Sau một năm làm Tổng thống Mỹ, mối quan hệ của ông Trump với
Trung Quốc đã phản ánh những thay đổi triệt để về chính sách, điều trở thành đặc
trưng cho nhiệm kỳ của ông, đồng thời làm suy yếu những mục tiêu chủ chốt của
chính quyền Mỹ. Bước sang năm thứ hai, giới phân tích dự báo sẽ có thêm nhiều
thay đổi nữa.
Vị thế của Washington ở một vài trong số các vấn đề cấp thiết
nhất mà lãnh đạo Mỹ xác định, những vấn đề đòi hỏi sự hợp tác của Bắc Kinh, đã
suy yếu: thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng lên và Triều Tiên
dường như đã có vũ khí hạt nhân. Trong khi hàng loạt cuộc điều tra của chính phủ
Mỹ nhằm vào thương mại và các hoạt động đầu tư của Trung Quốc đang được xúc tiến,
và mối đe dọa áp đặt thuế đã xuất hiện, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trump sẽ
điều hòa được sự bốc đồng trong bất cứ vấn đề nào. Nhận định này rõ ràng xuất
phát từ sự tranh cãi mới đây về những lời lẽ đầy khiếm nhã mà ông đã sử dụng
trong các buổi họp với các nhà hoạch định chính sách và quan chức nội các khi
nói về Haiti, El Salvador và các nước châu Phi.
Nếu mối quan hệ với Trung Quốc hứng chịu thêm bất cứ mặt
tiêu cực nào nữa, thì đó sẽ là mối nguy hiểm cho quan hệ thương mại song phương
có giá trị 648 tỷ USD vào năm 2016, và đầu tư hai chiều trực tiếp nước ngoài với
trị giá hơn 250 tỷ USD trong 10 năm qua. Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên
cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh, và cũng là cố vấn Hội đồng
Nhà nước, cơ quan chính phủ cao nhất đất nước, nhận định: “Chúng ta đã chứng kiến
sự bất định mà Trump dành cho Trung Quốc khi mà phút này thì ông ta tỏ ra tốt bụng,
phút sau lại đầy khắc nghiệt". Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ
Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng, Shi cho biết ông “không lạc quan” về những triển vọng
của mối quan hệ song phương bởi Trump có vẻ đã xác định sẽ áp đặt thuế một cách
khắc nghiệt lên các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài vấn đề thương mại đã được xoa dịu sau chuyến thăm
Trung Quốc hồi tháng 11, nơi ông Trump coi là một thành công khi các thỏa thuận
trị giá 250 tỷ USD đã được ký kết, Trump đã quay trở lại với thái độ thù địch
Trung Quốc khi Triều Tiên phóng thử một tên lửa bay cao hơn và xa hơn bất cứ vụ
thử nào mà quân đội nước này đã tiến hành. Ông cáo buộc Bắc Kinh làm quá ít để
ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khoảng thời gian
đó, Trump đã chấm dứt “Đối thoại Kinh tế Toàn diện” của chính quyền ông với
Trung Quốc, một nỗ lực song phương nhằm xúc tiến các “chính sách kinh tế lớn”,
bao gồm “hợp tác nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại”. Sự thiếu rõ ràng đã khiến
cả hai giận dữ và lo ngại, thể hiện qua sự sụp đổ của các thỏa thuận liên biên
giới nổi tiếng và đỉnh điểm trong bài phát biểu về an ninh quốc gia của Trump hồi
tháng trước, trong đó ông nói Trung Quốc đang nỗ lực để làm suy yếu các lợi ích
an ninh của Mỹ.
Thượng nghị sĩ John Cornyn phát biểu trước các nhà hoạch định
chính sách trong một phiên điều trần tại Washington hồi tuần trước: “Trung Quốc
đang đặt ra một mối đe dọa không giống bất cứ điều gì mà Mỹ từng phải đối mặt từ
trước tới nay – một nền kinh tế mạnh mẽ với các chính sách công nghiệp áp đặt
do nhà nước điều hành, gây tổn hại cho thị trường tự do, tương ứng với một sự
hiện đại hóa quân sự mạnh mẽ và ý đồ thống trị không chỉ trong khu vực của họ
mà cả ra bên ngoài”.
Hồi tháng 11, Cornyn và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne
Feinstein đã đề xuất một dự luật có thể gia tăng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư Nước
ngoài tại Mỹ (CFIUS) nhằm xác định xem các khoản đầu tư nào sẽ tạo ra một mối
đe dọa tiềm tàng đối với an ninh Mỹ và đưa ra những nhận xét về các khoản đầu
tư liên quan đến một số ngành công nghệ bắt buộc. Luật này đã nhận được sự ủng
hộ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Ngân sách Steven Mnuchin
và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions.
Trong tuần vừa qua còn xuất hiện thêm các dấu hiệu nữa cho
thấy mối quan hệ song phương bị tổn hại khi mà Trump trong một cuộc điện đàm với
Tập Cận Bình đã bày tỏ “sự thất vọng” vì thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung
Quốc đã tăng trong năm 2017 và nói rằng “tình trạng này là không thể chấp nhận
được”. Theo thông tin do Cơ quan Quản lý Tiêu dùng đưa ra hồi tuần trước, thặng
dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng 8,6% hàng năm để đạt tới mức kỷ lục
275,8 tỷ USD, chiếm 65% tổng thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc,
Những dự báo cho rằng lập trường chống Trung Quốc hiện nay sẽ
còn tiếp diễn đã được củng cố khi lập trường này vẫn tồn tại sau vụ trục xuất cựu
cố vấn chính sách cấp cao của Trump là Steve Bannon, người được cho là đã ủng hộ
một “cuộc chiến tổng thể” với Bắc Kinh. Những nhân vật có quan điểm ôn hòa về
Trung Quốc, bao gồm cố vấn kinh tế trưởng của ông Trump – Gary Gohn và con rể
ông Jared Kushner, cũng là một cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng, đều làm thinh
trong vấn đề này. Kushner có lý do để giữ im lặng. Wall Street Journal cho biết
các quan chức phản gián Mỹ đã cảnh báo ông ngay đầu năm ngoái rằng Wendi Deng
Murdoch – một người bạn của Kushner và con gái tổng thống Ivanka Trump – có thể
đang lợi dụng mối quan hệ của cô ta với ông này để xúc tiến các lợi ích của
chính phủ Trung Quốc trong Nhà Trắng.
Jie Dalei, trợ giảng môn quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc
Kinh, nhận xét: “Khi Trung Quốc nổi lên trên trường quốc tế, cấu trúc của mối
quan hệ Mỹ-Trung đã thay đổi và những quan ngại và lo lắng của Mỹ về Trung Quốc
sẽ vẫn tiếp tục tồn tại”. Theo Dalei, mối quan hệ cá nhân giữa Trump và Tập đã
đóng một vai trò công cụ trong việc ổn định sự khởi đầu vững chắc của mối quan
hệ song phương, song “tôi không cho là bất cứ ai ở Trung Quốc hay ở bất cứ nước
nào khác lại có thể chắc chắn nói rằng họ có khả năng gây ảnh hưởng đến những
quyết định quan trọng của Trump”. Một số nhà phân tích có tiếng khác cũng đồng
tình với quan điểm này. Elizabeth Economy, giám đốc mảng Nghiên cứu châu Á tại
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng: “phương pháp
hoạch định chính sách của Trump, không chỉ với Trung Quốc mà trong tất cả các vấn
đề trên thế giới, đều rất khó để xác định rõ trong các giai đoạn khác nhau. Đây
là lần đầu tiên Trung Quốc cần xúc tiến việc định hình mối quan hệ. Ai đó cần
phải dẫn dắt việc làm này”.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ thực hiện điều đó bằng cách đẩy mạnh
quan hệ thân thiết hơn với các nước khác trong hợp tác thương mại đồng thời với
sự suy yếu trong quan hệ song phương với Washington. Chẳng hạn, một báo cáo của
Viện Chính sách Xã hội châu Á tại New York cho biết “Canada và Trung Quốc đã đạt
những tiến triển vững chắc trong việc khai thác những tiềm năng cho một thỏa
thuận thương mại tự do”. Năm 2017, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hoàn tất
vòng đàm phán thứ 12 về một FTA ba bên, trong khi Trung Quốc và New Zealand đã
tổ chức được ba vòng đàm phán để nâng cấp thỏa thuận song phương của mình.
Trong khi đó, Tara Josehp, chủ tịch Amcham Hong Kong, cho biết cộng đồng thương
nhân Mỹ tại Đại lục đang áp dụng biện pháp chờ đợi. Bà nhận xét: “Chúng tôi
không rõ chính xác về những chính sách mà Washington có thể đưa ra. Chính quyền
này rất khác biệt, cho nên không có hình mẫu nào có thể áp dụng để dự đoán về
nó cả”.
Theo “SCMP”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét