Vũ Đình Duy khi còn đương chức Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc PVTEX - Nguồn: PVTEX
Bộ Công an Việt Nam mới công bố lệnh
truy nã đối với ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu
& Xơ sợi dầu khí (PVTex), người bị cáo buộc “cố ý làm trái quy định của nhà
nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Quyết định này được công bố chiều
31/5, sau khi ông Duy bất ngờ xuất hiện trong một phiên tòa xét xử các bị cáo
tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi đầu tháng này.
Sau ông Trịnh Xuân Thanh và ông
Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), ông Duy là nhân vật được chú ý tiếp theo hiện đang
ở nước ngoài với lý do đi “chữa bệnh” và bị nhà nước Việt Nam truy nã.
Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ
"nhôm" là một trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài và bị dẫn độ từ
Singapore về Việt Nam.
Lệnh truy nã ông này được đưa ra
trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ký quy định 01, cho phép Ủy ban Kiểm tra về
tham nhũng có quyền yêu cầu cấm xuất cảnh đối với đảng viên có dấu hiệu tham
nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.
Thông báo của Bộ Công an nói ông
Duy đã làm đơn xin đi nước ngoài chữa bệnh và vắng mặt tại cơ quan kể từ cuối
tháng 10/2016.
“Sau khi xác minh, cơ quan điều
tra kết luận, bị can Vũ Đình Duy đã bỏ trốn”, thông báo của Bộ Công an cho biết
sau hơn 18 tháng.
“Vũ Đình Duy xin đi chữa bệnh, Trịnh
Xuân Thanh cũng vậy. Sau đó mới có lệnh truy nã họ bởi vì biết họ đi nước
ngoài. Đấy không gọi là bỏ trốn được”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia
phân tích chính trị - thời sự Việt Nam của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS),
nhận xét với VOA.
Ông Vũ Đình Duy, 43 tuổi, bị quy
trách nhiệm trong những thất thoát, thua lỗ của PVtex. Ông từng giữ các chức vụ
Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và
Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương) và làm Tổng Giám đốc PVtex từ tháng
7/2009 đến tháng 2/2014. Báo cáo tổng kết năm 2015 của PVtex cho thấy công ty
này đã thua lỗ 1.255 tỷ đồng.
Xuất hiện trong tư cách nhân chứng
tại phiên tòa Thượng thẩm Berlin hôm 7/5, ông Duy cho biết ông là “anh em họ
hàng” với ông Trịnh Xuân Thanh, “biết nhau từ bé” và “có cùng thời gian làm
lãnh đạo ở hai cơ quan thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, “cùng là lãnh đạo của
hai đơn vị thuộc Bộ Công thương”, theo BBC.
Vẫn theo lời khai của ông Duy,
sau khi ông Trịnh Xuân Thanh rời khỏi Việt Nam vào tháng 7/2016, ông Duy cũng
ra khỏi Việt Nam 3 tháng sau và cả hai gặp nhau tại Berlin.
Cấm xuất cảnh: Thủ thuật nhỏ đầy
bất ổn?
Một ngày trước khi lệnh truy nã
Vũ Đình Duy được công bố, Bộ Chính trị Việt Nam ra Quyết định số 01 quy định
trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng chống tham
nhũng. Quy định này được cho là giúp “tăng quyền” cho cơ quan chống tham nhũng,
trong đó có quyền yêu cầu cấm xuất cảnh đối với đảng viên có dấu hiệu phạm tội
và bỏ trốn.
Trịnh Xuân Thanh bị kết án tù
chung thân sau khi về Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của một
số nhà phân tích, cấm xuất cảnh là một “thủ thuật nhỏ” đầy bất ổn và không hiệu
quả đối với một tệ nạn đã trở thành “quốc nạn” như tham nhũng.
“Quyền cấm một công dân xuất cảnh
được quy định trong Bộ Luật. Đấy là quyền không nhỏ, là một trong những quyền
cơ bản của công dân. Nếu Đảng cấm Đảng viên như thế, thì trong trường hợp người
ta nghe lời không đi, người ta vẫn còn quyền công dân và vẫn đi được. Vậy Đảng
cấm như thế là như thế nào? Một, nhìn từ góc độ pháp lý, cấm như thế là không
đúng luật. Hai, nếu cấm thì người ta vẫn có quyền đi bởi vì người ta ngoài là Đảng
viên thì còn là công dân”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
“Ra nước ngoài chữa bệnh” đã trở
thành một “hiện tượng” của năm 2016, khi nhiều cán bộ, đảng viên bị chiến dịch
chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhắm” tới lần lượt đi khỏi
Việt Nam.
Một nhà vận động cho xã hội dân sự
tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A, cho rằng đây là một điều “gay cấn” trong một
chế độ “lấy việc quản lý con người làm trung tâm”.
Ông nói thêm: “Ở các nước, không
ai mà đi quản lý một doanh nghiệp đi đâu cả. Lẽ ra người ta phải giải quyết những
vấn đề phạm tội, tham nhũng bằng những phương pháp khác, thì người ta lại dùng
phương pháp quản lý người dưới quyền của mình là khi đi phải đâu được phép thì
mới đi. Đấy thực sự là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn nhưng chẳng có hiệu
quả gì”.
Trong lúc công luận tranh cãi sôi
nổi, bày tỏ cả “bức xúc” lẫn “hứng khởi” theo dõi các diễn tiến “rượt đuổi gay
cấn như trong phim” giữa ban lãnh đạo Đảng và các đảng viên đi “chữa bệnh” ở nước
ngoài, nổi bật nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh, các nhà phân tích cho rằng các lãnh
đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam bị “lúng túng” trong việc xử lý những người bị
cho là “quan tham” này, từ đó dẫn đến dễ phạm sai lầm như hành động bị Đức cáo
buộc là “bắt cóc” ông Thanh.
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, hành động
này sẽ khiến Việt Nam “phải chịu những hậu quả tai hại theo quy định của luật
pháp quốc tế”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét