Kỳ vọng tuổi trẻ vì sự nhận thức nhạy bén của họ, phá vỡ sự mê tín hay giáo điều của xã hội cũ, dùng tuổi trẻ bứt phá xiềng xích giam cầm tự do cá nhân.
Tác giả Brett Davis, trong một bài viết trên Forbes đã đề cập về thế hệ Z ở Việt Nam, những con người hiểu biết nhiều về kỹ thuật số.
Thế hệ Z là những người được sinh ra ở nửa cuối của những năm 1990 và giữa năm 2000, thời gian mà internet làm chủ đời sống của một con người.
Ảnh minh họa |
Ở Việt Nam, thế hệ Z có số lượng hơn 14 triệu người (tương đương 1/7 dân số), và đây được đánh giá như là lực lượng lao động lần đầu tiên trong thời đại kỹ thuật số phẳng. Theo một báo cáo của công ty Decision Lab cho biết, thế hệ Z ưa thích sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, xem phim và nghe nhạc; thế hệ này giao tiếp với bạn bè bằng ứng dụng nhắn tin tức thời (OTP). Thế hệ Z ở Việt Nam đã sử dụng trung bình 2,77 giờ cho mạng truyền thông xã hội mỗi ngày, và khoảng một nửa đã đồng ý rằng số lượng người thích bài đăng đã chứng tỏ sự nổi tiếng và khiến họ cảm thấy được chú ý.
Chúng ta nên hoài nghi về thế hệ?
Ở mỗi thế hệ trẻ, sự hoài nghi luôn đặt đặt ra.
Thế hệ Z mà như ký giả Brett Davis đề cập có vẻ thoát thai ra khỏi thế hệ giáo điều của ông bà, thế hệ mất mát thời cha mẹ. Thế hệ này có thể là lai tạo giữa thế hệ hưởng thụ và hoài nghi.
Sở dĩ phải nói vậy vì bên cạnh khối lượng vật chất tràn ngập và bao quanh thế hệ Z, thì lượng thông tin đa chiều mà mạng xã hội đã khiến thế hệ trẻ dần hoài nghi, nghi ngờ những quan điểm từ nhiều phía, bao gồm cả phía Nhà nước đưa ra.
Một trong số đó xuất phát từ sự tuyên truyền (hay gọi là dân vận) và tin giả.
Và cũng trong bài viết nêu trên cho biết, thế hệ Z thu được phần lớn thông tin của họ từ internet, dường như thế hệ Z không có nhiều niềm tin vào những gì họ đang nhìn thấy và nghe ở đó.
Và thế hệ Z luôn đặt câu hỏi: làm thế nào để nó trở nên đáng tin cậy. Tức là cùng một sự việc và hiện tượng, thế hệ Z luôn biết đặt ra một câu hỏi để đề xuất phương hướng cho nó có lối đi tốt hơn.
Rất đơn giản, giới trẻ đã tìm cách hoạch định thông tin theo kiểu nam châm, thu hút mọi người về phía mình, tạo nguồn thông tin thật để chống lại sự giả dối.
#Savesondoong là một hoạt động thu hút nhiều giới trẻ, và nhiều phản hồi (comment) trong fanpage này cũng tỏ ra hoài nghi trước lời tuyên bố của phía doanh nghiệp, chính quyền tỉnh hay trung ương về việc ‘không xâm phạm hang Son Doong’.
Những chiến thuật về bắt người hay tố cáo những nhà bất đồng chính kiến là phản bội Nhà nước, nối gót ngoại bang cũng bị thế hệ Z đặt câu hỏi là: có phải sự thật là như thế không?
Câu chuyện xây nghĩa trang cán bộ vừa qua, cũng thu hút nhiều Facebooker là giới trẻ sinh năm 1995 - 2002 trong các bài viết thuộc BBCVietnamese với sự phản đối, bất bình được thể hiện bằng comment hoặc biểu tượng (icon) giận dữ hoặc ngạc nhiên (Wow!) của Facebook.
Rõ ràng, một tư duy phản biện đã hình thành trong thế hệ này, và dường như môi trường đa chiều của thời đại kỹ thuật số (len lỏi trong từng ngóc ngách của đời sống) trở thành một giáo tập giúp người trẻ định hình được cái gì nên tin, cái gì giả dối, cái gì tuyên truyền và cái gì là sự thật đằng sau đó.
Rõ ràng điều này là quan trọng, ví dụ như thế hệ Z có thể đặt câu hỏi về chất lượng cầu xây kém chất lượng, cán bộ nhũng nhiễu các em khi làm giấy tờ tùy thân, cảnh sát mãi lộ khi các em tham gia giao thông ngoài đường,… Tất tần tật những vô lý, bất công và xu hướng tiêu cực như trên sẽ là bài toán mà thế hệ Z tìm cách lý giải, nhưng một trò chơi.
Thực tế, trên mạng internet đưa ra nhiều video đối chất về luật giữa CSGT (đối tượng tham nhũng trầm trọng trong hệ thống hành chính công Việt Nam) và giới trẻ. Những trò bắt vô tội vạ và đáp lại, thay vì sợ hãi, thế hệ Z sẽ sẵn sàng dẫn luật để đi đến cùng chân lý mà thế hệ này nắm được. Vừa để không mất tiền oan, vừa đảm bảo ‘dạy cho CSGT tham nhũng’ một bài học nhớ đời, rằng đây không phải là thời kỳ bắt nạt.
Hãy nhìn sang Hồng Kông, mới đây, các thành viên Quốc hội Mỹ đã đề cử Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) cùng hai thủ sinh viên Hong Kong khác cho giải Nobel Hòa bình năm 2018 vì những nỗ lực ‘dám nghĩ, dám làm’ của chàng sinh viên này. Tại Việt nam, thế hệ Z cũng định hình tư tưởng đó trong đầu, nhưng nó không tiêu biểu ở một cá nhân bất kỳ, mà nằm ở cả một lớp thế hệ Z đang dần lớn mạnh.
Suy cho cùng, thế hệ Z sẽ là thế hệ hoài nghi, nhưng không phải là hoài nghi theo ý nghĩa tiêu cực như ‘người lớn’ hoài nghi thế hệ Z sẽ không làm được trò trống gì. Mà bản chất ‘hoài nghi’ sẽ định hình trong thế hệ Z như một tư duy phản biện. Điều này cực kỳ tốt, trong một môi trường mà sự áp đặt và giáo điều vẫn luôn hiện hữu, thì ‘hoài nghi’ sẽ từng bước phá bỏ tảng băng trì trệ của xã hội,…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét