Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

2524 - Olympics Seoul 1988 – cú hích thúc đẩy cải cách dân chủ ở Hàn Quốc



                                         Lễ khai mạc Olympics mùa hè năm 1988. Ảnh: AP


Nhân sự kiện Olympics mùa đông 2018 sắp diễn ra tại Pyeongchang (Hàn Quốc) vào tháng 2, bài viết này gợi nhớ lại sự kiện Olympics mùa hè năm 1988 và tác động của sự kiện này tới sự sụp đổ của thể chế độc tài Hàn Quốc, bước đầu đưa đất nước chuyển tiếp sang nền dân chủ.
Olympics 1988 tại Seoul đã góp phần vào sự cởi mở của chính phủ đối với các giá trị dân chủ. Sự kiện thể thao này đã góp phần thay đổi chính sách của Chun Doo-hwan (tổng thống thứ 5 của Hàn Quốc, cũng chính là người gây ra cuộc thảm sát Gwangju năm 1980), để rồi dẫn đến các cuộc đấu tranh dân chủ những năm 1980 sau đó.
Hai cuộc khủng hoảng trước Olympics
Trong một nghiên cứu của Young Whan Kihl, giáo sư ngành Chính trị học so sánh tại Đại học bang Iowa, thì nền chính trị Hàn Quốc bắt đầu chuyển biến trong bối cảnh nền kinh tế đang thịnh vượng và tăng trưởng ổn định. Có thể thấy rõ điều này khi ta so sánh chính sách đối phó của chính phủ trong hai sự kiện khủng hoảng chính trị và kinh tế giai đoạn 1979-1980 và giai đoạn 1986-1987.
Cuộc khủng hoảng năm 1979-1980 cho phép Chính phủ Chun khôi phục lại sự ổn định chính trị và kinh tế thông qua việc thực hiện các kế hoạch điều chỉnh kinh tế một cách mạnh mẽ, giống như kế hoạch của Park Chung-hee, người tiền nhiệm của Chun. Bằng cách thu hút các tập đoàn kinh tế thông qua những hứa hẹn về những tiến bộ trong kinh tế-xã hội, Chun đã có thể củng cố quyền lực của chính mình.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho Olympics năm 1988, chính quyền Hàn Quốc đã phải đầu tư đáng kể vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, việc đầu tư vào sự kiện thể thao này đã cho phép nhà nước kiềm chế được phe đối lập vì việc xây dựng gần như trở thành một phương tiện để chính phủ có thể thâm nhập vào mọi khía cạnh và mọi thành phần của quốc gia. Tuy nhiên, chính việc tiêu tốn vào Olympics đã tiếp tục làm ngân sách nhà nước bị cạn kiệt cũng như dâng cao sự bất mãn trong lòng công chúng. Và kết quả chính là phong trào nổi dậy ở Gwangju.
Trong khi đó, phản ứng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng 1986-1987 mềm mỏng hơn vì khủng hoảng xảy ra trong thời kỳ Hàn Quốc đang ở mức tăng trưởng vượt bậc.
Kihl xác định rằng có hai lực lượng quan trọng dẫn tới sự chuyển đổi về dân chủ trong giai đoạn này, ấy là lãnh đạo của phe đối lập cùng với xã hội dân sự và chính sách tự do hóa đã thể hiện sự thay đổi chính sách do tầng lớp lãnh đạo của chế độ độc tài cấp tiến. Từ đó đã mở ra một con đường hướng tới một nền dân chủ hòa bình vào năm 1987.

Hiện trường cuộc nổi dậy Gwangju năm 1980. Ảnh: The Australian.
Vì sao chính phủ Chun nỗ lực giành quyền đăng cai Olympics
Hầu hết các học giả đồng ý rằng chính phủ Chun đã cố hết sức để giành quyền đăng cai nhằm thực hiện các mục tiêu về kinh tế và chính trị.
Có ba lý do chính cho quyết định này.
Thứ nhất, lợi ích kinh tế mà người Nhật Bản gặt hái từ Olympics năm 1964 đã tạo ra một niềm tin mãnh liệt cho chính phủ Hàn Quốc để có thể gặt hái một kết quả tương tự.
Thứ hai, sự kiện thể thao này sẽ là một cơ hội để giải quyết sự đối đầu giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên cũng như tạo cơ hội cho Hàn Quốc được công nhận là một quốc gia “tiên tiến”.
Và thứ ba, chính phủ đã khơi dậy một khát vọng rất mạnh mẽ trong việc thay đổi hình ảnh của Hàn Quốc thông qua việc kết hợp các chính sách kinh tế hiệu quả của Chun với một nền kinh tế thịnh vượng, từ đó củng cố tính chính danh của quốc gia trên bình diện quốc tế.
Công nghiệp hóa và phát triển ổn định cũng nhằm nâng cao uy tín của chính phủ đối với người dân trong nước, trong khi sự tập trung của thế giới vào Olympics sẽ góp phần nâng cao nhận thức về mối đe dọa của Bắc Triều Tiên và tạo ra một lá chắn vô hình bảo vệ cho Hàn Quốc chống lại một cuộc xâm lược nữa như những gì từng xảy ra năm 1950.
Cũng có thể chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng “cách thức Olympics” để quảng bá các chương trình nghị sự và lấy lại được sự tín nhiệm từ quốc dân, theo nhà nghiên cứu Thomas. Ông định nghĩa “cách thức Olympics” là “cách thức có tính kỷ luật cao, sử dụng sự hăm dọa, ép buộc, và các lực lượng (hoặc mối đe dọa) để khẳng định quyền lực của mình và thực hiện chương trình nghị sự, thông qua việc vận động quần chúng nhân dân từ nguyên nhân chung là khơi dậy hình ảnh quốc gia”.
Thực tế, việc chuẩn bị cho Olympics 1988 gắn liền với những khoản đầu tư đáng kể trong các dự án phát triển. Nó cũng làm lệch hướng sự chú ý của quốc tế về các vi phạm nhân quyền, đặc biệt là cuộc đảo chánh của Chun và vụ thảm sát Gwangju, đồng thời củng cố danh tiếng của Hàn Quốc bằng cách xóa bỏ những nghi ngờ về tình trạng kinh tế kém phát triển hay là các khu ổ chuột.
Tác động của Olympics 1988 đối với vị thế chính trị của Hàn Quốc
Quyết định của Ủy ban Olympics Quốc tế (IOC) về việc trao quyền tổ chức cho Seoul đã hợp thức hóa tính hợp pháp của chính quyền quân sự của Chun cả ở khối Đông Âu và Bắc Mỹ.
Mặc dù Olympics không đề cập rõ đến Bắc Triều Tiên, song nó đã trở thành một phương tiện quan trọng để theo đuổi chính sách bình thường hóa quan hệ với Bắc Triều Tiên.
Cùng với đó, những nỗ lực của Bắc Triều Tiên nhằm phá hoại việc tổ chức Olympics đã làm mất uy tín của chế độ nhà họ Kim, trong khi Hàn Quốc lại thành công trong việc bình thường hóa quan hệ với các nước Đông Âu và những nước từng là đồng minh của Bắc Hàn như Trung Quốc và Liên Xô. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy lúc đầu nhiều người Hàn Quốc từng xem Olympics là một cuộc diễu hành quân sự nhưng các quan điểm dần đã thay đổi khi người dân cảm thấy tự hào.

Lễ khai mạc Olympics mùa hè năm 1988 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images.
Sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc
Chủ nghĩa dân tộc nổi lên từ Olympics năm 1988 được xem là một yếu tố mạnh mẽ nhưng mang nhiều mối nguy hiểm và bạo lực.
Người dân Hàn Quốc có cùng một mong muốn là quốc gia có thể trở thành một đất nước tiên tiến, ấy cũng là một trong những nhân tố chính khi Chun đã cố công giành cho được quyền đăng cai. Chẳng hạn như, trong một cuộc thi đấm bốc, khán giả Hàn Quốc đã tấn công một trọng tài mà họ tin rằng đã hành xử bất công đối với vận động viên nước họ. Khi các phương tiện truyền thông Hàn Quốc tái phát sóng từ kênh truyền hình NBC của Mỹ về vụ việc trên, thì mối quan hệ Hàn-Mỹ gần như đứng trên bờ vực phá sản khi Mỹ vốn luôn là một đồng minh thân cận của Hàn Quốc sau chiến tranh Triều Tiên 1950.
Theo Thomas, trong trường hợp này người Hàn Quốc đã “đáp lại những gì họ coi là những cuộc tấn công vào hình ảnh đất nước bằng chủ nghĩa dân tộc phòng thủ. Thông qua nó, họ đã khẳng định niềm tự hào quốc gia trong Olympics và lúc nào cũng sẵn sàng tiến lên phía trước, huy động đầy đủ nhân lực và tự hào để hỗ trợ cho đất nước”.
Một cuộc khủng hoảng mới tạo nên bước ngoặt
Vào tháng 4 năm 1987, Tổng thống Chun tuyên bố sẽ hoãn cuộc tranh luận về cải cách Hiến pháp cho tới khi Olympics kết thúc. Tuyên bố này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị mới: sinh viên và tầng lớp trung lưu đã tiến hành các cuộc biểu tình trên khắp các đường phố Seoul và các thành phố lớn khác của Hàn Quốc để phản đối.
Quốc gia này từng bị “mất mặt” khi mất quyền đăng cai Đại hội Thể thao Châu Á 1976 vì không đủ khả năng xây dựng cơ sở vật chất cần thiết. Một lần nữa, Hàn Quốc có nguy cơ mất quyền đăng cai vì những khủng hoảng chính trị đang xảy ra ở Seoul.
Vì thế, để duy trì uy tín và “hạ nhiệt” các cuộc khủng hoảng, nhà nước độc tài đã chấp nhận đàm phán với phe đối lập và đảm bảo tiến hành cải cách dân chủ trước khi khai mạc Olympics. Theo đó, Olympics 1988 đã mở ra một bước ngoặt cho hệ thống chính trị Hàn Quốc khi bắt đầu tiến hành cơ cấu và cải cách vì nhà nước không có nhiều lựa chọn cũng như không muốn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc hiện đã quá mạnh mẽ trong xã hội.
Như nhà nghiên cứu Manheim đã nói, “Dù Olympics có phải là nguyên nhân dẫn đến việc xuống đường biểu tình của sinh viên Hàn Quốc hay không, thì dù sao chính sự kiện thể thao này cũng đã đưa các phương tiện truyền thông của thế giới đến với Seoul, Gwangju và những thành phố lớn khác để trực tiếp truyền tin về những hoạt động dân chủ của sinh viên và tầng lớp trung lưu”.
Trong tình cảnh ấy, chính phủ Chun phải đối mặt với hai lựa chọn: hoặc là huy động quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình dẫn đến nguy cơ bạo lực ở quy mô lớn, hoặc là nhượng bộ phe đối lập về những giá trị dân chủ và có nguy cơ đánh mất quyền lực.
Mặc dù không trực tiếp dẫn đến sự chuyển tiếp dân chủ, song Olympics và các phương tiện truyền thông đã có tác động mạnh mẽ đến phản ứng của chính phủ đối với các cuộc biểu tình khi Chun không hề muốn hy sinh bộ mặt quốc gia và tạo nên một cục diện bế tắc. Vì thế, Olympics 1988 dường như đã tạo ra một cuộc chuyển tiếp dân chủ phi bạo lực để phòng ngừa sự nổi giận từ nhân dân mà chính quyền Chun phải gánh chịu nếu tiếp tục lựa chọn phương án đàn áp bạo lực như đã từng xảy ra những năm 1979-1980.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét