Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

2526 - Mâu thuẫn mậu dịch

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA


Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của WTO tại Buenos Aires, Argentina hôm 11/12/2017
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của WTO tại Buenos Aires, Argentina hôm 11/12/2017-AFP

Hôm Thứ Sáu 19 tháng Một, văn phòng Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ đã đệ nạp Quốc hội Mỹ hai báo cáo đáng chú ý về kinh tế của Trung Quốc và Liên bang Nga. Thứ nhất, Hoa Kỳ đã sai lầm khi chấp nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 và thứ hai, sau khi được gia nhập WTO vào năm 2012, Liên bang Nga không tôn trọng những cam kết với Hoa Kỳ và các thành viên khác của WTO. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về các mâu thuẫn nói trên….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hàng năm Đại sứ Thương mại thuộc Hành pháp Hoa Kỳ phải đệ nạp Quốc hội một báo cáo về tình hình giao dịch với Trung Quốc và Liên bang Nga sau khi Hoa Kỳ chấp thuận cho hai quốc gia này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Năm nay, báo cáo của Đại sứ Thương mại Mỹ lại có lời kết án nghiêm khắc về hai nền kinh tế này cho nên Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho thính giả của chúng ta cùng biết…
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói về bối cảnh trước, rồi đi vào nội dung của đề tài. Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, người ta có nhận thức đầy thiên kiến và sai lầm về Chính quyền Trump. Thí dụ như ông đắc cử nhờ Liên bang Nga, hoặc vì là doanh gia thiếu kinh nghiệm chính trị và quân sự mà chỉ có phản ứng con buôn nên dễ dàng thỏa hiệp với Trung Quốc. Sự thật lại trái ngược chứ không đơn giản như vậy. Đành rằng ông Trump có phong thái kỳ lạ đến bất thường, nhưng ông ý thức được nhiều thay đổi bất lợi cho nước Mỹ từ nhiều thập niên và mời những người giỏi hơn mình trong từng lĩnh vực tham gia nội các và ban tham mưu. Các nhân vật này rà soát lại từng vấn đề và góp ý với Tổng thống về chiến lược đối phó. Vì vậy, bên dưới những nhiễu âm náo loạn là sự nghiên cứu sâu xa về đối sách cho tương lai. Phúc trình vừa qua của Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ với Ủy ban Tài chính Thượng viện và Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện là một điển hình, nhưng cần tham khảo với một phúc trình xuất hiện cùng ngày 19 của Tổng trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Hai tài liệu này bổ sung cho nhau và giải thích được khá nhiều chuyện kinh tế chính trị.
Nguyên Lam: Ông nhắc đến một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, thưa ông, tài liệu ấy có những gì soi sáng được nội dung của mâu thuẫn kinh tế với Trung Quốc và Liên bang Nga?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dư luận quá chú ý vào vụ khủng hoảng giả tạo của Thượng viện Hoa Kỳ khiến một phần của bộ máy liên bang tạm ngưng hoạt động trong ba ngày nên chưa đánh giá đúng chiến lược mới của Chính quyền Trump do ông thông báo từ hôm 18 tháng trước, nay được các bộ phận quốc phòng và thương mại khai triển. Về quốc phòng, Hoa Kỳ duyệt lại cái trật tự tạm bợ trong 25 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và minh danh nêu tên hai cường quốc đang muốn cạnh tranh và đe dọa quyền lợi cùng an ninh của nước Mỹ, đó là Trung Quốc và Liên bang Nga. Sau đó mới là hai chế độ hung đồ đang đe dọa an ninh của thế giới là Bắc Hàn và Iran.
Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm thì báo cáo thương mại này là một phần của các lượng định mới mà Chính quyền Donald Trump đã tiến hành từ một năm qua. Ông thấy nội dung của phúc trình này có những gì đáng chú ý?Khi minh định đối thủ như vậy, Hoa Kỳ tất nhiên có đối sách, đó là kết hợp chiến lược toàn diện bao trùm lên các lĩnh vực ngoại giao, thông tin, kinh tế tài chính, tình báo, v.v. và sau cùng là quân sự. Trong bối cảnh đó, phúc trình của Đại sứ Thương mại mới nêu rõ âm mưu của Trung Quốc và Nga sau khi gia nhập tổ chức WTO nhằm trục lợi bất chính chứ không tuân thủ các giá trị phổ biến mà mọi thành viên đều cố áp dụng. Bây giờ ta mới nói về báo cáo thương mại này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về Trung Quốc, Hoa Kỳ không chỉ sai lầm khi chấp nhận xứ này vào tổ chức WTO từ năm 2001 mà còn tiếp tục sai khi nâng cấp đối thoại với Bắc Kinh vào các năm 2003, 2006, 2009, mãi cho tới gần đây là 2015. Đáng lẽ, sau khi được tham gia WTO, Trung Quốc phải theo cam kết ban đầu mà cải sửa cả trăm luật lệ, quy định hay biện pháp kinh tế tài chính cho phù hợp với yêu cầu của WTO. Một cách cụ thể thì phải tuân thủ quy luật kinh tế tự do và hạn chế việc can thiệp của nhà nước, nhất là chấm dứt vai trò chủ đạo của hệ thống kinh tế quốc doanh. Bắc Kinh không thi hành những cam kết đó và sau kỳ hạn 15 năm thì vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để có quy chế kinh tế thị trường. Đã vậy, lợi dụng kẽ hở trong luật lệ của tổ chức WTO, vốn được hoàn thành cho các nền kinh tế tự do chứ không cho loại kinh tế có chỉ đạo như của Trung Quốc, Bắc Kinh còn sáng tạo ra nhiều biện pháp luồn lách ngay từ đầu, từ năm 2001. Trò luồn lách ấy không chỉ tiếp tục mà còn tinh vi hơn trong năm năm qua. Mục tiêu vẫn là để can thiệp vào kinh tế, thu hẹp quyền tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp ngoại quốc khi xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ hay khi đầu tư vào Trung Quốc.
Nguyên Lam: Đó là về Trung Quốc, thưa ông, còn về Liên bang Nga thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga đã xin gia nhập hệ thống kinh tế tự do từ năm 1993 và mất 19 năm mới được nhận vào tổ chức WTO vào Tháng Tám năm 2012. Trong gần hai chục năm học tập và đàm phán nước Nga có cơ hội hiểu biết những yêu cầu của tổ chức WTO. Nhưng hơn năm năm sau khi được gia nhập, Liên bang Nga cho thấy là không có ý định tuân thủ những cam kết với Hoa Kỳ và các thành viên khác của WTO và Hoa Kỳ cũng đã lầm khi cho Nga gia nhập nếu xứ này không muốn tôn trọng quy luật chung. Báo cáo của Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ nhấn mạnh đến một số trường hợp cụ thể, trong các lĩnh vực thuế quan, canh nông hay an toàn vệ sinh nhằm cản trở việc xuất cảng của Mỹ vào thị trường Nga. Dù nạn vi phạm của Liên bang Nga không nghiêm trọng bằng của Trung Quốc, việc Hoa Kỳ minh danh tố cáo xứ này cũng là điều đáng cho Việt Nam phải quan tâm.
Nguyên Lam: Trở lại chuyện Trung Quốc, dù sao cũng là nền kinh tế có sản lượng hạng thứ nhì của thế giới, Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ khi nhậm chức vào đầu năm 2017, ông Trump đã hai lần trực tiếp gặp lãnh tụ Tập Cận Bình của Bắc Kinh, tại Florida rồi Đà Nẵng, và phái bộ đôi bên đã có nhiều cuộc đàm phán về các mâu thuẫn kinh tế, nhất là về chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ nhằm ăn cắp kiến năng kỹ thuật của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nhưng phía Hoa Kỳ thất vọng nặng nề cho nên mới có phúc trình nghiêm khắc như vậy. Trong tương lai, có lẽ nước Mỹ sẽ trả đũa theo ba hướng khác nhau. Thứ nhất là khiếu nại trong khuôn khổ của tổ chức WTO dù không có nhiều hy vọng thành công vì bản chất của định chế này. Thứ hai là căn cứ trên hệ thống luật lệ Hoa Kỳ, đặc biệt là hai đạo luật thương mại năm 1974 và 1977 mà áp dụng biện pháp trừng phạt. Thứ ba là có thể thi hành chiến lược gọi là “khó người khó ta – dễ người dễ ta” là áp dụng chính sách kỳ thị và lý tài của Bắc Kinh cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn làm ăn với Hoa Kỳ. Trong khi đó, Mỹ vẫn công khai yêu cầu Bắc Kinh phải cải cách cơ chế kinh tế cho tự do và đấy mới là cái chết!
Nguyên Lam: Nguyên Lam hơi ngạc nhiên là vì sao ông cho rằng lời yêu cầu đó lại là cái chết?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh vốn có lắm mưu và trong kinh tế thì vẫn chủ trương “ăn của địch để đánh địch” vì coi Hoa Kỳ là địch thủ. Điều bất ngờ cho họ là sai lầm trong chiến lược phát triển lại gieo họa lớn. Chiến lược của họ là dốc sức đầu tư vào hạ tầng cơ sở và khu vực chế biến để tìm đà tăng trưởng cao và sản xuất dư thì bán ra ngoài với giá rẻ và đạt xuất siêu, nghĩa là thặng dư mậu dịch. Khi giao dịch với các nước thì chỉ muốn chiếm lợi thể bất chính nên mới bị Hoa Kỳ đả kích. Nhưng hậu quả của chiến lược đó trở thành rõ rệt từ mươi năm nay, đó là tình trạng vay mượn thả giàn và một núi nợ quá cao. Điều tai hại nằm trong cơ chế kinh tế chính trị của xứ này là hệ thống doanh nghiệp nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã phóng tay vay mượn mà không biết làm sao thanh toán. Đấy là các nhóm quyền lợi toa rập và cấu kết mà còn cản trở nỗ lực cải cách của trung ương. Bây giờ, việc trả nợ sẽ làm giảm đà tăng trưởng và thành vấn đề nghiêm trọng cho Tập Cận Bình vì kinh tế Trung Quốc sẽ sa sút như kinh tế Nhật trong 25 năm qua mà xã hội thì không ổn định như xã hội Nhật…
Nguyên Lam: Ông vừa đưa ra một phân tích khá lạ kỳ. Thứ nhất, Trung Quốc tự mang họa vì sai lầm về chiến lược kinh tế nên đã chất lên một núi nợ nguy hiểm. Thứ hai, ưu tiên của lãnh đạo Bắc Kinh là giải quyết khối nợ đó đồng thời phá vỡ các thế lực tham ô và cấu kết ở bên trong. Đúng lúc đó, Hoa Kỳ kết án Bắc Kinh là gian manh khai thác lợi thế của tổ chức WTO để đòi trả đũa và yêu cầu họ phải tiến hành cải cách theo quy luật thị trường. Xứ này chưa hề áp dụng quy luật thị trường và bây giờ đang gặp hoàn cảnh ngặt nghèo khó xử nên tiến thoái gì thì cũng bị rủi ro. Thưa ông, có phải sự thể là éo le như vậy không?- Đúng lúc này, các định chế tài chính và kinh tế gia lại khuyến cáo Bắc Kinh phải tiến hành cải cách theo quy luật tự do để phân bố đầu tư vào nơi có hiệu năng cao nhất thay vì áp dụng chính sách duy ý chí của nhà nước. Đây là giải pháp đúng cho một bài toán sai. Bài toán sai vì cơ cấu kinh tế Trung Quốc không cân đối, cơ chế chính trị thì đầy tham nhũng, giới đầu tư chỉ muốn tẩu tán tài sản trong khi nhà nước cố bơm tiền cho các công ty quốc doanh khỏi phá sản. Nếu áp dụng quy luật thị trường thì xứ này lập tức bị khủng hoảng. Tập Cận Bình phải thâu tóm quyền lực về trung ương để giải quyết được gánh nợ thì mới hy vọng thoát hiểm. Giới chức kinh tế tài chính trong Chính quyền Trump không thể không biết về hoàn cảnh ngặt nghèo đó của lãnh đạo Bắc Kinh mà vẫn cứ gây sức ép về cải tổ theo quy luật thị trường, có thể là để đẩy Trung Quốc vào bờ vực!
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cô tóm lược vấn đề rất đúng. Hoa Kỳ phơi bày bản chất của chế độ mà có lẽ các khối kinh tế khác, kể cả Âu Châu, cũng đã thấy sau khi làm ăn buôn bán với Trung Quốc. Từ đó Chính quyền Trump vạch ra hai ngả. Một là sẽ gặp mâu thuẫn lớn về mậu dịch với Hoa Kỳ, là điều nan giải cho một nền kinh tế vẫn còn lệ thuộc vào ngoại thương và xuất khẩu. Hai là cải cách theo quy luật tự do như các thành viên khác của tổ chức WTO thì lại càng chóng chết! Nói tóm tắt thì Trung Quốc đến hồi trả nợ, theo cả nghĩa trắng lẫn nghĩa đen…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích lý thú kỳ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét