Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

2528 - Afghanistan : ‘‘Mồ chôn các đế chế’’



Tượng Phật khổng lồ theo phong cách Hy Lạp trên vách núi - được thực hiện khoảng từ thế kỷ III đến thế kỷ VII - tại tỉnh Bamiyan, Afghanistan, bị Taliban phá hủy năm 2001.
Ảnh : Wikipedia


Lãnh đạo tập đoàn sữa Pháp đứng đầu thế giới Lactalis tuyên bố rút ra bài học sau vụ bê bối vệ sinh thực phẩm gây thiệt hại hàng trăm triệu euro ; giáo hoàng Phanxicô buộc phải cử người điều tra về nghi án một giám mục thân cận, bị cáo buộc ấu dâm ; phản ứng thái quá trên truyền thông Pháp có thể ảnh hưởng tới điều tra về một nghi án chồng giết vợ, thiêu xác, tại tỉnh Haute-Saône là một số tít lớn trang nhất báo Pháp hôm nay, 01/02/2018. Về thời sự quốc tế, đáng chú ý có bài phân tích của Le Figaro : « Mồ chôn các đế chế », về tình trạng bế tắc hiện nay của Hoa Kỳ tại Afghanistan.

Hàng loạt tấn công khủng bố nhắm vào thủ đô Afghanistan trong những ngày cuối tháng Giêng 2018 vừa qua một lần nữa phơi bày trước thế giới sự sa lầy của Mỹ trong cuộc can thiệp quân sự lâu dài nhất trong lịch sử quốc gia này, kể từ năm 1945. Le Figaro đặt câu hỏi : « Bao nhiêu đế chế đã vỡ mặt tại Afghanistan ? Từ hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn, đến đế quốc Anh, và Liên Xô sau này ».

Tờ báo điểm lại nỗ lực lớn lao của nước Mỹ, « với 140.000 binh sĩ – thời cao điểm nhất - được gửi đến vùng đất này, các vũ khí tân tiến nhất, cùng hơn một nghìn tỉ đô la đầu tư », để chống lại vài chục nghìn chiến binh trang bị thô sơ. Vậy, kết cục ra sao ?

Ngay khi quân đội Mỹ bắt đầu triệt thoái, theo quyết định của chính quyền tiền nhiệm Obama, quân Taliban ào ạt trở lại, và có lúc đã hiện diện tại 70% lãnh thổ. Hiện tại chính quyền Trump quyết định sẽ gia tăng trở lại sức mạnh quân sự tại Afghanistan, không để « địa bàn trống » cho Taliban hoành hành, nhưng không khẳng định rõ « chiến lược chính trị nào ».

Xã luận Le Figaro ghi nhận tình hình tại Afghanistan « phức tạp chưa từng thấy », bởi mảnh đất này là nơi đan chéo quyền lợi của nhiều thế lực như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, các nước vùng Vịnh, cũng như Nga. Bối cảnh đó rất bất lợi cho việc xây dựng các quan hệ liên minh bền vững.

Bài học từ Alexandre Đại Đế

Trong tình thế vô vàn thử thách hiện nay, Le Figaro nhắc lại với Washington bài học của nhà chinh phục Hy Lạp Alexandre Đại Đế, cách nay hơn 2000 năm. Hoàng đế Hy Lạp là người đã từng hiện thực mơ về một vương quốc Á Âu hòa hợp. Alexandre Đại Đế « luôn đi đầu đoàn quân trong các trận đánh », và đi cùng với ông là « cả một đội ngũ các nhà bác học, văn nhân ».

Nhà chinh phục người Hy Lạp năm xưa đã dành thời gian trong lều trận, để đọc Herodote (người được mệnh danh là ông tổ môn sử học), thay vì « sách giáo khoa chống nổi dậy », đồng thời đứng ra làm mối cho các cuộc hôn nhân « giữa các viên tướng của mình với các công nương quyền uy, giàu có ở địa phương…. Và ông đã giành được sự kính trọng của người Afghanistan », Le Figaro kết luận.

« Bốn sai lầm » của Mỹ

Vẫn về Afghanistan, cũng trong số báo này, Le Figaro còn có ba bài phân tích khác. Bài « Tại Afghanistan, nước Mỹ bị mắc bẫy Taliban » đối chiếu « không khí lạc quan » mới trở lại cách nay hai tháng, với việc lãnh đạo liên quân Mỹ-NATO thông báo mục tiêu chiếm soát trở lại 80% lãnh thổ, trong hai năm tới, với loạt tấn công khủng bố vừa qua, như một dấu hiệu cho thấy tình hình hoàn toàn bế tắc. Bế tắc về mặt quân sự, cũng như ngoại giao. Đàm phán giữa chính quyền Afghanistan và Taliban hoàn toàn không tiến triển, cho dù hai bên liên tục đưa ra các tuyên bố hòa bình.

Bài « Những sai lầm dẫn Washington vào ngõ cụt trước Taliban » thậm chí còn khẳng định là « Hoa Kỳ trên thực tế đã thua trong cuộc chiến này », tuy nhiên « thất bại đã bị phủ nhận, bị các cường quốc phương Tây che giấu trong một thời gian dài ». Bài viết chỉ ra bốn sai lầm chính.

Thứ nhất là do chính quyền Bush đã từ bỏ Afghanistan vào năm 2003, để tập trung vào cuộc can thiệp vào Irak. Thứ hai là đã không dứt khoát trong việc lựa chọn giữa hai chiến lược, chống nổi dậy và chống khủng bố, về bản chất là hai cuộc chiến khác nhau. Thứ ba là đã không sớm hiểu ra trò chơi « hai mặt » của Pakistan, căn cứ địa của lực lượng Taliban và các nhóm khủng bố. Và sai lầm thứ tư là đã lập ra và ủng hộ một chính quyền tham nhũng và mất lòng dân.

Ba trụ cột trong « chiến lược mới »

Bài « Ông Trump tìm một lối thoát – không chắc chắn – cho một cuộc nội chiến đã 16 năm » thì ghi nhận ba trụ cột trong « chiến lược mới » của tổng thống Mỹ. Thứ nhất là hứa hẹn sẽ « tiếp tục hiện diện tại Afghanistan về quân sự, kèm theo một số điều kiện, và không bị bó buộc về thời gian ». Thứ hai là « đảm bảo cho các chỉ huy quân đội các quyền hạn rộng rãi và các phương tiện tương xứng », và thứ ba là « gia tăng áp lực lên Pakistan, quốc gia đồng minh, nhưng bị cáo buộc cố tình để chiến tranh kéo dài ».

Theo chính quyền Mỹ, số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tại Afghanistan đã tăng từ 8.500 đến 14.000, và sắp tới sẽ là 15.000. Quân đội Mỹ dường như có kế hoạch ở lại lâu dài tại quốc gia Nam Á này, cho dù tổng thống Trump khẳng định : « Trực giác đầu tiên » của mình là Mỹ phải rút. Donald Trump phải thừa nhận sau đó là « việc triệt thoái vội vã, sẽ để lại hậu quả rất rõ ràng và không thể chấp nhận được ».

Nhiều người Mỹ vẫn tin tưởng « lợi ích lớn với an ninh quốc gia Hoa Kỳ », đó là không thể để chính quyền Afghanistan sụp đổ, và mảnh đất này trở thành đất thánh của khủng bố, như quan điểm của một thương binh Mỹ, từng chiến đấu ở Irak, nữ thượng nghị sĩ Dân Chủ Tammy Duckworth.

Về phát biểu Liên bang đầu tiên của tổng thống Mỹ tối thứ Ba vừa qua, báo Les Echos có bài nhận định : « Ông Trump không xóa được sự chia rẽ của nước Mỹ ».

Theo Les Echos, bất chấp nỗ lực đoàn kết người Mỹ với bài phát biểu nói trên, tổng thống Mỹ trên thực tế, một lần nữa, đã phải nhận các chỉ trích mạnh mẽ. Tờ báo kinh tế dự đoán chính sách siết chặt nhập cư của ông Trump sẽ gặp phải các phản đối mạnh trong những ngày tới. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ Dân chủ ở Thượng Viện lên án tổng thống Trump đã « gắn liền vấn đề nhập cư với bạo lực », thổi bùng các chia rẽ, thay vì đoàn kết mọi người.

Nghị sĩ Dân Chủ Joe Kennedy III - cháu nội của tổng thống Kennedy - được phe Dân Chủ chọn làm người phát ngôn của đảng, đáp trả các đề nghị của tổng thống Trump. Nghị sĩ Joe Kennedy đã « nói bằng tiếng Tây Ban Nha » với những « Dreamer » (tức người nhập cư vào Mỹ, cùng cha mẹ khi còn nhỏ, hiện ở trong tình trạng không giấy tờ. Đa số các Dreamer - với tổng số ước tính khoảng 2 triệu, hy vọng được hợp thức hóa - là người gốc Mỹ Latinh).

Nghị sĩ Mỹ khẳng định các Dreamer là « một phần lịch sử nước Mỹ », ông cam kết « tiếp tục đấu tranh vì họ, không bỏ rơi họ ». Đối thủ của tổng thống Trump trong đảng Cộng Hòa, thượng nghị sĩ Jeff Flake thì kêu gọi một cuộc thảo luận về vấn đề nhập cư hợp pháp.

Thái Lan : « Tặng đồng hồ » để nhắc nhở tập đoàn quân sự giữ lời

Về thời sự châu Á, báo Libération có bài « Thái Lan : những cú xuất kích đơn độc của nhà ly khai Hongkangwan ». Nhà đấu tranh cho dân chủ tại Thái Lan vừa có một chiến dịch độc đáo khiến công luận chú ý : Đó là tặng đồng hồ cho lãnh đạo tập đoàn quân sự để nhắc họ giữ lời hứa (cụ thể là về thời hạn tổ chức bầu cử dân chủ, liên tục bị chính quyền quân sự đẩy lùi).

Trong xã hội Thái Lan, nơi nền dân chủ đang bị bóp nghẹt dần dần dưới sự thống trị của tập đoàn quân sự, sau cú đảo chính 2014, báo Libération ghi nhận hành động « khiêu khích » dũng cảm của nhà tranh đấu, nguyên là một người bán vé số. Trong những tháng gần đây, ông liên tục có các hoạt động lạ lùng, với hy vọng mang lại tác động lớn. Cụ thể như tăng đồng hồ cho phó thủ tướng tập đoàn quân sự Prawit Wongsuwan, một người nổi tiếng về thú chơi đồng hồ, với bộ sưu tập ít nhất 25 đồng hồ loại sang.

Viên chức cao cấp này không khai báo tài sản, theo đòi hỏi của luật pháp. Từ vài tháng nay, « lãnh chúa đồng hồ » trở thành đối tượng chế giễu của công chúng, tuy nhiên, cơ quan chống tham nhũng Thái Lan vẫn chần chừ trong việc điều tra. Tháng 12 vừa qua, nhà tranh đấu Hongkangwan đã chặn đoàn xe công cán của viên phó thủ tướng, để tặng cho ông ta một chiếc đồng hồ Senko trị giá chỉ khoảng 30 euro.

Hongkangwan từng bị tù từ 2 năm 8 tháng mới đây (2014-2016), vì tội khi quân, nhưng ông tuyên bố không sợ hãi. Hongkangwan giải thích, muốn gửi một thông điệp đến lãnh đạo Thái Lan là để xem giờ, chỉ cần một chiếc đồng hồ giá rẻ như vậy. Tuy nhiên, mục tiêu chính của ông là, với các hành động gây ngạc nhiên này, ông muốn xua tan bớt nỗi sợ hãi tràn ngập xã hội, và cho dù ông bị bắt, thì sẽ có nhiều người khác sẽ kế tục ông.

Phim « Bắc Triều Tiên : Nền độc tài nguyên tử »

Về phim ảnh, theo Le Figaro đáng chú ý có bộ phim tài liệu « Bắc Triều Tiên : Nền độc tài nguyên tử », công chiếu trên kênh truyền hình Pháp France 2 tối nay, 01/02. Bộ phim thuật lại tham vọng nguyên từ từ thời Bắc Triều Tiên lập quốc. Chế độ Bình Nhưỡng, tìm mọi cách để có được nguồn thu cho loại vũ khí siêu đẳng này, kể cả bằng việc phát triển cây thuốc phiện, hay sử dụng các nguồn viện trợ nhân đạo.

Le Figaro gọi chế độ Bắc Triều Tiên là « một hệ thống mafia » và lưu ý điều đáng tiếc là bộ phim đã không nói về trách nhiệm của Trung Quốc.

Khí hậu – Liên Âu : Sáng kiến « sốc » để thúc đẩy đầu tư

Nhóm chuyên gia cao cấp của Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Tư, 31/01/2018, vừa đưa ra 24 khuyến nghị, để các thị trường tài chính « hội nhập các chỉ báo về rủi ro khí hậu » vào các thông số đầu tư. Les Echos có bài « Khí hậu : các sáng kiến gây sốc để thúc đẩy nhà đầu tư ».

Báo cáo được gửi đến cơ quan phụ trách thị trường của châu Âu (Autorité européenne des marchés – ESMA), và có thể sẽ được trình ra Ủy Ban Châu Âu ngày 22/03 tới, nhằm mở ra các thương lượng với Nghị Viện Châu Âu và các quốc gia thành viên.

Cho đến nay, theo nhóm 20 chuyên gia cao cấp Liên Âu, « tuyệt đại đa số tiền gửi tiết kiệm » – được đầu tư vào thị trường chứng khoán – « không hề có liên hệ » với các mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận quốc tế về khí hậu Paris - COP 21 (giới hạn nhiệt độ - trong thời gian từ nay đến cuối thế kỷ - tăng ở mức dưới 2°C, thậm chí 1,5°C, so với thời tiền công nghiệp). Các chỉ số thị trường chứng khoán CAC 40 của Pháp, DAX của Đức, hay Footsie của Anh, đều không tính đến các kịch bản biến đổi khí hậu.

« Làm rõ kịch bản biến đổi khí hậu (nào được tính đến) trong mỗi chỉ số chứng khoán » là khuyến nghị của nhóm chuyên gia, nhằm « khỏa lấp một khoảng trống khổng lồ » lâu nay.

Theo tổng giám đốc WWF (Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Pháp), ông Pascal Canfin, các khuyến nghị nói trên của các chuyên gia Liên Âu nếu được thực thi là một lộ trình « tham vọng nhất » cho đến nay, trên thế giới, hướng đến mục tiêu « gắn chặt các vấn đề khí hậu với kinh tế ».


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét