Cần nhìn lại một dự báo của Pew Research Center hồi tháng Bảy
năm 2017: kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ USD.
Một hiện tượng kinh tế - chính trị rất “đặc thù xã hội chủ nghĩa” là khi tháng Giêng năm 2018 đã qua, vẫn chẳng có một con số thống kê nào được công bố về kết quả kiều hối mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã “hút” được từ gần 4 triệu “khúc ruột ngàn dặm” ở hải ngoại.
Giấu công bố?
Sự tương phản hoàn toàn trái ngược là vào những năm trước, đặc
biệt vào năm 2015 khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ
USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã công bố báo cáo kiều hối 2015
ngay khi năm cũ còn chưa kết thúc. Tổng cục Thống kê cũng thường rất mau mắn
công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết
thúc tháng Sáu hàng năm. Hệ thống tuyên giáo đảng càng không quên tô vẽ về
“thành công của Nghị quyết 36”, tức bản nghị quyết ra đời từ năm 2003 về “công
tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, mà đã khiến cho bà con Việt kiều nhiệt
tình “cống hiến cho quê hương”.
Nhưng vào năm 2017, ngay cả báo cáo 6 tháng đầu năm của Tổng
cục Thống kê đã chẳng có con số tổng hợp nào về “tình hình kiều hối trên cả nước”,
thay vào đó chỉ là kết quả kiều hối về Sài Gòn - một thị trường được xem là
“truyền thống”.
Vào năm 2017, Sài Gòn vẫn duy trì được vị thế “thành đô” của
nó khi thu hút lượng kiều hối 5,2 tỷ USD, thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với
2016. Điều này có thể dễ dàng được lý giải vì Sài Gòn có hơn 1 triệu gia đình
có người thân đi định cư ở nước ngoài và chiếm đến 55 - 60% trong tổng kiều hối
về Việt Nam hàng năm. Trong cơ cấu của kiều hối về Việt Nam, thị trường Mỹ vẫn
chiếm tỷ trọng cao nhất với chiếm 60%, từ khu vực châu Âu là khoảng 19%. Việc
kiều hối về Sài Gòn không giảm cũng cho thấy tính ổn định của người Việt hải
ngoại khi gửi tiền về cho thân nhân của mình và đầu tư sản xuất ở thành phố
này.
Tuy nhiên, dấu hỏi rất lớn đang bật lên là tổng lượng kiều hối
về Việt Nam trong năm 2017 là bao nhiêu? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ
quan kinh tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ
thu được từ “kiều bào ta”? Liệu đã xảy ra một “sự cố” đủ lớn mà đã khiến chính
quyền không dám công bố kết quả kiều hối 2017?
5,4 hay dưới 9 tỷ USD?
Có một cách thức để ước tính lượng kiều hối về Việt Nam
trong năm 2017: nếu vẫn dựa vào tỷ lệ chiếm đến 55 - 60% tổng lượng kiều hối của
Sài Gòn, tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ vào khoảng 9 - 9,5 tỷ USD,
tức bằng hoặc cao hơn lượng kiều hối 9 tỷ USD về Việt Nam trong năm 2016.
Nhưng nếu tỷ lệ 55 - 60% của Sài Gòn thay đổi theo chiều hướng
tăng hoặc tăng vọt trong năm 2107, có nghĩa là kiều hối đổ về Việt Nam ngày
càng tập trung về Sài Gòn trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, thì sao?
Trong trường hợp đó, cần nhìn lại một dự báo của Trung tâm
nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ vào tháng Bảy năm 2017: kiều hối về
Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ USD.
Pew đã dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng
3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50%
do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED
tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với
năm 2016.
Dù tới nay các cơ quan chính quyền Việt Nam vẫn chưa công cố
con số kiều hối năm 2017, rất nhiều khả năng con số 9 tỷ USD kiều hối năm 2016
chưa phải “đáy kiều hối” mà đang khiến “đảng và nhà nước ta” thất vọng đến thế
nào, đặc biệt trong bối cảnh sức sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế ngày
càng thảm hại và Việt Nam hầu như bị các tổ chức tài trợ tín dụng lớn nhất hành
tinh đóng cửa cho vay.
Hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam đang xảy ra hai động
thái trái chiều: trong khi lượng tiền đồng quá dư thừa trong hệ thống Ngân hàng
nhà nước, Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần, lượng USD dành
cho nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài lại bị thiếu hụt khá trầm trọng. Nếu
kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không
biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.
9/10 người hải ngoại đang làm ngược lại
Trong thực tế, cho dù Việt Nam tăng lãi suất gửi đồng USD
trong thời gian tới, động tác này cũng khó làm hấp dẫn thêm lượng tiền kiều hối
ở nước ngoài gửi về. Lý do đơn giản là mặc dù Ngân hàng nhà nước Việt nam đã duy
trì chính sách gửi đồng USD với lãi suất bằng 0 trong cả năm qua, vẫn có nhiều
người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm cách lách luật bằng việc vẫn gửi USD
vào ngân hàng rồi ngay sau đó, họ lại thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại VNĐ với
lãi suất 4%-5%/năm, tiếp tục gửi tiết kiệm VNĐ với lãi 6%-7%. Như vậy, người gửi
USD đã có mức sinh lời 2%/năm, và các ngân hàng thương mại vẫn đang huy động
USD với mức lãi suất là 2%. Do đó, nếu Ngân hàng nhà nước tăng lãi suất huy động
USD lên 0,25-0,5% thì cũng chỉ là bước đi nhằm dần dần hợp thức hóa những gì mà
các ngân hàng thương mại đang làm, chứ không thể tăng huy động thêm USD cho nền
kinh tế.
Tại APEC Đà Nẵng 2017, ngoài một hiệp định khung về việc Hàn
Quốc cung cấp khoảng 1,5 tỷ USD tín dụng trong giai đoạn 2016 - 2020 cho Việt
Nam, ngoài con số 12 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà chẳng ai
biết có thực chất hay không, và dù có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế
(IMF) Christine Lagarde…, đã chẳng thấy hiện ra một lời hứa hẹn nào, càng không
hiện ra lời cam kết nào nào từ người Mỹ hay các nước khác về cung cấp viện trợ
hoàn lại hoặc tín dụng lãi suất ưu đãi cho Việt Nam – một đòi hỏi mà chưa bao
giờ đảng lại gây sức ép lớn đến thế đối với phía chính phủ để ít ra phải “vay để
đảo nợ”.
Trong khi đó, một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách
đây 5 - 6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay
có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên
do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi USD ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do
kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất
thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy
biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho “kiều bào ta” yên tâm
gửi tiền về…
Lượng kiều hối từ châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có
đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt
cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức -
Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Thậm chí ngay cả “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” - một
động tác do đảng cầm quyền ở Việt Nam chỉ đạo cho Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức,
cũng không thể khiến người Việt hải ngoại được thuyết phục. Kết quả của hội nghị
phải tổ chức đến hai lần này là khá thảm hại: lần đầu vào tháng 4/2017 đã phải
hoãn lại do chẳng có nhà văn hải ngoại nào hồi âm cho gần 50 thư mời của Chủ tịch
Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh được gửi đi, còn lần thứ hai tuy được báo cáo là
“tổ chức thành công” nhưng Hội Nhà văn Việt Nam lại giấu biệt danh sách các
“nhà văn hải ngoại” tham dự. Kiều hối về Việt Nam cũng vì thế vẫn ngậm đắng nuốt
cay…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét