Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

2644 - Cổ phiếu Hoa Kỳ sụt giá

Nguyễn Xuân Nghĩa-RFA


Thị trường chứng khoán New York hôm 6/2/2018
Thị trường chứng khoán New York hôm 6/2/2018 - AFP
Hôm Thứ Hai mùng năm, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh và coi như mất hết những gì đã được kể từ đầu năm. Biến cố ấy gây chấn động cho các thị trường tài chính trên thế giới và khiến nhiều người phân vân lo ngại. Diễn đàn Kinh tế thì tìm hiểu tại sao….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giá quá mạnh trong ngày Thứ Hai đã gây bàng hoàng cho mọi người, nên Nguyên Lam xin ông giải thích cho vì sao lại có hiện tượng ấy và hậu quả sẽ là gì…
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin nhắc tới sự kiện là biến động trên thị trường Hoa Kỳ lập tức ảnh hưởng đến các thị trường Á Châu mở cửa sau đó và gây phản ứng dây chuyền cho các thị trường Âu Châu. Đâm ra trên trái đất hình tròn, thị trường Hoa Kỳ vẫn gây hiệu ứng mạnh nhất đến các thị trường khác. Thứ hai, chúng ta đang ở giữa một biến động ngắn hạn và mọi giải thich chỉ có giá trị tương đối mà thôi nên chúng ta cần thận trọng. Sở dĩ cần thận trọng vì sau cả năm lên giá đều đặn, thị trường Hoa Kỳ lại có chỉ dấu lên xuống rất cao, mặc dù chỉ số e ngại của thị trường có hạn kỳ, hay VIX Futures chưa lên tới mức báo động. Chúng ta nên đi lại từ đầu, may ra thì sẽ hiểu…
Nguyên Lam: Nói đến từ đầu, thưa ông, mọi sự khởi đầu ra sao kể từ khi các thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã lên tới mức kỷ lục vào ngày Thứ Sáu 26 tháng trước mà trong có vài ngày đã mất hết những gì đã được kể từ đầu năm nay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mọi sự có thể khởi đầu từ hôm Thứ Sáu mùng hai khi thống kê về nhân dụng do Bộ Lao Động Mỹ thông báo mỗi Thứ Sáu đầu tháng. Con số thông báo là một tin vui về kinh tế vì số tuyển dụng cao và nhất là vì mức lương cũng tăng. Tin vui đó khiến thị trường kết luận là lãi suất tại Hoa Kỳ có thể sẽ tăng, làm phân lời trái phiếu, là tiền lời đi vay, cũng tăng vả trị giá trái phiếu sụt mạnh. Ta biết rằng phân lời hay yield và trị giá trái phiếu chuyển động ngược. Từ kết luận lạc quan ấy, ta thấy giới đầu tư rút tiền từ thị trường cổ phiếu đưa sang thị trường trái phiếu làm cổ phiếu Hoa Kỳ sụt giá trong ngày Thứ Sáu đó. Nào ngờ là biến động ngắn hạn ấy lại có hướng tiếp tục khi người ta theo dõi các thị trường có hạn kỳ là “futures” và qua Thứ Hai thì sụt giá mạnh, tới cuối ngày thì mất điểm ở mức kỷ lục. Khi đó, người ta mới phải nhìn lại về cái gọi là “khởi đầu”. Nó không là thống kê lao động hôm Thứ Sáu mà là cái gì đó sâu xa hơn.
Nguyên Lam: Ông nói đến một chuyện sâu xa hơn, thưa ông, đó là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đó là điểm lật năm 2008 mà chúng ta nói kỳ trước. Sau vụ khủng hoảng Lehman Brothers vào Tháng Chín rồi nạn Tổng Suy trầm 2008-2009, khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật đã duy trì lãi suất sát tới số không trong gần 10 năm liền và còn ào ạt bơm tiền theo chính sách quantitative easing hay “tăng mức lưu hoạt có định lượng”. Mấy biện pháp bất thường đó làm lệch các chỉ dấu của thị trường trong khi người ta chỉ thấy giới đầu tư dồn tiền vào thị trường cổ phiếu và giàu to mặc dù sinh hoạt kinh tế chưa thật sự hồi phục. Nói cách khác, thị trường cổ phiếu tại Hoa Kỳ đã tăng giá ảo mà nhiều người không thấy ra. Cái yếu tố tôi gọi là ảo đó có thể là từ 30 tới 40%.
Nguyên Lam: Nghĩa là người ta chưa có giải đáp về một hiện tượng dồn dập các chuyển động ngắn và dài hạn. Thưa ông, có phải như vậy không?- Kế tiếp, sau nhiều năm tăng giá, thị trường cổ phiếu cũng sẽ có lúc điều chỉnh, là sụt giá. Nếu sụt chừng 5-7% thì cũng là thường, sụt 10% mới là dấu hiệu điều chỉnh, và sụt tới 20% là chỉ dấu của trào lưu sa sút. Điều đáng ngại là hiện tượng điều chỉnh ấy có thể đang xảy ra cùng với việc phân lời trái phiếu lên giá do tình hình kinh tế đã khả quan hơn và do triển vọng tăng trưởng nhờ kế hoạch cải tổ thuế khóa Hoa Kỳ mới ban hành hôm 22 Tháng 12. Sự cộng hưởng của hai hiện tượng này mới là điều đáng ngại nhất. Chúng ta chưa rõ kết quả sẽ ra sao nên có thể còn đợi vài ngày nữa thì mới biết được. Thí dụ như trong ngày Thứ Ba mùng sáu, cổ phiếu Mỹ đã chập chờn lên xuống tới chóng mặt.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng và mỗi người lại có thể có một cách giải thích hay dự báo. Bản thân tôi thì nhìn từ bối cảnh ngắn hạn tới dài hạn, tôi xin đề nghị một cách dự đoán riêng. Nhìn trong ngắn hạn, sau khi tăng giá 30% trong có một năm thì thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ sẽ có lúc điều chỉnh, nếu mất giá 10% cũng chỉ là sự thường. Nhưng nhìn trong dài hạn từ khung cảnh của 10 năm qua, tôi e rằng thị trường có thể mất tới 30-40% thì mới rơi đúng cái giá thật. Cái khó là chưa biết được thời điểm là khi nào. Cái “nhân” của việc điều chỉnh đã có, cái “duyên” là yếu tố gì sẽ kích hoạt việc điều chỉnh ấy? Biến động vào tuần qua có thể là yếu tố kích hoạt. Nếu trường hợp đó xảy ra thì ta sẽ thấy tình trạng hốt hoảng trong những ngày tới. Nếu không thì chúng ta sẽ yên tâm hơn một chút. Tôi xin sẽ báo cáo ngay sau khi có thêm dữ kiện.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét