Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

2751- Những vết nhơ trong lịch sử của Huế và những ô danh cho vài người con hoang của Huế




Hoàng Phủ Ngọc Tường trên giường bệnh. Nguồn: GHPG Việt Nam Thống Nhất

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một văn nhân nổi tiếng của đất thần kinh, có bộc bạch về chuyện buồn riêng tư và muốn thảnh thơi tự tại đi vào cõi Phật lúc cuối đời. Đó là một ước mơ chính đáng và chân thành cần được tôn trọng. Nhưng gọng kềm lịch sử oan nghiệt của Huế khó buông tha cho ông.
Những vết nhơ trong lịch sử của Huế vẫn tiếp diễn với các bi kịch của Hoàng Phủ Ngọc Từờng, Nguyễn Đắc Xuân và các đồng chí của họ. Trước Tết Mậu Thân, họ là Phật tử quyết tử “chống Mỹ cứu nước”, tham gia những cuộc biểu tình chống chính phủ VNCH; bị an ninh đàn áp không còn đất sống, nên họ đành phải thoát ly.
Tết Mậu Thân họ trở về Huế và vì tư thù mà giết người quen khi cho rằng những người này có tội ác với nhân dân. Sau này, dù bị tố cáo đích danh với các bằng chứng (từ Nguyễn Thị Thái Hoà* và Trần Mậu Tuất), nhưng họ phủ nhận là không có mặt ở Huế và giết người. Dù sắt máu để chứng tỏ lòng trung thành, nhưng họ không được Cộng Sản trọng dụng,
50 năm sau, lời chạy tội của ông Tường có thuyết phục được ai không? Tuyệt nhiên là không. Huế không có “quân nổi dậy” vì hận thù nên nhiều người bị giết oan uổng, mà có bàn tay của Cộng sản Bắc Việt. Dù sai lầm của quân nổi dậy là không thể chấp nhận, Tường vẫn cho của CSBV trong cuộc thảm sát vô can bởi họ chủ trương “chiến tranh cách mạng”. Còn ai có can đảm giải oan cho Tường? Không một ai; ông Nguyễn Quang Lập cũng không đủ khả năng làm việc này mà chỉ xin khoan dung.
50 năm sau, ông Tường và Xuân vẫn chưa nhìn sự thật lịch sử làm cho bi kịch Huế còn trầm trọng hơn. Câu hỏi: Tại sao lính Mỹ không chết mà chỉ có người Huế quen thuộc của hai ông lại chết? Đại pháo của Mỹ và VNCH chỉ giết người từ xa, không phân biệt ai là ai, Công giáo hay Phật Giáo, địa phương nào, nhưng Mỹ và QLVNCH không thể giết người qua từng con đường góc phố theo hình thức Toà án Nhân dân.
Là Phật tử tại sao ông Tường có lúc nói là tham dự tại Huế, lúc sau nói là không, chỉ là kể lại lời người khác, tội vọng ngữ ông Tường là quá hiển nhiên. Tại sao ông im lặng quá lâu mà không đính chính kịp thời để tránh ngộ nhận, hay là ông xem thường công luận? Đó không phải là bản chất thuần thành của Phật tử.
Là nhà nghiên cứu về Huế như ông Xuân tại sao không trình bày về thảm sát tại Huế, một đề tài quan trọng mà lại ông im lặng và chỉ chạy tội? Lương tâm và chánh ngữ của ông bận rộn để mà lo sử liệu về Quang Trung, trong khi thương đau cho Huế ở gần hơn, ông không cần soi sáng?
Khi xưa, CSBV đại bại và tháo chaỵ, nhưng hô hào là chiến thắng và nhân dân Trị Thiên Huế bị chôn sống lại được Đảng trao tặng 8 chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường.“ 50 năm sau, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” vào ngày 29-12-2017 chỉ tuyên dương chiến thắng và hoàn toàn quên đi các tổn thất và thảm sát thường dân.
Dù có mặt ở Huế hay không, dù trực tiếp hay gián tiếp, nhưng là người trong cuộc, ông Tường và Xuân không hề lên tiếng về sự thật người của phe ông thảm sát dân lành. Do bản chất không thay đổi, hai ông chạy tội trong xin lỗi vụng về, điều này có nghĩa là tiếp tục vọng ngữ và không sám hối trước một vết nhơ của lịch sử.
Không phải người Huế mà những ai có tai còn nghe, có mắt còn thấy, vẫn còn oán thán về tội ác, nên khung cửa hẹp của cõi Phật khó lòng rộng mở cho ông Tường. Đây không phải là chuyện buồn riêng của ông Tường, mà là một bi kịch của dân Huế, những vết nhơ trong lịch sử của Huế với các ô danh: CSBV và chính người Huế giết người Huế.
Chắc chắn bia miệng ngàn đời của thế gian sẽ không bao giờ tha thứ cho những ô danh của vài người con hoang xứ Huế như các ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét