Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

2165 - Ông Thăng xin tại ngoại giữa lúc nhiều người ‘thông cảm’


                                         Ông Đinh La Thăng mới đây xin tòa cho tại ngoại


Ông Đinh La Thăng hôm 16/1 kiến nghị tòa cho được tại ngoại, theo tin tức trên báo chí trong nước. Xung quanh thời gian này, xuất hiện nhiều ý kiến “thông cảm” với ông Thăng, kể cả một trang Facebook kêu gọi giảm án cho ông với hàng chục nghìn người ‘thích’.

Tin cho hay ông Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, nói với tòa rằng bản thân ông cũng như các bị cáo khác “không gây nguy hiểm cho xã hội” và “không cần thiết phải bị tạm giam”. Ông đã kiến nghị cơ quan tố tụng cho ông được tại ngoại.


Kể từ ngày 8/1 đến nay, ông Thăng bị xét xử về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian là chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).

Ông đối mặt mức án lên đến 15 năm tù do bị cáo buộc đã gây ra thiệt hại hơn trăm tỷ đồng khi “chỉ định thầu” cho Tổng công ty PVC, một thành viên thuộc PVN, được thực hiện dự án một nhà máy nhiệt điện.

Trong phiên tòa sáng 16/1, ông Thăng khẳng định bản thân “không hưởng lợi gì” từ việc chỉ định thầu.

Báo chí Việt Nam không tường thuật phía tòa án đã đáp lại kiến nghị của bị cáo Đinh La Thăng như thế nào.

Trước đó ít ngày, một trong những người bào chữa cho ông Thăng, luật sư Lê Văn Thiệp, mô tả lại trên Facebook cá nhân rằng hôm 13/1, ông Thăng đã có lời tự bào chữa dài gần 2 tiếng, “lấy đi nước mắt của 95% những người ngồi trong phòng xử án”.

Theo vị luật sư, thân chủ của ông đã “xin lỗi nhân dân” song cũng cho rằng đã mắc các sai phạm là do “thiếu hành lang pháp lý” của nhà nước đối với việc thí điểm các tập đoàn.

Bên cạnh đó, cựu chủ tịch PVN cũng viện dẫn hoàn cảnh gia đình và bệnh tật của bản thân để kêu gọi tòa xem xét mức án “phù hợp, nhân văn”.

Từ khi phiên tòa mở ra cho đến những ngày gần đây, khá nhiều luật sư, nhà báo và những người tự nhận là “bạn” của ông Thăng đã bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội cho rằng ông là “nạn nhân” của cơ chế.

Diễn biến mới nhất thu hút sự chú ý nhất định là việc ra đời trang Facebook có tên “Cần 10 triệu người dân xin giảm án cho ông Đinh La Thăng” hôm 14/1. Chỉ sau 2 ngày, ở thời điểm tối 16/1, fanpage này đã có hơn 92.000 người “thích” và hơn 94.000 người “theo dõi”.
 Một trang Facebook kêu gọi ủng hộ giảm án cho ông Đinh La Thăng xuất hiện hôm 14/1/2018
Một trang Facebook kêu gọi ủng hộ giảm án cho ông Đinh La Thăng xuất hiện hôm 14/1/2018

​Nhà hoạt động vì dân chủ Phạm Đoan Trang đã dành thời gian tìm hiểu thông tin của người quản lý hay thường gọi là admin của fanpage, cũng như các nội dung thảo luận. Bà nói với VOA suy đoán của bà rằng admin là người “trẻ”, “có lẽ không học cao lắm” và “không suy nghĩ duy lý”.

Theo bà, nên xem fanpage như một biểu hiện về quyền bày tỏ ý kiến:

“Nhiều người có thể than phiền là có hiện tượng là đám đông ở Việt Nam thì ngu dốt hay gì đấy. Facebook kiểu như vậy thì đông người like, đông người hưởng ứng, nhưng những người đó lại không có ảnh hưởng lắm. Facebook page này cũng là thể hiện tự do ngôn luận thôi”.

Ông Hoàng Dũng, người tích cực cổ súy cho sự tiến bộ ở Việt Nam, nhận xét với VOA rằng cần thận trọng khi nhìn vào các con số đó vì chúng có thể là “ảo” nhờ việc “mua like, mua follow”. Mặc dù vậy, ông Dũng cho rằng đây là “hiện tượng thú vị”.

Ông lý giải việc có đông người tỏ ý đứng về phía ông Đinh La Thăng:

“Ngay kể cả những người tạm coi là rất hiểu biết về vấn đề, người ta vẫn có quan điểm là ‘làm được thì ăn được’. Thế thì chính những quan điểm như vậy từ những người nhận thức tốt, thì tôi cho rằng những người nhận thức thấp hơn một chút thì người ta ủng hộ ông Đinh La Thăng cũng không có gì lạ lắm”.

Nhìn ở một góc độ khác, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang lưu ý đến khía cạnh “con người” trong thái độ thiện cảm của nhiều người dành cho bị cáo Đinh La Thăng:

“Cách đây 2, 3 năm, khi ông Đinh La Thăng nổi lên, nói chung ông ấy tạo luồng không khí mới trong nền chính trị vốn đã già cỗi, bưng bít và lạc hậu, thủ cựu. Tôi nghĩ họ không ủng hộ tham nhũng hẳn đâu, mà có những người ủng hộ vì đơn giản họ thích con người đó, thích cá nhân Đinh La Thăng. Họ thấy thà rằng tham nhũng cũng được nhưng ông ấy còn ‘đáng yêu’ hơn cái kiểu trong sạch, thanh liêm như kiểu Nguyễn Phú Trọng”.

Với diễn biến dù chỉ là trên mạng xã hội như vậy, bà Trang bình luận đây là một “kết cục buồn cười” khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng muốn thể hiện sự kiên quyết chống tham nhũng, nhưng người bị đem ra xét xử là ông Đinh La Thăng lại được nhiều người dân “ủng hộ, ca ngợi”.

Trước những luồng ý kiến theo chiều hướng “vận động” giảm tội cho ông Thăng, báo Giáo dục Việt Nam sáng ngày 16/1 đăng một bài dài với tít “Thôi đừng bênh vực ông Đinh La Thăng nữa!”

Bài báo trích lời Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói rằng "Không thể nào lấy cái tình, cái lý để lấn át luật pháp được"

Vị đại biểu cho rằng cần tách bạch giữa công và tội của bất cứ ai, không thể “lấy cái công để lấp đi cái tội”.

Ông Hòa nói việc ông Đinh La Thăng để xảy ra thất thoát lớn tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một hậu quả “rất nghiêm trọng” và ông Thăng phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Người cũng giữ cương vị Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu với Báo Giáo dục Việt Nam rằng "Trong vụ việc này, không có chuyện thích thì xử nặng hay xử nhẹ cho ông Thăng được. Bởi lẽ, việc xử lý hành vi vi phạm của đối tượng phải căn cứ vào các điều luật cụ thể, để có khung hình phạt xứng đáng, chứ không thể xử lý hành vi vi phạm theo cảm tính”.


Theo ông Hòa, “dư luận cả nước” rất trông chờ cơ quan có thẩm quyền sẽ “xử lý nghiêm” ông Thăng và những đối tượng có liên quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét