Đỗ Kim Thêm - Tiếng Dân
Chiến cuộc Mậu Thân
Diễn tiến
Tuân thủ truyền thống cao đẹp của những ngày hưu chiến, nên hơn phân nửa các binh sĩ QLVNCH được nghĩ phép về thăm gia đinh, có đơn vị chỉ còn 30% quân số đồn trú. Do đó, QLVNCH không tập trung phòng thủ, nhất là các thành phố. Tổng thống Johnson, Tướng Westmoreland và Tổng Thống Thiệu đều tin mục tiêu chính của CSBV là Khe Sanh và không còn tấn công vào nơi nào khác trong dịp Tết. Theo ước lượng chung, sác xuất tấn công, nếu có, là từ 40-60% trong những ngày trước hoặc sau tết.
Đánh giá sai lầm này khởi đầu một trang sử mới cho chiến tranh Việt Nam: năm 1968 trở thành một năm kinh hoàng cho VNCH với ba đợt tấn công của MTGPMN: 30 tháng Giêng đến 28 tháng Ba, 5 tháng Năm đến 15 tháng Sáu và 17 tháng Tám đến 30 tháng Chín trên chiến trường tạo các biến cố dồn dập trong chính trường Việt – Mỹ.
Tại Sài Gòn, MTGPMN thâm nhập tại nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố. Dù thiếu chuẩn bị, nhưng ngay sau những hoảng loạn ban đầu, QLVNCH đã có những phản ứng quyết liệt chống trả. Gần 11.000 binh sĩ Hoa Kỳ và QLVNCH đã đẩy lui các cuộc tấn công khốc liệt; cả hai bên dành nhau từng con đường chật hẹp, nhất là khu vực Chợ Lớn. MTGPMN thất bại nặng nề vì không thông thạo địa hình và không có sự bao che của dân chúng như tại nông thôn. Sau một tuần giao tranh dữ dội, đặc biệt nhất là có trực thăng Mỹ yểm trợ đắc lực cho việc tiến chiếm này, MTGPMN bị đánh bật ra khỏi Sài Gòn. Theo một tài liệu chưa được kiểm chứng, kết quả là phía VNCH: 323 tử thương, 907 bị thương; phía CSVN: 5.289 tử thương và 415 bị bắt.
Tại Huế, được nhiều sinh viên và Phật tử thân Cộng hỗ trợ, với lực lượng chính quy hơn 7500 binh sĩ, CSBV đã chiếm cứ lâu nhất, có nhiều giao tranh khốc liệt và thảm sát dân chúng đẩm máu nhất. Trong 25 ngày chiến đấu, cả hai bên đều chịu nhiều thiệt hại: VNCH có hơn 4.400 thương vong; phía Mỹ có 147 chết và 857 bị thương, còn Quân Giải phóng mất khoảng 4.000 người, các tài liệu của hai phe phổ biến khác nhau và không chính xác vì khó kiểm chứng. Hỏa lực pháo binh VNCH yểm trợ tái chiếm và các cuộc chạm súng trên từng đường phố làm các di tích lịch của cố đô bị thiệt hại đến 85 phần trăm. Số thường dân bị giết khi đi học tập, bị thanh toán theo từng nhà và từng con đường qua hình thức Toà án Nhân dân và bị chôn sống trên đường tháo chạy lên đến khoảng 6.000 người. Trong số nạn nhân còn có cả những hai linh mục người Pháp dòng Thiên Ân và bốn người giáo sư Đức ở Viện Đại học Huế. Trên 100.000 dân phải di tản. Đến ngày 24 tháng Hai thành phố Huế được QLVNCH tái chiếm trong hoang tàn đổ nát.
Tại Bến Tre, hình ảnh giao chiến ít khốc liệt như Huế, nhưng cũng làm cho 451 VC, 60 VNCH, 35 Mỹ tử thương, nhiều thường dân thiệt mạng và bị thương và 50 phần trăm nhà cửa bị hư hỏng. Không có cảnh chôn sống như tại Huế, nhưng việc tái chiếm Bến Tre cũng bi thàm mà một câu nói của Thiếu tá Lục quân Phil Cannela, chỉ huy tái chiếm, đến nay vẫn còn được các phương tiện truyền thông Mỹ trích thuật một cách sai lạc gây tác hại về ngoại vận cho phe Mỹ:”Chúng ta phải phá hủy Bến Tre để giải cứu cho Bến Tre”. Thực ra toàn văn phải là: Việt Cộng đã phá huỷ thị xã và đó là điều đáng tiếc (“Vietcong had destroyed the town and that was a shame; It became necessary to destroy the town in order to save it”
Tại các thành phố khác của miền Nam, các cuộc giao chiến cũng có hình ảnh tương tự; dù có địa hình khác biệt, nhưng tựu chung tiến trình là giống nhau. Sau khi bị phe MTGPMN tấn công bất ngờ, QLVNCH phản công mãnh liệt, toàn thể dân chúng không nỗi dậy mà cũng không yểm trợ tiếp liệu, nên cuối cùng, kháng chiến quân thất bại và tháo chạy.
Tống kết thành tích
Khác hẳn trận Khe Sanh, thành tích quân sự trong chiến cuộc Mậu Thân nghiêng rõ rệt về phiá VNCH mà cả hai phe đều xác nhận. Lần đầu tiên, QLVNCH đã tỏ khả năng chiến đấu tinh nhuệ trước một cuộc chiến tranh toàn diện. Tướng Earle G. Wheeler đã nhấn mạnh: ”QLVNCH đã kháng cự cuộc tấn công ban đầu với một sức mạnh thần kỳ.” Yves Gras, một tướng lãnh Pháp, cũng đã viết: ”QLVNCH giữ vai trò chủ yếu trong các trận đánh bẻ gãy cuộc tấn công Tết Mậu Thân.” Tướng Westmoreland nhận xét: “Trong số 149 tiểu đoàn tác chiến của VNCH có 42 tiểu đoàn cực kỳ xuất sắc và chỉ có 8 tiểu đoàn thuộc loại kém.”
Tổn thất của phiá VNCH thật là thảm khốc: 4.954 sĩ quan và binh sĩ, 14.300 thường dân chết và 25.000 bị thương. Hoa Kỳ chết 3.895 sĩ quan, binh sĩ và nhân viên, các đồng minh khác chết là 214. Trên 84.000 nhà cửa bị thiêu hủy vả 30.000 hư hại nhẹ làm thiệt hại lên tổng số khoảng 4, 5 tỷ tiền VNCH vào năm 1968. 84 xí nghiệp bị thiệt hại nặng khoảng 4 tỷ, trầm trọng nhất là ngành dệt. Khoảng 670.000 (tài liệu khác cho là 821.000) dân chạy tỵ nan, trên 200.000 người lâm vào cảnh vô gia cư, đa số không có thể hồi hương lập nghiệp mà sống bất định tại 117 trại tập trung cứu trợ trong thành phố. Số thiệt hại của lực lượng Cảnh sát là 447 người chết, 758 bị thương và 157 người mất tích.
Tổn thất về phía MTGPMN nặng nề hơn, Tướng Trần Văn Trà đã thú nhận là “… ta không đánh giá đúng về tương quan lực lượng ta địch cụ thể lúc ấy, không thấy hết khả năng còn lớn của địch và điều kiện còn hạn chế của ta, đề ra yêu cầu quá cao sức thực tế ta có…”
Sai lầm này cuả MTGPMN làm cho khoảng 32.000 thiệt mạng (có tài liệu khác cho là trên 44.000 hoặc dưới 58.000), 64.000 bị thương và 5.800 người khác bị bắt. Nguyên nhân chính của thảm hoạ này là vì dân thành phố không hướng ứng nổi dậy, phần lớn ủng hộ chính quyền VNCH, phần khác có thái độ trung dung, chỉ tìm cách tránh thiệt hại trong các cuôc giao tranh. Nhưng quan trọng nhất là sự chống trả anh dũng của QLVNCH và tệ hại nhất là vì các du kích quân không thông thạo địa hình thánh phố khi tháo chạy.
Hậu quả là chẳng những tinh thần dân chúng nông thôn mà cả thành phố bắt đầu sa sút và ý thức về nguy cơ sống còn sau chiến cuộc. Tình hình kinh tế miền Nam tệ hại hơn: mưu sinh khó khăn, lạm phát làm cho các mặt hàng hóa lên giá không lường được và chính phủ cũng bất lực trong việc kiểm soát. Ngược lại, đại đa số thanh thiếu niên tại các thành phố có tinh thần chống Cộng hơn; họ tham gia các phong trào cứu trợ nạn nhân chiến tranh hay nhân dân tự vệ.
Uy tín chính trị của MTGPMN xuống thảm hại vì không còn chiêu dụ kháng chiến quân ở nông thôn vì dân bỏ ra thành thị sinh sống; cán bộ cho cơ sở nội thành thưa thớt; các người thân Cộng bị lộ, nên họ phải rút ra bưng. Nguyễn Văn Linh thú nhận là các cơ sở nội thành bị tiêu diệt hay vỡ nhiều mảng. Cơ sở ngoại thành cũng bị quét sạch vì kế hoạch bình định cấp tốc. Bộ Chỉ huy Thành ủy phải trốn tránh và mất 1 năm 28 ngày mới tới được căn cứ.
Dù lui về các căn cứ, nhưng MTGPMN cũng không còn đựợc yên thân vì bị lực lượng quân sự Mỹ Việt truy kích ráo riết, nên thiệt hại nặng nề. Cuối tháng 9 năm 1968, CSVN đã ngừng hoạt động quân sự vì bị tiêu hao và bổ sung không kịp. Tiếp tế khó khăn nhất là ở Tây nguyên, nên giữa năm 1969 lương thực chỉ đủ nuôi bộ đội trong khoảng một tuần. Do đó, CSBV đã phải điều động một sư đoàn và các đơn vị không tác chiến khác “tập kết lần thứ hai”ra Bắc. Thực lực quân sự của MTGPMN không còn và lệ thuộc hoàn toàn vào sự điều động của QĐNDVN.
Dù đại bại về quân sự, nhưng chiến cuộc Tết Mậu Thân đã đem lại thành công chiến lựợc cho CSBV tạo nhiều phản ứng kinh hoàng trong chính trưòng và dân chúng Mỹ, đánh dấu một điểm chuyển biến mới làm bất lợi cho phiá VNCH trong mặt trận truyền thông quốc tế.
1968: Annus horribilis (Năm kinh hoàng) cho chính quyền và công luận Mỹ
Sợ hãi lan rộng
Như thường lệ vào buổi cơm tối của gia đình, dân chúng Mỹ đang xem tin tức thế giới trong ngày 31 tháng Giêng năm 1968 trước màn kính truyền hình. Đột nhiên, các hình ảnh kinh hoàng hiện ra: Toà Đại Sứ Mỹ bị đột kích đẩm máu; thành phố Sài gòn với cảnh hai phe đánh cận chiến trên từng gốc phố, nhà cửa cháy rụi, dân chúng chạy tán loạn và người xác đầy trên đường phố. Kinh khiếp nhất là cảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Lực lượng Cảnh Sát, xử tử Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp), ngay tại ngả tư đường Ngô Gia Tự và Sư Vạn Hạnh, gần chùa Ấn Quang. Hình ảnh này được Eddie Addams, một phóng viên Mỹ, chụp đúng lúc và ký giả quốc tế đã đưa lên các phương tiện truyền thông; thế giới khinh bỉ lên án ông Loan là “vi phạm công ước Genève về tù binh” và “tội phạm chiến tranh”.
Thực ra, các hình ảnh khác còn thương tâm hơn mà báo chí và công luận thế giới trước đó và sau này không biết đến, đó là Bảy Lốp, một hung thủ đã giết nhiều thường dân vô tội, đặc biệt nhất là toàn gia đình của Trung Tá Nguyễn Tuân, một sĩ quan tùy viên của tướng Loan, trong đó có một người mẹ 80 tuổi. Phản ứng trả thù của Tướng Loan làm cho dân chúng Mỹ phẩn nộ, gây tác động lâu dài trong tâm trí mọi người là phía VNCH quá tàn nhẫn. Nhưng quan trọng hơn, họ tự hỏi tại sao Toà Đại Sứ uy nghi và Sài Gòn hoa lệ không còn an ninh nửa, trong khi con em của họ đang đem sinh mạng ra để ngày đêm bảo vệ cho VNCH và luôn tin là ngày chiến thắng Cộng Sản đã gần kề.
Ngạc nhiên trước biến cố này, Tổng thống Johnson tìm cách xoa dịu lòng căm phẩn của công luận khi tuyên bố là các phản công của các lực lượng Mỹ Việt đã có hiệu quả. Johnson càng trấn an thì càng vô hiệu, khi các phóng viên chiến trường gởi tới tấp các bài tường thuật sống động với tràn ngập các hình ảnh của Sài Gòn đẩm máu là khả tín hơn. Uy tín của Johnson xuống thấp từng ngày và đa số bắt đầu bất tín nhiệm ông trong vai trò Tổng Thống. Thăm dò dư luận cuối tháng Hai năm 1968 cho thấy chỉ còn 32 % dân chúng là ủng hộ Mỹ tiếp tục tham chiến.
Suốt ba năm trước đó, Johnson luôn giải thích là VNCH đang kiểm soát được tình hình, loại CSBV ra khỏi vòng chiến, các biện pháp leo thang chiến tranh sẽ giúp cho Mỹ sớm kết thúc chiến tranh, mọi tiến triến không thể đảo ngược và kẻ thù sẽ bị đánh bại. Tướng Westmoreland cho là QLVNCH rất kiên cường và chính phủ VNCH có nhiều hiệu năng, nhưng cả hai cần kết hợp hơn để gia tăng kiểm soát các khu vực nông thôn, đây chính là phương sách buộc MTGPMN đang suy yếu phải đầu hàng.
Vào mùa thu năm 1967, Tướng Westmoreland đã đề nghị tăng thêm quân số, nhưng không hề tiết lộ chi tiết. Tháng Hai năm 1968, ông yêu cầu mở thêm các cuộc hành quân phá vỡ các cứ điểm của CSBV dọc theo đường mòn Hồ chí Minh, song hành với việc không kích miền Bắc. Tài liệu giải mật về sau hé lộ là ngày 13 tháng Hai năm 1968, Bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận tăng 10.500 quân, con số quá ít so với yêu cầu.
Tại Washington, Tướng Earle G. Wheeler, Tham Mưu Trưởng Liên Quân Bộ Quốc Phòng, chuẩn nhận mọi kế hoạch của Tướng Westmoreland, vì việc huy động các lực lưong trứ bị của Mỹ bị được đề ra từ năm 1967, nhưng còn chờ Johnson chấp thuận.
Để thuyết phục Johnson về một binh pháp mới cho Việt Nam, ngày 21 tháng Hai năm 1968, Tướng Wheeler đến Sài gòn để tham khảo ý kiến với Tướng Westmoreland. Sau khi quan sát về thành quả của QLVNCH trong chiến cuộc Mậu Thân, cả hai đồng thuận là quân số phải tăng thêm 206.000 người, nhưng quan điểm của Tướng Wheeler không quá lạc quan như Tướng Westmoreland.
Khi báo cáo với Tổng thống Johnson, Tướng Wheeler dè dặt cho là tương lai có nhiều triển vọng, nhưng cũng đầy nguy hiểm. Dù đối phương thất bại nặng nề, nhưng nếu khả năng hồi phục nhanh chóng và tinh thần chiến đấu còn cao, thì một cuộc tấn công mới là có thể xảy ra, dù là chuyện khan hiếm. Ông cảnh báo về một thái độ kiên quyết trong việc đòi thêm quân số. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng McNamara không chấp thuận và Tổng thống Johnson cũng không dứt khoát
Trong dịp này, Bộ Quốc Phòng cũng thảo luận về triển vọng các cuộc không kích Hà Nội, Hải Phòng và các hệ thông đê điều của miền Bắc. Johnson bác bò các đòi hỏi này và nhất là việc huy động lực lượng trừ bị. Cuối cùng, Tướng Wheeler trình bày để cho Johnson chung quyết: Nếu Tổng thống không chấp thuận tăng 206.000 quân, thì cuộc chiến sẽ còn kéo dài và Mỹ sẽ có nguy cơ thảm bại; nếu chấp thuận tăng quân, thì Mỹ phải huy động lực lượng trừ bị và mở rộng chiến tranh. Báo cáo của Tướng Wheeler có tác dụng như một quả bom cho Toà Bạch Ốc.
Từ 1 tháng Ba năm 1968, Clark M. Cliiford đảm nhiệm chức vụ Tổng trưởng Quốc Phòng thay cho Mac Namara. Ngay sau khi nhận được đề nghị của Tướng Westmorland, ông thấy có khó khăn khi duyệt xét, nhất là không thể biết được mức độ gia tăng quân số và khả năng phòng thủ của đối phương.
Trong khi họp bàn, Bộ Quốc Phòng còn đề nghị một chiến lược mới: Để tìm một lối thoát danh dự, Mỹ sẽ trang bị thêm, giao trọn việc chiến đấu cho QLVNCH và chỉ bảo vệ các thành phố. Cùng lúc, Mỹ tuần tự rút quân và thúc đẩy cho VNCH chịu hoà đàm. Đó là các tiền đề mà sau này Richard Nixon và Henry Kissinger kế tục.
Đứng trước một tình huống nan giải, Johnson cố giử cho Mỹ thiệt hại ở mức tối thiểu. Trong phiên họp hai ngày 4 và 5 tháng Ba năm 1968, Johnson chấp thuận là Bộ Quốc Phòng cần phải nghiên cứu chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh, tạm thời tăng quân số với 22.000 và triển khai các sáng kiến về hoà đàm của Ngoại trưởng Dean Rush. Làm như vậy, Johnson cố tình kéo dài, nhưng Johnson lầm vì các chính biến dồn dập kinh hoàng cho nước Mỹ trong suốt năm 1968.
Ngày 10 tháng Ba năm 1968, New York Times tung tin là “Tướng Westmoreland xin thêm 206.000 quân”, gây sôi nổi trong công luận và quốc hội. Để làm sáng tỏ vấn đề, Ngoại trưởng Dean Rush phải ra điều trần tại Thượng viện và công luận có dịp theo dõi nội dung qua trực tiếp truyền hình, tuy nhiên ông không thuyết phục được cả hai. Các dân biểu Quốc hội có một nghị quyết với một tỷ lệ 139 trong tổng số 400, nội dung đòi hòi là phải có một việc duyệt xét toàn diện chương trình tham chiến của Mỹ tại Việt Nam.
Khi sợ hãi lan rộng, mọi kế hoạch của chính quyền Mỹ luôn bị nghi ngờ, nhất là khó tìm ra ý nghĩa đích thực và quyền lợi sinh tử của Mỹ trong việc thực hiện kế hoạch này, trong khi ảnh hưởng kinh tế và tài chánh của chiến cuộc trở thành một đề tài sôi động.
Biến động thị trường tiền tệ quốc tế
Trước đây, theo Thoả uớc Breeton Woods từ tháng Sáu năm 1944, tất cả các nước châu Âu, ngoại trừ Pháp, có một nguyên tắc bảo đảm về dự trữ tiền tệ mà các Ngân hàng Trung ương đồng thuận là không sử dụng cách đổi tiền Đô là Mỹ thành vàng; tương thuận này không ảnh hưởng đến các giao hoán trong lĩnh vực tư nhân.
Vào đầu năm 1968, chiến tranh Việt Nam tác động thị trường khi giá trị của đồng Đô la trên thị trường tài chính quốc tế giảm trong khi thị trường lãi xuất tăng cao. Tình thế đạt tới cao điểm vào ngày 14 tháng Ba năm 1968, khi các ngân hàng thương mại châu Âu bán ra 370 triệu Đô la để đổi lấy vàng, kể cả Banque de France cũng bị ảnh hưởng đến khối lượng ngoại tệ dự trử.
Do áp lực của Qũy Dự trử Liên bang, Johnson không còn cách nào khác hơn là cho đình chỉ áp dụng nguyên tắc bảo đảm đổi Đô la thành vàng. Johnson phải báo động cho các Ngân hàng Trung ương châu Âu về viễn tượng sụp đổ cuả hệ thống tiền tệ thế giới, mà mức tác hại về chính trị còn trầm trọng hơn là khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 1929. Dù là một quyết định nhất thời, nhưng lại có giá trị biểu tượng là Mỹ không còn đủ khả năng đảm nhiệm các thanh toán quốc tế. Điều này có nghĩa là Mỹ không còn thống trị nền kinh tế thế giới mà khiếm hụt ngân sách do chiến tranh Việt Nam cũng góp phần.
Khiếm hụt ngân sách tăng cao
Nuôi quân Mỹ và kinh viện cho Việt Nam thành một áp lực nặng nề cho ngân sách. Riêng trong năm 1967 kinh phí quốc phòng đã lên đến mức kỷ lục là 20,3 tỷ Đô la và mức bội chi cho chương trình Great Society nhằm phục hồi kinh tế nội địa và phát triển cơ sở xã hội hạ tầng gây lo ngại nhiều hơn. Tình trạng khiếm hụt ngân sách của năm 1967 là 9 tỳ và dự đoán là sẽ lên đến khoảng 25 đến 28 tỷ trong năm 1968. Johnson buộc phải đề nghị tăng thu thuế 10% và kiểm soát gắt gao hơn các biện pháp chi ngân sách.
Các chuyên gia kinh tế ý thức về tầm vóc tác hại của khủng hoảng vàng cho Mỹ trong trường kỳ. Đối với dân chúng, hiệu ứng trên thị trường vàng không quan trọng bằng khiếm hụt ngân sách, tình trạng sẽ làm cho chính quyền phải tăng thuế. Cuối cùng, một thoả hiệp với Quốc hội đạt đuợc là giảm chi cho chương trình Great Society là 6 tỷ Đô la và tăng thuế ít hơn.
Không giải pháp cho Việt Nam
Để tham khảo vấn đề chiến tranh Việt Nam, ngày 26 tháng Ba năm 1968, Johnson triệu tập một phiên họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia mở rộng; trong số khách mời tham dự này còn có Mc Georg Bundy, Georg Ball và Dean Acheson, ba khuôn mặt có uy tín nhất của Mỹ. Từ năm 1967, ba ông đã công khai ủng hộ Johnson không kích miền Bắc và viện trợ quân sự cho miền Nam. Qua lần triệu tập này, Johnson hy vọng được họ tiếp tục hỗ trợ.
Acheson, nổi danh là người đề ra chương trình tái thiết hậu chiến với Kế hoạch Marshall và Hoc thuyết Truman nhằm củng cố vai trò của Mỹ tại châu Âu và Nhật Bản, ông cảm thấy các công trình của Mỹ đang bị de dọa trước tình hình mới. Đối với Việt Nam, Acheson là ngoại trưởng Mỹ công nhận chế độ Bảo Đại và khởi động cho việc tái thiết Việt Nam trong thời kỳ xây dựng quốc gia. Nhưng ông nhận thấy nay tình hình khác hẳn so với trước đây và các thử nghiệm tại Việt Nam về việc thành lập quốc gia hoàn toàn thất bại.
Kể từ tháng Ba, cả ba đã nhận ra nhiều yếu tố ủng hộ cho Johnson không còn: sau chiến cuộc Mậu Thân thì áp lực của giới phản chiến lên cao, chia rẽ trong Đảng Dân Chủ nặng nề; Quốc hội và công luận chống đối chính quyền rõ rệt; Mỹ suy yếu trong việc lãnh đạo nền kinh tế thế giới và áp lực giới tài phiệt thuộc Wall Street mạnh hơn.
Trước tình hình này, ngày 31 tháng Ba năm 1968, Johnson đọc một bài diễn văn bày tỏ thiện chí trước truyền hình với nội dung là sẽ chấp nhận hoà đàm không điều kiện: Mỹ sẽ ngưng oanh tạc miền Bắc từ vĩ tuyến 20. Nếu Hà Nội phản ứng tích cực, ông sẽ bỏ hẳn việc ném bom miền Bắc. Dù không đề cập đến vấn đề giảm quân số Mỹ đồn trú tại Việt Nam, nhưng ông không cho leo thang chiến tranh và sẽ không ra tranh cử. Ông tuyên bố: “Accordingly, I shall not seek and I will not accept the nomination of my party for another term as your President.” Nhin toàn diện, Johnson muốn rời khỏi chính trường và cũng không có giải pháp nào cho Việt Nam. Trong khi Johnson còn chờ đợi Hà Nội phản ứng, thì một loạt biến động kinh hoàng cho nước Mỹ trong năm 1968.
Động loạn xã hội liên tục
Ngày 16 tháng 3 năm 1968 thảm sát Mỹ Lai gây kinh động cho lương tâm dân chúng Mỹ: Trung uý William Calley hướng dẫn một toán lính Mỹ hành quân, lục soát và giết khoảng 200 dân làng tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; tất cả nạn nhân là trẻ con, phụ nử và ngưòi già. Đây là một biểu tượng thương tâm nhất về tội ác cuả Mỹ tại Việt Nam, tạo thành một hình ảnh đối kháng rõ rệt giữa lính Mỹ và người Việt, không phân biệt chiến tuyến. CSBV cũng vi phạm luật thời chiến trong việc bảo vệ thường dân, nhưng truyền thông Mỹ ít quan tâm. Ngược lại, thảm sát Mỹ Lai, dù về sau mới được phát hiện và Mỹ có đem ra toà án, nhưng được truyền thông khai thác triệt để nên gây bất lợi cho chính quyền Mỹ trong việc phát huy chính nghĩa yểm trợ cho VNCH.
Ngày 4 tháng Tư năm 1968, James Earl Ray ám sát Mục sư Martin Luther King jr. tại Memphis, Tennessee làm cho làn sóng sinh viên chống đối kỳ thị chủng tộc lan rộng, khởi đầu từ Đại học Berkely, sau đó đến New York và Columbia và Harvard. Cành đốt xe, đốt nhà và hôi của tại các cửa tiệm tại Washington và hàng trăm thành phố khác là hình ảnh tang thương rõ nét. Hai sinh viên da đen thuộc Đại học South Calorina đã bị cảnh sát bắn chết trong cuộc biểu tình. Tổ chức cực đoan Black Panther có nhiều trận giao tranh với cảnh sát tại các thành phố Oakland, California, Cleveland và Ohio. Tình hình trầm trọng hơn làm cho chính quyền phải ra lịnh giới nghiêm. Tổng số có 38 người chết, 3000 người bị bắt và thiệt hại vật chất là 14 triệu Đô la.
Ngày 6 tháng Sáu 1968, Sirhan Sirhan, một người nhập cư gốc Palestine bịnh tâm thần, giết Nghị sĩ Robert F. Kennedy tại khách sạn Ambassador thuộc Los Angeles. Trước đó, trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ tại Indiana và Nebraska, Robert Kennedy thắng Eugene MacCarthy; tại California, Robert Kennedy thắng với tỳ lệ 46% so với MacCarthy là 42%, chỉ thua ở Oregon, kết qủa cho thấy là triển vọng thắng cử là thực tế, một hy vọng cho phe chống chiến tranh Việt Nam. Nội tình Đảng Dân chủ bất ổn sau cái chết đột ngột này và dân chúng biểu tình lan tràn trong cả nước.
Ngày 28 tháng 8 năm 1968 trong cuộc vận động tranh cử của Đàng Dân chủ tại Chicago gây xung đột đẩm máu giửa cảnh sát với nhóm sinh viên phản chiến Youth International Party (Yippies), một lực lưọng thuộc Students for a Democratic Society (SDS) làm cho hàng trăm cảnh sát và hơn 800 người bị thương; gần 700 người vào tù trong đó có nhiều phóng viên.
Nội tình nước Mỹ cưc kỳ rối rắm, nên truyền thông Mỹ không còn quan tâm nhiều đến hậu quả của chiến cuộc Mậu Thân như trước, mà chủ yếu là đòi Mỹ rút quân và ngưng viện trợ cho miền Nam, một bất lợi về ngoại vận cho phiá VNCH. New York Times, Boston Globe và Newsweek là ba biểu tượng truyền thông chính chống đối mãnh liệt chiến tranh Việt Nam trong thời gian này.
Khi Johnson còn đang hoang mang với nhiều bế tắc, thì ông lại ngạc nhiên khi thấy Hà Nội phản ứng tích cực trước bài diễn văn ngày 31 tháng Ba năm 1968 khi tỏ ý tham gia hoà hội Paris; Hà Nội giúp ông tìm ra một chiến lược mới phù hợp hơn cho tình thế.
Hoà hội Paris trì trệ: Vừa đánh vừa đàm
Hai tháng sau, hoà đàm Paris bắt đầu trước sự quan tâm của báo chí và công luận thế giới. Ngay từ đầu, cả hai phe CSBV và Hoa Kỳ còn đang trông chờ tin vui chiến trựòng, mà họ cho là một giải pháp ưu tiên, nên không ai bị áp lực về thời gian và thung dung tiếp tục vừa đánh vừa đàm. Cả hai phe không đề ra một giải pháp cụ thể nào cho việc chấm dứt chiến tranh trong khi các vấn đề phụ thuộc lại chiếm nhiều thời gian trong nghị trình đàm phán. Đó là việc sắp bàn hội nghị theo hình tròn hay vuông hay song song, một vấn đề để công nhận cho VNCH và MTGPMN tham gia hội nghị, mà cả hai còn có nhiều quan điểm dị biệt.
Trong giai đoạn này thì vừa đánh vừa đàm là một giải pháp thích hợp nhất cho Hà Nội. Thực ra, chiến lược này không mới lạ, vì từ đầu tháng Giêng năm 1967, Bộ Chính trị và Hội nghị lần thứ 13 đã chấp nhận lối vừa đánh vừa đàm để mở đường cho tuyên ngôn của Nguyễn Duy Trinh ngày 27 tháng Giêng năm 1967.
Nhưng quyết định của Mỹ ngưng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở lên là một thuận lợi tâm lý cho miền Bắc hơn trong khi họ tìm cách chỉnh đốn lại cho cơ sở hậu phương. Thảm bại Mậu Thân làm cho tinh thần binh sĩ xuống đến cực điểm. Với quân số còn lại khoảng 100.000 và với khối lượng viện trợ quân sự của Liên Xô còn tương đối hùng hậu, đó chính là lý do mà Hà Nội còn cho là may mắn, nên họ không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Tâm lý của Johnson cũng tương tự. Johnson vẫn chưa nghĩ tới chuyện rút quân và còn hy vọng về một chiến thắng quân sự, nhất là không muốn ô danh lịch sử là một Tổng Thống bại trận. Thực ra, chấm dứt ném bom từ vĩ tuyến 20 trở lên cũng không có kết quả khả quan vì đang trong những tháng có gió mùa và đầy sương mù. Nhưng bù lại, ông tăng việc ném bom gấp ba lần ở các khu vực do MTGPMN kiểm soát. Việc truy tầm và diệt Cộng trong hai tháng Ba và Tư năm 1969 tại ngoại thành Sài gòn do các cuộc hành quân bằng bộ binh ở miền Nam cũng có trên 100.000 binh sĩ Mỹ tham gia. Johnson không chủ trương ném bom các căn cứ địa của MTGPMN ở Miên và Lào cũng như miền Bắc trong thời điểm này, về sau nhìn lại, đó là một sai lầm của Johnson.
Trong khi Tướng Westmoreland còn đang thử nghiệm việc sử dụng nhiều đơn vị chiến đấu trong quy mô lớn hơn mà chiến cuộc Mậu Thân là một bài học, thì ngày 22 tháng Ba năm 1968, Johnson quyết định bổ nhiệm Tướng Creighton W. Abrams sẽ thay thế Tướng Westmoreland. Để chiến đấu hữu hiệu hơn, Abrams thay đổi triệt để chiến lược: đội hình quân lực Mỹ sẽ trở thành hình thức đơn vị nhỏ hơn; lập các đơn vị cơ động để đánh cận chiến trong các làng xã, đồng ruộng, núi đồi và vùng sình lầy.
Chiến dịch Phượng Hoàng và Bình Định cấp tốc
Song song với việc thay đổi binh pháp này, Mỹ bắt đầu huấn luyện cho phía VNCH cách tiêu diệt các cán bộ Cộng Sản nằm vùng qua chiến dịch Phượng Hoàng, một chương trình do William Colby và Robert Komer điều động, dù cực kỳ đẩm máu nhưng thành công vượt bực. VNCH mở rộng vùng kiểm soát làm cho tiềm lực của MTGPMN suy yếu hơn. Tình hình an ninh tại nông thôn cải thiện rõ rệt, nhất là từ khi có Chương trình Bình Định Nông thôn cấp tốc bổ sung.
Thực ra, các Chương trình Ấp Tân Sinh và Chiến Lươc là một kế hoạch của Robert Bob Thompson, một chuyên viên chống du kích người Anh đề ra, đã có từ năm 1959 do Tổng thống Ngô Đình Diệm áp dụng, với mục tiêu chính là gia tăng kiểm soát dân chúng tại nông thôn, nhưng kết qủa không khả quan.
Đến năm 1966, giới lãnh đạo Mỹ triển khai Chương trình Xây dựng Nông thôn (XDNT), một chiến lược và chiến thuật giống như của MTGPMN. Cụ thể là một toán cán bộ khoảng 59 người sẽ thâm nhập từng làng theo hình thức cùng ăn, cùng ở và cùng làm với dân chúng, để tìm cách đem lại an ninh cho xóm làng, một điều kiện đầu tiên cho phát triển kinh tế và thiện cảm chính trị cho chế độ VNCH.
Thành quả của các Chương trình XDNT thật là dị biệt. Vì thời gian đào tạo quá ngắn và địa bàn công tác luôn bị thay đổi, các cán bộ XDNT còn có khó khăn trong đấu tranh chính trị với phía MTGPMN và họ luôn tìm cách tấn công liên tục. Nếu năm 1967 hoạt động của các toán XDNT tỏ ra hiệu năng thì chiến cuộc Mậu Thân làm cho 79 cán bộ bị tử thương, 111 bị thương, và 845 mất tích. Số thiệt hại này làm hỏng phần nào các thành quả. Vào cuối tháng 2 năm 1968, chỉ còn 278 toán XDNT hoạt động tại các xã ấp, và 245 toán khác phải rút về lo việc an ninh các thị trấn và thị xã.
Từ đầu hè 1968, cả hai Chương trình Phượng Hoàng và Bình Định cấp tốc hoạt động khởi sắc làm cho MTGPMN tê liệt hoàn toàn. Hành vi tiêu diệt cán bộ Cộng sản nằm vùng quá đẩm máu, nên cũng gây tác động tuyên truyền có lợi cho phiá MTGPMN, nhất là trong số nạn nhân cũng có những thành phần thuần túy dân sự và đối lập chính trị với chính quyền của Tổng thống Thiệu. Đến năm 1971, 28000 du kích quân bị tử thương, 20.000 bị thương và 17.000 chiêu hồi.
Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, ngoài việc tăng cường không kích tại các căn cứ của MTGPMN tại miền Nam và mở rộng hoạt động của chương trình Phượng Hoàng, Johnson còn khởi động việc Việt Nam Hoá chiến tranh: Quân số của QLVNCH tăng từ 685.000 lên đến 800.000; các chương trình huấn luyện quân sự được cải thiện và trang bị nhiều vũ khí tối tân. Nếu QLVNCH gia tăng quân số thì việc đào ngủ cũng là vấn đề, vì trong năm 1968 con số lên đến trên 100.000 người.
Lần đầu tiên Tướng Abrams đề nghị phối hợp hành quân Việt Mỹ để giúp cho QLVNCH làm quen với binh pháp mới và vũ khí tối tân. Phía Mỹ tỏ ra thất vọng về thiện chí hợp tác của QLVNCH vỉ tinh thần binh sĩ đang bắt đầu hoang mang về một chính sách tạm bợ của Washington. Tổng thống Thiệu không tin thiện chí của CSBV, tâm lý bị Đồng Minh phản bội càng làm cho ông không quan tâm giải pháp hoà giải, nhưng ông cũng không có một đối sách nào thích hợp, trong khi dân chúng ngóng chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cuộc bầu cử tổng thống
Mùa vận động sơ bộ để tranh cử tổng thống làm nội tình Đảng Dân chủ giao động. New Hampshire chọn Nghị sĩ Eugene McCarthy đạt tỷ lệ 42% số phiếu, một kết quả vang động ngạc nhiên dành cho một ứng viên chưa nổi tiếng, gây nhiều tranh luận trong Đảng. Mấy ngày sau, Nghị sĩ nổi danh là Robert Kennedy tuyên bố ra tranh cử. Quyết định của cả hai thuộc Đảng Dân chủ làm cho Johnson gặp khó khăn hơn.
Vào giờ chót, Đảng Dân Chủ đề cử Hubert Humphrey ra tranh chức vụ Tổng thống. Ông tuyên bố sẽ kế tục chính sách của Johnson. Đảng Cộng Hoà đưa Richard Nixon ra tranh cử; Nixon nổi danh là thành phần chống cộng cực đoan trong những năm 1950 và cũng tiếp tục tuyên chiến với CSBV. Đối với cử tri chỉ có hai giải pháp là chủ hoà hay chủ chiến, nhưng Nixon gây ngạc nhiên cho công luận hơn khi ông tuyên bố là có mật kế để kết thúc chiến tranh. Khi bị ký giả hỏi về chi tiết, ông từ chối thổ lộ. Humphrey cũng lần lượt từ bỏ chính sách của Johnson. Thăm dò dư luận cho rằng Humphrey phải chứng minh kết quả cụ thể của các cuộc hoà đàm. Cả hai Nixon và Humphrey đều tỏ ra dịu dọng trước công luận trong vấn đề Việt Nam.
Lần cuối cùng, Johnson muốn chứng minh thành quả của mình. Ngày 31 tháng Mười, Johnson tuyên bố sẽ có thương thuyết bốn bên và chấm dứt ném bom toàn miền Bắc. Sau khi bị Liên Xô đã tạo áp lực nặng nề, nên Hà Nội chịu thương thuyết nghiêm chỉnh. Kết qủa thăm dò dư luận nghiêng hẳn về phiá Nixon: Đa số theo Đảng Cộng Hoà đều đồng ý mở rộng chiến cuộc, trong khi 49% Đảng viên Dân chủ cũng đồng thuận cho việc gia tăng chiến tranh; 59 % giới trẻ cử tri từ 20 cho đến 29 tuổi đồng ý tiếp tục chiến cuộc. Dù thuận theo việc leo thang chiến tranh, nhưng 3/4 dân chúng muốn có hoà bình bằng thoả hiệp ngoại giao, mà không nhất thiết bắng thắng hay bại quân sự.
Về sau, Seymour Hersch và Christopher Hitchens cáo giác rằng trong chuyến đi Paris ngày 18 đến 22 tháng 9 Henry Kissinger nhận được mật tin về cơ hội tái lập hoà bình cho Việt Nam mà Averell W. Harriman và Cyrus Vance đã dày công chuẩn bị và trao lại cho Nixon. Qua trung gian là Anna Chennault, Nixon cho Tổng Thống Thiệu biết là khi thắng cử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho VNCH thương thuyết hơn là Đảng Dân chủ. Tông Thống Thiệu vốn dĩ không tin giải pháp hoà đàm, nhưng tin Nixon, nên ông không cử người tham dự hoà hội Paris.
Theo Naill Ferguson, cáo giác là không có bằng chứng, vì lúc đó Kissinger không có điều kiện để thu thập nguồn tin về diễn tiến hoà đàm Paris và cũng chưa hợp tác với Nixon. Thái độ nghi ngờ của Tổng Thông Thiệu về thiện chí hoà đàm của CSBV là hợp lý và độc lập. Ngay trước khi bài diễn văn của Johnson được phát hình, Tổng Thống Thiệu đã phản ứng ngay với Đại Sứ Bunker về kế hoạch của Johnson; ngày 2 tháng Mười Một, ông đến Quốc hội VNCH để thông báo quyết định này và được nhiệt liệt ủng hộ. Kissinger và Nixon không hề can thiệp vào quyết định tẩy chay hòa hội của Tổng Thống Thiệu.
Mọi tình toán của Johnson thành sai lạc, việc chấm dứt ném bom chỉ còn còn là một thủ thuật trong lúc vận động tranh cử. Nixon thắng với 43,4%, Humphrey thua với 42,7% và Wallace với 13,5%. Thực ra, đó là một kết quả khá khích khao khi Nixon không hề có mật kế nào để kết thúc chiến tranh. Kissinger cũng ngạc nhiên trước chiến thắng này của Nixon. Cả hai không thích gì nhau, nhưng cuối cùng cũng tìm cách hợp tác và một bi kịch mới cho Việt Nam bắt đầu: Mỹ ký kết Hiệp Định Paris để rút quân và phản bội VNCH.
Còn tiếp…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét