Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

2402 - Tàu sân bay Mỹ vào Đà Nẵng có ý nghĩa gì?



Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Jim Mattis, và đồng nhiệm Việt Nam duyệt đội quân danh dự tại Hà Nội, 25 tháng Giêng.

Sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thăm Việt Nam, cùng triển vọng lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ sẽ đến Việt Nam trong năm 2018 cho thấy một chủ trương có thể tạm gọi là “dựa Mỹ đối Trung” của giới chóp bu Việt Nam - như một biện pháp tình thế trong ngổn ngang và hỗn tạp tâm thế “không ưa Mỹ nhưng vẫn cần Mỹ”, vẫn chưa có gì thay đổi tính từ giữa năm 2014 đến nay và đặc biệt trong gần nửa năm qua.

“Dựa Mỹ đối Trung”

2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam.

Còn gần nửa năm trước, vào đầu tháng 8/2017, tướng Ngô Xuân Lịch đã đột ngột thực hiện chuyến công du Hoa Kỳ lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.

Thật ra chẳng có gì ngẫu nhiên cho tất cả những gì đều chứa đựng động cơ và xảo thuật chính trị của Việt Nam. Ngay trước chuyến đi trên, vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhung vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.

Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương - cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” - cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”.

Từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đến khi vụ Bãi Tư Chính và cho đến tận giờ đây, chưa bao giờ giới chóp bu Việt Nam cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn hàng chục “đối tác chiến lược” trong túi. Với “đối tác chiến lược toàn diện” lớn nhất của Việt Nam lại là “bạn vàng” Trung Quốc.

Tình thế lúc này là với Việt Nam, hy vọng mỏng manh còn lại chỉ là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.

Nhưng một tréo ngoe trong não trạng giới quân sự Việt Nam, đặc biệt là bộ phận bảo thủ và “thân Trung”, là vẫn duy trì thói quen không đổi: vừa sợ Mỹ lại vừa cần Mỹ.

Nhưng tiếp cận gần hơn với Mỹ thì không, hoặc vô cùng chậm chạp. Những bằng chứng gần nhất và rõ nhất là sau vụ Hải Dương 981, chỉ có một ít chuyến thăm qua lại giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với giới quân sự Mỹ, trong khi thỏa thuận về mua vũ khí sát thương vẫn hầu như chưa triển khai gì dù đã được Mỹ giải tỏa lệnh cấm vận, tình hình hợp tác hải quân cùng dấu hỏi về quân cảng Cam Ranh vẫn chậm lụt đến mức đáng nghi ngờ, trong lúc Việt Nam liên tiếp mất vài chiếc máy bay tiêm kích SU mà nhiều dư luận đặt nặng nghi vấn về bị “đồng chí Trung Quốc” hạ sát.

Chỉ vào năm 2017, khi chính sách đu dây của Việt Nam đã hầu như vỡ vụn, những quan chức bị xem là “bảo thủ” như Ngô Xuân Lịch mới tìm cách tiếp cận với Mỹ. Để trong chuyến công du trên, tướng Lịch đã nhận được lời hứa hẹn từ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis về “một tàu sân bay Mỹ sẽ đến Việt Nam vào năm sau”.

Tin tức gần nhất cho biết, tàu sân bay này sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, vốn là nơi có căn cứ hải quân Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam.

ExxonMobil?

Tất nhiên, tàu sân bay Mỹ, dù có cập cảng nào ở Việt Nam, thì điều đó cũng mang ý nghĩa như một sự hiện diện của hải quân Mỹ ở khu vực Biển Đông, và cách nào đó sẽ làm Trung Quốc chùn chân nếu muốn bước xuống “ao nhà” như cách họ thường tuyên bố.

(Ai cũng biết, Cam Ranh - cảng nước sâu và có vị trí chiến lược đắc dụng về quân sự mà có thể qua đó khống chế đến 2/3 Biển Đông - là nơi mà Việt Nam luôn lấy làm con bài để mặc cả và trả giá với Nga và Mỹ, vẫn còn quá “nhạy cảm,” chưa thể ‘bán” được.)

Trong khi đó, nhu cầu hiển hiện trước mắt của Việt Nam lại là khu vực vùng biển Đà Nẵng, nơi mà tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ đã được giới quan chức Hà Nội bật đèn xanh cho việc chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Trước đó, ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối.

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò” 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.

Vào tháng Giêng năm 2017, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông với PetroVietnam. Một chi tiết đáng chú ý là hợp đồng giữa hai bên được ký ngày 13/1/2017 trong khi ngoại trưởng John Kerry đang ở thăm Việt Nam và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đi thăm Trung Quốc.

Có thể xem mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.

Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế - lên tới 10 – 12 tỷ USD/năm, và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước “đồng chí tốt” Trung Quốc.

Tuy nhiên đã có một sự cố xảy ra: trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng mà được báo chí đảng tung hô “thành công tốt đẹp” và “Việt Nam là nước hưởng lợi kinh tế lớn nhất trong APEC”, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam bởi vào ngày 7/11/2017, Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019.

Một nguyên nhân của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.

Nếu đúng vậy, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình.



Giờ đây, một khả năng có thể xảy ra là trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Việc một tàu sân bay của Mỹ có thể hiện diện trong vùng biển Đà Nẵng, mà không phải là Cam Ranh, trong thời gian tới rất có thể là một động tác nhằm bảo vệ ExxonMobil và phục vụ quan điểm “tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông” nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét