Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

6038 - Ngày 30/05/1431: Joan d’Arc tử vì đạo

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan
Biên tập: Lê Hồng Hiệp



Vào ngày này năm 1431, tại xứ Rouen thuộc vùng Normandy do Anh kiểm soát, Joan d’Arc, cô gái nông dân trở thành vị cứu tinh của nước Pháp, đã bị thiêu trói vào cọc vì tội dị giáo.
Joan sinh năm 1412, là con gái của một nông dân làm thuê ở Domremy, một khu vực nằm trên ranh giới  lãnh thổ của các công tước xứ Bar và Lorraine. Năm 1415, cuộc Chiến tranh Trăm năm giữa Anh và Pháp bước vào giai đoạn quyết định khi vị vua trẻ Henry V của nước Anh xâm chiếm nước Pháp và giành được hàng loạt những chiến thắng mang tính quyết định chống lại các lực lượng của vua Charles VI.
Vào thời điểm vua Henry qua đời vào tháng 8 năm 1422, người Anh và các đồng minh Pháp-Burgundy của họ đã kiểm soát Aquitaine và phần lớn miền bắc nước Pháp, bao gồm cả Paris. Charles VI, đã bất lực từ lâu, chết một tháng sau đó, và con trai ông, Charles, nhiếp chính từ năm 1418, chuẩn bị lên ngôi. Tuy nhiên, Reims, thành phố truyền thống cho việc đăng quang của vua Pháp, đang bị chiếm giữ bởi người Anh và Burgundy, và Dauphin (từ chỉ người thừa kế ngai vàng của Pháp, lúc đó là Charles – ND) vẫn chưa thể đăng quang. Trong khi đó, Vua Henry VI của nước Anh, người con trai vừa mới sinh của Henry V và Catherine xứ Valois, con gái của Charles VI, đã được người Anh tuyên bố là vua của nước Pháp.
Làng Domremy của Joan nằm trên biên giới giữa nước Pháp của Dauphin và khu vực do người Anh -Burgundia cai trị. Ở giữa khu vực bất ổn này, Joan bắt đầu nghe thấy “tiếng nói” của ba vị thánh Cơ đốc giáo – Thánh Michael, Thánh Catherine và Thánh Margaret. Khi cô khoảng 16 tuổi, những tiếng nói này đã thúc đẩy cô giúp đỡ Dauphin chiếm giữ lại Reims và từ đó là ngai vàng nước Pháp. Vào tháng 5 năm 1428, cô đi đến Vaucouleurs, một thành trì của Dauphin, và nói với vị chị huy về thiên khải của mình. Không tin cô gái nông dân trẻ, ông đuổi cô về nhà. Vào tháng 1 năm 1429, cô quay trở lại, và vị chỉ huy, ấn tượng bởi lòng mộ đạo và quyết tâm của cô, đồng ý cho phép cô đi đến gặp Dauphin ở Chinon.
Mặc phục trang nam và được tháp tùng bởi sáu binh sĩ, cô đã đến lâu đài của Dauphin tại Chinon vào tháng 2 năm 1429 và được cho phép tiếp kiến. Charles giấu mình giữa các cận thần, nhưng Joan đã ngay lập tức nhận ra vị vua trẻ ra và thông báo cho ông về sứ mệnh thiêng liêng của mình. Trong vài tuần, Charles đã để các nhà thần học tại Poitiers chất vấn Joan, và những người này đã kết luận rằng, với tình cảnh tuyệt vọng hiện tại, sẽ là khôn ngoan nếu Dauphin biết tận dụng cô gái kỳ lạ và lôi cuốn này.
Charles đã trang bị cho cô một đội quân nhỏ, và vào ngày 27 tháng 04 năm 1429, cô lên đường đến Orleans, khu vực bị bao vây bởi người Anh kể từ tháng 10 năm 1428. Vào ngày 29 tháng 4, khi một đội quân Pháp đương đánh lạc hướng quân đội Anh ở phía tây Orleans, Joan tiến vào mà không bị cản trở từ cổng phía đông của thành phố này. Cô mang theo những đồ tiếp tế vô cùng cần thiết cùng với quân tiếp viện và đã truyền cảm hứng cho người Pháp ở đây thực hiện một cuộc kháng chiến đầy quả cảm. Cô đích thân dẫn đầu cuộc giao tranh trong một vài trận chiến và vào ngày 07 tháng 05 đã bị trúng tên. Sau khi nhanh chóng băng bó vết thương của mình, cô trở lại chiến trường, và người Pháp đã giành chiến thắng. Vào ngày 08 tháng 05, người Anh rút khỏi Orleans.
Trong năm tuần tiếp theo, Joan và các chỉ huy người Pháp đã dẫn dắt người Pháp đạt được một chuỗi những chiến thắng chấn động trước quân Anh. Vào ngày 16 tháng 07, quân đội hoàng gia đã tới Reims, và thành trì này đã mở cửa chào đón Joan và Dauphin. Ngày hôm sau, Charles VII lên ngôi vua nước Pháp, với Joan đứng ngay cạnh cầm lấy ngọn cờ của mình: hình ảnh của Chúa Kitô trong ngày phán xét. Sau buổi lễ, cô quỳ xuống trước mặt Charles, lần đầu tiên vui mừng gọi ông là vua.
Vào ngày 08 tháng 09, nhà vua và Joan tấn công Paris. Trong trận chiến, Joan mang lá cờ của mình đến các hào chiến sự và kêu gọi người dân Paris dâng thành phố cho nhà vua Pháp. Cô đã bị thương nhưng vẫn tiếp tục tập hợp quân đội của nhà vua cho đến khi Charles ra lệnh chấm dứt cuộc bao vây bất thành. Năm đó, cô còn dẫn đầu một số chiến dịch nhỏ hơn, chiếm thị trấn Saint-Pierre-le-Moitier. Vào tháng 12, Charles phong tước cho Joan, cha mẹ cô, và các anh em của cô.
Vào tháng 5 năm 1430, người Burgundy bao vây Compiegne, và Joan đã lén hành quân vào thị trấn trong đêm tối để hỗ trợ thành trì này phòng thủ. Vào ngày 23 tháng 5, trong khi dẫn đầu một đội xuất kích chống lại người Burgundy, cô bị bắt. Người Burgundy bán cô cho người Anh, và tháng 03 năm 1431, cô bị xét xử trước các nhà chức trách giáo hội ở Rouen vì tội dị giáo. Tội ác nghiêm trọng nhất của cô, theo tòa án, là cô đã chối bỏ quyền lực của nhà thờ để đón nhận linh cảm trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Sau khi từ chối khuất phục trước nhà thờ, bản án kết tội cô đã được đọc vào ngày 24 tháng 05: cô sẽ được chuyển giao sang các nhà cầm quyền thế tục và bị hành quyết. Phản ứng với lời tuyên án, Joan đã đồng ý rút lại lời chứng và thay vào đó đã bị kết án chung  thân.
Bị lệnh bắt mặc quần áo của phụ nữ, cô vâng lời, nhưng vài ngày sau, các thẩm phán đến phòng giam của cô và thấy cô một lần nữa mặc trang phục nam giới. Khi bị chất vấn, cô nói với họ rằng Thánh Catherine và Thánh Margaret đã khiển trách cô vì đã khuất phục trước nhà thờ trái với ý muốn của các thánh. Cô bị kết án tái phạm tội dị giáo và ngày 29 tháng 5 cô bị giao nộp cho các quan chức thế tục. Vào ngày 30 tháng 05, Joan, 19 tuổi, bị thiêu trói vào cọc tại Place du Vieux-Marche ở Rouen. Trước khi giàn thiêu được đốt cháy, cô yêu cầu một linh mục cầm cây thánh giá lên cao để cô nhìn thấy và hét lên những lời cầu nguyện đủ lớn để có thể được nghe thấy át cả tiếng gầm thét của ngọn lửa.
Là một nguồn cảm hứng quân sự, Joan d’Arc giúp chuyển hướng Chiến tranh Trăm năm theo hướng có lợi cho nước Pháp. Đến năm 1453, Charles VII đã chiếm lại được toàn bộ nước Pháp ngoại trừ Calais, nơi mà người Anh từ bỏ vào năm 1558. Năm 1920, Joan d’Arc, một trong những anh hùng vĩ đại nhất của lịch sử Pháp, được Giáo hội Công giáo La Mã phong thánh. Ngày lễ của cô là ngày 30 tháng 5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét