Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

2433 - Siêu cường Mỹ sẽ sụp đổ?




Các phỏng đoán hiện nay nhìn chung đều cho rằng vị thế của Mỹ sẽ ngày càng suy giảm còn Trung Quốc tiếp tục nổi lên trở thành siêu cường số một thế giới. Nhưng cuộc soán ngôi này sẽ diễn ra như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời và cũng khó xảy ra trên thực tế.

Khi thế giới ngày càng chia rẽ về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm những việc mà một người ở vị trí của ông cần phải làm: phô trương sức mạnh cơ bắp của nước Mỹ. Vào tháng 10/2017, ông đã ra lệnh triển khai 3 nhóm tàu sân bay đến vùng Tây Thái Bình Dương, đặt dưới sự chỉ huy của Hạm đội 7 đóng quân tại Nhật Bản. Đây là hạm đội hùng mạnh gấp nhiều lần so với hải quân của các nước khác. Một lần nữa, quân đội Mỹ lại giữ vai trò đội quân bảo vệ thế giới để trấn an các nước trong khu vực rằng mọi hành động hung hăng sẽ bị kiểm soát và khu vực xung quanh họ vẫn an toàn.

Hạm đội 7 đã trải qua một năm đầy khó khăn. Ngay từ tháng 1/2017, đơn vị này đã bị dính tới 6 vụ tai nạn, gồm 5 vụ tai nạn tàu và 1 vụ tai nạn máy bay. Đây không phải là tai nạn do đụng độ với tàu đối phương, mà là va chạm ngẫu nhiên với những phương tiện có ít nguy cơ hơn như tàu cá, tàu chở hàng, tàu chở dầu và tàu lai dắt. Thậm chí có vụ tàu chiến Mỹ còn bị mắc kẹt ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Những sự cố liên tục đã khiến Tư lệnh Hạm đội 7 nhanh chóng bị bãi nhiệm sau đó.

Trong khi Hạm đội 7 đang loay hoay, Trung Quốc bận rộn xây dựng một quần đảo mới ở Biển Đông. Các thực thể, chủ yếu được bồi đắp từ những bãi đá do Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền song cũng đang có tranh chấp với năm quốc gia châu Á khác, sẽ là những cơ sở chiến lược quan trọng cho sức mạnh hải quân và không quân của Trung Quốc. Từ các thực thể này, Bắc Kinh hy vọng có thể triển khai hoạt động trên khắp vùng Tây Thái Bình Dương. Đó là một dự án khổng lồ gây ấn tượng, song cũng đem lại những phiền toái tương tự.
Thật khó để không nghĩ rằng tất cả những điều này là biểu hiện đối trọng sức mạnh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Hạm đội 7 của Mỹ đang trầy trật ở vùng Tây Thái Bình Dương thì Trung Quốc đang tạo ra một khu liên hợp quân sự to lớn từ các bãi cát, mỏm san hô ngập nước và các rạn san hô.

Những diễn biến đó, cộng thêm rất nhiều sự kiện khác xảy ra trong cả năm qua, đã hình thành quan điểm khá phổ biến cho rằng sức mạnh của Mỹ đang suy giảm và một Trung Quốc đang nổi sẽ sớm thay thế Mỹ trong vai trò cường quốc hàng đầu thế giới. Nhưng thực tế này sẽ diễn ra như thế nào? Liệu năm 2018 có trở thành điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên mới khi các cấu trúc trật tự thế giới không còn được giới chính trị gia, quân đội, kinh tế và văn hóa Mỹ ủng hộ? Tuy nhiên, lịch sử lại có cái nhìn khác.

Một thực tế không thể chối cãi là Mỹ hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc duy trì vị thế thống trị thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc, hiện đã vươn lên hàng thứ hai thế giới, đang thu hẹp dần khoảng cách với nền kinh tế lớn nhất thế giới và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ vượt Mỹ trong chỉ hơn một thập kỷ tới. Hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, dài nhất trong lịch sử Mỹ, đã làm suy yếu danh tiếng và nguồn lực của Washington khi vừa tiêu tốn số tiền có lẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD, vừa gây mất ổn định, an ninh.

Thế khó toàn diện của Mỹ cũng phần nào bắt nguồn từ chính tình hình nội bộ của nước này. Cuộc đại suy thoái nổi lên từ cuối năm 2008 đã nới rộng khoảng cách kinh tế xã hội vốn đã ở mức báo động. Nền chính trị đất nước rơi vào trạng thái tê liệt và phân cực, trong khi người dân bị chia rẽ theo nhiều cách khác nhau, nhất là trong vấn đề phân biệt chủng tộc. “Các cuộc chiến tranh văn hoá” bùng phát từ những năm 1990 đã không hề thuyên giảm như nhiều người hy vọng mà trên thực tế còn trở nên nghiêm trọng hơn. Hai vấn nạn chết người - thuốc phiện và bạo lực súng đạn - là biểu hiện của sự rối loạn và bất mãn xã hội.

Sự cộng hưởng của suy yếu sức mạnh bên ngoài và khủng hoảng văn hoá xã hội bên trong đã khiến nhiều người tự hỏi phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của thời đại Mỹ và sự ra đời của kỷ nguyên Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo thế giới, do không chắc chắn có thể đặt niềm tin vào Washington, cảm thấy thực sự lo ngại, thậm chí một số đồng minh lâu năm còn tỏ ra nghi ngờ. Hồi tháng 5, sau cuộc gặp không mấy suôn sẻ với Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói: "Người châu Âu chúng ta phải tự nắm lấy số phận của mình”.

Chỉ hơn một tuần sau đó, trong bài diễn văn đáng chú ý tại Hạ viện ở thủ đô Ottawa, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cũng cảnh báo rằng sự thoái lui của Mỹ trong trật tự thế giới buộc Canada phải tìm kiếm sự lãnh đạo ở nơi khác. Giống như Thủ tướng Merkel, bà Freeland than phiền về chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump. Lịch sử cho thấy "sự theo đuổi lợi ích quốc gia hẹp hòi... chẳng mang lại điều gì ngoài đổ vỡ và nghèo đói”. Vì thế, theo bà Freeland, Canada cần phải xem xét lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ do “bạn bè và đồng minh của chúng ta đặt câu hỏi về giá trị của điều này”.

Tờ The Economist cũng đã nhận thấy sự chuyển dịch quyền lực đang diễn ra. Trong một ấn phẩm xuất bản hồi tháng 10, tạp chí này đã cho đăng hình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với dòng chữ minh họa thường được dành cho Tổng thống Mỹ: “Người đàn ông quyền lực nhất thế giới”. Vài tuần sau đó, The Economist cho đăng hình một con đại bàng hói Bắc Mỹ kèm theo tiêu đề: “Cảnh báo: Tương lai nước Mỹ trong vai trò cường quốc toàn cầu”.

Có thể nước Mỹ đang trong giai đoạn suy giảm ảnh hưởng nhưng xu hướng này không hẳn không thể đảo ngược. Những người quan sát sát sao nhất sự khủng hoảng vai trò toàn cầu của Mỹ chính là người Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã lấp đầy khoảng trống lãnh đạo do Tổng thống Trump để lại. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, tháng 1 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra biện pháp bảo vệ vững chắc tiến trình toàn cầu hóa và đưa Trung Quốc trở thành quốc gia lãnh đạo thay thế Mỹ đang ngày càng đi theo xu hướng bảo hộ. Ông Tập cũng đã lặp lại thông điệp này tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối năm tại Việt Nam khi nhấn mạnh rằng toàn cầu hoá “đã trở thành xu hướng lịch sử không thể đảo ngược”. Những từ này vốn dĩ trước đây luôn phát ra từ miệng của các đời Tổng thống Mỹ, từ George Bush đến Barack Obama.

Khi Mỹ rút khỏi các cam kết toàn cầu về thương mại và biến đổi khí hậu, Trung Quốc cũng đã lập tức nhảy vào lấp chỗ trống bằng dự án “Vành đai và Con đường” nhằm nối liền Á-Âu với châu Phi, đồng thời thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để tài trợ cho các dự án phát triển. Rõ ràng đang có sự tương phản rõ rệt giữa “tầm nhìn nước Mỹ” của ông Trump với “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, một mục tiêu đã được nhà lãnh đạo Trung Quốc chính thức đưa ra từ năm 2013. Theo như lời của nhà bình luận Antony Blinken làm cho tờ New York Times trong bài viết về cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập gần đây ở Bắc Kinh, “thật khó để có cái nhìn khác về việc hai nhà lãnh đạo – và hai nước – đang đi theo hướng đi hoàn toàn khác nhau”. New York Times cho rằng trong cuộc cạnh tranh quyền lực hiện nay, Trung Quốc đã thắng.

Tất nhiên không ai nghi ngờ việc Mỹ có vấn đề. Nhưng có phải nước này đang thực sự suy giảm quyền lực? Không hẳn mọi việc đã là như vậy.

Có hai cách để đánh giá sự suy giảm: tuyệt đối và tương đối. Suy giảm tuyệt đối xảy ra khi các nguồn lực sức mạnh đất nước giảm dần theo thời gian, như kinh tế suy yếu, quân đội bị thu nhỏ… Suy giảm tương đối xảy ra khi một quốc gia có thể vẫn giữ, hay thậm chí mở rộng, quy mô kinh tế và sức mạnh quân đội nhưng lại không nhanh bằng các quốc gia đối thủ. Suy giảm tương đối có thể thay đổi hay thậm chí đảo ngược, vì sức mạnh của một quốc gia có thể tăng hay giảm theo thời gian và sức mạnh không bao giờ là thứ bất biến.

Về sức mạnh tuyệt đối, chắc chắn Mỹ không bị suy giảm. Chưa có bất kỳ nước nào đủ khả năng thách thức được sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ. Hạm đội 7 tuy gặp rắc rối nhưng vẫn là lực lượng mạnh nhất ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, nền văn hóa Mỹ vẫn sẽ luôn tạo sức hút lớn đối với người dân trên toàn thế giới.

Nhưng bức tranh sẽ thay đổi nếu nhìn vào sự suy giảm sức mạnh tương đối. Trong hơn 10 năm qua, sức mạnh của Mỹ đã giảm nhiều so với các nước khác. Quân đội Mỹ có thể vẫn hùng mạnh nhất thế giới và sở hữu những công nghệ tân tiến nhất nhưng các nước khác, chứ không riêng Trung Quốc, cũng đang mạnh lên rất nhiều. Điều này từng xảy ra vài lần trong quá khứ. Mỹ đã có không ít lần bị suy giảm sức mạnh tương đối, cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Sự bất thường duy nhất ở đây là mọi người đã nhầm lẫn sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ hiện nay thành suy giảm sức mạnh tuyệt đối và rằng điều đó là tất yếu, không thể đảo ngược. Nỗi ám ảnh này không xuất phát từ thực tế đang diễn ra, mà từ niềm tin cho rằng mọi thứ đang xấu đi. Và mỗi lần như thế, những lời phỏng đoán lại nhanh chóng được đưa ra, đầy gay cấn và không chuẩn xác.

Một phần lý do dẫn đến điều này là vì tiêu chuẩn sức mạnh Mỹ được thiết lập trong thời kỳ vàng son, giai đoạn từ năm 1941 đến những năm 1960. Phần lớn thế giới, bao gồm cả những đối thủ ngang hàng của Mỹ, đã bị suy yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ Mỹ là nước duy nhất thực sự phát triển mạnh trong thời kỳ này. Mỹ có hơn 400.000 người thiệt mạng trong chiến tranh nhưng con số đó không thấm vào đâu so với hàng triệu người chết ở các nước khác (nếu tính theo tỷ lệ dân số, thậm chí Canada cũng chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ). Một điều khác là lục địa Mỹ không hề có chiến tranh. Cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ và các cuộc chiến tranh đã kéo kinh tế Mỹ ra khỏi cuộc Đại suy thoái, thậm chí còn mang lại thịnh vượng lâu dài cho nước này. Ngay từ năm 1945, Mỹ đã chiếm một nửa GDP thế giới và thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế lấy USD làm đồng tiền dự trữ của thế giới. Chẳng phải vô tình khi ông Trump đã gợi lại thời kỳ này khi ông tuyên bố muốn “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Kết quả chiến tranh đã tạo cho người Mỹ ý thức sai lầm về ưu thế và coi đó là một trật tự hiển nhiên. Các nước khác chấp nhận điều này, hoặc ít ra cũng đã tuân theo trật tự do Mỹ xác lập. Một số tìm cách thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Trong quá trình đó, bất kỳ sự suy giảm sức mạnh nào của Mỹ, hay chiến thắng nào của đối thủ, cũng đều bị phóng đại. Chủ nghĩa suy tàn khiến nhiều người có thiên hướng tin tưởng một cách mù quáng vào sự suy giảm sức mạnh tuyệt đối của nước Mỹ.

Năm 1949, khi Liên Xô tiến hành thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên và Chủ tịch Mao Trạch Đông lên nắm quyền ở Trung Quốc, bầu không khí hoảng loạn lan tỏa khắp nước Mỹ và khơi dậy chủ nghĩa McCarthy (chính sách chống cộng điên cuồng tại Mỹ từ 1950-1954 do Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy chủ xướng). Năm 1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik, người Mỹ cho rằng họ đã thua Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong một chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1960, John F. Kennedy cảnh báo về một “khoảng cách tên lửa” khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước nguy cơ tấn công hạt nhân của Liên Xô. Hai điều lo sợ này không chỉ không đúng, mà còn hoàn toàn sai lệch, bởi nước Mỹ vẫn có sức mạnh áp đảo trong suốt thời gian sau đó. Chính J.F.Kennedy đã phát hiện ra sau khi được bầu làm tổng thống, đúng là đã có một khoảng cách thực sự về trình độ phát triển tên lửa giữa Mỹ và Liên Xô như thực tế là ưu thế đang thuộc về Mỹ với tỷ lệ chênh lệch lên tới 10:1.

Thời kỳ chiến tranh Việt Nam có lẽ gần giống nhất với hoàn cảnh của Mỹ hiện nay. Khi đó, cũng như bây giờ, một cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa ở nước ngoài đã châm ngòi cho những rối loạn xã hội ở trong nước và gây bất ổn kinh tế do lạm phát đình đốn và phi công nghiệp hóa. Nhưng kể từ đầu những năm 1980, Mỹ đã bắt đầu khôi phục vị thế quốc tế của mình.

Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, một cơn khủng hoảng khác lại bao trùm nước Mỹ khi kinh tế có nguy cơ bị Nhật Bản soán ngôi và xã hội trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do các chiến dịch trấn áp ma túy, tội phạm bạo lực và đại dịch AIDS. Rất may là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc trong hòa bình, hoàn toàn theo các tính toán của Mỹ. Với sự bùng nổ kinh tế của Nhật Bản, chiến thắng vang dội của Mỹ ở Iraq và sự sụp đổ của Liên Xô, giai đoạn những năm 1990 đã mở ra một thời kỳ thay đổi trong quan hệ quốc tế. Nước Pháp gọi Mỹ là “siêu cường” và thế giới chuyển sang hệ thống “đơn cực”. Nhưng rồi lại liên tiếp xảy ra các vụ 11/9, chiến tranh Afghanistan, cuộc xâm lược Iraq và nhiều sự kiện khác nữa.

Vấn đề là trước đây Mỹ cũng từng đối mặt với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, khi thì ở trong nước, lúc thì ở nước ngoài và đôi lúc xảy ra đồng thời ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên, nước Mỹ luôn chứng tỏ được khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Trong khi đó, những quốc gia muốn nổi lên thay thế Mỹ – như Liên Xô hay Nhật Bản – sau đó đều bị suy giảm sức mạnh tuyệt đối một cách nghiêm trọng.

Hiện nay, nước Mỹ có thể đang ở trong giai đoạn suy giảm sức mạnh tương đối, nhưng sẽ rất đáng ngờ khi cho rằng xu hướng này không thể đảo ngược, và càng không thể dám chắc khi nói rằng chúng ta đang chứng kiến Mỹ suy giảm sức mạnh tuyệt đối. Trên thực tế, những sức mạnh căn bản của Mỹ vẫn đang rất tốt. Mặc dù bất bình đẳng là một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội, nhưng kinh tế đang phát triển tốt. Nước Mỹ đang lãnh đạo thế giới về đổi mới công nghệ. Quân đội Mỹ duy trì ưu thế trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế Mỹ đặt ra tiêu chuẩn cho toàn cầu và USD vẫn là đồng tiền chung của thế giới.

Trong khi đó, không đối thủ nào của Mỹ thực sự có sức mạnh như họ phô trương. Nước Nga thực ra rất yếu ớt. Chính sách đối ngoại của nước này đang che giấu sự lung lay cơ cấu tiềm ẩn. Trung Quốc dù tăng trưởng ấn tượng nhưng mọi tiến trình đẩy nhanh công nghiệp hóa đều phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội ở trong nước. Trung Quốc đã thực thi cách mạng công nghiệp nhanh hơn và mạnh hơn bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào trong lịch sử thế giới. Hiện tại nước này chưa phải đối mặt với khủng hoảng trong nước nhưng các dấu hiệu đã manh nha xuất hiện. Khi khủng hoảng xảy ra, nó có thể sẽ gây ra những bất ổn nghiêm trọng cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất là xã hội Mỹ đã nhiều lần chứng tỏ được rằng nó có đủ khả năng thích ứng với các cú sốc hệ thống theo cách mà những nước khác không thể làm được. Liệu Trung Quốc có thể gánh được 3 cuộc chiến tranh hao tổn ở nước ngoài trong vòng 4 thập kỷ trong khi vừa phải trải qua hàng loạt cuộc khủng hoảng xã hội trong nước? Nước Mỹ đã trải qua tất cả những điều này, từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Iraq tới Afghanistan, đến các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trong nước trong khi vẫn duy trì được sức mạnh tuyệt đối của mình. Ở một vài thời điểm nào đó, người ta có thể đặt câu hỏi về sức mạnh tương đối của Mỹ nhưng chưa bao giờ sức mạnh này hoàn toàn bị lật đổ. Liên Xô, khi ở đỉnh cao hơn nhiều so với vị thế của Nga hiện nay, cũng đã không thể chịu được chỉ một cuộc chiến ở Afghanistan, nói gì đến những điều khác.

Lá bài chốt trong toàn bộ ván cờ hiện nay là nước Mỹ đang được lãnh đạo bởi một trong những vị tổng thống kém năng lực nhất trong lịch sử. Sự yếu kém đáng ngạc nhiên của ông Trump về kỹ năng quản trị đất nước và việc ông từ chối lời khuyên của các nhân viên Bộ Ngoại giao có thể gây ra một cuộc khủng hoảng dẫn đến sụp đổ sức mạnh Mỹ và châm ngòi cho một thời kỳ suy giảm mạnh mẽ. Tất nhiên, điều này không dễ gì xảy ra nhưng Trump luôn có thiên hướng tạo bất ngờ với khả năng gây sốc của mình.


  Andrew Preston là giáo sư chuyên ngành lịch sử Mỹ tại Đại học Cambridge. Bài viết đăng trên trang Globe and Mail.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét