Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

2772 - Vòng quanh thế giới ngày 14/2/2018

Tư Thẳng tổng hợp

1. Tin Việt Nam: Blogger Phạm Đoan Trang được trao giải nhân quyền

Blogger - nhà báo Phạm Đoan Trang
Blogger - nhà báo Phạm Đoan Trang - Courtesy FB Pham Doan Trang

Blogger-nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng Homo Homini năm 2017 của tổ chức nhân quyền People In Need, trụ sở tại Praha, Cộng Hòa Czech. Tên gọi Homo Homini theo tiếng Latinh dịch ra tiếng Việt là ‘từ người đến người’.
Thông cáo báo chí ra ngày 13 tháng 2 của People In Need nhắc lại câu nói của cô Phạm Đoan Trang, rằng ‘Các bạn không thể sợ hãi’. People In Need cho biết blogger Phạm Đoan Trang được chọn để trao giải Homo Homini vì lòng can đảm vững bền trong suốt quá trình theo đuổi sứ mệnh đem lại dân chủ cho đất nước của cô. Biện pháp đe dọa thường xuyên của các lực lượng, công cụ đàn áp của nhà nước, không thể làm cô nản chí. Theo People In Need đánh giá, cô Phạm Đoan Trang đã nêu rõ những bất công mà chế độ cộng sản gây ra; đồng thời cô nỗ lực giải thích cho người dân Việt Nam biết họ có quyền đứng lên chống lại áp bức.


2. Tin Mỹ: Luật sư của TT Trump thừa nhận đã trả 130,000 đô cho diễn viên ‘phim người lớn’

Nữ diễn viên Stephanie Clifford, còn gọi là Daniels 'bão tố', tại lễ trao giải Grammy ở Los Angeles, 2/2007.

Michael Cohen, luật sư riêng lâu năm của Tổng thống Trump, hôm 13/2 nói ông đã trả 130.000 đô la cho một ngôi sao ‘phim người lớn’ đã từng nói cô ta đã ngoại tình với ông Trump 10 năm trước khi ông đắc cử tổng thống.
Trước đây luật sư Cohen vẫn bác bỏ các tin về khoản thanh toán đó, bây giờ ông xác nhận đã trả tiền cho cô ‘Stormy Daniels’- ‘Daniels bão tố”- tên thật là Stephanie Clifford - và nói thêm rằng ông đã bỏ tiền túi ra chứ không liên quan gì tới Tổ chức Trump hay ban vận động tranh cử của ông Trump. Luật sư Cohen lên tiếng sau khi một nhóm giám sát lập luận rằng khoản chi trả đó phải được xem như một “chi phí vận động (bầu cử) không được báo cáo”. Ông Cohen phủ nhận điều đó.


3. Tin Mỹ: Tình báo Mỹ khẳng định Nga tiếp tục can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ 2018


Giám đốc Tình Báo Quốc Gia Mỹ Dan Coats trong một cuộc điều trần trước Thượng Viện.
REUTERS/Yuri Gripa

Bằng vũ khí đã sử dụng như tin tặc, đánh cắp thông tin và phát tán tin đồn, nước Nga của Vladimir Putin tiếp tục chiến dịch tuyên truyền tác động lên cử tri Mỹ, chia rẽ nội bộ, hầu làm thay đổi kết quả bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 11/2018.
Trên đây là nhận định của giám đốc Tình Báo Quốc Gia (DNI), ông Dan Coats, và toàn thể đại diện của 6 ngành an ninh, tình báo Mỹ trong cuộc điều trần ngày thứ Ba 13/02/2018 tại Thượng Viện. Tin này cũng được giám đốc CIA xác nhận. Ông Mike Pompeo cho biết các cơ quan thuộc Trung ương Tình báo ghi nhận được « hoạt động và ý đồ của người Nga tác động lên cuộc bầu cử sắp tới ». Hai tuyên bố trên đây, tiếp theo đó, đã được bốn vị lãnh đạo tình báo khác hiện diện trong buổi điều trần xác nhận.


4. Tin Bắc Hàn: Kim Jong-un kêu gọi thêm hòa giải

Bức ảnh do KCNA công bố cho thấy Kim Yo-jong khoác tay bên vai trái Kim Jong un, còn ông Kim Yong-nam ở bên phải.
Bức ảnh do KCNA công bố cho thấy Kim Yo-jong khoác tay bên vai trái Kim Jong un, còn ông Kim Yong-nam ở bên phải.Bản quyền hình ảnhKCNA

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn kêu gọi "làm ấm hơn nữa" bầu không khí hòa giải ấm áp với Nam Hàn mà Thế Vận Hội mùa Đông đã tạo ra.
Ông Kim Jong-un, người gây nhiều căng thẳng quốc tế với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đã ca ngợi việc Nam Hàn tiếp đãi phái đoàn vận động viên Bắc Hàn tại Thế vận hội ở Pyeongchang. Tổng thống Nam Hàn, ông Moon Jae-in, trong khi đó nói rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn. Ông không giải thích thêm chi tiết và có thể muốn nhắc tới lời bình luận của Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence trên chuyến bay trở lại Washington, D.C từ Thế Vận Hội.


5. Tin Trung Cộng: TC phản ứng đối với Bộ Trưởng Quốc phòng Anh

Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 13/2 chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Anh về những phát biểu nhắm vào sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.
Trong buổi phóng vấn với đài ABC của Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã bày tỏ thái độ cứng rắn chống Trung Quốc qua lời phát biểu rằng nước Anh không nên mù quáng trước tham vọng của Trung Quốc và phải bảo vệ an ninh quốc gia nước Anh. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn nêu ra rằng Trung Quốc muốn Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết mục đích rõ ràng khi cho chiến hạm đi vào khu vực Biển Đông. Động thái này có phải là khiêu khích quân sự đối với Trung Quốc hay không? Và nếu không phải là khiêu khích, thì Hải quân Hoàng gia Anh cần hành xử một cách khiêm tốn khi đi qua vùng Biển Đông.

6. Tin Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp : Căng thẳng trên biển Egée


Biển Egée nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.(Carte : RFI)

Biển Egée hay Aegean, tên của một vị vua huyền sử của Hy Lạp, trở thành điểm nóng giữa hai thành viên của NATO, sau vụ va chạm mới giữa hai tàu tuần tra Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Vụ việc xảy ra trong đêm 12 rạng sáng 13/02/2018, gần quần đảo Imia, mà hai nước tranh chấp chủ quyền. Athens xem vụ va chạm này là hành động khiêu khích của Ankara.
Cách nay gần một tháng, một tàu tuần dương Thổ Nhĩ Kỳ đã đụng phải một chiến hạm nhỏ của Hy Lạp ở vùng phía đông biển Egée. Lần này, tuần dương hạm Thổ đụng vào một tàu cảnh sát biển Hy Lạp. Vấn đề là nơi xảy ra sự kiện nằm ngay trong vùng xung khắc, không xa hai đảo đá có tên là Imia, từng khiến hai nước láng giềng suýt lao vào chiến tranh hồi năm 1996.


7. Tin Mỹ: TT Trump quyết định đóng cửa nhiều VP tái định cư tị nạn

Các cơ quan tái định cư người tị nạn đang chuẩn bị đóng cửa hơn 20 văn phòng trên toàn nước Mỹ và cắt giảm hoạt động ở hơn 40 văn phòng khác sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị họ tinh giản hoạt động, theo các thông tin mà Reuters có được.
Kể hoạch đóng cửa các văn phòng là theo quyết định của Tổng thống Donald Trump về giảm đáng kể số người tị nạn sẽ được phép vào Hoa Kỳ vào năm 2018. Bộ Ngoại giao cho biết, số người tị nạn giảm từ mức trần 110.000 do chính quyền Obama đặt ra xuống còn 45.000 người vào năm 2018, đồng nghĩa là Mỹ không còn cần đến tổng cộng 324 văn phòng tái định cư đã hoạt động tính đến cuối năm 2017. Mức trần về người tị nạn năm nay là con số thấp nhất kể từ năm 1980.


8. Tin Anh: 100 năm phụ nữ Anh được quyền bầu cử

100 năm phụ nữ Anh được quyền bầu cử
Phụ nữ biểu tình đòi tham gia bầu cử, tháng 7/1908 tại Luân Đôn.LSE Library / Wikimedia Commons

Cách nay một thế kỷ, vào ngày 06/02/1918, Nghị Viện Anh Quốc thông qua quyền tham gia bầu cử đối với phụ nữ trên 30 tuổi. Đây là thắng lợi đầu tiên của phụ nữ Anh sau 50 năm đấu tranh bền bỉ, không kém phần đẫm máu và nước mắt.
Chế độ bầu cử tại Anh quốc dưới thời nữ hoàng Victoria trị vì là theo mức thuế, chủ yếu dành cho nam giới và cho những ai có thể chứng minh được sở hữu nhà ở liên tục trong vòng 12 tháng tính đến ngày 15/7 của năm hiện hành. Thân phận phụ nữ trong giai đoạn này chỉ như là những « công dân hạng hai », chẳng có nhiều quyền gì hơn so với trẻ em hay một tên tội phạm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét