chúng ta từng và đang thừa nhận với nhau rằng người Cộng sản vẫn chưa thoát khỏi man rợ, họ có đủ các yếu tố xấu xa của một con người xấu xa và cơ thể chính trị Cộng sản là một cơ thể bệnh hoạn. Điều này hoàn toàn đúng cho lịch sử và đúng cho cả hiện tại. Nhưng chúng ta cũng thử nhìn lại các hoạt động dân chủ của chúng ta là gì?
Đó là nếu nhà cầm quyền tổ chức ra những đội dư luận viên, những nhóm/trung đội/trung đoàn AK47 để chọc khuấy, để chửi các nhà hoạt động dân chủ. Thì ngược lại, các nhà hoạt động dân chủ cũng không tiếc lời mắng nhiếc, chửi lại họ. Nếu nhìn từ bên ngoài, cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam có thể bị hiểu nhầm (mà cũng có thể là hiểu đúng) rằng đã sa lầy vào một cuộc chửi vả chính trị nhằm bảo vệ chính kiến bên nào đúng, bên nào sai.
Và những thể hệ trẻ trong thế giới có tương tác với mạng xã hội, nếu họ không đủ bản lĩnh, sau khi quá ngán ngẫm, thất vọng với môi trường giáo dục, họ phải chứng kiến thêm cuộc chửi vả, tranh luận giữa các nhà dân chủ và các nhóm phản dân chủ từ phía nhà nước… Thật là tai họa cho họ! Họ đang thụ động đón nhận mọi cặn bã cuộc sống, xã hội do chính thế hệ đi trước, do giáo dục và do cả những cuộc giằng co dân chủ - phi dân chủ để lại. Hậu quả của nó là càng ngày, các hoạt động dân chủ tại Việt Nam càng sa lầy vào chửi vả, tranh luận gay gắt và hung hăng.
Nhưng, điều mà chúng ta cần nỗ lực để đi đến một xã hội dân chủ hoàn toàn không nằm trong tất cả những gì chúng ta đã làm và đang cố gắng làm. Bởi chúng ta chọn nhầm phương tiện ngay từ đầu.
Giáo sư Carl Thayer, cho rằng dân chủ không đến được với giới trung lưu Việt Nam nên Việt Nam khó có dân chủ. Nhưng đó là quan sát từ xa, tôi cho rằng dân chủ chưa bao giờ đến với cả giới nghèo khổ, người lao động có thu nhập thấp mặc dù người Việt Nam khát dân chủ còn hơn cả người đi qua sa mạc khát nước. Nhưng họ không thể chịu cảnh vừa bị chính quyền bóp ngạt, lợi dụng mọi thứ, lại vừa bị “các nhà dân chủ” dùng họ như một quân bài!
Thử nghĩ, vụ dùng cờ vàng ba sọc để biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường tại Nghệ An, cuối cùng, người biểu tình được gì? Họ bị nhà cầm quyền cho công an đến bắt bớ, uy hiếp, khủng bố tinh thần, khủng bố sức khỏe vì tội “phản động”. Trong khi đó, cái gọi là “thành tích dân chủ” chỉ có ở một nhóm người nào đó. Và kết cục của câu chuyện này chính là những người từng biểu tình cảm thấy họ bị lợi dụng, bị bỏ rơi và họ nhận lãnh mọi hậu quả. Và với cung cách làm việc như vậy, các nhà hoạt động dân chủ mang lại thứ gì cho người dân?
Đây chỉ mới là một đơn cử, một ví dụ nhỏ để tôi muốn nói đến một vấn đề khác, đó là suy cho cùng, dân chủ cần những cái máy hút cặn bã, thanh lọc cặn bã xã hội hơn là những cái máy khuấy dộng mặt nước, tạo sóng. Bởi cơ thể xã hội Việt Nam trải qua chiều dài lịch sử gần một thế kỉ nhận chịu cặn bã Cộng sản xã hội chủ nghĩa, chỉ cần khuấy nhẹ một chút thì mọi thứ trở nên ngầu đục. Một khi các nhà hoạt động dân chủ chọn tâm thế đối đầu, sẵn sàng đấu khẩu với các nhóm AK47 hoặc dư luận viên Cộng sản thì mọi việc nghe có vẻ như đang khuấy động nhiều hơn là thanh lọc cặn bã.
Và điều này dẫn đến hệ quả là các thế hệ sau càng lún sâu hơn vào thù hận, lằn ranh bên ta – bên địch ngày càng giãn rộng. Hay nói cách khác, các thế hệ nối tiếp đang thụ động nhận lãnh cặn bã của các thế hệ đi trước. Và không có gì nguy khốn cho dân tộc Việt, không có gì làm suy yếu dân tộc Việt hơn là sự thù hận và những thế hệ kế tiếp với tâm thức chứa đầy cặn bã tiền nhân!
Hơn bao giờ hết, xã hội Việt Nam cần có dân chủ, cần có một mô hình dân chủ cùng với một hệ thống các chỉ tiêu, qui chế, tiêu chí, mục tiêu, mục đích đậm tính dân chủ - nhân văn, dân tộc – khai phóng. Dân chủ không thể là một sới đấu, càng không thể là một chiếc bánh, mà dân chủ là một dưỡng chất cần thiết, tích tụ trong máu huyết dân tộc theo thời gian để cơ thể tự trưởng thành một cách lành mạnh.
Thiết nghĩ, hơn bao giờ hết, dân tộc Việt Nam, hay nói khác đi là cơ thể chính trị, sinh phận Việt Nam cần một sự tĩnh lặng cần thiết để rồi từ đó, có những cỗ máy thực hiện đúng chức năng loại bỏ cặn bã của nó. Bởi chúng ta đã khuấy động quá nhiều và càng khuấy động, dường như bùn và nước càng lẫn lộn đến mức chúng ta có thể chết ngộp trong cái ao tâm thức dân tộc bất kì giờ nào! Đã đến lúc chúng ta tĩnh lặng. Bởi tĩnh lặng là một công việc khó nhất và tối thiết trong lúc này. Và tôi cũng xin nhấn mạnh, tĩnh lặng không có nghĩa là ngồi bó gối hoặc yếm thế, bởi đó là những khái niệm hoàn toàn xa lạ với tĩnh lặng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét