Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

5974 - Những cơn sóng trào (tiếp theo và hết)

Nguyễn Vũ Bình

III/ Vụ việc hai “hiệp sĩ” bị đâm tử vong
     Theo thông tin từ báo chí, khoảng 20h ngày 13/5, bốn thanh niên chạy xe Exciter lòng vòng nhiều tuyến đường khu vực quận 3, quận10 thành phố HCM. Đến một cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), nhóm này chia nhau canh chừng, áp sát chiếc SH của anh Phương dựng trước cửa hàng, phá khóa trộm xe.
     Đội hiệp sĩ Tân Bình gồm 5 người đeo bám theo nhóm trộm từ trước, phát hiện vụ việc liền tri hô "cướp, cướp" rồi xông tới trấn áp. Nhóm trộm liền rút dao chống cự, đâm túi bụi vào 5 hiệp sĩ. Gây án xong chúng lên xe tháo chạy khỏi hiện trường. Các nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu nhưng hai hiệp sĩ tên Khôi và Nam đã tử vong. Ngoài ra còn có một người dân thường tham gia bắt cướp cũng bị đâm tử vong, hai hiệp sĩ khác trong nhóm cũng bị thương nặng nhưng đã qua cơn nguy kịch. Sau đó 3-4 ngày, công an Sài Gòn đã tung lực lượng truy bắt được hai hung thủ tham gia vào vụ trộm và gây án mạng tối ngày 13/5.
     Sự việc hai hiệp sĩ và một người dân thiệt mạng trong vụ bắt trộm, cướp đã làm người dân đau xót và đặt ra nhiều dấu hỏi về sự tồn tại và hoạt động của các nhóm hiệp sĩ ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Nhóm hiệp sĩ là những người dân bất bình trước tình trạng trộm cướp tràn lan, đã tự nguyện đứng ra lập thành hội, nhóm tham gia việc tìm hiểu, điều tra và ngăn chặn cũng như bắt giữ những kẻ trộm, cướp. Theo thông tin không chính thức, ở Sài Gòn có khoảng 300 nhóm hiệp sĩ. Khi sự cố xảy ra, tức là hai hiệp sĩ bị đâm chết tối 13/5, vấn đề về sự tồn tại và hoạt động của các nhóm hiệp sĩ được cộng đồng mạng và dư luận đưa ra phân tích, mổ xẻ. Tựu trung lại có một số vấn đề như sau.
     Tính chất pháp lý cho sự tồn tại và hoạt động của các nhóm hiệp sĩ. Việc ra đời và hoạt động của các nhóm hiệp sĩ hoàn toàn tự phát và chưa được đưa vào điều chỉnh trong các văn bản pháp luật. Tức là toàn bộ sự tồn tại và hoạt động của các nhóm hiệp sĩ chưa được pháp luật công nhận. Điều này cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề từ chức năng, nhiệm vụ cũng như quy định, quy chế hoạt động của các hội, nhóm này. Liên quan tới vấn đề pháp lý có ba vấn đề cần làm rõ.
     - Trường hợp các hiệp sĩ bị thương, bị chết trong quá trình tham gia truy bắt tội phạm sẽ xử lý ra sao? Hai hiệp sĩ vừa bị đâm chết đã được công nhận liệt sĩ nhưng không hề thấy cơ quan chức năng đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn việc xét liệt sĩ mà chỉ do sự thương cảm của dư luận mà có thể xét đặc cách liệt sĩ, còn những người bị thương thì sao? tiêu chuẩn, chế độ ra sao?
     - Trường hợp các hiệp sĩ lúc truy bắt tội phạm quá tay hoặc vô tình gây ra cái chết cho nghi phạm, sẽ dựa vào điều luật nào để xử lý, và xử lý ra sao? chưa có câu trả lời cho vấn đề này.
     - Trường hợp các hiệp sĩ, vì không có quy định về hoạt động, vi phạm pháp luật thông qua việc bắt trộm, cướp sẽ xử lý ra sao? ví dụ: đánh người, hạ nhục người…vv…
     Việc đào tạo nghiệp vụ, trang bị cho các hiệp sĩ hoạt động. Việc bắt trộm, cướp là việc nguy hiểm, khó khăn. Nếu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, võ thuật… không được trang bị công cụ cần thiết sẽ vô cùng nguy hiểm. Hai hiệp sĩ và một người dân thường bị đâm chết, hai người khác bị thương nặng là minh chứng cho sự nguy hiểm khi tham gia bắt trôm, cướp. Nếu không đào tạo và trang bị cho các hiệp sĩ, tại sao lại để họ làm những việc nguy hiểm như vậy? Ngoài ra, cũng cần hướng dẫn, có quy tắc ứng xử khi xử lý, bắt được các đối tượng trộm, cướp. Không thể cho phép các hiệp sĩ tự ý đánh người, tra tấn … vi phạm các quyền con người như hiện nay.
     Có hay không sự lợi dụng, bảo kê cho các nhóm hiệp sĩ. Cộng đồng mạng và dư luận đã đặt câu hỏi và tranh luận gay gắt về vấn đề này. Thông thường, trách nhiệm và nhiệm vụ của công an, cảnh sát là giữ gìn trật tự xã hội. Họ được huấn luyện, trang bị và nhận lương từ tiền thuế của dân để làm việc này. Tại sao lại để những nhóm người tự phát làm thay công việc của họ? Vụ việc vừa xảy ra đã chứng kiến một chi tiết, khi người dân tới yêu cầu công an gần nơi hiện trường can thiệp, họ được công an trả lời “khác phường em ơi”. Điều này gây phẫn nộ cho tất cả nhân dân về sự tắc trách, vô lương tâm của lực lượng công an. Cũng từ sự việc, một người biểu tình chống Formosa, là chị Dương Thị Tân (nick facebook là Hương Mùa Thu) ở Sài Gòn nhận ra một hiệp sĩ rất nổi trên mạng xã hội đã bắt và đánh đập, đe dọa giết cả nhà Chị. Việc này đưa tới nhận định rằng, các nhóm hiệp sĩ đã được sự bảo kê và bị công an, nhà cầm quyền lợi dụng trong các hoạt động của mình. Đồng thời trên mạng xã hội cũng đưa nhiều hình ảnh, video hiệp sĩ đánh người (người bị đánh có thể là trộm, cướp) vô cùng dã man, tàn bạo. Ai cho phép những hiệp sĩ làm những việc đó? Và khi có hình ảnh, có clip đánh người như vậy nhưng không bị xử lý là vì lý do gì?
     Cuối cùng là những trao đổi, tranh luận về việc có nên để tồn tại các nhóm hiệp sĩ ở Sài Gòn và một số tỉnh lân cận hay không? Với những phân tích về tính chất pháp lý, về sự nguy hiểm khi tham gia truy bắt trộm cướp khi không được đào tạo và trang bị, về những nghi vấn các nhóm hiệp sĩ được bảo kê và bị lợi dụng, chúng ta nghĩ rằng, mặc dù các nhóm hiệp sĩ đã làm được một số việc có ích cho cộng đồng vẫn không nên để tồn tại các nhóm hiệp sĩ như hiện nay. Trường hợp các nhóm hiệp sĩ vẫn muốn tồn tại, góp phần bảo vệ bình yên cho người dân, họ cần yêu cầu nhà cầm quyền thực hiện một số điều sau. Một là, làm rõ tính chất pháp lý của các hội, nhóm hiệp sĩ, có các quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của hiệp sĩ. Hai là, yêu cầu được huấn luyện và trang bị các công cụ hỗ trợ khi tham gia vào công việc bắt trộm, cướp nguy hiểm hiện nay. Ba là, các hiệp sĩ chỉ tham gia vào các công việc đúng chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của mình. Tuyệt đối không làm những việc không đúng chức năng, nhiệm vụ thậm chí còn gây ra sự phản cảm, tội ác như giúp nhà cầm quyền đàn áp người biểu tình, những người dân đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và xã hội.
     Những cơn sóng trào hết lớp này đến lớp khác ào ạt vỗ vào thành lũy độc tài cộng sản từng ngày, từng giờ. Lòng dân sôi sục từ việc này sang việc khác đang dần tích lũy thành cơn sóng thần cuối cùng cuốn phăng chế độ bất cứ lúc nào. Điều kỳ lạ là chế độ vẫn đang thách thức sự chịu đựng của người dân Việt Nam trong những bước đường cùng./.
     (hết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét