Chiếc cầu gãy ở Huế,
trận Mậu Thân 16/4/1968
Hy vọng và nghi ngờ
Cuộc hoà giải liên Triều lịch sử đã diễn ra tại làng đình
chiến Bàn Môn Điếm vào những ngày cuối cùng của tháng 4/2018. Thông điệp hoà
bình, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh kéo dài suốt 65 năm được thể hiện qua những
bước chân song hành của hai vị lãnh đạo của Nam và Bắc Hàn làm nức lòng truyền
thông thế giới.
Và rất vô tình, sự kiện này diễn ra gần kề với ngày tưởng tiệm
30/4/1975, tức 43 năm Việt Nam thống nhất 2 miền Nam Bắc. Nụ cười rạng rỡ của
lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in vô hình trung
làm chạnh lòng những người Việt Nam trong và ngoài nước. Rất nhiều cảm xúc khác
nhau được bày tỏ. Họ chúc mừng người dân Triều Tiên. Họ ca ngợi nỗ lực của hai
“chế độ”. Họ đặt niềm tin vào cuộc sống hoà bình của người dân Triều Tiên bắt đầu
từ đây. Họ đặt câu hỏi về tương lai của những bước chân bước qua lằn ranh biên
giới hai miền đất. Dòng nước được hai vị lãnh đạo tưới lên cây cổ thụ có từ năm
1953 không thể làm cho họ tin vào luồng không khí trong lành sẽ đến với người
dân Nam Hàn. Họ thẳng thừng buông câu “không tin vào Cộng sản”.
Một trong rất nhiều những người có suy nghĩ ấy là nhạc sĩ,
người lính không quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày trước, Trần Duy Đức. Sau 43
năm, sau thời gian bị giam giữ gọi là ‘tù cải tạo” theo cách gọi của chế độ mới
lúc đó, thì niềm tin của ông vào hai từ “Cộng Sản” hoàn toàn sụp đổ.
“Tôi nghĩ đến thân phận đất nước mình ngày xưa bị mắc lừa Cộng
sản rồi. Tôi nghĩ thế nên tôi ái ngại cho đất nước Đại Hàn khi người Cộng sản Bắc
Hàn có mưu kế chuyện đó. Họ đều có ý định hết. Những ý định đen tối. Người Cộng
sản xưa nay là như thế, mình không ngạc nhiên đâu.”
Tương đồng với ý kiến này, là lời khẳng định của 1 vị bác sĩ
(ẩn danh) trải qua vỏn vẹn 12 năm học dưới môi trường giáo dục của VNCH:
“Đừng đánh tráo khái niệm ngày 30.4 với hoà giải liên Triều.
Quá sớm để lạc quan. Và quá ngây thơ để tin vào sự ngay thật của tà quyền. Cứ
nhìn lại hiệp định ngừng bắn năm Mậu Thân thì rõ. Cứ nhớ lời cố Tổng thống Nguyễn văn Thiệu và Boris Yeltsin thì biết cần
phải làm gì.”
Ngày 19-10-1967, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên
bố miền Bắc Việt Nam ngưng bắn từ 27/01 đến 03/2/1968. Thế nhưng đêm 29 rạng
ngày 30/1/1968, đúng thời điểm Giao thừa âm lịch, nhiều đơn vị quân đội và du
kích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ Quảng
Nam đến Khánh Hoà đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc “Tổng công kích - Tổng khởi
nghĩa Tết Mậu Thân 1968”, ghi vào lịch sử Cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 và “Dải
khăn sô cho Huế”.
Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nổi tiếng với câu nói đi vào
lịch sử: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm.”
Ở một nơi rất xa, cách nửa vòng trái đất, có một nhận định
khác, mang tính lạc quan và hàm chứa thiên hướng tự do được nhà thơ nổi tiếng
Du Tử Lê bày tỏ:
“Tôi nghiêng về phía nó hơi lạc quan 1 tí. Căn cứ vào những
dữ kiện 2 bên đạt được, tôi nghĩ nhiều phần nó sẽ đi đến kết quả cụ thể.
Ngay cả khi nếu nó không đi đến kết quả cụ thể tôi cũng muốn
nói rằng nhân loại mà còn tồn tại đến ngày hôm nay là người ta sống bằng hy vọng.
Con người ngoài nhu cầu vật chất, tức bản năng sinh tồn thì người ta còn có nhu
cầu tinh thần. Và nếu người ta không có tinh thần lạc quan 1 chút, hay là hy vọng
1 chút thì nhân loại không còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Cảm nhận của tôi có thể sai, nhưng nó là 1 thứ bản năng về
tinh thần.”
Nói theo 1 cách khác, “hãy hy vọng”, đó là bộc bạch của kỹ
sư Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh, người di tản
vào miền Nam từ năm 1954. Đối với ông, cần có 1 quyết tâm rất cao về vấn đề
nhìn thẳng vào sự thật, và nhìn thấy gương của tất cả các nước, ở Đức và bây giờ
là Triều Tiên.
“Nhìn quá khứ để dự kiến được tương lai thì tôi cho rằng
cũng 1 phương pháp đúng nhưng chúng ta cũng phải hy vọng là thế giới biến chuyển
rất nhiều, và cuộc cách mạng công nghệ, dân chủ hoá qua Facebook thì chúng ta
có quyền hy vọng.”
Hoà hợp hoà giải
Tại Bàn Môn Điếm, Nam và Bắc Hàn thoả thuận theo đuổi một
hòa bình vĩnh viễn và tiến tới phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên, như
thế phải chăng người dân Triều Tiên từ nay có quyền hy vọng về sự hoà hợp về
kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tất cả những gì hình thành nên đất nước và
dân tộc hay không?
Nhìn lại Việt Nam, đây cũng chính là điều làm cho rất nhiều
người Việt Nam trăn trở trong mấy mươi năm qua., về bốn chữ “Hoà hợp hoà giải”.
Nhạc sĩ Trần Duy Đức, dù yêu quê hương, yêu con người Việt
Nam, yêu những đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm xuống đến bao nhiêu đi nữa
cũng không thể hy vọng vào 1 ngày hoà hợp.
“Tôi khó hy vọng được chuyện đó. Đối với Cộng sản thì không
thể hoà giải được với họ. Đừng trông mong. Theo tôi nghĩ thì đó là 1 điều hoang
tưởng. Đừng bao giờ nghĩ mình hoà hợp hoà giải được với người Cộng sản. Kinh
nghiệm tôi từng tù tội với Cộng sản. Tôi từng sống lại đó 4 năm sau ngày mình mất
nước. Ít nhiều tôi hiểu người Cộng sản thế nào.”
Theo số liệu thống kê của Cao Uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc, từ
sau ngày 30/4/1975 cho đến cuối năm 1995, gần 1 triệu người Việt bỏ nước ra đi.
Khoảng nửa số ấy đã thiệt mạng trên đường ra đi.
Quan điểm của kỹ sư Đỗ Thái Bình là “không thể sửa lại được
quá khứ, vấn đề là nhìn về tương lai”. Và ông khẳng định: “Hiện nay chưa có hoà
hợp dân tộc.”
Tuy, ông khách quan nhìn nhận rằng “lỗi là do cả hai bên”,
nhưng nếu để nói có một bên cần phải tích cực hơn, thì ông gọi đó là bên “thắng
cuộc”.
“Theo tôi bên thắng cuộc cần phải có cái nhìn sâu sắc, ít ra
cũng phải làm được như Võ Văn Kiệt. Tức là phải tiếp tục có suy nghĩ như Võ Văn
Kiệt. Tôi cho rằng những người cầm quyền phải nhìn thẳng vào sự thật để quyết
tâm chứ không phải chỉ có vài nghị quyết, hình thức thì vẫn chưa thấy thực
tâm.”
Nhìn nhận về vấn đề này, riêng đối với lĩnh vực văn học nghệ
thuật, nhà thơ Du Tử Lê cho rằng Việt Nam hiện nay bắt đầu có những cái đổi mới
đáng kể. Đó là có 1 số tác phẩm hải ngoại, thuộc về miền Nam đã được in lại.
“Chẳng hạn như trước đây họ lên án cuốn Tự lực văn đoàn
nhưng cách đây nhiều năm họ in lại 1 cách trân trọng. Trong cái nhìn của tôi, đời
sống, dù là gì đi nữa, chính trị, văn học hay cá nhân thì nó như 1 dòng nước chảy
tới, không thể đứng lại hoài.”
Ngoài tác phẩm Tự lực văn đoàn, nhà thơ Du Tử Lê còn nhắc đến
những tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ và dòng nhạc
bolero vốn có nguồn gốc từ Sài Gòn, trước
1975.
Nhà thơ Du Tử Lê đặt hai chữ “định mệnh” của đất nước Việt
Nam vào câu trả lời cho sự hoà hợp hoà giải. Trong cái định mệnh đó, có cuộc
chiến 43 năm trước:
“Mỗi một đất nước như 1 con người, có định mệnh riêng của
nó. Tác phẩm, cuốn sách, bản nhạc còn có định mệnh huống chi là đất nước. Đất
nước Việt Nam của mình nó nhiều bi kịch quá.”
Để từ đó, ông nói rằng có thể thế hệ của những người như ông
sẽ không được nhìn thấy những đổi mới cụ thể ở Việt Nam
“Có thể nó chỉ xảy ra khi tôi đã mất rồi. Nhưng tôi vẫn lạc
quan, cho dù sự lạc quan ấy rất dè dặt.”
Những ngày cuối tháng 4/2018, khi người dân Nam Bắc Hàn vui
mừng với cái bắt tay thoả thuận cùng hướng đến một hòa bình vĩnh viễn, thì với
người Việt Nam, 43 năm qua, vẫn còn đâu đó “triệu người vui triệu người buồn”
như câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm nào. Nhạc sĩ Lê Minh Bằng đã từng
ao ước “Tôi có thân nhân ở bên đầy. Tôi có anh em ở bên kia. Dù Nam Bắc, tôi vẫn
mong nước Việt thanh bình”, thì “Chuyện 1 chiếc cầu đã gãy” 43 năm qua của người
dân Việt Nam liệu có được nối lại như chiếc cầu màu xanh nối liền Nam Bắc Hàn
ngày nay hay không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét