Tháng 1/1968 đánh dấu việc Cuộc chiến Việt Nam đi vào một bước ngoặt quan trọng.
Trong dịp Tết Mậu Thân, quân đội Bắc Việt cùng lực lượng Mặt trận Giải phóng bất ngờ tấn công đồng loạt trên nhiều tỉnh thành ở miền Nam, bao gồm cả Sài Gòn.
Phóng viên BBC Julian Pettifer khi đó vừa quay trở lại Việt Nam, đúng vào thời điểm đầu giờ sáng 31/1/1968, khi lực lượng Cộng sản tấn công trung tâm thủ đô VNCH. Ông đã nhanh chóng tới một trong những điểm quan trọng nhất của thành phố, Dinh Độc Lập, nơi bị lực lượng biệt động Sài Gòn bất ngờ đánh vào.
"Khi đó tôi đang ngủ trong phòng khách sạn ở Sài Gòn," Julian kể lại. "Điện thoại đổ chuông. Người quay phim của tôi, khi đó đang trú tại một khách sạn khác gần Dinh Độc Lập, báo rằng đang có nổ súng dữ dội bên ngoài Dinh Độc Lập."
"Chúng tôi nhanh chóng cùng tới nơi, tìm được vị trí ở ngay bên ngoài cổng sau của Dinh Độc Lập."
Đây là lần đầu tiên phía Cộng sản quyết định tấn công diện rộng tại các tỉnh thành và các địa điểm quân sự quan trọng, với mục đích tạo cú đòn chí tử cho chính quyền miền Nam, và tạo ra phong trào nổi dậy rộng khắp.
Đây là một kế hoạch mang nhiều rủi ro, dựa nhiều vào yếu tố bất ngờ.
Dịp nghỉ Tết, vốn thường là thời gian hưu chiến, được chọn làm thời điểm tấn công.
Tính đến thời điểm đó, Mỹ đã triển khai nửa triệu quân tại Việt Nam. Người dân Mỹ được nói rằng Mỹ đang giành chiến thắng.
Do vậy, khi các cuộc tấn công nổ ra, nó thực sự gây chấn động dư luận.
Giao tranh bên ngoài Dinh Độc Lập
Chỉ riêng tại Sài Gòn, Việt Cộng tấn công Tòa Đại sứ Mỹ vừa mới xây xong, sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm quyền kiểm soát đài phát thanh thành phố, và đánh vào Dinh Độc Lập, nơi phóng viên BBC Pettifer có mặt.
"Hai bên đấu súng. Ba người Việt Cộng bị bắn chết, số còn lại chạy vào ẩn nấp tại tòa nhà có vẻ như là một khách sạn vừa xây xong," phóng viên Julian Pettifer tường thuật từ bên ngoài Dinh Độc Lập hôm 2 Tết.
Nhóm của Pettifer khi đó đứng phía sau rặng cây, không thể di chuyển đi đâu. Ngay gần đó, một chiếc xe jeep quân sự của Mỹ nằm chắn, người tài xế đã tử vong do trúng đạn.
"Xác người tài xế nằm cách chỗ chúng tôi chừng 4, 5 mét. Mỗi khi nhìn qua hướng đó, tôi lại thấy gương mặt người Mỹ đó, còn trẻ măng, tóc đỏ, gặp kính trôi xuống bên dưới mũi."
"Đến bây giờ tôi vẫn hình dung ra được gương mặt đó. Nó ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời," Julian nói với BBC trong dịp kỷ niệm 50 năm trận Tết Mậu Thân.
"Tình hình khi đó rất hỗn loạn. Có các lực lượng lính Mỹ, cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, có binh lính Việt Nam Cộng hòa. Có vẻ như không có ai đứng ra chỉ huy hết. Súng nổ khắp nơi."
"Tổng số 35 tỉnh thành bị đồng loạt tấn công trong đêm hôm đó và những ngày tiếp theo. Riêng ở Sài Gòn, có cả ngàn vụ tấn công nổ ra ở các địa điểm khác nhau trong thành phố. Nhưng việc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ vừa được xây xong cũng bị tấn công đã gây sốc."
Bước ngoặt của cuộc chiến
Tướng Mỹ William Westmoreland, người chịu trách nhiệm chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Việt Nam, giận dữ: "Kẻ thù đã dối trá, lợi dụng tấn công vào thời điểm hưu chiến trong dịp nghỉ Tết, nhằm tạo mức phá hoại tối đa ở Nam Việt Nam."
Ông cáo buộc đối phương là dối trá, nhưng trong chiến tranh, dối trá là chuyện vẫn thường xảy ra.
Tuy nhiên, lực lượng Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng cũng thiệt hại nặng nề do hỏa lực áp đảo của Mỹ.
Trong ngày tiếp theo, giao tranh vẫn xảy ra ác liệt tại khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn.
Cuộc tấn công ở hầu hết các tỉnh thành chỉ kéo dài trong vài ngày. Riêng ở Huế, chiến trận tại khu vực Thành Nội kéo dài tới ba tuần.
Cuối cùng, lực lượng cộng sản bị đẩy lui và chịu tổn thất nặng nề, mất hàng chục ngàn quân. Quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn đứng vững.
Cuộc tấn công không thành công về mặt quân sự, và đã không diễn ra phong trào nổi dậy rộng khắp như mong đợi của miền Bắc.
Tuy nhiên, đó vẫn là một thắng lợi cho phe cộng sản. Nó làm công chúng Mỹ thay đổi quan điểm đối với cuộc chiến.
"Những hình ảnh về cuộc giao tranh được phát đi trên truyền hình tại Mỹ đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến, không ai nghi ngờ gì về điều đó," phóng viên Julian Pettifer nói.
"Chỉ mới một vài tuần trước, dân chúng được nói rằng 'chúng ta đang chiến thắng' - thực sự đó là chuyện gây sốc. Đó là lúc người dân Mỹ bắt đầu tin rằng họ đang bị chính phủ và quân đội Mỹ lừa dối. Chuyện giành được chiến thắng trở thành điều không thể."
Nội dung câu chuyện với ông Julian Pettifer, hiện đã nghỉ hưu tại Anh, đã có trên chương trình của BBC World Service nhân 50 năm trận Tết Mậu Thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét