50 năm sau vụ thảm sát Mỹ Lai, một cựu phóng viên chiến trường
nói với VOA rằng đứa bé trai trong bức ảnh ở làng Sơn Mỹ hồi ấy vẫn còn sống,
trong khi bảo tàng di tích Sơn Mỹ ở Quảng Ngãi cho rằng đứa bé đó đã chết. Câu
chuyện chưa dừng ở đó, người trong ảnh lên tiếng với VOA rằng chính quyền Việt
Nam đã trưng nhiều chứng cứ giả tạo và thay đổi dữ liệu lịch sử trong vụ thảm
sát năm 1968 gây chấn động quốc tế.
Trao đổi với VOA, ông Ronald Haeberle, cựu phóng viên chiến
trường người Mỹ nói ông tin rằng “ông Trần Văn Đức và chị gái Trần Thị Hà thực
sự là những người sống sót” trong bức ảnh do ông chụp vào ngày 16/3/1968 với
hai đứa trẻ nằm trên một đường mòn tại thôn Mỹ Lai, nay là thôn Sơn Mỹ, xã Tịnh
Khê, thành phố Quảng Ngãi.
Từ Ohio, ông Ronald Haeberle, tác giả của bộ ảnh gồm 60 tấm
về vụ thảm sát Sơn Mỹ - Mỹ Lai, cho biết ông đã đi cùng Đại đội Charlie của
Quân đội Mỹ vào làng Mỹ Lai vào ngày xảy ra vụ thảm sát, và mãi cho đến năm
2011 khi ông liên lạc với ông Đức ở bên Đức thì mới biết rằng hai đứa trẻ năm
xưa vẫn còn sống.
Ông Trần Văn Đức, một thợ cơ khí gốc Việt sống tại Lindsey,
Đức, cho VOA biết ông chính là đứa bé trai trong tấm ảnh gây tranh cãi, và ông
có nhiều bằng chứng để chứng minh đó là sự thật.
“Tôi đã bỏ thời gian trên 10 năm để khiếu nại nhưng rất ít
cơ quan hữu quan lắng nghe câu chuyện của tôi. Khi lính Mỹ bắn chết gần hết người
dân đang tập trung trên đường mòn thì lính Mỹ đi sâu vào hướng làng để tiếp tục
thảm sát người dân khác. Trong thời khắc lính Mỹ đi thì má tôi có nói với tôi
là ‘con hãy ôm Hà về nhà ngoại gấp đi, nếu không lính Mỹ sẽ trở lại’ và tôi thực
hiện theo lời của má tôi.”
Vụ thảm sát đã giết chết 504 dân làng xảy ra khi ông Đức mới
8 tuổi, nhưng ông nói ông nhớ rõ từng chi tiết. Ông Đức kể rằng khi máy bay của
Mỹ đến thì ông lấy thân mình che cho em gái.
Ông kể:
“Trong làng khói bay mù mịt và tôi nghĩ không có đủ thời gian
để vào nhà ngoại. Tôi thấy chiếc máy bay có vẽ hình cá mập xuất hiện, tôi sợ
trên máy bay có lính trên đó sẽ bắn chết chúng tôi, cho nên tôi nằm xuống nhằm
tránh đạn. Ông Ron Haeberle có chụp hình chúng tôi trong khoảnh khắc này.”
Ông Haeberle cho biết bức hình của ông được khu di tích Mỹ
Sơn trưng bày, nhưng các chú thích của viện bảo tàng ‘hình như không phản ánh
đúng sự thật’.
Để cải chính chi tiết này, ông Ron và Đức đã về Sơn Mỹ vài lần.
Cá nhân ông Đức đã nhiều lần khiếu nại với Ban quản lý khu di tích Sơn Mỹ và cơ
quan chức năng của Việt Nam.
“Cuối năm 1975 đầu năm 1976 khi nhà di tích Sơn Mỹ được
thành lập thì bức hình của tôi để trống và vài năm sau thì chú thích là Trương
Bốn, Trương Năm, con của ông Trương Nhị. Tôi có khiếu nại ban quản lý khu di
tích nhưng người ta rất bất đồng.”
Ông Phạm Thành Công, cựu Giám đốc Ban Quản lý khu tích Sơn Mỹ,
tỉnh Quảng Ngãi, phản bác những phát biểu của ông Đức về bức hình hai bé.
“Tôi là nạn nhân và nhân chứng trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Tôi
sống sót dưới 5 thi thể của mẹ, chị và 3 đứa em tôi, khi đó tôi 11 tuổi. Tôi
nói có gì sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ở đây, tỉnh, trung ương, và địa
phương cũng chấp nhận điều đó. Riêng ông Trần Văn Đức, một Việt Kiều về đây phá
rối vụ việc, nhân dân và địa phương ở đây rất bực bội. Tôi phản đối ông vì việc
làm thiếu sự thật của ông, ông đã trả đũa và xuyên tạc tôi.”
Đền tưởng niệm Sơn Mỹ có hình ảnh hai bé. Ảnh: Trần
Văn Đức
Ông Đức nói Bảo tàng Sơn Mỹ không chịu đính chính chú thích
bức ảnh theo sự trình bày của ông vì “họ còn cố che giấu những bóp méo sự thật
khủng khiếp hơn.”
Trong khi đó, người từng quản lý khu di tích Sơn Mỹ phản
bác:
“Một số hình ảnh tại bảo tàng là của ông Ron Haeberle và của
nhiều cựu chiến binh khác đã tặng cho bảo tàng Sơn Mỹ. Khi các tác giả phản ảnh
thì đều có chủ nhân được địa phương công nhận là thân nhân của họ. Các hình ảnh
của Ron đã được trưng bày từ năm 1975 cho đến nay, chứ không phải mới trưng bày
mà ông Đức đi khiếu nại. Việc của ông Ron và ông Đức thì chúng tôi đã thừa hiểu
rồi, tôi không tiện nói nhiều.”
Ông Đức đưa ra một nhận định trên Facebook về phát biểu của
ông Phạm Thành Công: “Vấn đề là ông giám đốc Bảo tàng trong thời điểm vụ thảm
sát xảy ra, ông đi chăn bò ở một làng khác… Cho nên mọi phát ngôn của ông bất
nhất và có vấn đề.” Ông Đức còn cho rằng ông Công từng thêu dệt thêm ‘chiến
tích’ để được lên làm giám đốc bảo tàng.
Trong một email trả lời VOA, ông Ron Haeberle viết: “Khi tôi
đến dự lễ kỷ niệm 45 năm thảm sát Mỹ Lai, tôi đã nghe hai thường dân khác nhau
kể rằng một số người không tin Phạm Thành Công, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ
Lai, là một trong những người sống sót. Họ cho rằng khi ấy ông Công đang có mặt
ở một làng khác gần đó.”
Vào tháng 3 năm nay, nhân dự lễ tưởng 50 năm thảm sát Mỹ
Lai, ông Trần Văn Đức và em gái, Trần Thị Hà, trả lời phỏng vấn báo chí bên tượng
đài Chứng tích Sơn Mỹ.
Báo Tiền Phong đăng tin: “Hình ảnh người anh nằm che đạn cho
người em trên tượng đài phía sau lưng chính là hình ảnh của hai anh em Đức - Hà
được phóng viên chiến trường Mỹ Ronald Haeberle chụp ngay sau cuộc thảm sát.”
Tuy nhiên, ông Phạm Thành Công không công nhận sự thật này, và cũng không đưa
ra bằng chứng nào để phản bác lời đính chính của ông Đức.
Ông Đức nói: “Tôi lên tiếng, bà con nạn nhân sống sót ở Sơn
Mỹ, rất thương tôi, họ biết gia đình trước và trong ngày thảm sát, họ lên tiếng
bênh vực tôi và nói những sự thật về gia đình tôi, đều bị ông Phạm Thành Công
nghiêm cấm và xúi giục chính quyền mời đến cơ quan Uỷ ban đe đọa.”
Ông Đức, người định cư sang Đức từ năm 1983, tiếp tục theo
đuổi vụ tranh chấp với Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ về bức ảnh hai đứa trẻ
Mỹ Lai. Ông nói:
“Nếu không nhìn thẳng vào lịch sử thì chúng ta khó né tránh
những hệ lụy của chiến tranh, thường gây nhiều xung đột hơn là hàn gắn. Cho nên
tôi mong rằng chính quyền Việt Nam, Ban Quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ, cũng như
các cơ quan hữu quan hãy trả lại tất cả sự thật trong cuộc thảm sát Sơn Mỹ, nhất
là trả lại sự thật cho tất cả các bức hình của ông Ron đan trưng bày tại khu Chứng
tích Sơn Mỹ vì 100% các bức hình của ông đều bị thiết minh sai, thậm chí còn
xúc phạm đến nạn nhân bị bắn chết.”
Trả lời hãng tin AFP vào tháng 3/2018, ông Phạm Thành Công
nói ông “không thể nhớ rõ những gì đã diễn ra.” Ông nói thêm rằng nhiều năm
qua, ông đã “cống hiến cuộc đời mình để giữ lại ký ức về một trong những tội ác
man rợ nhất trong chiến tranh.”
Từ năm 2011, ông Đức, người được cho là đứa trẻ trong ảnh và
ông Ron, người chụp ảnh, đã cùng về Sơn Mỹ với mong muốn cùng tìm kiếm câu trả
lời cho những bức ảnh.
Ông Haeberle nói với tờ Time rằng ông và ông Đức đã trở
thành những người bạn, ông đã sang Đức để gặp người trong ảnh và đặt chiếc máy ảnh
Nikon, từng dùng để chụp tấm hình lịch sử ‘hai đứa trẻ Mỹ Lai’ lên trên bàn thờ
mẹ ông Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét