Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

2166 - Ngân hàng phá sản: Người dân lo gì?



Khách hàng đang gửi tiền mặt vào một ngân hàng thương mại ở Hà Nội.
Khách hàng đang gửi tiền mặt vào một ngân hàng thương mại ở Hà Nội.


Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng hồi tháng 11 năm 2017, có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.

Mặc dù giới chuyên gia cho rằng luật mới này có thể giúp kiểm soát và quản lý những ngân hàng yếu kém được hiệu quả hơn, thế nhưng dân chúng tại Việt Nam tỏ ra hoang mang và lo lắng trước thông tin ngân hàng được phép phá sản.

Quản lý chặt chẽ hơn


Một ngày sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực, vào tối ngày 16 tháng Giêng, từ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, cho RFA biết Luật ban hành vừa nêu có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, Luật không cho phép lợi ích nhóm nảy sinh trong hệ thống ngân hàng, thông qua quy định giới lãnh đạo ngân hàng không thể là lãnh đạo của doanh nghiệp trong cùng thời gian. Thứ hai, Luật quy định về phá sản ngân hàng.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, các ngân hàng hoạt động yếu kém, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng 5 phương án để tái cơ cấu, bao gồm phục hồi; sát nhập; giải thể; chuyển giao bắt buộc và phá sản.
Một khi 4 phương án đầu tiên không thể thực hiện được, ngân hàng yếu kém được kiểm soát đặc biệt sẽ nhận quyết định chọn phương án phá sản theo chủ trương của Chính phủ đề ra. Khi đó, Ban kiểm soát đặc biệt cùng phối hợp với ngân hàng xây dựng phương án phá sản để trình với Ngân hàng Nhà nước.
Trong vòng 30 ngày nhận được phương án phá sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, đánh giá tính khả thi và trình Chính phủ phê duyệt cho phép ngân hàng phá sản theo Điều 52 hay không. Nếu một ngân hàng hoạt động yếu kém được cho phép phá sản thì ngân hàng đó sẽ bị đưa ra tòa án phá sản.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, một số chuyên gia cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có tác dụng hệ thống hóa một cách rõ ràng hơn trong việc quản lý các ngân hàng hoạt động yếu kém, không hiệu quả so với Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành trước đó. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu lên nhận định của ông:
“Luật sửa đổi này đưa ra trình tự là Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ sẽ giải quyết một ngân hàng yếu kém như thế nào. Có nghĩa rằng với việc phá sản ngân hàng, không phải ngân hàng yếu kém là tự động bị phá sản mà phải qua một trình tự rất lâu dài cũng như qua các bước từ việc Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp phục hồi hay không phục hồi, sẽ giúp sát nhập hay không sát nhập, bắt chuyển giao cho một tổ chức tín dụng khác và đến cuối cùng mới là phá sản. Thành ra, đúng là Luật sửa đổi này chặt chẽ hơn và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và bảo vệ quyền lợi của ngân hàng mà có thể bị phá sản.”

Bên cạnh những ý kiến khẳng định Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi ngân hàng bị phá sản, chúng tôi cũng ghi nhận không ít người lên tiếng Luật này chưa xét đến rủi ro của người gửi tiền. Báo giới trong nước mới đây nhắc lại, trong phiên chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng hồi trung tuần tháng 11 năm 2017, nhiều Đại biểu Quốc hội thắc mắc về tiền gửi của người dân trong ngân hàng bị phá sản sẽ ra sao khi chiếm đến 80% tổng số tiền gửi ngân hàng, cũng như niềm tin của người gửi tiền sẽ thế nào khi hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng gửi vào ngân hàng và chỉ được nhận lại bằng khoản bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng theo quy định hiện hành?

Quyền lợi của khách hàng

Trao đổi với chúng tôi, một vài chuyên gia ở trong nước cho biết nguyên tắc đầu tiên khi ngân hàng bị phá sản là tài sản ngân hàng đó phải trả lại cho ngân sách nhà nước trước và sau đó đến lượt trả cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng nhấn mạnh hiện tại Việt Nam có nhiều khách hàng gửi tiền tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng và với số tiền bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng như thế, khiến cho nhiều khách hàng cảm thấy bất an.
Đại diện một doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn nói với RFA Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi gây tác động rất lớn đến số đông khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ cũng như thành phần người dân để dành tiền dưỡng già:
“Những người lấy tiền hưu gửi tiết kiệm để sống an phận sẽ chết trước. Ví dụ, họ gom góp số tiền 400-500 hay 700-800 triệu, nói chung số tiền này là có thì họ buồn, họ lo, họ rầu. Khi luật này có hiệu lực, thì họ đi rút hoặc chia nhỏ ra. Đối với những doanh nghiệp nhỏ, lẻ, tư nhân thì họ sẽ chết. Tại vì, tài sản của họ thế chấp chỉ được 50% trên giá trị tài sản thật, nên khi ngân hàng phá sản rồi thì tài sản của họ có thể bị mất luôn.”
“Những doanh nghiệp nào mà đi cửa sau thì sẽ vui. Ví dụ, tài sản của một doanh nghiệp trị giá thực tế là 1 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp đó đút lót để được tăng giá trị lên 1, 5 tỷ. Những doanh nghiệp lớn thường vay nhiều hơn là cho vay. Nếu ngân hàng phá sản thì họ càng mừng nữa. Nói thật là như vậy.”Vị đại diện cho doanh nghiệp tư nhân không muốn nêu tên còn chia sẻ Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tạo điều kiện cho thành phần doanh nghiệp không làm ăn chân chính có thể được hưởng lợi:
Qua thông tin về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, quy định về ngân hàng phá sản, chính thức có hiệu lực từ ngày 15 tháng Giêng, một số người dân bày tỏ với RFA nỗi lo lắng không biết phải làm gì với số tiền chắt chiu, dành dụm để phòng thân của họ. Họ nói rằng, giữ ở nhà thì sợ cướp, gửi ngân hàng thì làm sao biết được ngân hàng nào uy tín và an toàn, khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không thể công khai danh sách xếp hạng tổ chức tín dụng, vì được sử dụng để quản lý điều hành chính sách và nếu chọn gửi ngân hàng thì lại ngày đêm nom nóp lo sợ không biết khi nào ngân hàng mình gửi tiền thông báo bị phá sản.
Trước sự hoang mang, không yên tâm của người dân lẫn những thắc mắc của các Đại biểu Quốc hội như chúng tôi đã đề cập, giới chức Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phổ biến rộng rãi đến công chúng những giải pháp bảo đảm quyền lợi cho khách hàng của ngân hàng khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được ban hành, ngoại trừ lời khẳng định khái quát của Thống đốc Lê Minh Hưng rằng trong bất kỳ trường hợp xử lý phương án nào đối với tổ chức tín dụng thì vẫn đảm bảo mục tiêu giữ được lòng tin và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét