Vịnh Vân Phong, một trong 3 vị trí được chọn làm đặc khu hành chính -
kinh tế VNEconomy
Từ ngày 21/5 đến 15/6 năm 2018,
Quốc hội khoá XIV họp và thảo luận về đề án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc
biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong dự luật này, ngoài các ưu đãi về
thuế và chính sách dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà chuyên môn cũng
như dư luận đặc biệt quan tâm đến chính sách mà theo đó Thủ tướng Chính phủ Việt
Nam xem xét chấp thuận cho thuê đất đầu tư lên đến 99 năm.
Nhóm ý kiến ủng hộ cho rằng thời
hạn mở rộng lên đến 99 năm quyền thuê và sử dụng đất sẽ là một ưu điểm vượt trội
so với thời hạn 70 năm như luật đât đai hiện hành, giúp thu hút vốn đầu tư và
cho phép các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm hơn khi quyết định đầu tư dài hạn
tại các đăc khu kinh tế đặc biệt. Đây cũng sẽ là mục tiêu giúp các đặc khu có sức
cạnh tranh quốc tế, có sức lan toả và tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế cho cả nước.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc
cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đối với những ưu đãi kinh tế nhằm thu hút đầu tư
tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, tuy nhiên ông đưa ra những cảnh
báo về nguy cơ đối với an ninh quốc phòng tại những vị trí này:
“Nhìn vào bản đồ có thể thấy nó như cái bình
phong nhìn ra Biển Đông, mà ai cũng biết là hiện nay Biển Đông đang có rất nhiều
phức tạp trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và ai cũng biết là Trung Quốc
đang lấn chiếm biển Đông”
Ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh
đến vị trí địa lý của quần đảo Vân Đồn vốn nằm ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cách đảo
Hải Nam không xa và gần với biên giới đường bộ của Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Mỗi một quốc gia một dân tộc cần
phải có bài học riêng của mình, chứ
không thể nói đặc khu thì ở đâu cũng như đâu cho nên cứ cảnh giác thì là
hơn, thì chúng ta còn có thể giữ được những quan hệ tốt đẹp, ngăn chặn những
tiêu cực.”
Đồng quan điểm với ông Dương
Trung Quốc, đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hoá kỳ họp quốc hội khoá11-12 Lê Văn
Cuông cảnh báo cần thận trọng hơn đối với thời hạn cho thuê đất kéo dài quá lâu
như dự luật đề xuất:
“Vấn đề này cần phải được đặc biệt
quan tâm đấy vì vấn đề an ninh quốc phòng cần phải đặt lên trên hàng đầu, chứ
không phải là vì kinh tế mà đánh đổi quá nhiều với vấn đề thuộc về lĩnh vực an
ninh quốc gia”
Thực tế cho thấy tại một số khu
kinh tế mà cụ thể khu công nghiệp Vũng Áng- Hà Tĩnh, khu vực dự án Boxit Tây
Nguyên, khu công nghiệp Đồng Kỵ, Bắc Ninh… và một số dự án khác trải dài từ Bắc
vào Nam do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, sự xuất hiện của một bộ phận không
nhỏ người Trung Quốc cùng những cửa hàng, biển bảng, đường phố bằng tiếng Trung
khiến dư luận trong nước vô cùng bức xúc và quan ngại về tình trạng “di dân” của
người Trung Quốc tới Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, blogger
Trần Bang, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho biết đối với một nền kinh tế
lớn thứ 2 thế giới với giá trị hơn 11 ngàn tỷ đô la Mỹ, việc các nhà đầu tư
Trung Quốc bỏ ra một vài tỷ đô la Mỹ đầu tư tại Việt Nam nhằm “hợp thức hoá” việc
“di dân” tới những vị trí trọng yếu là
điều hết sức dễ dàng và có thể tạo nên những thế lực mà ông này gọi là “hắc ám”
đối với dân tộc Việt Nam”. Ông Trần Bang nói:
“99 năm rất là dài, có thể kéo dài đến 3,4 thế
hệ và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh quốc phòng, nhất là hiện tại bây giờ Việt Nam vẫn bị Trung Quốc
chiếm Hoàng Sa và Trường Sa về đường lưỡi bò… những thứ mà họ sẵn sàng bất chấp
luật pháp quốc tế. Khi mà mình đã ra luật như vậy, chẳng hạn người ta đấu giá mà thắng thì người
ta có thể dùng chính cái luật của mình, và họ dùng đồng tiền đối với họ không
là bao nhiêu, họ sẵn sàng ra giá cao để thuê được 3 điểm quan trọng nằm tại đầu
và giữa của đất nước, kết hợp với Hoàng Sa, Trường Sa, kết hợp với đường lưỡi
bò thì Việt Nam nằm hoàn toàn trong vòng tay họ”
Mặc dù đến ngày 15/6 tới đây Quốc
hội mới chính thức bỏ phiếu để quyết định thông qua dự luật Đặc khu, đã có nhiều
ý kiến cho rằng, dự luật này đã được ngấm ngầm thông qua từ rất lâu bởi trên thực tế, giá đất tại các khu vực như
Vân Đồn, Phú Quốc trong thời gian qua đã tăng chóng mặt, đẩy thị trường bất động
sản tại những nơi đó vào tình trạng ‘đi tắt, đón đầu’.
Blogger Trần Bang bày tỏ quan điểm:
“ Những thế lực họ nghe tin là có ưu ái cho 3 khu vực đó họ đã ra mua đất,
gom đất từ lâu rồi. Bây giờ mà Trung Quốc nhảy vào trả giá cao thì họ sẵn sàng
đồng ý, có nghĩa là cho đền bù để cho thuê với giá cao thì những người đã mua đất
gom đất từ trước đến nay sẽ nhận được giá rất cao so với vốn họ bỏ ra với giá rẻ
mạt”
Đây cũng quan điểm mà một số đại
biểu quốc hội đưa ra tại kỳ họp Quốc hội lần này, mà theo họ, thời hạn cho thuê
đất lên 99 năm chỉ có lợi cho những nhà đầu tư bất động sản hoặc những ý đồ
khác muốn trục lợi từ chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam đối với những đặc
khu kinh tế trên. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh việc
các doanh nghiệp làm ăn chân chính không yêu cầu mức thời gian quá dài như là một
lợi thế để quyết định đầu tư. Ông cho rằng nếu Việt Nam tạo được một môi trường
kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thuận lợi thì chắc chắn sẽ thu hút được
các nhà đầu tư đến và gắn bó dài lâu.
Trước những quan ngại về an ninh
quốc phòng mà luật Đặc khu có thể gây ra, những vị nhân sĩ, trí thức thành viên
Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng và những cảm tình viên của câu lạc bộ này vào ngày 29/5
ra Tuyên Bố yêu cầu Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội cùng các đại biểu bãi bỏ
việc thảo luận và thông qua luật này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét