Khá nhiều người Việt vẫn luôn bị cuốn hút bởi văn hóa bạo lực và họ cho rằng chỉ có vũ lực mới có thểkết thúc chế độ cộng sản. Có những người vì quá căm phẫn với đàn áp man rợ của chế độ, nên chọn bạo lực, thậm chí bất chấp mạng sống để đối đầu. Trong thực tế, cũng có người đạt được một số kết quả khiêm tốn với chiến lược vũ trang, nhưng dường như không thể hạ bệ được chế độ độc tài.
Chủ nghĩa cộng sản được sinh ra từ chủ trương tôn thờ bạo lực của Lênin và được duy trì bởi đàn áp đẫm máu. Hầu hếtcác lãnh tụ cộng sản như Stalin, Mao, Pol Pot, Hồ Chí Minh, Lê Duẫn… luôn là những kẻ sẵn sàng cắt cổ, đập đầu và thủ tiêu bất cứ ai dám tỏ thái độ không thích chế độ cộng sản. Vì thế, đối kháng với chế độ cộng sản bằng vũ lực là đánh vào thế mạnh nhất của nó bởi khả năng huy động lực lượng quân sự hùng hậu.
Dù cho phe chủ trương dùng vũ lực có súng, đạn và quân số cũng không thể nào so sánh về số lượng và chất lượng với nhà nước cộng sản. Dù cho có liều hoặc dũng cảm đến đâu thì mười hoặc trăm cây súng cũng không thể làm tê liệt được hàng ngàn xe tăng, triệu súng ống hiện đại, quân số áp đảo và chuyên nghiệp. Tấn công bạo lực sẽ châm ngòi cho các cuộc đàn áp đẫm máu, vô số người chết, thương tật về thể xác lẫn tinh thần, càng khiến cho số người ủng hộ dân chủ mất niềm tin.
Ảnh: tuổi trẻ Armenia và bất bạo động.
Đấu tranh bạo lực còn gây ra nhiều thiệt hại về các cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, điện, nước và, thậm chí, cả bệnh viện lẫn trường học… Như thế, tất cả các bên đều trở thành nạn nhân của bạo lực.
Cũng có người cho rằng phải áp dụng "chiến tranh du kích" thay cho đối kháng trực diện. Tuy nhiên, chiến lược này càng không thực tế vì phải có sự viện trợ tiền bạc khổng lồ của quốc tế để đối đầu với chế độ trong một khoảng thời gian rất dài. Nên nhớ, Việt Nam là một nhà nước có chủ quyền, được công nhận bởi Liên Hợp Quốc. Vì thế, sẽ không có quốc gia nào ủng hộ hạ bệ chính quyền cộng sản bằng bạo lực của chiến tranh du kích hoặc chính quy.
Tóm lại, suy nghĩ hạ bệ chế độ cộng sản bằng vũ lực là kém hiểu biết, dại dột và ảo tưởng.
Thế nào là phản kháng bất bạo động/phi bao lực ?
Bất bạo động là phương pháp tuyệt đối không hướng tới bạo lực và vũ trang để mang tới những thay đổi về xã hội và chính trị. Các chiến thuật của phản kháng bất bạo động bao gồm bất tuân dân sự, biểu tình phản đối, đình công, tẩy chay, và thuyết phục.
Giáo sư Gene Sharp đã trình bày chi tiết phương thức phản kháng bất bạo động trong cuốn sách nổi tiếng của ông : Từ Độc Tài Đến Dân Chủ".
- Phương pháp phản đối và thuyết phục : chủ yếu mang tính tượng trưng, nhằm thuyết phục đối phương hoặc để tạo ra nhận thức về bất công và sự bất đồng chính kiến trong quần chúng. Ví dụ : biểu tình, diễn hành.
- Phương pháp bất hợp tác : nhằm làm suy yếu quyền lực, nguồn lực và tính chính đáng của chính quyền. Ví dụ : đình công, tẩy chay, bất hợp tác kinh tế, bất hợp tác chính trị, bất tuân dân sự.
- Phương pháp can thiệp bất bạo động : nhằm trực tiếp làm gián đoạn các hoạt động của nhà nước hoặc nhằm trình bày các giải pháp thay thế khác. Ví dụ như tuyệt thực, biểu tình ngồi, chiếm ngụ bất bạo động và hình thành chính quyền song song.
Cần ghi nhớ rằng bất bạo động không có nghĩa là sẽ không có bạo lực và xô xát. Chính xác hơn bất bạo động là một thái độ tích cực và ôn hòa được chọn lựa để đối kháng với bọn độc tài và can thiệp khi thấy bất công. Chứng kiến cảnh tượng một người phụ nữ bị cả đám vô lại đánh đập, người chủ trương bất bạo động sẽ không mặc kệ hoặc bỏ đi, nhưng tìm mọi cách để can thiệp và chấm dứt bất công một cách ôn hòa.
Học giả uy tín Stephanie Van Hook cho rằng phi bạo lực là một nghệ thuật mà người ta học cách sử dụng các kỹ năng bất bạo động một cách ôn hòa, để trở nên can đảm khi đối mặt với những áp lực nhất từ tiếng nói bên trong của mỗi người : bỏ đi hoặc im lặng trước bất công. Bất bạo động cũng giống như một loại năng lượng, có thể chuyển đổi những cảm xúc khiến chúng ta xa lánh nhau hoặc kết nối nhau chặt chẽ và thân thiết hơn (The Art of Nonviolence).
Tại sao phản kháng bất bạo động hiệu quả và thành công ?
- Cách mạng bạo lực không thu hút được sự ủng hộ của quần chúng vì vũ lực thường đi đôi với bạo động và nguy hiểm vì thế khiến nhiều người từ chối tham gia vì sợ hãi. Một chính quyền càng chuyên chế, càng thích dùng bạo lực để khiêu khích và đàn áp. Một khi người chống đối chính quyền cầm súng lên, thì sự đàn áp đẫm máu bằng bạo lực của chính quyền sẽ được hợp thức hóa. Ngược lại, bất bạo động hiệu quả và thành công hơn so với đấu tranh vũ lực vì có thể thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nếu được tổ chức bởi các tổ chức chính trị và xã hội dân sự bằng phương pháp, chiến thuật và chiến lược linh hoạt.
- Bất bạo động đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại mang đến thành công cho rất nhiều nơi trên thế giới. Nhà khoa học chính trị Chenoweth nhấn mạnh rằng chỉ cần 3,5% dân số kiên nhẫn duy trì sự phản kháng bất bạo động, thì không có một chính quyền nào có thể tồn tại. 3,5% tượng trưng cho khoảng 3,3 triệu người Việt Nam.
- Bất bạo động sẽ hạn chế tối thiểu những tang thương và mất mát về con người và giảm nguy cơ nội chiến kéo dài. Ngược lại, những người chủ trương cách mạng bạo động thể hiện ý nguyện hợp thức hóa quyền lực bằng bạo lực, vốn khó thuyết phục được hậu thuẫn và hợp tác của quần chúng, so với lý tưởng ôn hòa.
- Càng nhiều người dân hậu thuẫn phương pháp bất bạo động, số lượng lãnh đạo bất đồng quan điểm với nhà nước, giới kinh doanh, và chức sắc tôn giáo ủng hộ sự phản kháng càng tăng. Các vụ tẩy chay chống lại doanh nghiệp của người da trắng và giới đầu tư quốc tế rút khỏi Nam Phi đã đóng vai trò quyết định kết thúc chế độ diệt chủng apartheid.
- Một khi phong trào bất bạo động qui tụ được đông đảo người dân tham gia và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý, ủng hộ của dư luận thế giới. Nếu chế độ độc tài đáp trả các cuộc biểu tình ôn hòa bằng đàn áp đẫm máu, các nước dân chủ sẽ lên án, tẩy chay và thậm chí cấm vận kinh tế để ủng hộ phe dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét