Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

2411 - Đừng bài xích: U23, Formosa hay là cấm đậu xe 5 phút

Ánh Liên (VNTB)


 Không kỳ thị, không bài xích chiến thắng U23, mà thay vào đó, hãy hoan nghênh nó, và hy vọng một mai, Việt Nam sẽ là một nước mà dân số yêu thể thao, ghét chiến tranh, đam mê tìm hiểu xã hội, và luôn tò mò về chính trị.

Một gia đình trở về nhà lúc đã sang ngày mới sau một đêm cuồng nhiệt với U23 tại khu trung tâm Q.1 - Ảnh: THUẬN THẮNG
Những ngày qua mạng xã hội và hệ thống báo đài Việt Nam tràn ngập tin tức về U23 cũng như bước tiến mang tính lịch sử khi vào trận Chung kết cúp U23 Á châu.

Niềm tự hào không những thể hiện rõ thông qua đổi avatar facebook, những phản hồi (comment) mang tính tích cực, hàng trăm ngàn lượt thích (like), chia sẻ (share) video ghi bàn của đội tuyển U23 Việt Nam,... mà còn hiện diện ngay trong đời sống thực khi hàng vạn chiếc xe chạy 'bão' tại những thành phố lớn, những lá cờ đỏ phất cao tại quảng trường Nguyễn Huệ (Tp. Hồ Chí Minh) hay quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Tp. Hà Nội),...

Thậm chí báo Nhân Dân (phiên bản tiếng Việt) còn lột tả chiến thắng của U23 Việt Nam qua tựa bài viết: Thế nước mạnh, vận nước lên!.

Tạm rời không khí sôi động do môn bóng đá vua mang lại, hãy trở lại với ngày 23.01 (ngày mà U23 Việt Nam thắng pen 4-3), thì tại thôn Vân Đông, xã Quảng Hải (Tx. Ba Đồn, tỉnh Quảng Ninh) - bà con đã xuống đường để đòi quyền lợi về bồi thường thiệt hại cho mình. Lý do, theo Linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh (phụ trách xứ Vân Đồn), cho biết: 'Cả xã Quảng Hải làm danh sách để chi trả tiền bồi thường làm sao đó mà nhiều người không được, một số không nhận đủ số tiền của họ, người ở đó chủ yếu làm nghề trên sông làm rớ và đánh bắt'.

Tất nhiên, hình ảnh biểu tình đòi quyền lợi của bà con thôn Vân Đông đã chìm trong cơn bão mang tên U23.

Ngày 25.01, trước ngày U23 xông trận, tin tức U23 tiếp tục nóng lên,... nhiều bài viết chia sẻ quan điểm gia đình các cầu thủ, về 200 tài khoản Facebook giả mạo cầu thủ và HLV U23 Việt Nam, về những suất chiếu bóng đá tại các quảng trường lớn, về cả thời tiết bất lợi cho đội tuyển quốc gia khi - Thường Châu (Trung Quốc) nơi diễn ra trận đấu giữa Việt Nam - Uzbekistan, nhiệt độ đang giảm xuống rất thấp và tuyết bắt đầu rơi.

U23 được khai thác ở mọi góc cạnh. Ảnh: chụp màn hình báo TTO
Nhiều trang tin có lượt truy cập lớn tại Việt Nam như Zing, cũng nhanh chóng vào cuộc bằng cách đăng bài phản ánh 'cảnh đẹp ở quê hương HLV Park Hang-seo'; báo Tuổi Trẻ Online không chịu thua bằng bài viết: 'Ngân hàng quê HLV Park Hang Seo mua công ty tài chính Prudential'.

Mọi bài viết về U23 trở thành nguồn kiếm cơm, và là chủ đề nóng số 1 tại Việt Nam lúc bấy giờ. 

Và cũng như cuộc biểu tình đòi quyền lợi của bà con thôn Vân Đông; sự kiện chính thức cắm biển cấm xe dừng quá 5 phút khi qua trạm BOT tại các tỉnh thành cũng chìm trong cơn bão mang tên U23.

Bóng đá không có lỗi, U23 càng không có lỗi, chiến thắng U23 là đáng tự hào cho lịch sử bóng đá nước nhà, là niềm vui chung, là sự hân hoan của hàng triệu tín đồ môn thể thao này.

Nhưng ở đâu đó, vẫn thấy một cảm giác buồn! Buồn vì sự nồng nhiệt bóng đá là ước mơ, khát khao của không ít người. Bởi họ mong rằng, đến một lúc nào đó, dân ta sẽ thể hiện tình yêu lớn như thế đối với chính trị, nỗi đau người dân, và các vấn đề xã hội nổi bật khác một cách lâu dài hơn, lan tỏa rộng hơn.

Sự kiện dựng biển cấm dừng xe 5 phút tại các trạm BOT đã chìm vào cơn bão mang tên U23
Trong một chia sẻ của nhà báo Lê Diễn Đức về bài nghiên cứu của Gs Ørnulf Seippel, (Trường Thể thao học Na Uy), mang tên 'Thể thao và chủ nghĩa dân tộc trong một thế giới toàn cầu hóa' [1] dựa trên dữ liệu thu thập được trong thời kỳ 2006 – 2008 ở 25 quốc gia, từ nước nghèo tới nước giàu, từ phương Đông tới phương Tây. 

Theo đó, trình độ giáo dục và văn hóa có tỷ lệ nghịch với chủ nghĩa dân tộc trong thể thao. Những quốc gia như Thụy Sĩ, Nhật Bản, lòng tự hào dân tộc do thể thao tạo ra thường không cao, và sự tự hào này còn giảm xuống ở nhóm người người có học vị cao hơn. Tương tự như giáo dục, mức thu nhập nhìn chung tỷ lệ nghịch với lòng tự hào dân tộc trong thể thao. Những nước có thu nhập cao hơn ít có xu hướng tự hào dân tộc hơn so với những nước có thu nhập thấp hơn. Hay, tác động của thu nhập tới niềm tự hào thể thao ở những nước giàu hơn thì thấp hơn ở những nước nghèo hơn. Theo đó, lòng tự hào thể thao giữa một người giàu và một người nghèo ở một nước giàu (như Na Uy, Pháp) thường không khác nhau là bao, nhưng ở các nước nghèo hơn (như Philippines) thì sự khác biệt này là lớn hơn.

Kết luận của bài nghiên cứu cho thấy rằng, những quốc gia với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) càng thấp, mức độ dân chủ và toàn cầu hóa về văn hóa càng thấp thì lòng tự hào dân tộc dựa trên thể thao càng cao. Và khi tinh thần thể thao lên cao, 'người dân có vẻ dễ dàng tha thứ cho những điểm xấu mà họ cau mày phê phán trước đó...'

Nghiên cứu nêu trên cũng có thể là lý giải vì sao U23 nổi trội hơn vấn đề Formosa hay là cấm đậu xe 5 phút. 

Không kỳ thị, không bài xích chiến thắng U23, mà thay vào đó, hãy hoan nghênh nó, và hy vọng một mai, Việt Nam sẽ là một nước mà dân số yêu thể thao, ghét chiến tranh, đam mê tìm hiểu xã hội, và luôn tò mò về chính trị.


Đó là những gì cần làm để cân bằng U23, Formosa hay là cấm đậu xe 5 phút cho một Việt Nam bền vững hơn trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét