Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

2507 - Những điều người tù cần biết (Phần 1)



Dù đang bị tạm giữ, tạm giam hay thi hành án, tôi xin phép gọi chung, những người đang ở sau cánh cửa nhà tù, là TÙ NHÂN. Mỗi tù nhân và gia đình của họ, có cách sống và quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, ở đây, tôi nêu lên những gì chung nhất mà bản thân tôi trải qua thực tế, tôi nghĩ có thể, có những điều cần thiết cho thân nhân của các bạn tù tham khảo, nhằm chăm sóc cho chính bản thân mình và chăm lo cho người thân đang ở tù.

Quan điểm của tôi: "Chăm sóc bản thân tức là đang chăm sóc cho người thân".

Thân nhân của người tù, vui lòng lưu tâm những điều sau đây:

1. Cần luôn luôn bình tĩnh và khỏe mạnh. Hãy nhớ rằng, chính bản thân mình khỏe mạnh và bình tĩnh mới giúp cho người tù, dù ít nhất. Dặn người tù cũng giữ đúng tinh thần như thế.

2. Tập thể dục mỗi sáng khoảng nửa tiếng (nhiều hơn càng tốt). Hãy luyện yoga (không cần chuyên sâu, chỉ cần 11 tư thế (1) căn bản), quan trọng là thường xuyên. Nhấn mạnh, nhớ hít thở sâu. Dặn người tù cũng làm đúng như thế, dù trong phòng giam chật hẹp (như ở số 4 PĐL, chỉ có 4m2/2 người) tôi vẫn tập được. Khi thi hành án tại Xuân Lộc, tôi ra khoảng sân nhỏ rộng rãi hơn, hoặc ngay trong phòng cũng tập được. Động tác "rắn hổ mang" rất tốt cho cột sống.

3. Ăn đúng bữa, uống nước nhiều, cố gắng ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Dặn người tù cũng làm đúng như thế.

3.1 Nếu ai không thể ăn cay, hãy cố gắng tập ăn cay dần dần. Trong bữa ăn, hãy lấy vài tép tỏi và vài trái ớt, giã nhuyễn cùng một chút đường để làm chén nước mắm. Nhớ pha nước mắm đủ ăn trong 1 ngày. Vừa tốt, vừa không lãng phí. Có quan niệm ăn cay dễ bị đau bao tử, nổi mụn, nổi nhọt, táo bón... Quan niệm này không đúng. Cố gắng ăn cay mỗi ngày. Bản thân tôi, khi ăn cay và nóng, mồ hôi toát ra, làm cơ thể khỏe khoắn, phấn chấn hơn rất nhiều. Đặc biệt, ăn cay & nóng rất tốt đối với những ai đang bị cảm cúm.

3.2 Nhà tù nào cũng giao cơm, canh khá sớm. Cơm tù là gạo dở, để chừng 1/2 tiếng là khô cứng, rất khó ăn. Giờ giao cơm canh, sáng khoảng 6h đến 6h30 (chỉ có cơm), giấc (gọi là) trưa khoảng 9h30 đến 10 giờ, giấc (gọi là) chiều khoảng 3h đến 3h30. Nên ăn ngay, cơm nóng và canh nóng cùng chén nước mắm cay và ít cá khô, chà bông v.v... giúp chúng ta dễ ăn hơn. Tại Xuân Lộc, mỗi tháng có 7 lần thịt và 4 lần cá. Kinh nghiệm của tôi, không nên ăn thịt. Nếu không phải toàn mỡ, cũng là thịt độc hại (cho mèo, mèo cũng chê. Thậm chí, tôi để thử một ngày, ngay cả kiến cũng tránh xa). Cá, có thể ăn được, nếu là cá biển (thỉnh thoảng có cá nục) nên chiên hoặc kho lại (rắc tiêu nhiều, nếu bạn không thể ăn ớt), còn đa số là cá mè (rất tanh và nhiều xương).

3.3 Nước uống. Tại Xuân Lộc, mỗi bình 20 lít, có giá 20.000 đồng. Thêm cái vỏ bình 80.000 đồng. Vị chi, lần đầu phải mất 100.000 đồng. Mỗi tháng, mất khoảng 60.000 đồng tiền nước uống. Một năm là 720.000 đồng. Nếu người tù nào có thăm nuôi, xin đừng tiết kiệm khoản chi này. Bạn có thể ăn thiếu thốn, nhưng không được thiếu nước uống sạch. Có những bạn tù, dù có người thân thăm nuôi, nhưng vì tiết kiệm, nên dùng nước giếng bơm (dùng cho cả tắm giặt và ăn uống) nấu sôi để nguội và lọc lại (chỉ bằng cục bông gòn và cái bình lọc tự chế), rồi uống. Nhiều người đã bị đau thận, ban đầu tiểu gắt, tiểu nhiều lần, sau tiểu ra máu, đau lưng rất nhiều. Hãy nghĩ rằng, mỗi tháng bạn tốn 60.000 đồng, để giữ 2 quả thận, bởi dù bạn có cả tỉ đồng để chữa trị cũng không thể nào làm cho quả thận của mình trở lại như trước khi ở tù. Riêng tôi, không ăn canh của trại tù Xuân Lộc. Cứ cách khoảng 3 ngày, tôi mua nửa ký bắp cải hoặc nửa ký khoai tây và dùng nước bình để nấu canh. Tại số 4PĐL và Chí Hòa (có lẽ vì ngay Sài Gòn) có nước sạch uống (nhưng không bao giờ có nước sôi, dù chỉ để ăn mì gói, nên trong tù có món "mì gió", ai cũng biết), nên tôi không phải mua nước uống.

4. Mỗi sáng, bụng đói (nhớ là phải chưa ăn gì cả), hãy lấy 4 tép tỏi tươi, lột vỏ, nhai sống (phải nhai sống thì chất gì đó [tôi không nhớ và có lẽ cũng không cần nhớ] mới tiết ra). Nhai nhuyễn rồi hãy nuốt. Tất nhiên, rất cay và khó chịu. Hãy cố gắng làm quen với hương vị này. Chuẩn bị một ly nước (ấm càng tốt), khi nhai xong một tép thì uống ngụm nước để bớt cay và cứ thế tiếp tục. Nếu ai có thể nhai cả 4 tép tỏi càng tốt, rồi uống nước cũng được. Nếu chịu cay được như tôi, không cần uống nước. Sau đó, để mất mùi tỏi, hãy đánh răng súc miệng. Dặn người tù cũng làm y như vậy. Rất tốt, qua kinh nghiệm của tôi. Vui lòng lưu ý: việc nhai tỏi sống chỉ có tác dụng, khi nhai sống mỗi ngày, kéo dài ít nhất 6 tháng. Nếu tạo thành thói quen suốt đời càng tốt. Trong tù, tôi đã nhai tỏi như thế suốt gần 2 năm trời, hiệu quả thấy rõ, những cơn đau tim vừa chớm (khi biết tin con trai qua đời) lui dần sau 6 tháng và hiện nay không còn nặng ngực và không còn thấy nhói buốt ngực dù là từ phía sau hay trước ngực trái. Ngoài tim ra, việc nhai tỏi như vậy cũng giúp cho phổi nhẹ nhàng, nhất là đối với không khí trong phòng giam rất ngột ngạt và ô nhiễm (như số 4 PĐL, Chí Hòa, Bố Lá).

5. Vì ở tù lâu ngày, ăn đồ khô là chủ yếu, thiếu chất dinh dưỡng, nên hầu hết người tù đều có vấn đề về răng. Hãy ngậm nước muối thường xuyên mỗi ngày, dù bạn không đau răng, nhằm để phòng ngừa. Có anh Phạm Xuân Thân (người ám sát phái đoàn tiền trạm của Giang Trạch Dân khoảng năm 96 - 97 thế kỷ trước, nhận án chung thân) vì đau răng quá, anh ấy đã nhờ bạn tù dùng đá và cây củi để đục "một phát dứt khoát" cho bứt chiếc răng ra. Ở tù, người ít thì rụng một cái, nhiều thì 5 - 6 cái. Vui lòng đừng đặt câu hỏi "bác sĩ đâu?".

6. Trong tù, có tiêu chuẩn bột giặt và đường cát. Mỗi ngày, hãy lấy ít đường và cắt nửa trái chanh để pha uống. Mỗi trái chanh uống được 2 ngày. Cắt theo chiều ngang trái chanh, không nên cắt dọc. Cắt như thế, dễ vắt nước cốt và dễ úp nửa trái còn lại để dành cho ngày mai. Nên uống vào giấc 9h đến 10h sáng.

7. Nên tắm giặt từ khoảng 9h đến 14h mỗi ngày. Trại Xuân Lộc, không buộc chúng tôi (những người tù vì điều 88, 79, 84) phải đi lao động. Chúng tôi bị nhốt như trong sở thú (đã mô tả khái quát khi trả lời phỏng vấn RFA), nên tôi thường xuyên tắm giặt vào giờ nói trên. Ngay cả những hôm mưa bão, rất lạnh, tôi cũng thường xuyên tắm giặt vào giờ đó. Những ngày hè nóng bức, tôi thường tắm thêm vào giấc tối khoảng 6 giờ, tắm nhanh và lau thật khô. Nếu đêm nào nóng quá (khoảng 21 - 22 giờ), tôi không tắm, chỉ xối nước vào khăn rồi vắt cho thật khô lau người, để đỡ nóng.

8. Đặc biệt "ở tạm giam", đó lại là thời gian khắc nghiệt nhất (tôi ở tình trạng tạm giam 24 tháng qua 3 nhà tù: 4 PĐL, Chí Hòa, Bố Lá). Chỉ nên ăn thực phẩm của mình (dù là gia đình gởi vào hay mua từ nhà tù). Hãy tính toán kỹ và dè xẻn cho những lần thăm nuôi kế tiếp. 

8.1 Bạn có thể chia sớt thực phẩm của mình cho bạn tù, nhưng đừng bao giờ nhận thực phẩm được bạn tù chia sớt. Nếu ở chung với người nước ngoài hãy thoải mái nói chuyện. Ở số 4 PĐL, tôi bị nhốt chung với mấy tay (Thổ Nhĩ Kỳ, Ucraina, Nga) ăn trộm tiền bằng thẻ ATM giả. Nếu bạn bị nhốt chung với mấy tên "nhảy sô" (tiếng lóng trong tù, tức là để được giảm án nhiều, những người tù này nhận lịnh vào ở chung với bạn để khai thác thông tin), hãy cư xử lịch thiệp và tranh thủ làm "công tác" "nhảy sô vận". Rất dễ nhận ra những người "nhảy sô", tôi tin tất cả anh em tù không phải thường phạm, đều nhận ra ngay. Ít nhiều, những người này cũng nể trọng những người tù chúng ta. Đừng nên to tiếng, cãi nhau v.v... Bởi như thế, bạn đã "sập bẫy" rồi. Nơi đây đỡ phức tạp hơn, nhưng cũng phải tự ăn uống lấy. Tại đây, mua thực phẩm bị cai tù ăn bớt bằng cách kê giá cao hơn, cân thiếu v.v..., thậm chí, mấy tên trộm nước ngoài bị cắt tiền rất nhanh mà không biết lý do, cũng không cãi nhau với công an được, vì chúng không biết tiếng Việt, còn công an không biết tiếng Anh. Vả lại chúng tự biết thân phận cũng là những tên trộm, nên chỉ thắc mắc với tôi, rồi thôi. Bản thân tôi, cũng bị ăn xén như thế, nhưng lúc đó, tâm trạng quá mệt mỏi, vì thế tôi cũng bỏ qua. 

8.2 Tại Chí Hòa, nghĩa là bạn đã xong "kết luận điều tra" hoặc đã xong "sơ thẩm", an ninh không còn cần vai trò "nhảy sô", nên không cần lo sửa "kết luận điều tra". Thậm chí, đừng nghe những lời thêu dệt hay hù dọa: bị ghi âm, bị nghe lén, "báo cáo mồm", mách lẻo v.v... Tôi rút ra được thành ngữ và chia sẻ với mọi người: "Mồm + Mồm = Không".

Tuy nhiên, bạn phải chú ý rất kỹ. Ngay từ đầu, phải cho tất cả bạn tù biết, bạn không phải "tù bậy bạ". Ở Chí Hòa, cai ngục dung dưỡng tình trạng "đại bàng" và "đầu mâm", cùng tình trạng "hối lộ", "chạy án" v.v... rất hổ lốn và bạn đang sống như trong rừng rậm. Môi trường sống rất bẩn thỉu, họ giam cả người HIV giai đoạn cuối (vì chơi ma túy) chung với người không bịnh. Khi cần thiết, bạn cũng cần hung tợn lên, nhưng tránh đánh nhau, vì sẽ rơi vào bẫy. 

Ở Chí Hòa, 99,9% tù nhân đều bị ghẻ. Không thể tránh khỏi lây ghẻ, vì tù bị nhốt khoảng 40 - 50 người trong một diện tích khoảng 50m2 (gồm cả chỗ tiêu tiểu, tắm giặt, chỗ để thức ăn dự trữ v.v...). Không có muối để tắm, vì Chí Hòa sợ tù nhân dùng muối pha nước rồi đổ vào các thanh sắt, lâu ngày gây mục rữa. Tắm như tắm cho heo, đồng loạt. Giờ tắm khoảng 13h30 đến 14h30 hoặc trễ hơn một chút. Không thể tắm sạch, vì rất đông mà chỉ có khoảng 1 tiếng đồng hồ. Chỉ có thuốc trị ghẻ hiệu "DEP" khi có khi không, thuốc chỉ làm cảm giác nóng và nhờn nhưng không hiệu quả. Bạn có thể "đi xe" (tiếng lóng để chỉ việc mua từ các công an cai tù) với "thuốc bảy màu" trị ghẻ, giá khoảng 500.000 đồng/tube, mặc dù giá ngoài tiệm thuốc chỉ khoảng 20.000 đồng. Một chai dầu gió xanh giá khoảng 700.000 đồng. Một lạng thuốc lào khoảng 2.000.000 đồng, một gói thuốc JET khoảng 500.000 đồng, mua lẻ khoảng 100.000 đồng/điếu v.v... Bán thuốc lào, thuốc lá là một chuyện; nếu để cai tù bắt gặp, là đánh nhừ tử. Đánh xong, cắt thăm nuôi 1 tháng và phát thuốc xức, nhằm phi tang chứng cớ dùng nhục hình. Thậm chí, những tên "đại bàng" giăng bẫy, cũng giả bộ nhập chung để hút lén thuốc lào, rồi "hiệp đồng" trước với phó và trưởng khu bắt tại trận, nhằm lập công theo lịnh của phó và trưởng khu. Bạn cũng có thể gọi điện cho người thân với giá 200.000 đồng/khoảng 2 hay 3 phút nói chuyện. Nói chung bạn có thể mua tất cả, nhưng bạn phải là "tù bậy bạ". Những người tù như chúng ta, không bao giờ công an dám "bắt mối" để bán.

9. Ở tù, rất nhiều loại bịnh, trong đó, đau dạ dày là khá nhiều. Tất cả đều biết, chứng bịnh này phần lớn do tâm trạng buồn phiền, lo lắng, căng thẳng gây ra. Vì thế, người tù nên vui vẻ, ca hát, kể chuyện tiếu lâm, nói chuyện, chia sẻ những vấn đề thời cuộc hiện nay (thông qua việc đọc báo ND và xem VTV) công khai một cách tự nhiên v.v... đừng kìm nén trong lòng, đừng xầm xì và lấm lét, câm bặt khi thấy bóng dáng công an v.v... Bởi lâu ngày uất khí tích tụ, sẽ gây cho bạn đau dạ dày và trầm cảm nặng.

10. Tuyệt thực. Theo thiển ý của tôi, không nên tuyệt thực. Vì ảnh hưởng trước mắt và lâu dài cho cả bản thân và gia đình mình. Bởi quan niệm của tôi "Biết chăm sóc bản thân tức là thương yêu gia đình". Hẳn là bất kỳ bạn tù nào cũng không muốn thân nhân mình muộn phiền và bất an? Thiếu tá Nguyễn Đình Tứ (trưởng nhà tạm giam PA92) từng nói bình thản với tôi về tuyệt thực: Tuyệt thực không chết được đâu. Tôi thấy đúng và càng đúng hơn khi nhớ lại anh Điếu Cày, anh Trần Huỳnh Duy Thức v.v... Trong trường hợp, bạn tù nào vẫn giữ quan điểm tuyệt thực, vui lòng theo cách này: Phài đặt vài câu hỏi, ví dụ: Tuyệt thực bao lâu? Mục tiêu tuyệt thực để làm gì? Kết quả được bao nhiêu phần trăm? Hậu quả sau tuyệt thực sẽ là gì? v.v... Sau khi đã tự giải đáp những câu hỏi rồi, bạn hãy ăn bớt lại từ từ rồi hãy tuyệt thực, nhằm làm cho dạ dày thích nghi và quen dần với việc đói bụng. Ví dụ, mỗi buổi thay vì bạn ăn 2 chén cơm, hãy bắt đầu ăn một chén rưỡi trong 1 tuần. Tiếp theo giảm dần còn 1 chén, rồi giảm dần nửa chén, giảm dần chỉ ăn 1 chén canh, rồi nửa chén canh và dần dần như thế... Không nên "đùng một phát" tuyệt thực ngay, vô cùng nguy hại cho dạ dày và cho sức khỏe lâu dài của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét